EMMANUEL – THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

 

Lm Gioan Nguyễn Văn Hoàng, Quản xứ Gx. Phú Thượng, Gp. Đà Nẵng

 

Đêm nay chúng ta mừng Đại Lễ Chúa giáng sinh làm người là một ngày hội, một ngày vui của chúng ta. Ngài đã trở nên con người để mang lại niềm vui chung cho cả nhân loại. Ngài đã gắn kết tình người để dù con người có khác niềm tin, khác quan điểm nhưng chung một sứ điệp bình an mang đến cho nhau trong ngày đại lễ hôm nay. Ngài là Emanuel sẽ ở cùng chúng ta luôn mãi. Ngài hằng mời gọi chúng ta đón nhận Ngài trong từng biến cố cuộc sống, và nhất là trong từng phận người. Ngài đã đồng hóa mình trong thân phận kẻ khó khăn, bất hạnh, cùng khổ. Ngài mời gọi chúng ta hãy đón nhận họ, hãy thi ân cho họ là thi ân cho chính Ngài.

Với chủ đề Giáng Sinh chúng ta hướng về gia đình Thánh có Mẹ Maria Thánh Cả Giuse và Chúa Giêsu. Với chủ đề Năm Phụng vụ mới chúng ta được mời gọi lấy Gia đình Nagiaret làm mẫu gương và nhất là cụ thể hoá bằng việc sống theo tinh thần thư chung HĐGM VN 2013 với những tiêu chí: Gia đình là một cộng đoàn Cầu nguyện, Yêu thương, Phục vụ sự sống và loan báo Tin Mừng

1. Là cộng đoàn cầu nguyện, trước hết mọi người trong gia đình đều biết, yêu mến và thực hành việc cầu nguyện, không chỉ riêng từng người (cầu nguyện riêng tư, cá nhân) mà là chung với mọi người trong nhà.

Ðể trở thành “Cộng đoàn cầu nguyện”, điều đầu tiên gia đình phải có là ý thức mạnh mẽ và sâu sắc về tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống tâm linh của mỗi cá nhân và của cả gia đình. Cầu nguyện nói lên việc con người nhìn nhận mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa là Ðấng Tạo Thành, Chúa Cứu Ðộ và Quan Phòng, là Cha hằng yêu thương quan tâm săn sóc đến con cái mình.

Tiếp đến, mỗi người trong gia đình phải biết cách cầu nguyện riêng và chung, và cả gia đình phải thực hành việc cầu nguyện chung mỗi ngày để thờ phượng, cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa, xin Thiên Chúa thứ tha mọi tội lỗi và thiếu sót của mình và xin Người ban cho những ơn cần thiết khác cho gia đình mình và các gia đình khác, cho Giáo Hội và xã hội. Nhất là trong bối cảnh của xã hội và thế giới hôm nay, trong đó con người có đang xu hướng coi thường đời sống và các giá trị tâm linh, gạt Thiên Chúa ra ngoài lề cuộc sống, cho rằng bằng kỹ thuật khoa học, mình có thể làm được tất cả, giải quyết được mọi vấn đề thì đời sống cầu nguyện trở nên tối cần thiết.

2. Gia đình là một cộng đoàn yêu thương. Quả thật,  nếu thiếu tình yêu thì gia đình là một thảm kịch. Như thánh Gioan tông đồ nói:”Thiên Chúa là tình yêu” vì vậy, căn bản của đời sống gia đình cũng là thực hiện tình yêu thương trong Chúa. Tình yêu đã được  tuôn trào từ Thiên Chúa xuống cho con người, là loài thụ tạo đã được Ngài dựng nên giống hình ảnh Ngài. Và như thế, dĩ nhiên gia đình phải là nơi tích tụ tình yêu ấy, để con người sống, tồn tại, phát triển và tiếp nối công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Nên trong xã hội ngày nay, dù cuộc sống rất bận rộn, nhưng cha mẹ vẫn rất cần dành thời giờ để thương yêu và chia sẻ tình yêu cho nhau và cho con cái. Có những đôi vợ chồng quá lo ‘làm ăn’ mà thiếu thời giờ chia sẻ tình yêu cho nhau, đến khi giầu có về của cải, thì tình yêu lại nghèo đi, và đi đến chỗ đổ vỡ đáng tiếc. Nhìn vào bất cứ một gia đình gia đình nào không hạnh phúc – ta luôn luôn thấy bóng dáng tính ích kỷ của một thành viên nào đó trong gia đình. Chính tính ích kỷ của là nguồn gây nên đau khổ. Nếu sự ích kỷ ấy từ người cha hay người mẹ, thì đau khổ trong nhà sẽ hết sức lớn lao. Gia đình nào càng có nhiều người ích kỷ, gia đình ấy càng bất hạnh. Ngược lại, Gia đình mà càng có nhiều người sống quảng đại, biết hy sinh cho người khác, gia đình ấy càng ít bất hạnh. Một gia đình mà mọi thành viên đều quan tâm, chăm sóc và hy sinh cho nhau, gia đình ấy chắc chắn hạnh phúc.

Thực sự, trong cuộc sống, có biết bao hy sinh lớn nhỏ vợ chồng con cái trong gia đình có thể thực hiện để tỏ lòng yêu thương nhau. Phụ quét cái nhà, rửa cái chén, lau cái xe, tránh một lời nói nặng, ráng ăn một món mình không ưa thích… Hàng trăm điều nhỏ nhặt hằng ngày như thế chắc chắn sẽ là hàng trăm cơ hội để nói lên lòng yêu thương, quan tâm đến nhau, để dẹp đi lòng ích kỷ. Nếu mỗi người trong gia đình luôn biết nuôi dưỡng yêu thương, luôn nghĩ dùm cho người khác, luôn hy sinh vì những thành viên khác, thì hẳn gia đình đó đã có hình ảnh của Thiên đàng. Quả thực, hy sinh là thước đo tình yêu.

1. Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống nghĩa là  được kêu gọi trở nên suối nguồn sự sống và chăm sóc sự sống ấy. Gia đình có trách nhiệm quan trọng nhất đối với sự sống, một sự sống xuất phát từ chính bản tính của mình là cộng đoàn sự sống và tình yêu đặt nền tảng trên hôn nhân – và từ sứ mạng của mình phải chăm sóc, chia sẻ và mạc  khải tình yêu. Chính tình yêu Thiên Chúa can thiệp ở nơi đây, với cha mẹ như là những cộng tác viên và thông dịch viên qua việc trao ban sự sống và giáo dục con cái hợp với kế hoạch của Chúa Cha. Thứ tình yêu này trở nên hành động hiến thân, đón tiếp và đầy lòng biết ơn. Trách nhiệm này của các gia đình ngày nay càng trở nên quan trọng hơn bởi vì những cuộc tấn công khác nhau chống lại sự sống vừa ở trong lòng mẹ vừa ở giai đoạn cuối đời. Điều này được thấy rõ qua những nổ lực của một số người chống lại sự sống hay qua những quyết định của các cơ quan lập pháp hợp thức hóa quyền phá thai và an tử. Chính vì lẻ đó, gia đình phải chu toàn sứ mạng của mình trong suốt cuộc sống của mọi thành viên của mình, từ lúc được thụ thai cho đến lúc chết cách tự nhiên, bởi vì gia đình thật sự là cung thánh của sự sống. Đó là nơi sự sống, một quà tặng của Thiên Chúa, có thể được tiếp  đón và bảo vệ chống lại những cuộc tấn công mà sự sống phải hứng chịu và có thể phát triển theo cung cách của một sự tăng trưởng thật sự xứng hợp với con người. Chính vì lẽ đó, các gia đình đóng một vai trò then chốt trong việc xây dựng một nền văn hóa vì sự sống và không một quốc gia hay tổ chức nào có thể thay thế được.

2. Gia đình là cộng đoàn Loan báo Tin Mừng. Chúng ta biết rằng: Bên giếng Rửa Tội hay trong thánh đường mỗi người (dù lớn hay bé) đều nói lên điều mình ước xin nơi Giáo Hội: “đức tin”. Xin đức tin, tức xin Giáo Hội trao ban Tin Mừng.

Trong Thánh lễ Hôn Phối, hai người phối ngẫu Công Giáo đều là những người đã đón nhận Tin Mừng và có trách nhiệm loan báo Tin Mừng ấy cho người khác lại một lần nữa đón nhận Tin Mừng một cách đặc biệt: Họ đón nhận Tin Mừng về Tình Yêu “Phu Thê” của Chúa Giê-su Ki-tô đối với Giáo Hội. Họ được mời gọi là phản ảnh, là minh họa của Tình Yêu và Mầu nhiệm cao cả ấy. Tình yêu và cuộc sống hôn nhân của hai người được nâng lên bậc Bí Tích là vì thế. Tình yêu và cuộc sống hôn nhân của hai người mang một ý nghĩa cao vời và được Thiên Chúa chúc phúc

Một khi đã đón nhận Tin Mừng, mọi Ki-tô hữu có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho người khác, như lệnh truyền của Chúa Giê-su trước khi về Trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19 – 20).

Trước hết hai vợ chồng có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho nhau: chồng loan báo Tin Mừng cho vợ; vợ loan báo Tin Mừng cho chồng. Kế tiếp hai vợ chồng có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho những người trong gia đình và nhất là cho con cái của mình. Sau nữa hai người có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho những người khác cùng môi trường sinh sống hay lao động và ngoài xã hội.

Hôm nay ngày lễ giáng sinh, là dịp để chúng ta nhắc lại với nhau, Con Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài đang cần chúng ta yêu thương. Ngài đang cần chúng ta giúp đỡ. Ngài đang cần chúng ta đón nhận. Ngài đang cần chúng ta dành cho Ngài cái nôi đón nhận trong sâu thẳm lòng mình. Ngài đang cần chúng ta dành cho Ngài những cọng rơm hy sinh của nhịn nhục, của bác ái vị tha làm ấm áp lòng Ngài. Ngài đang cần chúng ta dành cho Ngài hơi ấm của tình thương chia sẻ với tấm lòng quảng đại, nhiệt thành như các mục đồng năm xưa.

Nguyện xin Ðấng Emanuel chúc lành cho những nghĩa cử yêu thương cùa chúng ta. Nguyện xin Ngài đón nhận những hy sinh nhịn nhục và bác ái vị tha của chúng ta dành cho nhau như là dành cho chính Ngài. Và cầu chúc cho mỗi người chúng ta biết đón nhận nhau như là đón nhận Ðấng Emmanuel ở cùng chúng ta để nhờ đó mà chúng ta biết trao cho nhau những nghĩa cử ấm áp tình người và chan hoà tình nhân ái bao dung. Amen.

Nguồn: hienlanhvakhiemnhuong.blogspot.com