Từ ngày có dịch Virus Covid-19, thế giới lâm vào hàng loạt những xáo trộn chưa từng có. Người ta hình dung ra một bức tranh toàn cảnh khá ảm đạm, khiến tâm lý con người bất an, hoang mang lo sợ, không ai đoán định được tương lai, dù cho với cá nhân hoặc cho toàn thể xã hội. Nào là phong tỏa (mọi người bị nhốt trong nhà đến nỗi muốn nổi loạn), chính trị căng thẳng, mầm mống chiến tranh quy mô lớn, suy thoái kinh tế chỉ ra viễn cảnh một cuộc khủng hoảng, ngân hàng như lung lay, thất nghiệp, bệnh tật, nạn đói đe dọa, y tế tê liệt, thiên tai khốc liệt do thay đổi khí hậu, vấn đề an ninh và an sinh xã hội đè nặng, phát sinh nhiều vấn nạn nhiêu khê, các loại hình dịch vụ bế tắc. Trong tôn giáo và những tổ chức lễ hội, tín ngưỡng, du lịch, văn hóa, thể thao phải ngưng hoạt  động.

Cuộc chiến do Covid-19 hôm nay bước vào thử thách mới do đại dịch đợt 2, con người bàng hoàng trước sự đe dọa từng ngày, từng giờ. Dịch bệnh không kiêng nể ai, từ các đấng bậc, chức sắc, quyền thế, quan tướng, đều như nhau. Nó không miễn trừ cho bất cứ giai cấp, thành phần, sắc tộc, chính kiến, tôn giáo nào. Đây là cuộc tàn sát vô hình, ra đi trong cô đơn, cô độc, không người yêu thương bên cạnh để an ủi, trăng trối, không người thân ở gần để vuốt mắt tiễn đưa…

Với người Kytô hữu, đại dịch Covid -19 còn là cuộc thử thách Đức tin, con người tự nguyện tuân theo, bằng lòng ngưng mọi Thánh Lễ trên toàn cầu, đó là một cuộc thử thách vô hình êm ái nhất. Trong lịch sử Giáo hội Công giáo luôn có những cuộc bách hại Đức tin, nó xảy ra tùy vào địa phương của mỗi thời đại, tiêu biểu là không còn một Thánh Lễ cộng đồng nào nữa. Một khi không còn Thánh lễ, con người chỉ còn sống đạo bằng Đức tin qua đời sống, trong những lời cầu nguyện âm thầm.

Một may mắn duy nhất ngày nay là còn có các Thánh Lễ, phụng vụ trực tuyến được phép truyền thông. Nhưng mai này nếu dịch bệnh kéo dài, liệu Đức tin của con người còn lại những ai trung thành, như lời Đức Kitô nói: “Nhưng khi con người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8). Và lúc này nó như một cuộc tử đạo liên lỉ, khó hơn chịu chết bởi một lưỡi gươm, phát súng.

Trong biến cố dịch Covid-19, người ta có cảm tưởng như Giáo hội đã ngưng trệ, tê liệt, mọi người co rút trong nhà. Quả là một cuộc thử thách Đức tin như vàng được thử trong lửa. Lúc này người ta dễ nhận ra yếu tố gia đình là cực kỳ quan trọng, gia đình mới là tổ ấm đúng nghĩa, dù rằng bạo lực gia đình hay xâm pham tình dục trẻ em ở một số nơi gia tăng. Tuy nhiên nói chung, mỗi người mới thấy tình cảm gắn kết của những người thân yêu trong gia đình được triển nở, mới biết ơn nhau. Và nhất là trong những kinh nguyện và qua Thánh Lễ trực tuyến trong gia đình, mỗi Kitô hữu mới nhận ra gia đình thực sự là một GIÁO HỘI TẠI GIA (Đền Thờ Thiên Chúa ngay trong gia đình, thay vì nhà thờ giáo xứ).

Cũng qua biến cố, mỗi người mới nhận ra thận phận mình bé nhỏ, phải có bổn phận với gia đình, xã hội và Giáo hội. Sự dữ xuất hiện như một mầu nhiệm, kết quả cuối cùng dù còn là bí nhiệm, nhưng chắc chắn con người sẽ tìm được sự thiện hảo trong biến cố đau thương này, như sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo số 311 khẳng định: “Thiên Chúa không bao giờ bằng bất cứ cách nào, một cách trực tiếp hay gián tiếp là nguyên nhân của sự dữ luân lý. Tuy nhiên, Ngài cho phép điều đó và tôn trọng sự tự do của thụ tạo và một cách bí nhiệm, Ngài biến từ sự dữ dẫn tới điều thiện hảo”.

Giáo Hội luôn cần được thanh luyện để trở nên tinh tuyền, như trong lịch sử mỗi thời đại, Giáo hội đều bị thử thánh mỗi cách khác nhau. Dù hòa bình, chiến tranh, biến động chính trị hay tai ương, Giáo hội đều có chung số phận và trách nhiệm với đồng loại, nhưng lại đặc biệt mang dấu ấn riêng, hoặc thuận tiện, hoặc bị bách hại hay bị thử thách cách nào đó. Giáo hội trần thế là như vậy, nhưng Hội Thánh huyền nhiệm của Đức Kitô cũng không nằm ngoài quy luật này, bởi cần được kết hiệp với Đức Kitô, vượt qua cuộc khổ nạn (đau khổ) rồi mới bước vào vinh quang để chiến thắng sự dữ.

Cách ly xã hội trong mùa dịch, khiến con người dễ phản tỉnh và xem lại lối tư duy cố hữu của mình. Mọi người cảm thấy thân phận, vị thế của mình trong xã hội thật bấp bênh – không kể yếu tố tâm linh. Mỗi người cảm thấy như mình bị tước bỏ mất đi cái quyền và vị thế của mình trong cộng đồng xã hội.

Trước cách ly, ai cũng thấy mình có đủ thứ quyền hạn: Quyền hoạt động theo ý thích, quyền cư trú và tổ chức cuộc sống riêng tư, quyền lựa chọn nghề nghiệp, quyền kinh doanh, quyền hưởng thụ, quyền “mánh mung”… Nay tạm mất đi những cái mà tưởng rằng mình nắm chắc, không bao giờ mất được.

– Người lãnh đạo tinh thần mất đi cái giọng điệu thầy phán của kẻ “thức giả”.

– Người có chức vụ mất đi cái oai phong của người ra lệnh với kẻ thừa hành.

– Người thầy mất đi cái vẻ trí thức của loại bậc “thụ nhân” chính hiệu.

– Nhà kinh doanh mất đi cái sức mạnh của đồng tiền và những con số thu nhập chắc ăn.

– Người bảo kê, kẻ cơ hội và “cò mồi” mất đi những cơ hội “ho ra bạc khạc ra tiền” để xảo ngôn với thiên hạ.

– Không còn những tổ chức hoành tráng đua tranh tốn kém, nặng hình thức mà nội dung rỗng tuyếch.

– Không còn những bài cám ơn ca tụng, phong thần phong phong thánh cho cấp trên, như một thiên tài, công lao vĩ đại, đức cao trời biển như một đại thánh nhân, đại trí thức xuất hiện.

– Không còn rước sách rầm rộ, kèn trống vang trời của lễ lạt, của những kỷ niệm vinh quang trần thế.

– Không còn tiếng ồn ào xao động như gió bão, như lửa bốc cháy trong cơn động đất…, mà như tiếng “gió hiu hiu thổi nhẹ nhàng” để thấy Thiên Chúa đến trong mỗi tâm hồn con người (1 V 19, 9a. 11-13a).

Và mọi người, mọi giới, mọi nghề nghiệp, mọi trình độ đều cảm thấy tất cả sự việc đều biến dịch, thân phận và cuộc đời là VÔ THƯỜNG. Từ đó, lối tư duy cũ đã lồi thời, cần phải có lối tư duy mới, thay đối từ chính bản thân mình. Mọi sự vật, sự việc đều không tồn tại như mình tưởng, như mình đã nắm chắc trong tầm tay. Hóa ra quyền lợi của con người không phải từ mình mà có, mà là do người khác (phải hy sinh, chịu lụy mình), do xã hội ban tặng. Người có đức tin thì nhận ra là do Thiên Chúa đã ban, nên không ai có quyền tự phụ và lên mặt với người khác.

Có lẽ Covid-19 là một cuộc thanh lọc lớn trong lịch sử nhân loại, để con người loại đi những cặn bã, những chất thô, những hình hình thức nô dịch, những lối suy tư xơ cứng, những hãnh diện hão huyền, những cảm tính tiêu cực, những vật dục hoang tưởng… nơi tâm hồn mỗi người, giúp con người phản tỉnh để nhìn lại chính mình, hướng tới những điều giá trị bất biến hơn, cũng chính là gặp được Thiên Chúa trong biến cố này.

Chúa Nhật XIX – TN  (09-08-2020)

Hàn Cư Sĩ

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)

Nguồn: dongten.net