Chủ đề của Tuần Cầu nguyện năm nay là “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy và anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,8-9). Đây là câu chủ đề được đề xuất bởi các nữ tu của đan viện đại kết Grandchamp, những người chịu trách nhiệm soạn thảo các bản văn cho các buổi suy niệm hàng ngày và cử hành đại kết cho Tuần Cầu nguyện năm nay. Đây là lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ kể từ khi được bắt đầu, việc tổ chức Tuần Cầu nguyện được giao phó cho một cộng đoàn đan tu.

Cộng đoàn các nữ tu Grandchamp cũng là một cộng đoàn đại kết. Giống như cộng đoàn Taizé, cộng đoàn Grandchamp hiện có khoảng 50 nữ tu thuộc các Giáo hội Ki-tô và quốc tịch khác nhau. Cộng đoàn thực hành Quy luật do tu huynh Roger soạn thảo và sử dụng kinh nguyện Taizé. Một cách nôm na, cộng đoàn có thể được gọi là cộng đoàn nữ Taizé.

Đa số các nữ tu sống tại Grandchamp, bang Neuchâtel ở vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp; một số ở Sonnenhof, gần Basel, và những nơi khác ở Thụy Sĩ, Hà Lan và Pháp. Ở mỗi nơi, những điều cốt yếu vẫn được giữ nguyên: cầu nguyện chung, suy niệm Lời Chúa, cố gắng cầu nguyện, lời kêu gọi hòa giải và đời sống cộng đồng như một dụ ngôn về sự hiệp thông, và chia sẻ với tất cả những người đến cộng đoàn. Cộng đoàn muốn tiếp đón tất cả mọi người, muốn là một nơi lắng nghe, tìm kiếm sức mạnh mới cho họ.

Cộng đoàn các nữ tu đại kết Grandchamp
Cộng đoàn các nữ tu đại kết Grandchamp

Quá trình thành lập

Cộng đoàn Grandchamp bắt nguồn vào đầu những năm 1930, khi hiệp hội “quý bà ở Morges”, một hiệp hội phụ nữ có gia đình của Giáo hội Cải cách ở vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, khám phá lại tầm quan trọng của sự thinh lặng trong đời sống đức tin của họ, để cho Lời Chúa vang vọng trong họ, để Lời Chúa có thể đơm hoa kết trái trong cuộc sống hàng ngày của họ.Họ tổ chức các khóa tĩnh tâm, bắt đầu chỉ mỗi năm một lần, và những khóa này diễn ra tại Grandchamp. Sau đó các khóa tĩnh tâm phát triển và được tổ chức thường xuyên hơn.

Một trong những phụ nữ bắt đầu những cuộc tĩnh tâm này là bà Geneviève Micheli (1883-1961), một góa phụ có ba người con, người sau này trở thành ‘Viện mẫu’ đầu tiên của Cộng đoàn. Các cuộc tĩnh tâm đã tạo nên một vùng đất trù phú mà từ đó cộng đoàn sẽ được thành lập. Không lâu sau đó, người ta cảm thấy cần mở cửa nhà tĩnh tâm suốt quanh năm và cần có người hiện diện cầu nguyện thường xuyên.

Năm 1936, cô Marguerite de Beaumont, 41 tuổi, đồng ý đến sống và cầu nguyện ở Grandchamp. Không lâu sau đó, cô Marguerite Bossert cũng đến gia nhập cộng đoàn. Vào năm 1940, người phụ nữ thứ ba, Irene Burnat đã gia nhập cộng đoàn. Nhưng chỉ sau khi bà Geneviève Micheli, sau này là Mẹ Geneviève, đến Grandchamp vào năm 1944, cộng đoàn mới trở nên mạnh mẽ hơn trong ơn gọi của mình và bắt đầu phát triển.

Bắt nguồn từ việc suy gẫm Lời Chúa và chú ý đến truyền thống của Giáo Hội, tìm cách sống đời sống cộng đoàn và vâng phục Chúa Thánh Thần, các nữ tu đầu tiên đã trở về nguồn gốc của đời sống đan tu qua tình bạn và sự hỗ trợ của các cộng đoàn Anh giáo, Chính Thống và Công giáo. Mang trong mình nỗi đau chia rẽ giữa các Ki-tô hữu, ngay từ đầu họ đã lưu tâm đến lời cầu nguyện của Chúa Giê-su cho sự hiệp nhất của dân Chúa, và được Viện phụ Paul Couturier khuyến khích trên hành trình của họ.

Cộng đoàn các nữ tu đại kết Grandchamp
Cộng đoàn các nữ tu đại kết Grandchamp

Liên kết với cộng đoàn Taizé

Cuộc gặp gỡ với tu huynh Roger và những mối liên hệ với cộng đoàn Taizé đang phát triển là những yếu tố quyết định con đường tiếp theo của cộng đoàn Grandchamp. Năm 1952, các nữ tu đầu tiên tuyên khấn trọn đời, tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Họ áp dụng Quy luật mà tu huynh Roger vừa mới hoàn thành và giờ kinh của cộng đoàn Taizé, mặc áo dòng và đội lúp màu xanh lam. Các nữ tu đầu tiên tuyên khấn với thầy Roger, nhưng từ thời sơ Minke de Vries, bề trên cộng đoàn Grandchamp từ năm 1970 đến năm 1999, việc tuyên khấn được thực hiện trước mặt bề trên cộng đoàn, với sự hiện diện của các mục sư. Quy luật và kinh nguyện Taizé trở thành nền tảng của cộng đoàn và đời sống phụng vụ của họ.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, những phụ nữ trẻ từ Đức, Pháp và Hà Lan đã gia nhập cộng đoàn. Đáp ứng các yêu cầu khác nhau, các chị em đã được gửi đến Algeria, Li-băng, Giêrusalem và các nơi khác. Năm 1954, hai năm sau khi các nữ tu đầu tiên tuyên khấn ở Grandchamp, hai nữ tu bắt đầu mở một ngôi nhà tĩnh tâm ở Sonnenhof, miền Gelterkinden (gần Basel), thuộc vùng Thụy Sĩ nói tiếng Đức, để tiếp đón những vị khách nói tiếng Đức.

Quy luật Taizé đưa ra những hướng dẫn rõ ràng cho cuộc sống trong cộng đoàn, nhấn mạnh đến ơn tha thứ được trao tặng và đón nhận, khuyến khích các nữ tu luôn bắt đầu lại. Và do đó, sự hòa giải là trọng tâm của Quy tắc.

Cộng đoàn các nữ tu đại kết Grandchamp
Cộng đoàn các nữ tu đại kết Grandchamp

Ơn gọi hiệp nhất và hòa giải

Cộng đoàn Grandchamp sống trong bối cảnh Giáo hội được đánh dấu bởi phong trào đại kết của thế kỷ trước. Và vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, các nữ tu đã quan tâm thật nhiều đến việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Vì Grandchamp nằm gần biên giới ngôn ngữ và văn hóa giữa các khu vực nói tiếng Pháp và Đức của Thụy Sĩ, các nữ tu đã sớm được thu hút để thực hiện các bước để khám phá những người khác với họ. Bằng cách chào đón những phụ nữ Đức và Hà Lan vào cộng đồng ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ơn gọi hiệp nhất của họ đã mở rộng thành ơn gọi hòa giải.

Chủ đề được các nữ tu đại kết ở Grandchamp chọn cho Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất của các Ki-tô hữu năm 2021 không hề tầm thường. Ngay từ những năm 1930, trên thực tế, sự hiệp nhất của Ki-tô giáo đã là một phần trong “gien” của cộng đoàn.

Vào năm 2018, Hội đồng Tòa Thánh về Thăng tiến sự Hiệp nhất Ki-tô hữu và Ủy ban Đức tin và Hiến chế của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Ki-tô đã giao cho các nữ tu của Grandchamp trách nhiệm chọn chủ đề và đề xuất các bản văn của các bài suy niệm cho Tuần Cầu nguyện Hiệp nhất năm 2021.

 Khoảng ba mươi nữ tu vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp đã soạn thảo các bản văn và lời cầu nguyện. Điều này cho phép các nữ tu chia sẻ kinh nghiệm và sự khôn ngoan của đời sống chiêm niệm của họ trong tình yêu Thiên Chúa và nói lên kết quả của lời cầu nguyện này: hiệp thông chặt chẽ hơn với anh chị em của mình trong Chúa Kitô và tình liên đới hơn với họ và toàn bộ công trình sáng tạo. Các nữ tu của Grandchamp đến từ các nguồn gốc văn hóa và hệ phái Ki-tô khác nhau. Kể từ khi thành lập Cộng đoàn, vào những năm 1940, họ đã phải đối mặt với những thách thức trong việc sống và cầu nguyện cùng nhau trong sự đa dạng và đôi khi là chia rẽ. Điều này đưa họ đến gần hơn với những người tiên phong của phong trào đại kết thiêng liêng của thế kỷ 20 như cha Paul Couturier, người đã đổi mới Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Ki-tô hữu.

Việc làm việc chung đóng vai trò căn bản cho việc soạn thảo văn bản chung kết. Các nỗ lực được thực hiện dưới sự lãnh đạo của một nhóm công tác đại kết, đã nhóm họp từ ngày 15-18/9/2020. Sơ Svenja, một trong bốn nữ tu của Grandchamp đã tham gia vào việc soạn thảo tài liệu chung kết, giải thích: “Đó thực sự là một thời gian tuyệt vời để chia sẻ và cộng tác huynh đệ. Trước hết các thành viên của đội làm việc lắng nghe chúng tôi và hoan nghênh những gì chúng tôi đã chuẩn bị. Sau đó, họ giúp chúng tôi giải thích rõ hơn về mặt thần học.”

Cộng đoàn các nữ tu đại kết Grandchamp
Cộng đoàn các nữ tu đại kết Grandchamp

Các văn bản được soạn đều gắn liền với lịch sử của cộng đoàn nữ tu đại kết. Sơ Svenja nói: “Chúng phản ánh và là chứng tá cuộc sống cộng đoàn và cầu nguyện của chúng tôi. Chúng diễn tả ơn gọi của chúng tôi là cầu nguyện, hòa giải và hiệp nhất, trong Giáo hội cũng như trong gia đình nhân loại”. “Nếu tôi tin rằng Chúa ở đó trong tôi, tôi không thực sự đơn độc – điều đó có thể thay đổi rất nhiều thứ trong cuộc sống cá nhân của tôi.”

Nếu các bài suy niệm được đề xuất nói về cuộc sống hàng ngày và về ơn gọi của các nữ tu ở cộng đoàn Grandchamp, thì câu Kinh Thánh “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy và anh em sẽ sinh nhiều hoa trái” trích từ Phúc âm thánh Gioan được xem là một lời kêu gọi kép. Sơ Svenja giải thích: “Một mặt, nó mời gọi chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu đang ngự trong mỗi chúng ta. Và Chúa muốn chúng ta chia sẻ mối quan hệ này với những người khác. Mặt khác, câu Kinh Thánh là lời kêu gọi hãy sống với nhau, nhất là cầu nguyện. Bởi vì dù có đại dịch cũng không thể ngừng cầu nguyện”.

Mặc dù được chọn vào thời điểm chưa có đại dịch, câu Phúc âm của thánh Gioan giờ đây thậm chí còn có sâu sắc và có ý nghĩa nhiều hơn nữa. Đặc biệt là vì các nữ tu của cộng đoàn Grandchamp hiện đang bị cách ly do có một số người trong cộng đoàn bị dương tính với Covid-19. Sơ Svenja nói: “Đây là một dự án mà chúng tôi đã thực hiện trong hơn hai năm, nên chúng tôi đặc biệt gắn bó với nó. Do đó, chúng tôi rất buồn khi lần đầu tiên trong lịch sử của mình, chúng tôi sẽ không thể cử hành việc cầu nguyện hàng ngày cùng nhau, cũng như các buổi cầu nguyện được lên kế hoạch trong tuần cầu nguyện này, thậm chí cũng không được tham gia vào ngày cử hành của bang Neuchâtel vào ngày 17/1; sự kiện đã bị hủy bỏ”.

Cộng đoàn các nữ tu đại kết Grandchamp
Cộng đoàn các nữ tu đại kết Grandchamp

Nguồn: Hồng Thủy – Vatican News