PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT VIII MÙA THƯỜNG NIÊN

CÁI XÀ TRONG MẮT AI?

“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?… Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6,41-42)

Suy gẫm: Chuyện kể rằng một thầy dòng kia luôn luôn bực bội cho rằng vì các anh em tu sĩ trong cộng đoàn có quá nhiều tật xấu, lại còn hay quấy rầy nên thầy không thể tập trung cầu nguyện và tập luyện các nhân đức. Thầy bèn xin bề trên rời cộng đoàn vào rừng dựng lều để biệt tu. Cuộc sống biệt tu trong rừng không dễ dàng với thầy. Thầy phải tự mình lượm củi, hái rau, nấu cơm, nấu nước và biết bao việc linh tinh khác. Dù ở một mình Thầy vẫn không thể tập trung cầu nguyện chẳng khác nào khi còn ở trong cộng đoàn. Điều đó khiến thầy bực bội. Thầy nổi giận với chính mình và đập phá những gì ở trong tầm tay; một lần kia, chẳng may thầy đá trúng bếp lửa, khiến lửa bốc lên thiêu rụi cả căn lều của thầy. Đường cùng, thầy tỉnh ngộ thấy rằng vấn đề không phải nơi người khác, mà vấn đề là chính thầy.

Quả thật, cái xà không phải ở đâu xa, mà chặn ngay con mắt mình khiến mình chẳng những không thể thấy được gương mặt đích thực của người anh em, và hơn nữa không thể thấy được Đức Kitô nơi người anh em của mình.

An Vi


GIÁO HUẤN SỐ 14

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Những nhà thừa sai can đảm (tiếp theo)

“Đức Giêsu sai chúng ta đi đâu”?. Không có vành đai, không có giới hạn: Người sai chúng ta đi khắp mọi nơi. Tin mừng dành cho mọi người, không phải chỉ cho một số người. Tin mừng không chỉ dành cho những người có vẻ gần gủi chúng ta, những người có vẻ dễ sẵn sàng đón nhận hơn. Tin mừng là cho mọi người. Các con đừng sợ ra đi đem Đức Kitô đến với mọi cảnh vực của đời sống, đến những vùng ven của xã hội, thậm chí đến với những ai dường như xa xăm nhất và dửng dưng nhất. Chúa tìm kiếm mọi người; Người muốn mọi người cảm nhận hơi ấm lòng thương xót và tình yêu của Người”. [94] Người mời gọi chúng ta trở thành những nhà thừa sai không biết sợ hãi ở bất cứ nơi nào chúng ta có mặt và trong bất cứ khung cảnh nào mà mình thuộc về: ở khu xóm của chúng ta, ở trường học hay trong lãnh vực thể thao hay trong đời sống xã hội, trong các công cuộc thiện nguyện hay tại nơi làm việc. Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng luôn có cơ hội để chia sẻ niềm vui của Tin Mừng. Chúa cũng đi ra gặp mọi người theo cách đó. Người yêu thương các con, vì các con là phương tiện nhờ đó Người có thể làm lan tỏa ánh sáng và hy vọng của Người. Người tin tưởng vào sự can đảm, vào lòng dũng cảm và hăng hái của các con”.

(Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 177)


THÔNG BÁO

1. Do tình hình số ca lây nhiễm dịch bệnh đăng tăng lên mỗi ngày nên Văn phòng Tòa Giám mục Đà Nẵng thông báo dừng hành hương về Núi Sọ vào ngày thứ tư lễ tro 02/3/2022.

2. Thứ Tư 02/3/2022, tại Nhà thờ Chính Tòa. Thánh lễ Tro sẽ có 03 Thánh lễ, lúc 05g00 ; 10g00 (tiếng Anh) và Thánh lễ 17g15 do Đức Cha Giuse chủ sự. Trong ngày Lễ Tro, xin cộng đoàn giữ chay, kiêng thịt sốt sắng tham dự Thánh lễ, và sau thánh lễ 17g15 kính mời Quý chức trong Hội Đồng Mục Vụ đến nhà xứ nhận thông báo phân công Đàng Thánh Giá Mùa Chay năm 2022.

3. Thứ năm 03/3 sau thánh lễ 17g15 có Giờ Chầu Thánh Thể do hội Legio phụ trách.

4. Thứ sáu 04/3vào lúc 19g30 Gẫm Đàng Thánh Giá do 2 giáo họ Đaminh Khảm và Phaolô Lộc cùng phụ trách.

5. Để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa nhân kỷ niệm mừng 22 năm phong chân phước Anrê Phú Yên, Đức cha Giuse, Giám mục Giáo phận, sẽ chủ sự Thánh lễ tại Đền Thánh Anrê Phú Yên, Giáo họ Phước Kiều vào lúc 17g30, thứ Bảy, 05/3/2022. Xin Cộng đoàn đến hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn và Thánh lễ này sẽ được trực tuyến trên các kênh thông thường của Giáo phận Đà Nẵng.

6. Chúa nhật 06/3 sau thánh lễ Thiếu Nhi (08g00) có rửa tội cho các em nhỏ, xin nộp giấy giới thiệu tại văn phòng giáo xứ vào lúc 15g00 các buổi chiều trong tuần (xin liên hệ với Cô Thủy: ĐT: 0336898792),  cha mẹ và người đỡ đầu đến nhà thờ tập nghi thức lúc 19g30 thứ Bảy 05/3/2022.

7. Chúa nhật I Mùa Chay (06/3/2022) là ngày Quyên góp cho Ngân sách Mục vụ Giáo phận tài khóa 2022. Xin Cộng đoàn rộng tay đóng góp.


CHIA SẺ

TÂM TÌNH MÙA CHAY

Ðôi dòng lịch sử Thứ Tư Lễ Tro!

Trong Cựu Ước, Tro là dấu hiệu của sự khiêm nhường, hối cải và tang chế. Người Kitô Hữu cũng dùng tro trong phụng vụ của ngày Lễ Tro với ý nghĩa trên. Lãnh nhận tro trên trán là dấu chỉ nhắc nhở sự chết và sự ăn năn được đưa vào phụng vụ Tây Phương vào thế kỷ 10, và được phổ biến rộng rãi khắp Tây Phương tại Công Ðồng Benevento năm 1091.

Thuở xưa, người ta dùng tro để sám hối cách riêng, nhưng sau đó trở thành một nghi thức cộng đồng. Trong sự kiện này, tro được rắc trên đầu hối nhân như một sự hiệp thông cầu nguyện cho những hối nhân trở lại. Cuối cùng, tro được dùng trong nghi thức sám hối của Mùa Chay trong ngày Thứ Tư Lễ Tro.

Dấu Thánh Giá được ghi trên trán là tượng trưng cho dấu linh thiêng hoặc ấn tín mà người Tín Hữu lãnh nhận khi lãnh phép rửa tội. Ðây là dấu chỉ của trẻ sơ sinh được tái sinh trong niềm tin Kitô qua sự giải phóng khỏi nô lệ tội lỗi và xấu xa, rồi được nhập vào hàng con cái Thiên Chúa hằng sống. (Rom. 6:3-18)

Việc lãnh tro cũng được coi như là sự trở về trong vinh quang mà đã được diễn tả trong Sách Khải Huyền, khi chúng ta được lãnh nhận làm con cái của Thiên Chúa. Sách Tiên Tri Edzêkien cũng nhắc đến ấn tín được làm con cái Thiên Chúa, “Hãy rảo khắp thành, khắp Giêrusalem. Hãy ghi dấu chữ thập trên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành.” (Ed 9:4).

(Nguồn :Tinmung.net)

6 lý do người Công giáo nên đọc Thánh Kinh (tiếp theo và hết)

Chỉ cần một trong sáu lý do này là đủ để thay đổi thói quen của chúng ta.

5. Đọc Kinh thánh dạy chúng ta cầu nguyện 

Nhiều người công giáo bày tỏ mong muốn có một đời sống cầu nguyện phong phú hơn. Tuy nhiên, hầu hết những người công giáo đều cảm thấy không biết phải nói gì. Thánh Kinh cung cấp cho chúng ta ngôn từ để cầu nguyện. Chúng ta có thể mô phỏng lời cầu nguyện của mình dựa trên các vị thánh và trên những câu chuyện được tìm thấy trong Thánh Kinh. Như vậy, Thánh Kinh là trường học cầu nguyện, là nơi huấn luyện, dạy chúng ta cách bày tỏ những gì chúng ta có trong sâu thẳm tâm hồn. 

6. Càng đọc Thánh Kinh, chúng ta càng có thể nghe rõ tiếng Chúa 

Bằng cách đọc Thánh Kinh, giúp chúng ta làm quen với việc nghe lời Chúa phán. Càng hòa hợp với logic của ơn cứu độ bằng cách nhận biết Thiên Chúa trong Thánh Kinh, chúng ta càng có thể cảm nhận được dễ dàng Lời Chúa nói với chúng ta như thế nào.

Tác giả: Patrick Briscoe
chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Từ: it.aleteia.org (19.1.2021)


CÂU CHUYỆN VỀ SỰ THA THỨ

KHOAN DUNG

Tha thứ là một món quà. Truyện kể có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia, một trong hai người gặp con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Tên ấy nổi sùng bắt cô gái và lấy dao chặt hai ngón tay rồi thả về. Cô bé vừa chạy về vừa khóc, bàn tay máu chảy ròng. Còn tên hung thủ vừa đi vừa la lớn: Trả được thù rồi. Ngày qua tháng lại, thấm thoát mười mấy năm, cô gái lập gia đình và có con cái. Một hôm có một tên ăn mày đến xin ăn. Người đàn bà nhận ra đó là kẻ đã chặt ngón tay của mình, vội vàng trở vào nhà bảo đầy tớ đem sữa bánh ra cho ăn. Khi kẻ đó ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt ra cho coi mà nói: Tôi cũng đã trả được thù rồi. Tên ăn mày cảm động khóc ngất.

Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm về sự tha thứ. Có nhiều lần chúng ta muốn tha cho người đã xúc phạm nhưng rồi không thể quên. Sự đau nhói cứ nổi dậy mỗi khi chúng ta nhắc đến chuyện cũ. Sự hận thù như vết thương còn mưng mủ cứ âm ỉ đau hoài. Bề ngoài diện mạo xem ra đã lành lặn và ăn da non nhưng bên trong còn đau đớn, nhức nhối. Sự tha thứ như thế chưa hoàn toàn là tha thứ thực sự, vì nó còn làm chúng ta buồn phiền và lo âu. Đôi khi chúng ta đòi sự công bằng đáp trả hoặc phải có những hành động tương xứng như xin lỗi hay đền bù. Chúng ta gọi là tha thứ có điều kiện. Đây là kinh nghiệm thường tình của người đời. Khi tha, chúng ta nghĩ rằng tha thứ: quá tam, ba bận. Ba lần thôi nhá, đừng phạm lỗi nữaChúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta: Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha (Lc 6,37).

THA VÌ YÊU

Sự tha thứ mà Chúa Giêsu dạy chúng ta cao rộng hơn nhiều. Tha thứ hoàn toàn. Tha thứ vô điều kiện không phải chỉ 7 lần nhưng là 70 lần 7. Có nghĩa là chúng ta cứ phải tha hoài. Tha vì tình yêu. Chúa tha thứ nhưng Chúa luôn mở một con đường mới cho hối nhân. Với người bất toại, Chúa nói rằng tội con được tha, hãy đứng dậy vác chõng mà về. Chúa Giêsu bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi” (Lc 5,20). Đối với người đàn bà tội lỗi đã lấy nước mắt mình mà lau chân Chúa, Chúa phán rằng tội bà ta nhiều nhưng được tha nhiều vì bà yêu mến nhiều. Với người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, người ta giao nộp bà cho Chúa và nhờ Chúa xét xử. Chúa dạy rằng ai không phạm tội thì ném đá người đàn bà này đi. Sau khi mọi người bỏ đi, Chúa nói với người phụ nữ rằng không ai kết án cô, thầy cũng không kết án. Con hãy về và đừng phạm tội nữa.

Kinh nghiệm sự tha thứ qua Bí tích Hoà Giải, chúng ta đã được Chúa tha thứ biết bao lần. Có những tội chúng ta phạm đi phạm lại cả ngàn lần, chúng ta chạy đến với toà cáo giải và được tha thứ. Có nhiều khi chúng ta lạm dụng lòng thương xót của Chúa để cứ phạm tội. Nghĩ rằng cứ phạm tội đi, rồi đi xưng tội. Chúa sẽ tha thứ những yếu đuối của mình mà. Có nhiều khi chúng ta dồn tội cả một năm hoặc vài năm mới xưng tội một lần. Chúng ta phạm đủ mọi thứ tội nặng, tội nhẹ trên đời và vào mỗi dịp lễ trọng, chúng ta chạy vào xưng liếng thoáng những tội lỗi đã phạm. Đôi khi chúng ta xưng thú tội lỗi nhưng thiếu lời hứa từ bỏ và sửa mình. Chúng ta muốn Chúa phải tha hết cho chúng ta. Nên nhớ rằng Chúa đã chết vì tội của chúng ta. Giá Máu hiến tế sẽ tha tội nhưng điều quan trọng là mỗi người hãy tự xét mình rằng chúng ta có yêu mến Chúa thật hay không. Tha thứ là một phát minh tuyệt đối của tình yêu.                                                                                                               

(còn tiếp)

Nguồn: Simonhoadalat


CHÂM NGÔN LỜI CHÚA

Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5:23-24)