PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT VII MÙA THƯỜNG NIÊN

YÊU THƯƠNG CẢ KẺ THÙ

“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6,27-28)

Suy gẫm: Đảo Corse, một hòn đảo rộng gần 9.000 km2 là một vùng lãnh thổ thuộc Cộng Hoà Pháp, nằm gần nước Ý, là quê hương của hoàng đế Napoléon, vốn được mệnh danh là hòn đảo thiên đường của ngành du lịch. Đây cũng là nơi tồn tại tập tục báo thù gọi là Vendetta: nếu một người trong gia tộc bị sát hại, thì những người thân của người ấy tìm những người trong gia tộc của thủ phạm để trả thù. Nợ máu phải trả bằng máu, cứ thế sự báo thù dai dẳng truyền kiếp từ đời này sang đời khác không có hồi kết. Một tập tục thật đáng sợ nhưng phải chăng nó lại không bám rễ sâu trong não trạng mỗi người đến độ trở thành một thứ luật lệ của nền công lý báo thù?

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay là một lời phán quyết chấm dứt thứ luật Vendetta đẫm máu này: “Yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” đó chính là luật mới và độc đáo của Chúa, là đặc điểm nhận diện những người môn đệ của Ngài: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12). Tha thứ và yêu mến kẻ thù ghét mình, quả là rất khó, nhưng vẫn có thể làm được, nếu bạn nhìn lên Đức Kitô trên thập giá bởi vì “Trên thập giá, Chúa đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).  

An Vi


GIÁO HUẤN SỐ 13

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Những nhà thừa sai can đảm (tiếp theo)

“Tầm quan trọng của chứng tá không hề muốn nói rằng chúng ta phải thinh lặng và không lên tiếng. Chúng ta cũng cần nói về Đức Giêsu chứ, chúng ta cũng cần kể cho người khác rằng Người đã trao cho chúng ta sức mạnh trong cuộc sống rằng chúng ta thích thú trò chuyện với Người, rằng chúng ta được di dưỡng nhờ suy niệm lời của Người… Các bạn trẻ đừng để thế giới lôi kéo các con vào toàn những thứ sai lầm và hời hợt. Hãy học lội ngược dòng, hãy học biết chia sẻ Đức Giêsu và đức tin mà Người ban cho các con. Ước gì các con được đánh động bởi cùng sự thúc đẩy bất khả kháng làm cho Thánh Phaolô đã thốt lên: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (1Cr 9,16)!”. (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 176).


THÔNG BÁO

1. Thực hiện Thông báo số 02/T02.2022 ngày 16/02/2022 của Văn phòng Tòa Giám Mục Đà Nẵng về việc bình thường hóa cử hành phụng vụ và sinh hoạt mục vụ. Kể từ ngày thứ hai 21/02/2022, các thánh lễ trong tuần của Giáo xứ Chính Tòa được cử hành theo các khung giờ sau:

• Đối với ngày thường: Buổi sáng: lúc 05g00 và buổi chiều lúc 17g15.

• Đối với chiều thứ bảy và Chúa nhật:

+ Chiều thứ bảy: Lúc  17g15 (Thánh lễ ngày Chúa nhật)

+ Chúa nhật:

– Buổi sáng: Có 03 thánh lễ: Lúc 05g30, 08g00 (Thiếu nhi) và 10g00 (Tiếng Anh).

– Buổi chiều: Có 03 thánh lễ: Lúc 15g00, 16g30 và 18g00.

2. Thánh lễ Chúa nhật lúc 08g00 kể từ ngày 20/02/2022 trở đi sẽ dành cho thiếu nhi vì vậy, xin quý phụ huynh nhắc nhở và tạo điều kiện cho các em tham dự lễ. Riêng kế hoạch học Giáo lý sẽ được thông báo sau.

3. Thánh lễ Chúa nhật lúc 15g00 hằng tuần do Đức Cha chủ sự, có trực tuyến trên kênh truyền thông Giáo xứ Chính Tòa.

4. Thứ năm ngày 24/02/2022, sau thánh lễ chiều 17g15 là giờ Chầu Thánh Thể do Giới Trẻ phụ trách.

5. Ban Kèn Giáo xứ thông báo: Các phụ huynh có con em muốn tham gia vào Ban Kèn Giáo xứ, xin đến phòng tập của Ban Kèn ở tầng 3 nhà Giáo lý vào các tối thứ ba và thứ sáu hằng tuần, bắt đầu từ thứ ba 22/02/2022.

6. Khóa Giáo lý dự tòng sẽ khai giảng lúc 19g15 ngày thứ ba 22/02/2022 tại Giáo xứ Thanh Bình và sẽ học vào các ngày thứ ba và thứ năm hằng tuần. Trong năm 2022 sẽ còn 03 khóa Giáo lý Hôn nhân và 02 khóa giáo lý dự tòng khác nữa. Xin xem chi tiết trên bảng thông báo giáo xứ.


LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ

Ngày 22/2

Ông Phêrô thưa với Chúa Giêsu:” Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời:” Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16, 16.18 ). Giáo Hội hôm nay cử hành lễ kính tông tòa thánh Phêrô và cũng là lễ để tôn vinh Đức Giáo Hoàng, vị kế nhiệm thánh Phêrô dưới trần gian, cai trị, điều khiển Giáo Hội hoàn vũ.

LỄ LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ

Khi cử hành thánh lễ kính tông tòa thánh Phêrô, phụng vụ muốn cho chúng ta thấy ngai tòa vững chắc mà Chúa Giêsu đã nói với vị thủ lãnh Hội Thánh tiên khởi: “Phêrô, Con là đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” hay “Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho những anh em khác vững tin” (Lc 22, 32). Chúa Giêsu đã trao trách nhiệm nặng nề cho Phêrô là chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Ngài. Do đó, ngai tòa thánh Phêrô mang một ý nghĩa quan trọng tuyệt đối: Đức Giáo Hoàng là vị kế nhiệm thánh Phêrô hướng dẫn toàn thể Giáo Hội toàn cầu. Vì thế, thánh lễ lập tông tòa thánh Phêrô là một lời tuyên xưng hết sức quan trọng nhưng lại rất long trọng về quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng trong toàn thể Hội Thánh. Trước kia, Giáo Hội cử hành hai thánh lễ riêng biệt một để kính tòa thánh Phêrô ở Antiokia và một để kính tòa thánh Phêrô ở Roma. Tựu trung hai thánh lễ này đều mang cùng một ý nghĩa, nên ngày nay Giáo Hội chỉ cử hành một thánh lễ là: “Lập Tông Tòa Thánh Phêrô”.

HÃY CẦU NGUYỆN CHO ĐỨC THÁNH CHA

Ngày lễ lập tông tòa thánh Phêrô là lời mời gọi toàn thể dân Chúa trên hoàn vũ hãy cầu nguyện thật nhiều, cầu nguyện liên lỉ  cho vị Cha chung của Giáo Hội trước một trọng trách nặng nề mà Chúa và Giáo Hội trao phó cho Ngài. Trước muôn vàn thách đố của một thế giới luôn luôn biến chuyển, Đức Giáo Hoàng luôn phải đối đầu với muôn vàn khó khăn của Hội Thánh, của thế giới. Chính vì vậy, Ngài cần có đầy đủ ơn Chúa và sự soi sáng, khôn ngoan của Chúa Thánh Thần để Ngài chu toàn trách nhiệm chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Chúa.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã thiết lập Hội Thánh trên nền đá vững bền là lời tuyên xưng đức tin của thánh tông đồ Phêrô. Xin gìn giữ Hội Thánh khỏi nao núng giữa cảnh đời thử thách gian nan.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


CHIA SẺ

6 lý do người Công giáo nên đọc Thánh Kinh (tiếp theo)

Chỉ cần một trong sáu lý do này là đủ để thay đổi thói quen của chúng ta.

2. Thánh Kinh chất chứa sự khích lệ 

Các tín hữu tiên khởi biết cách nhìn vào Thánh Kinh để nuôi dưỡng niềm hy vọng của mình. Các Thánh vịnh trong Cựu ước nói về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Sách Công vụ Tông đồ trong Tân ước trình bày cho chúng ta biết về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội. Những câu chuyện về các vị anh hùng cho chúng ta thấy hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc sống của người tín hữu. Khi suy gẫm về sự tín trung của Thiên Chúa trong quá khứ được ghi lại trong ký ức của chúng ta trong Thánh Kinh, niềm hy vọng về tương lai có thể tràn đầy trong chúng ta. 

3. Đọc Thánh Kinh sẽ giúp chúng ta thành những nhà truyền giáo tốt hơn

Đọc Thánh Kinh có thể giúp cho niềm tin của chúng ta trưởng thành hơn. Nhiều người công giáo ngưng đọc Thánh Kinh khi dừng học ở trường – các lớp giáo lý – điều này làm cho đức tin của người tín hữu trưởng thành trở nên còi cọc. Khi đối diện với những câu hỏi khó của những anh chị em không phải công giáo, chúng ta thường đưa ra những biện pháp bảo vệ yếu ớt hoặc không chắc chắn đối với niềm tin của chúng ta. Không phải tất cả mọi người công giáo đều trở thành các giảng viên giáo lý, nhưng mỗi người công giáo đều có thể hưởng lợi khi đối mặt với những câu hỏi nghiêm túc về niềm tin dựa trên việc nghiên cứu, học hỏi Kinh thánh. 

4. Khi đọc Thánh Kinh chúng ta sẽ tập trung vào những gì thực sự quan trọng 

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta dùng thời gian đọc Thánh Kinh để xem tin tức, nghe podcast hoặc lướt các trang mạng xã hội? Đời sống Kitô giáo cơ bản là một cuộc đấu tranh để nắm giữ Chúa ở trung tâm của đời sống và tập trung vào những điều quan trọng. Đọc Thánh Kinh thường xuyên, giúp chúng ta đương đầu với cuộc sống theo cái nhìn của Thiên Chúa ngay lúc đầu, để tránh những điều đang lôi kéo sự chú ý của chúng ta nhưng thực ra thì không quan trọng.                                  

(còn tiếp)

Tác giả: Patrick Briscoe
chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Từ: it.aleteia.org (19.1.2021)


MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN

Đức tin của con quý hơn mạng sống của con nhiều!

Kỳ Giáo Hội Mễ Tây Cơ bị bách hại trong thế kỷ thứ 20 vừa rồi, người ta thấy quân nghịch đạo cột sau xe ôtô một thanh niên Công giáo. Chàng này chỉ có một tội:

 không chịu bỏ Đạo, không chịu từ chối đức tin của mình.

Xe ôtô lăn bánh mạnh và nhanh trên con đường gồ ghề. Chàng thanh niên Công giáo này cắn răng lại. Thịt chàng nát bầm. Máu tuôn ra lai láng. Bùn và đất lấp phủ cả mặt mũi.

Bỗng tiếng phanh rít lên và xe ôtô dừng phắt lại trước một cửa nhà.
Quân nghịch đạo nhảy xuống xe, lấy gươm dí vào đầu chàng thanh niên này và la lên một cách tức tối:

– “Mày hãy nói đí: đả đảo Giêsu Kitô! Nếu không, mày sẽ chết!

Nghe tiếng rộn ràng trước cửa nhà của mình, một người đàn bà vội chạy ra.
Bà như điên lên khi thấy con trai yêu quý của mình phải bị hành hạ quá sức dã man. Nhưng để bảo vệ đức tin của con mình, bà mẹ anh hùng này liền liều mình xông vào giữa đám lính, đến quỳ bên cạnh con đang hấp hối. Bà vừa khóc, vừa ôm đầu con, vừa nói rõ từng tiếng bên tai con:

– “Con ơi, con đừng bỏ Chúa nhé! Con đừng bỏ đức tin của con nhé! Đức tin của con quý hơn mạng sống của con nhiều!”

Người con liền gật đầu và chết trong tay mẹ mình, trước mặt đám quân lính độc ác, nghịch đạo, đang ngơ ngác, không hiểu vì sao hai mẹ con này lại anh dũng đến thế!

Nguồn: 130 câu chuyện nhà đạo


CHÂM NGÔN LỜI CHÚA

Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy. (Mt 10:32-33)