PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN – B

CHÚA KHÔNG QUAN TÂM SAO?

Một trận cuồng phong nổi lên, những lớp sóng ập vào thuyền đến nỗi thuyền đầy nước. Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ; các môn đệ đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”

                                                                                                               (Mc 4,37-38)

Suy gẫm: Nhiều người, nếu không nói là tất cả, cũng đặt ra câu hỏi tương tự: Thiên Chúa ở đâu trong cơn đại dịch này? Phải chăng Chúa không quan tâm đến nỗi thống khổ của chúng ta sao? Chúng ta dễ dàng tóm tắt vấn nạn ấy trong một tam đoạn luận chặt chẽ: Thiên Chúa toàn năng, do đó, Ngài có thể ngăn chặn đau khổ. Nhưng đau khổ vẫn tồn tại, do đó, Chúa không phải là toàn năng hoặc không hoàn toàn yêu thương.

Cha James Martin, S.J., là một bệnh nhân ung thư, chia sẻ: Những lời giải thích rằng đau khổ là hậu quả của tội lỗi hoặc đó là phương thế Chúa dùng để thử thách, tôi luyện đức tin, đều không thoả đáng. Đau khổ không phải là một vấn nạn mà là một mầu nhiệm. Và câu trả lời cho mầu nhiệm đó là Chúa Giêsu. Ngài sinh ra trong một “thế giới của bệnh tật”, Ngài sống trong một môi trường “bẩn thỉu, tồi tệ và không lành mạnh.” Ngài là vị “thượng tế chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta” (Dt 4,15). Ngài vẫn đồng hội đồng thuyền với chúng ta.

Chúa sẽ hỏi ngược lại rằng: Con có quan tâm đến Chúa và tha nhân không? Nếu có, con sẽ nhận ra rằng Chúa vẫn quan tâm.                    

An Vi


GIÁO HUẤN SỐ 47

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Trong tình bạn với Đức Kitô (tiếp theo)

“Đức Giêsu có thể đem lại cho tất cả mọi người trẻ trong Giáo hội một giấc mơ, “một giấc mơ vĩ đại, một giấc mơ có chỗ cho mọi người. Vì giấc mơ ấy mà Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình trên thập giá, vì giấc mơ ấy mà Thánh Thần được đổ tràn trong ngày lễ Ngũ Tuần và mang lửa đến cho trái tim của mọi người nam và nữ, cho trái tim các con và trái tim của cha. Ngài mang lửa ấy đến  cho trái tim các con, trong hy vọng tìm được chỗ để nó lớn lên và lan tỏa. Giấc mơ ấy tên là Giêsu, được Chúa Cha gieo trồng trong niềm tin rằng nó sẽ lớn lên và sống trong mọi con tim. Giấc mơ cụ thể ấy là một Đấng, đang tràn ngập trong huyết quản chúng ta, làm cho trái tim ta rộn rã nhảy mừng”. (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 157).


GƯƠNG THÁNH TỬ ĐẠO

THÁNH PHAOLÔ TỐNG VIẾT BƯỜNG

Quan thị vệ (1773 – 1833)

NGÀY TỬ ĐẠO: 23 THÁNG 10

Quan lớn có lòng thương thì tôi đội ơn quan lớn, nhưng xin quan lớn để tôi được giữ trọn chữ trung với Đức Chúa Trời là Thiên Chúa tôi thờ.

Thánh Tống Viết Bường sinh năm 1773 tại Phủ Cam, Giáo phận Huế ngày nay. Ngài là quan thị vệ của triều đình Huế. Ngài có hai đời vợ và có tất cả mười hai  người con. Ông nội và thân sinh của ngài là những người kính sợ Thiên Chúa, nhiều đời làm quan phục vụ Chúa Nguyễn.

Quan thị vệ Bường là một vị quan liêm chính, được thăng đến chức thị vệ hoàng cung và nhiều lần được vua Minh Mạng khen ngợi. Dù bận việc quân, quan thị vệ vẫn luôn nhớ bổn phận làm con Thiên Chúa trong việc sống đạo và giáo dục đức tin cho con cái.

Sau một lần đánh dẹp quân nổi loạn, quan quân kéo đến chùa Non Nước để tạ ơn trời Phật, nhưng quan thị vệ Bường không tham gia vì ngài là người Công giáo. Sự việc đã đến tại vua Minh Mạng. Trước mặt vua quan, quan thị vệ Bường khẳng khái tuyên xưng đức tin Công giáo. Nhà vua tức giận hạ lệnh xử trảm. Nhưng có các đại thần can gián, vua truyền lệnh đánh 80 đòn, lột hết chức tước bổng lộc và đuổi về làm thứ dân.

Năm 1832, vua Minh Mạng duyệt xét danh sách binh lính Công giáo thì thấy thiếu tên thị vệ Bường, vì đã bị đuổi khỏi chức quan. Vua hạ lệnh bắt giam ngài vào Trấn Phủ.

Trong chốn ngục tù, bị xiềng xích và nhiều lần bị tra tấn, dụ dỗ bỏ đạo để được phục hồi chức tước, bổng lộc, nhưng ông đội Bường vẫn khăng khăng từ chối bỏ đạo và trung kiên chịu đựng nhục hình vì lòng yêu mến Chúa.

Khi được quan Thượng thư bộ hình Võ Xuân Cần khuyên bỏ đạo, thánh nhân khiêm tốn trả lời : “Quan lớn có lòng thương thì tôi đội ơn quan lớn, nhưng xin quan lớn để tôi được giữ trọn chữ trung với Đức Chúa Trời là Thiên Chúa tôi thờ”.

Vì quan thị vệ Bường có nhiều công lao với triều đình nên vua muốn cuộc xử án diễn ra âm thầm, tránh gây ồn ào trong dư luận. Án xử trảm được thi hành tại pháp trường Thợ Đúc vào buổi tối ngày 23/10/1833. Thi hài của thánh nhân được an táng trong cung thánh nhà thờ Phủ Cam.

Quan thị vệ Tống Viết Bường được tôn lên bậc chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.

Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam


CHIA SẺ

13 Cảnh Báo Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Ma Quỷ (tiếp theo)

7) “Chúa Giê-su đã nói ‘Hoặc ngươi theo ta, hoặc chống lại ta’ … [Đức Giê-su đã đến] để giàng lại cho chúng ta quyền tự do … [khỏi] tình trạng nô lệ mà bóng tối ma quỷ đang bao trùm trên chúng ta … Như vậy không thể có sự lập lờ về thái độ. Cuộc chiến luôn diễn ra ở nơi đâu có ơn cứu độ, ơn cứu độ đời đời. Chúng ta phải luôn đề phòng và cảnh giác chống lại những mưu chước của ma quỷ, chống lại những cám dỗ của chúng.”

Bài giảng ngày 11/10/2013

8) “Ma quỷ gieo rắc mầm mống tội lỗi vào những nơi tốt lành, chúng cố gắng chia rẽ con người, phá tan các gia đình và dân tộc. Nhưng Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn mỗi người và kiên nhẫn chờ đợi với tình thương bao la: Người nhìn thấy những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, nhưng Người lại nhìn đến và kiên nhẫn tìm kiếm và chờ đợi những hạt giống tốt lành trong mỗi chúng ta nảy mầm.”

Bài giảng ngày 20/07/2014

9) “Ma quỷ không bao giờ chịu đứng im nhìn sự thánh thiêng và tốt lành của Giáo hội hay của mỗi chúng ta mà không cố tìm cách phá hủy sự tốt lành đó.”

Bài giảng ngày 07/05/2014

(còn tiếp)

(Nguồn : conggiao.info)

7 điều bất ngờ xảy ra khi bạn cầu nguyện với chuỗi Mân Côi thường xuyên hơn

Nếu bạn thấy khó cầu nguyện khi lần chuỗi mân côi hay khó giữ việc lần chuỗi thường xuyên, thì bạn hãy đọc để khám phá bảy điều bất ngờ nhất xảy ra trong đời sống của bạn khi bắt đầu cầu nguyện bằng việc lần chuỗi mân côi thường xuyên hơn.

4. Bạn sẽ can đảm hơn

Khi bạn đặt trọn niềm tin tưởng và đời sống, thậm chí cả chính tâm hồn bạn nơi bàn tay Đức Maria qua chuỗi Mân côi, bạn bắt đầu hiểu cách thức thực hành rất rõ ràng, đơn giản và đầy đủ trong những giải pháp của Mẹ. Đức Mẹ chỉ muốn đưa chúng ta đến với Đức Kitô và Mẹ yêu thương chúng ta rất nhiều, với sự dịu dàng thực sự của một người mẹ hoàn hảo. Khi chúng ta dâng những khó khăn của chúng ta cho Mẹ, chúng ta tôn vinh Mẹ. Sự can đảm bắt đầu nhuần thấm trong một đời sống mà luôn luôn hướng về mẹ Maria để xin Mẹ giúp đỡ và tin rằng Mẹ sẽ ban cho. Bạn có thể có được sự can đảm khi biết rằng Đức Maria luôn ở bên bạn! Thánh Maximialô Kollbe từng nói: “ tôi gặp gỡ Mẹ Maria ở mọi nơi. Tôi chẳng còn gặp khó khăn nào nữa”.

5. Ngày sống của bạn trở nên êm đềm hơn

Đây là những gì mà một trong số các tác giả của chúng ta nói về việc cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi hằng ngày: “Việc lần chuỗi làm cho toàn bộ ngày sống của tôi bình an hơn, như Đức Mẹ đang cùng tôi chiến đấu với những điều tồi tệ.” Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Tôi ý thức hơn sự hiện diện của Thiên Chúa.” Cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi không xóa đi nỗi đau trong đời sống của bạn, nhưng nó thực sự đưa tới cho bạn vũ khí mạnh mẽ hơn nhiều để chiến đấu với những khó khăn ấy.

                                                                                                                                     (còn tiếp)

                                                                                                  Tác giả: Ruth Baker

Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J. chuyển ngữ


MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN

Ao ước rước Đức Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng

… Câu chuyện giữa bà mẹ Công Giáo tên Hélène và cô con gái cưng Constance 7 tuổi. Gia đình sống tại giáo phận Laval ở miền Tây Bắc nước Pháp.

Nơi nhà bếp ấm áp bà Hélène đang chuẩn bị cho bữa ăn chiều. Bà vừa giúp đứa con trai đầu lòng làm xong bài ở nhà. Bà đang có chút thời gian thư giãn trước khi đi vào khung cảnh nhộn nhịp của gia đình vào ban tối.

Nhưng đây lại là thời gian lý tưởng nhất đối với bé Constance. Cô bé bất ngờ xuất hiện nơi nhà bếp và đi thẳng vào đề:

– Thưa Má, con muốn rước lễ lần đầu! Vậy khi nào thì con có thể rước lễ được hả Má?

Bà Hélène thở dài. Bà không ngạc nhiên chút nào về cô bé, nhanh nhẹn và thật dễ thương. Nhưng chiều nay bà mong rằng phải chi cô bé hỏi một câu hết sức thông thường như: ”Má ơi, mình ăn gì tối nay?” hẳn câu trả lời sẽ dễ dàng và nhanh chóng biết mấy! Đàng này, cô bé lại đặt một câu hỏi ngoại lệ.

Bà đành nói với bé:

– Con à, đây không phải là lúc thuận tiện để bàn về chuyện rước lễ lần đầu của con. Má sẽ nói chuyện này với con vào một lúc khác. Ngày mai chúng ta sẽ có tất cả thời giờ để bàn thảo!

Bé Constance nhất định không chịu. Cô bé nói:

– Nhưng con lại có tất cả thời giờ vào chiều hôm nay mà Má!

Vừa nói bé Constance vừa ngước đôi mắt trong xanh nhìn Mẹ. Đôi mắt vừa van lơn tha thiết vừa cương quyết đi thẳng đến mục tiêu. Cô bé sẽ không rời nhà bếp bao lâu mẹ bé chưa ấn định rõ ràng ngày nào bé có thể rước lễ lần đầu. Tốt nhất và nhanh nhất là ngay trong những ngày sắp tới. Còn tệ hơn thì lâu hơn tức là vào những tháng sắp tới!                                                                                                      

(còn tiếp)


CHÂM NGÔN LỜI CHÚA

Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.

Ðừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.