PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN – B

CHUỖI NGỌC MÂN CÔI

“Kính mừng Maria đầy ơn, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ.” 

(Lc 1,28.42)

Suy gẫm: Khi hiện ra tại Lộ Đức, Đức Mẹ xưng mình với tước hiệu “Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Còn khi hiện ra tại Fatima, bao giờ Mẹ cũng lần hạt với ba trẻ em Luxia, Giaxinta và Phanxicô. Và Mẹ xưng mình là Đức Mẹ Mân Côi.

“Mân Côi” là một từ “nhà đạo”, chuyên dùng trong phạm vi đạo Công giáo, không có trong từ điển Tiếng Việt. Tuy nhiên, theo hai cuốn Hán Việt Từ Điển (của Đào Duy Anh và Thiều Chửu), “Mân”, còn đọc là “Mai”, là một thứ ngọc; “Côi”, hay “Khôi” cũng là một thứ ngọc. “Mân Côi” hay “Mai Khôi” là tên một thứ ngọc màu đỏ. Còn hoa Mân Côi là một thứ hoa hồng màu giống như thứ ngọc ấy. Các tín hữu dùng từ Mân Côi để gọi tràng chuỗi hạt theo tiếng La Tinh là “Rosaria” (nghĩa là vườn hoa hồng).

Thật lý thú, chuỗi Mân Côi, kinh nguyện Mẹ Maria ưa thích được đặt tên theo tước hiệu của Mẹ Fatima, lại có nghĩa là chuỗi ngọc hoa hồng! Mỗi một hạt kinh Mân Côi, đúng là một hạt ngọc vì tích chứa biết bao lời ca tụng của các thiên thần trên trời, các thánh nhân dưới đất; mỗi một mầu nhiệm suy gẫm khi lần chuỗi Mân Côi, còn quý hơn một hạt ngọc, vì là kết tinh những mầu nhiệm cứu độ cao trọng của Đức Kitô. 

Chuỗi Mân Côi đẹp như thế, Mẹ Maria ưa đọc như thế. Còn bạn, bạn có thích không?   

                                                                                                                                    An Vi


GIÁO HUẤN SỐ 45

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Trong tình bạn với Đức Kitô (tiếp theo)

“Với một người bạn, chúng ta có thể nói và chia sẻ những bí mật sâu xa nhất. Với Đức Giêsu cũng vậy, chúng ta luôn luôn có thể trò chuyện. Cầu nguyện vừa là một thách đố vừa là một cuộc phiêu lưu. Và cuộc phiêu lưu ấy thú vị biết bao! Dần dần, Đức Giêsu giúp ta trân trọng sự cao cả của Người và kéo ta lại gần Người hơn. Việc cầu nguyện cho phép ta chia sẻ với Người mọi khía cạnh trong đời sống mình, và an tâm nghỉ ngơi trong vòng tay của Người. Đồng thời, cầu nguyện giúp ta tham dự vào chính sự sống và tình yêu của Người. Khi chúng ta cầu nguyện, “chúng ta cởi mở mọi điều ta làm” cho Người, và chúng ta dành chỗ cho Người “để Người có thể hành động, có thể đi vào, và có thể chiến thắng”. (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 155).


GƯƠNG THÁNH TỬ ĐẠO

THÁNH PHANXICÔ NGUYỄN VĂN TRUNG 

Cai đội (1825 – 1858)

NGÀY TỬ ĐẠO: 06 THÁNG 10

Tôi có chết , mình lo săn sóc các con! Hãy hết lòng yêu thương các con!

         Thánh Phanxicô Nguyễn văn Trung sinh năm 1825 tại làng Phan Xá, tỉnh Quảng Trị. Mồ côi cha từ sớm, cậu được người mẹ hiền từ đạo đức nuôi dưỡng. Cậu Trung lập gia đình và sinh hạ bốn người con. Sinh ra trong gia đình đạo hạnh, mỗi năm đến mùa Chay thánh, vợ chồng con cái đều dọn mình sốt sắng lãnh nhận các Bí tích.

         Với chức vụ cai đội, cậu Trung và mười một bạn đồng ngũ phải trải qua một cuộc khảo thí. Các bạn đồng ngũ hối lộ các quan khảo thí, chỉ trừ cai đội Trung. Do các quan chia tiền hối lộ không đều nên xảy ra cải vã. Câu chuyện đến tai vua Tự Đức và mười hai cai đội bị tù.

         Năm 1859, Pháp tấn công Đà Nẵng. Vua Tự Đức cho các tù nhân: Hoặc tiếp tục bị tù, hoặc tòng quân giết giặc. Cai đội Trung tình nguyện diệt giặc. Vua Tự Đức còn nghi kỵ lòng trung thành của binh lính có đạo nên bắt họ chà đạp Thánh Giá, cai đội Trung không chịu nên bị tống ngục và chờ bản án. Ông khuyên nhủ vợ mình: “Tôi có chết, bà bình an lo lắng săn sóc các con. Hãy hết lòng yêu thương các con, đứng tái hôn với ai nữa

         Sáng ngày 06/10/1858, cai đội Trung bị đưa ra pháp trường gần chờ An Hòa. Tuy nhiên, vào giờ phút chót có sự bất đồng ý kiến giữa các thượng quan về bản án. Họ cho rằng nếu xử ông đội Trung, quân Pháp có lý do tấn công quân đội triều đình. Vì thế quan đình chỉ thi hành bản án và xin lệnh vua Tự Đức.

         Vào lúc 8 giờ tối cùng ngày. Vua Tự Đức y án trảm quyết ông đội Trung. Vị chứng nhân đức tin quỳ gối, đầu hơi cúi xuống và lý hình thi hành bản án khi tiếng trống chưa dứt. Đầu ông đội Trung bị treo giữa chợ An Hòa ba ngày để làm giương. Ngày 08/10/1858, thi hài được giáo dân rước về an táng trong nhà thờ họ Dương Sơn.

         Cai đội Phanxicô Nguyễn Văn Trung được nâng lên bậc chân phước ngày 02/05/1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.


CHIA SẺ

13 Cảnh Báo Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về Ma Quỷ

Bắt đầu từ bài giảng đầu tiên sau khi nhậm chức Giám mục Roma, ĐGH Phanxicô luôn nhắc nhở các tín hữu rằng ma quỷ là thực hữu và chúng ta luôn phải cảnh giác với chúng, và niềm hy vọng duy nhất cho chúng ta có thể chống lại ma quỷ là Đức Giê-su Ki-tô.

1) “Khi một người không tuyên xưng Đức Ki-tô, người đó sẽ tuyên xưng sự trần tục của ma quỷ.”

Bài giảng đầu tiên, 14/03/2013

2) “Ông Hoàng của thế giới ngày nay là Satan rất ghét sự thánh thiêng, hắn không muốn con người bước theo Đức Ki-tô. Có thể có người sẽ nói: ‘Nhưng thưa Cha, cách Cha nói về ma quỷ đã quá lỗi thời trong thế kỷ 21 này!’ Nhưng các bạn hãy cảnh giác vì ma quỷ vẫn đang hiện hữu! Ma quỷ đang ở trong thế giới này … ngay trong thế kỷ 21 này! Và chúng ta đừng thờ ơ nữa. Hãy học trong Thánh Kinh cách chiến đấu chống lại với Satan.”

Bài giảng ngày 10/04/2014

3) “[Ma quỷ] đang tấn công dữ dội vào các gia đình, là nơi ma quỷ không muốn tình yêu được thể hiện và chúng đang tìm cách để phá hủy tình yêu. […] Nguyện xin Thiên Chúa ban phúc lành cho mọi gia đình. Xin Người ban sức mạnh cho các gia đình trong cơn khủng hoảng này, cơn khủng hoảng mà ma quỷ đã tạo ra để phá hủy nền tảng gia đình.”

Bài giảng ngày 01/06/2014

(còn tiếp)

(Nguồn : conggiao.info)

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN

7. Có cách nào giúp tôi dành thời gian cầu nguyện không? Thiên Chúa ở đâu trong cuộc sống hàng ngày?

Trong tất cả thời gian mà bạn trải qua mỗi ngày, những giây phút bạn dành cho việc cầu nguyện là lúc bạn sử dụng thời gian đúng mục đích nhất. Mục đích của việc cầu nguyện là chú tâm vào Thiên Chúa.

Chẳng hạn, bạn có thể làm điều này bằng cách cầu nguyện với một đoạn Kinh Thánh. Thiên Chúa luôn hiện diện ở đó, nhưng chúng ta ít khi để tâm đến Ngài. Do đó, bạn nên khơi lại trong tâm trí về những gì bạn coi là thực sự quan trọng trong cuộc sống và xem điều đó là chủ đề cho lời cầu nguyện.

Hãy dành ưu tiên cho việc cầu nguyện! Điều nào quan trọng hơn: cuộc sống bận rộn của bạn hay Thiên Chúa? Hãy dành ưu tiên cho Chúa và mọi điều khác sẽ đâu vào đó.

Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets

7 điều bất ngờ xảy ra khi bạn cầu nguyện với chuỗi Mân Côi thường xuyên hơn

Nếu bạn thấy khó cầu nguyện khi lần chuỗi mân côi hay khó giữ việc lần chuỗi thường xuyên, thì bạn hãy đọc để khám phá bảy điều bất ngờ nhất xảy ra trong đời sống của bạn khi bắt đầu cầu nguyện bằng việc lần chuỗi mân côi thường xuyên hơn.

1. Bạn sẽ bớt ích kỷ hơn

Bạn từng cảm thấy thế nào khi yêu mến ai đó hay một điều gì đó với trọn con tim và cảm thấy thực sự bị lôi cuốn về người ấy hay những sự vật ấy, nhưng phải chăng đôi khi lại thật khó để hành động vì lòng mến đó? Cảm nhận của tôi về chuỗi mân côi cũng giống như vậy. Tôi yêu mến việc lần chuỗi và tôi yêu mến điều ấy như một món quà được trao tặng. Tôi thực sự tin vào sức mạnh của nó. Nhưng còn việc phải dành riêng thời giờ để lần chuỗi  thì sao? Để thực hiện, bản thân tôi phải hy sinh và từ bỏ một khoảng thời gian và năng lực cho riêng mình, và thay vào đó là suy niệm về những mầu nhiệm. Việc cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi giúp chúng ta quy hướng về Đức Kitô, Đấng có thể đưa ta ra khỏi mình, giải thoát ta khỏi tội lỗi, và giúp ta liên tục kiếm chế sự thỏa mãn tính ích kỷ của mình.                                  (còn tiếp)           

                                                                                                  Tác giả: Ruth Baker

Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J. chuyển ngữ


MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN 

Giọt Nước Mắt Cuối Cùng

Một bà lão tin Chúa, nằm trên giường bệnh chờ chết. Ông chồng ngồi bên cạnh cầm tay vợ buồn bã. Cả hai đều biết rằng phút cuối cùng sắp tới, và sau đó hai người sẽ xa cách nhau. Một người vào cõi chết, một người ở lại cô đơn.

Cả hai đều đau thương ngậm ngùi. Bốn mắt nhìn nhau. Và nước mắt chan hòa trên gò má nhăn nheo của bà lão.

Người chồng chậm rãi lấy khăn lau khô mắt vợ, rồi với giọng run run ông bảo: “Mình ơi, cảm tạ Chúa, đây là những giọt nước mắt cuối cùng”.

Ít phút sau đó, bà lão tắt thở. Không còn giọt nước mắt nào trào tuôn trên gương mặt bà nữa. Bà đã vào cõi vĩnh hằng với Chúa.

Nước mắt và chia ly hầu như lúc nào cũng là bạn đường của chúng ta trong cuộc sống.

Lúc hài nhi rời lòng mẹ, tiếng khóc khỏe mạnh bật ra, khi hình hài xinh xắn bắt đầu nhận không khí ở ngoài trời, ở cuộc đời. Những năm tháng sau đó, nước mắt chảy dài khi nhìn những đứa con rời tổ ấm vào xã hội sống với nghề nghiệp của chúng. Rồi đến một ngày hôn lễ, nước mắt vui buồn lẫn lộn khi cha mẹ đưa con cái về mái nhà mới. Cuối cuộc đời, cũng như đầu đời, nước mắt lại trào ra như làm trôi đi những kỷ niệm.

Cuộc đời như toàn là nước mắt cả.

Những người tin Chúa, biết rõ rằng sẽ có một ngày không còn nước mắt cũng như chia ly nữa. Ngày đó, Chúa hứa lau khô mọi gương mặt đau xót, và cuộc đời sẽ không còn ngăn cách nữa. Ngày đó mọi người tin Chúa sẽ sống với Ngài trong niềm hân hoan bất tận.

Mỗi khi đưa tiễn một người tin Chúa vào lòng đất, bạn nên nhớ rằng, đối với người ấy, giọt nước mắt trước khi chết là giọt nước mắt cuối cùng.

 (Nguồn : 118 câu chuyện suy tư và cầu nguyện)


CHÂM NGÔN LỜI CHÚA

Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

                                                                                     (Mt 6: 3-4)