PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXV MÙA THƯỜNG NIÊN – B

NGHỊCH LÝ “LỚN-NHỎ”

Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”

  (Mc 9,38)

Suy gẫm: Các môn đệ tranh cãi nhau xem ai trong các ông là người “lớn” nhất. Chúa Giêsu lại dạy một điều xem ra nghịch lý: muốn làm “lớn nhất” thì phải “làm người rốt hết và phục vụ mọi người.” Từ thuở ban đầu Ađam đã vấp phải nghịch lý “lớn-nhỏ” này: Là thụ tạo nhưng đòi “làm lớn” muốn được ngang bằng Thiên Chúa! Thiên Chúa đã quay ngược nghịch lý đó để biến thành qui tắc cứu độ con người: Muốn làm “lớn” phải trở nên “nhỏ”, “làm người phục vụ”. Ngài không ngừng dạy các môn đệ “làm nhỏ” để “làm lớn”. Việc Ngài rửa chân cho các môn đệ là hình ảnh minh hoạ thật xúc động cho bài học đó. Cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu là thực hiện công cuộc cứu độ con người bằng chính qui tắc đó: Ngàiđã từ bỏ “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ” để làm người, chịu chết. Chính vì trở nên “nhỏ” như thế, Ngài đã trở thành “lớn” và được tôn vinh vượt trên mọi loài trên trời dưới đất (x. Pl 2,6-11).

Khiêm tốn phục vụ là cách thực hiện qui tắc “nhỏ-lớn” trên con đường nên thánh. Thánh Maximilianô Kôlbê xác tín rằng: “Khiêm tốn là nền tảng mọi nhân đức; thiếu nó, mọi nhân đức khác sẽ biến mất.”

An Vi


GIÁO HUẤN SỐ 43

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ

Trong tình bạn với Đức Kitô (tiếp theo)

“Tình bạn thật quan trọng đến nỗi Đức Giêsu gọi chính Người là một người bạn: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Nhờ ân ban của Người, chúng ta được nâng lên để trở thành thật sự là bạn hữu của Người. Với cùng tình yêu mà Đức Kitô đổ tràn trên chúng ta, chúng ta có thể yêu mến Người để đáp lại, và chia sẻ tình yêu của Người với những người khác, với hy vọng rằng họ cũng sẽ tham dự cộng đoàn thân hữu mà Người đã thiết lập. Và cũng như Người đang sống sự sống Phục Sinh trong trọn vẹn vinh phúc, thì chúng ta, về phần mình, có thể làm việc cách quảng đại để giúp xây dựng vương quốc của Người trên thế giới này, bằng cách mang sứ điệp của Người, ánh sáng của Người, và trên hết là tình yêu của Người cho người khác (x.Ga 15,16). Các môn đệ đã nghe Đức Giêsu gọi họ là bạn hữu của Người. Đó là một lời mời gọi không hề áp chế họ, nhưng nhẹ nhàng gọi mời sự tự do của họ. “Hãy đến mà xem”, Đức Giêsu nói với họ như thế; vì thế “họ đến và xem nơi Người ở, và họ ở lại với Người hôm ấy” (Ga 1,39). Sau cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động ấy, họ đã bỏ mọi sự đi theo Người”.

(Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 153).


GƯƠNG THÁNH TỬ ĐẠO

THÁNH TÔMA TRẦN VĂN THIỆN

Chủng sinh (1820 – 1838)

NGÀY TỬ ĐẠO: 21 THÁNG 9

Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến chức quyền thế gian

Thánh Tôma Trần Văn Thiện sinh năm 1820 tại làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình đạo hạnh. Lên chín tuổi, chú Thiện được học chữ Nho, học giáo lý và giúp lễ tại họ đạo Mỹ Hương, chú Thiện tỏ ra rất thông minh, được gửi học Latinh với cha Chỉnh tại họ Kẻ Sen. Nhờ có tính tình tốt và trí thông minh, năm 18 tuổi (1838), chú Thiện được cha giám đốc Candalh Kim gọi về chủng viện Di Loan, Quảng Trị.

          Chú Thiện và người chị cả hối hả lên đường, nhưng khi đến Di Loan thì gặp quan quân đang vây làng bắt tây dương đạo trưởng nhưng không tìm thấy. Quan hạ lệnh bắt một số giáo hữu, trong số đó có chú Thiện và điệu về công đường Quảng Trị. Quan tỉnh nghe nói chú là chủng sinh của cha Kim nên truyền tra hỏi cặn kẻ để biết cha trốn ở đâu, rồi khuyên chú bỏ đạo nếu không muốn chết.

          Thấy chú còn trẻ lại khôi ngô, quan bảo nếu chú bỏ đạo thì chẳng những tha mà còn nhận làm con rể và ban cho địa vị. Nhưng chú từ chối: “Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến chức quyền thế gian”.

          Trong tù ngục, khi chứng kiến nhiều kẻ chối đạo, chú Thiện tăng cường  ăn chay và cầu nguyện cho những kẻ chối đạo để họ sớm ăn năn thống hối. Đặc biệt, trong lao tù nhờ bị đóng gông và giam chung với cha Jaccard-Phan, chú hân hoan đón nhận những lời dạy bảo và khuyên nhủ của cha nên lao  tù trở thành chủng viện cho chú.

          Ngày 17/09/1838, vua Minh Mạng châu phê bản án truyền xử giảo chủng  sinh Thiện và thừa sai Jaccard-Phan. Án lệnh được thi hành ngày 21/09/1838 tại pháp trường Nhan Biều, bên dòng sông Thạch Hãn, ngoài cổ  thành Quảng Trị.

          Chú Thiện dọn mình và xin cha Jaccard-Phan giải tội lần cuối cùng. Hai chứng nhân đức tin âm thầm quỳ xuống cầu nguyện trên hai chiếc chiếu đã dọn sẵn. Binh lính đến tháo gông khỏi cổ và thay vào bằng sợi dây thật dài. Sau ba tiếng chiêng, lý hình cầm hai đầu dây kéo mạnh đến khi tắt thở.

          Chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện đã dâng hiến trọn vẹn tuổi đời thanh xuân cho Thiên Chúa tình yêu. Thi hài của ngài được an táng tại chính đất pháp trường Nhan Biều. Năm 1847, toàn bộ hài cốt được đưa về trang trọng cung kính tại Nhà nguyện của Hội Thừa Sai Paris. Tại nơi xử các ngài, Nhan Biều, vào năm 2012, Giáo phận đã xây một đền thờ để tôn kính cha Jaccard-Phan và thầy Tôma Thiện.

          Chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện được suy tôn lên bậc chân phước ngày 27/05/1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.


CHIA SẺ

NHỮNG CÂU NÓI NỔI BẬT CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ (tiếp theo)

Muối Chúa Kitô ban cho chúng ta là muối của đức tin, đức cậy và đức ái… Muối này không nên cất giữ, vì nếu muối đem cất trong lọ thì chẳng làm được gì, và chẳng có ích lợi gì”.

 “Muối chúng ta đã nhận được phải được cho đi, để làm cho mọi thứ có hương vị, nếu không sẽ phai nhạt và vô dụng. Chúng ta phải cầu xin Chúa Kitô không để cho chúng ta trở nên những Kitô hữu là muối không mùi vị, là muối cất trong lọ.”

 “Sự đặc thù của Kitô giáo không phải là sự thuần nhất! Mỗi người chúng ta, với cá tính, các tính tình khác nhau, cùng với nền văn hóa – và cần giữ nguyên như vậy, vì đó là một kho tàng.”

”Tin Mừng tính, Giáo Hội tính và Thừa sai tính. 3 từ này xin anh chị em đừng quên!”

 “Chính Chúa giúp cho Giáo Hội sống, gìn giữ và làm cho tăng trưởng, làm cho thánh thiện, bảo vệ và che chở chống lại thần dữ của thế gian, và những gì thần dữ muốn Giáo Hội trở thành, tóm lại là trở nên trần tục hơn. Đây chính là nguy cơ trầm trọng!”

CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN

4. Cầu nguyện có thể giúp tôi đưa ra những quyết định đúng đắn không?

Để tìm ra những gì Thiên Chúa muốn cho mình, chúng ta nên học biết cách Chúa nói với chúng ta trong sâu thẳm tâm hồn mình. Lắng nghe tiếng Chúa là lắng nghe những cảm nhận nơi sâu thẳm nhất của lòng mình. Chỉ ở nơi sâu thẳm tâm hồn, chúng ta mới có thể nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa.

Chúng ta nên phân biệt ước muốn nào đến từ Thánh Thần và ước muốn nào không. Để làm được điều đó, bạn cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Khi bạn đã tìm thấy được điều bạn nên làm, bạn sẽ thực sự cảm thấy bình an và yên tĩnh trong lòng. Cảm xúc này là điều Thiên Chúa muốn dành cho mỗi người chúng ta, cũng như để chỉ cho chúng ta điều gì là đúng.

Khát vọng sâu xa nhất của bạn được đặt nơi Thiên Chúa, Đấng muốn giúp bạn đưa ra quyết định. Khi bạn xin Ngài hướng dẫn, chắc chắn Ngài sẽ trợ giúp bạn.
                                                                                                                                                 (còn tiếp)

Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets


MỖI TUẦN MỘT CÂU CHUYỆN

Câu chuyện đức tin của Alex Kalscheur và gia đình trong tai nạn (tiếp theo)

Nhìn thấy ơn Chúa trong mọi sự, dù trong tai nạn

Tuy nhiên trong khó khăn thử thách này, cả Alex và gia đình đều nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong biến cố này. Trước hết, đối với bà Amy mẹ của Alex, thật là kỳ diệu khi dù bị ngã từ trên cao xuống như thế, Alex chẳng bị trầy xước gì trên cơ thể, ngoại trừ ở một cùi chỏ. Các bác sĩ nói với bà rằng Alex dường như là được nâng đỡ khi rơi xuống. Bà Amy kể: “Các phép lạ cứ đang tiếp tục tỏ ra. Các bác sĩ ở Pháp cách chung không tỏ ra quá lạc quan, tuy nhiên các bác sĩ nói con tôi sẽ đi lại được. Họ không biết chắc con tôi có hoàn toàn phục hồi không, và nó sẽ là một cuộc chiến đấu, tuy nhiên họ lạc quan về khả năng hồi phục của con tôi.”

Bà Amy kể thêm các phúc lành khác, gồm cả việc có hai bác sĩ hiện diện trong bữa tiệc ở lâu đài trên dãy núi Alps hôm xảy ra tại nạn, nhờ thế họ có thể trợ giúp cho Alex trong thời gian chờ xe cứu thương đến. Một người bạn của gia đình Alex quen với một bác sĩ ở cách bệnh viện Alex đang nằm 20 phút đi bộ và bác sĩ này đã mời bố mẹ Alex ở tại gia đình bà bao lâu họ cần ở để chăm sóc cho Alex. Đặc biệt, được rước Mình Thánh Chúa hàng ngày là một phúc lành đối với họ.

Alex yêu thích Thánh lễ và tình yêu dành cho Chúa thật lớn

Bà Amy chia sẻ về con trai mình: Alex yêu thích tham dự Thánh lễ; cậu huấn luyện các em giúp lễ của giáo xứ và làm người điều khiển hướng dẫn cho các Thánh lễ cuối tuần ở nhà thờ. Nếu vì lý do nào đó mà gia đình đi lễ vào ban trưa, thì Alex sẽ đi một lễ nữa vào lúc 6 giờ chiều để làm người dẫn lễ. Nếu người ta cần người giúp lễ, Alex sẽ giúp cả hai lễ. Bà mẹ nhận thấy Alex có một lòng yêu quý Thánh lễ hiếm gặp thấy ở những thanh niên cùng lứa tuổi với cậu. Alex là một người có đời sống thiêng liêng và tình yêu cậu dành cho Chúa Kitô thật là lớn.     (còn tiếp)

Hồng Thủy

(VaticanNews 09.08.2018


CHÂM NGÔN LỜI CHÚA

Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.Mt 10:19-20