CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

Dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời. (Mt 17,2)

Suy gẫm: Đời sống kitô hữu là một cuộc hành trình hướng về đích cuối cùng là nhà Cha trên trời. Trong cuộc hành trình này chúng ta phải trải qua những khó khăn thử thách, trải nghiệm những kinh nghiệm khác nhau về niềm vui và ân sủng.

Trong hành trình cuộc đời chúng ta, Thiên Chúa luôn ở cùng chúng ta và nhắc nhớ chúng ta rằng cùng đích của chúng ta là nơi vinh quang cùng với Người  với Người Con và các Thánh. Chỉ có thể đạt đến đích khi lắng nghe tiếng Chúa. Việc đó sẽ giúp chúng ta luôn đi đúng hướng.

Có một từ hoặc dòng kinh sách nào bạn thích và nó giúp bạn không? Lặp lại nó cho chính mình như một lời cầu nguyện.
Lạy Chúa , xin cho con nghe lời Chúa.

(Bible Diary 2020/Sunday Homily)

PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

08.03 CHÚA NHẬT II MÙA CHAY. Mt 17,1-9

09.3 Thứ Hai. Thánh Phanxica Rôma, nữ tu. Lc 6,36-38

10.3 Thứ Ba. Mt 23,1-12

11.3 Thứ Tư.Thánh Đa-minh Cẩm, Linh mục, tử đạo. Mt 20,17-28

12.3 Thứ Năm. Lc 16,19-31

13.3 Thứ Sáu. Mt 21,33-43.45-46 Kỷ niệm 07 năm ngày Đức Phanxicô đắc cử Giáo Hoàng (2013).

14.3 Thứ Bảy. Lc 15,1-3.11-32

15.3 CHÚA NHẬT III MÙA CHAY. Ga 4,5-42

HOẠT ĐỘNG GIÁO HỌ – GIÁO XỨ

* Giáo Họ Đaminh Cẩm

– Thứ Ba 10/3 lúc 19g30: Tĩnh Tâm.

– Thứ Tư 11/3 lúc 17g15: Lễ Kính Thánh Đaminh Cẩm bổn mạng của giáo họ.

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

GIÁO HUẤN SỐ 15

TUỔI TRẺ CỦA ĐỨC GIÊSU (tiếp theo)

“Ở tuổi thiếu niên và thanh niên, Đức Giêsu tương quan với Chúa Cha như người Con yêu dấu. Gắn bó với Cha, Người lớn lên trong thao thức về các công việc của Cha: “Bố mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con sao?” (Lc 2,49). Tuy nhiên, không được nghĩ rằng Giêsu là một thiếu niên cô lập hay một thanh niên chỉ quan tâm đến mình. Các mối tương quan của Người cũng giống như một người trẻ hoàn toàn tham gia vào đời sống của gia đình và đồng bào mình. Người học việc với cha, và rồi thay cha ở xưởng thợ mộc. Tin Mừng có chỗ đề cập rằng Người được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55), và một chỗ khác đơn giản gọi Người là “chàng thợ mộc” (Mc 6,3). Chi tiết ấy cho thấy rằng Người là một chàng trai như mọi chàng trai khác trong thôn xóm, và Người liên hệ bình thường với mọi người. Không ai xem Người như một nhân vật bất thường hay tách rời khỏi những người khác. Chính vì vậy, khi Đức Giêsu bắt đầu giảng dạy, người ta không thể hình dung bởi đâu mà Người có được sự khôn ngoan ấy: “Đây không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4,22). (Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 28).

MỪNG BỔN MẠNG

Chúc Mừng Giáo họ Đa Minh Cẩm Nhân Lễ Bổn Mạng-Thánh Đa-minh Cẩm, Linh mục, tử đạo (11.3).

TẢN MẠN – CHIA SẺ­ – GÓP NHẶT

Để có một Mùa Chay thật sự thánh

“Vậy, nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5:20)

Mùa Chay  “mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng”, tức hành trình 40 ngày hoán cải và “trở về với Chúa” của mỗi người trong tư cách là con cái của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều đáng buồn, một thực tại buồn, nếu mỗi người khiêm tốn và can đảm nhìn nhận, thì có vẻ như là lời mời gọi làm hoà này, hoán cải này của mỗi Mùa Chay không có dù một ý nghĩa thực tế nào với chúng ta ngoại trừ là dịp để chúng ta hô hào hay khoe mẽ vài việc bác ái mà Chúa Giêsu đã cảnh báo. (Mt 6, 16)

Để biết thực tại buồn này, mỗi người chúng ta cần khiêm tốn để thấy, là nhiều Mùa Chay trôi qua, nhưng rồi bản thân chúng ta vẫn y như cũ, vẫn chẳng có gì mới mẻ, vẫn chẳng có một nếp sống nào mới, nếu không muốn nói là nó tệ dần đều. Thực tại này không chỉ xảy ra với những người bình thường, mà cả những bậc tu trì nếu đủ khiêm nhường cũng sẽ phải nhìn nhận và thật lòng hoán cải về sự yếu đuối và thấp hèn của mình. Tình trạng này sở dĩ là một thực tại rất thật là vì, chúng ta chưa “thật lòng”, chưa “xé lòng”, hay nói theo ngôn ngữ của Chúa Giêsu là chúng ta vẫn còn “giả hình”, vẫn thích “phô trương”. Còn nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vì chúng ta vẫn còn tưởng mình là “vĩnh cửu”, nên cứ để cho thời gian trôi cách vô ích mà không màng chi đến cơn khát và đói thiêng liêng nơi cuộc sống của mình, nên Ngài đã cảnh báo: “Chớ gì chúng ta không để cho thời gian ân sủng này qua đi cách vô ích, trong sự ảo tưởng ngu ngốc là chúng ta có thể kiểm soát được thời gian và phương thế hoán cải của chúng ta về với Chúa” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2020, Số 2).

Để hành trình Mùa Chay của chúng ta trở nên thật sự hiệu năng, để thật sự là “làm hoà với Thiên Chúa”, thì có lẽ mỗi người chúng ta, trong sự khiêm tốn và can đảm thẳm sâu, hãy chọn cho mình một điều tốt lành nào đó mà chúng ta chưa thể thực hiện, hoặc thực hiện cách nửa vời, hoặc chập chờn, và rồi đối thoại với Chúa về điều đó để Ngài có thể ban sức mạnh cho chúng ta thực thi và đạt mục tiêu.

Do đó, “làm hoà với Thiên Chúa” là một sự trở về với con người thật của mình, trở về với những chọn lựa căn bản của mình, Thiên Chúa hay những thú vui và lợi lộc trần gian? Và như thế, chúng ta sẽ không còn dừng lại ở những chuyện mang tính thủ tục và hình thức như bao Mùa Chay khác, mà là Mùa Chay thật sự thánh như tên gọi của nó, tức là chúng ta thật sự muốn nên thánh, muốn sống thánh hơn, muốn chọn Chúa hơn là những thứ vốn làm cho chúng ta vui thú bình thường. Và có lẽ, chỉ cần chúng ta chọn một điều chưa thánh để trở về là đủ, đừng quá cố gắng chọn nhiều điểm quá để rồi chẳng đạt được điểm nào và lại ồn ào như xưa sau một cuộc chiến không thành. Và chắc có lẽ, không ai có quá nhiều điểm tồi để phải hoán cải ngay và gấp vì không kịp, nên chỉ cần mỗi Mùa Chay, chúng ta chọn một điểm, cứ khiêm nhường như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ thành toàn, vì “đây là lúc thuận tiện, đây là thời gian cứu độ” cho những ai thành tâm thiện chí trở về và làm hoà với Thiên Chúa.

Joseph C. Pham

Nước mắt sám hối

Người Hồi giáo có chuyện sau đây : Ngày kia Đức Ala truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời.

Sứ thần đáp xuống ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng. Sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Ala. Nhưng xem ra Đức Ala không hài lòng mấy.

Ngài bảo : “Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quý giá nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.”

Sứ thần đành phải xuống thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giàu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc vừa xông hương để tỏ lòng biết ơn đối với vị đại ân nhân.

Sứ thần liền thu nhặt hương thơm mang về trời. Lần này Đức Ala mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra Ngài vẫn chưa hài lòng, Ngài nói : “Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều hiếm có và tốt đẹp nơi trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.”

Lại một lần nữa sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp bốn phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ bên vệ đường, Ngài bỗng thấy một người đang khóc sướt mướt.

Trước những câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần, người ấy giải thích: “Tôi đã chìu theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hằng ngày của tôi”.

Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Ala chăm chú nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói : “Thế là ngươi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối, bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu.

(Trích ”Món quà giáng sinh”)

“Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho.”

Làm sao phải đợi cánh cửa mở khi mà
nó chả bao giờ đóng cả?

***

 Mời các bạn tìm đọc chia sẻ

KHÁT KHAO THIÊN CHÚA

    trên Bảng Thông tin về đề tài này