CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN – C
Đức Giê-su nói: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.” (Lc 10,3)
Suy niệm: Người đi đường cần phải mang theo bao bị, túi xách. Đi càng lâu càng xa, bao bị càng lớn, va li càng to. Vậy mà Đức Giê-su lại căn dặn người môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng không túi tiền giắt lưng, cũng chẳng bao bị, túi xách, va li. Lỡ hết tiền dọc đường chẳng lẽ ngửa tay xin? Không có đồ dùng cá nhân thì lấy gì lo cho những nhu cầu tối thiểu? Cần phải hiểu đúng lời Đức Giê-su: Ngài muốn hành trang người tông đồ phải là hành trang gọn nhẹ, đơn giản hết sức. Đúng hơn nữa, hành trang ấy phải là lòng yêu mến Thiên Chúa, tâm tình nhiệt thành đối với các linh hồn, nhất là đối với những người chưa biết Đức Ki-tô, chưa nghe biết Tin Mừng Nước Trời. Chính lòng yêu mến Chúa và công cuộc Nước Trời mới là hành trang cho sinh hoạt mỗi ngày của những ai muốn làm tông đồ.
Hãy ghi nhớ lời Gandhi: “Một vật cứng rắn đến đâu, cũng sẽ tan chảy trong lửa tình yêu. Nếu vật ấy không tan chảy, chính vì ngọn lửa không đủ mạnh.” Bạn sẽ làm gì để lửa yêu mến các linh hồn làm tan chảy sự dửng dưng của bạn đối với công cuộc truyền giáo và sau đó làm tan chảy các tâm hồn khác?/.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
07.7 CHÚA NHẬT XIV MÙA THƯỜNG NIÊN; Lc 10,1-12.17-20
08.7 Thứ Hai; Mt 9,18-26
09.7 Thứ Ba. Thánh Au-gus-ti-nô Zao Rong, Linh mục, và các bạn tử đạo. Các thánh tử đạo tại Trung Quốc; Mt 9,32-38
10.7 Thứ Tư. Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự, thầy giảng và Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm), tử đạo; Mt 10,1-7
11.7 Thứ Năm. Thánh Bê-nê-đic-tô, viện phụ. Lễ nhớ; Mt 10,6-15
12.7 Thứ Sáu. Thánh Ignatiô Delgado Y, Giám mục, tử đạo; Thánh Anê Lê Thị Thành, nữ giáo dân, tử đạo; Thánh Phêrô Hoàng Khanh, Linh mục, tử đạo; Mt 10,16-23
13.7 Thứ Bảy. Thánh Hen-ri-cô; Mt 10,24-33
14.7 CHÚA NHẬT XV MÙA THƯỜNG NIÊN. Lc 10,25-37
THÔNG BÁO Số 39TB/GXCT/2019
1. Thứ Bảy 13/7 lúc 05g00 Lễ Kính thánh Anê Lê Thị Thành. Xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
2. Chương trình Hành Hương về Đền Thánh Anrê Phú Yên – Phước Kiều kỷ niệm 375 năm Ân Phúc Tử Đạo và 20 năm tôn phong Chân Phước, ngày 25/7 và 26/7- hướng đến ngày tôn phong Hiển Thánh đã được niêm yết tại bảng thông báo.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
227. Ai đã lập ra Bí tích Sám Hối – Giao Hòa?
– Chính Chúa Giêsu đã lập bí tích Sám hối Giao hòa, khi Người hiện ra cho các Tông đồ vào chiều lễ Phục sinh, và truyền cho các ông rằng: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. Ga 20, 22 [1439 – 1485]
+ Không ở đâu mà Chúa Giêsu đã minh họa chuyển động của bí tích Sám hối Hòa giải tốt hơn là trong dụ ngôn ta quen gọi là “đứa con hoang đàng” (mà trọng tâm chính là “người cha đầy lòng thương xót”); ta đi lạc đường, ta hư hỏng, ta không thể đối mặt với đời ta. Thế mà Cha chúng ta vẫn chờ mong tha thiết, chờ mong bằng lòng ao ước khôn cùng; Người tha thứ khi ta trở về; Người đón nhận ta luôn luôn, lặp đi lặp lại, Người tha thứ tội lỗi cho ta. Chính Chúa Giêsu đã tha thứ tội lỗi cho nhiều người; việc này đối với Người còn quan trọng hơn việc làm phép lạ. Người xem đó như dấu hiệu lớn hơn cả báo cho biết Nước Thiên Chúa đang đến, vì mọi thương tích được chữa lành, mọi nước mắt phải khô đi. Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà Người dùng để tha tội. Chúng ta trao thân vào tay Cha trên trời khi chúng ta tìm đến linh mục để xưng tội.→ 314, 524
+ Người con nói với Cha: Thưa Cha, con thật đắc tội với trời và với Cha, chẳng còn đáng gọi là con Cha nữa… Nhưng người Cha liền bảo đầy tớ rằng: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu. – Lc 15,21-22
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước 228. Ai có quyền tha tội?
GƯƠNG ĐỨC TIN
THÁNH NỮ ANÊ LÊ THỊ THÀNH (ĐÊ)
Giáo dân (1781 – 1841)
Thánh Anê Lê Thị Thành sinh năm 1781 tại làng Bái Điền, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Tháng 4/1841 bị bắt giam tại Nam Định. Trong những tháng ngày chịu giam cầm, bà Đê phải chịu biết bao những cực hình tra tấn nặng nề, ăn uống cực khổ và còn phải chịu thêm nổi đau đớn của bệnh tật. Cuối cùng, vì kiệt sức, bà an nghỉ trong Chúa đêm 12/07/1841 nơi chốn lao tù sau 3 tháng bị giam cầm, hưởng thọ 60 tuổi.
Thánh nữ Anê Lê Thị Thành (Đê) được nâng lên bậc chân phước ngày 02/05/1909 và được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988.
(Bổn mạng Giáo họ Anê Lê Thị Thành)
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Phân Định
Tuần qua, trên Bảng thông báo Giáo xứ xuất hiện thêm một tài liệu (‘Thư’) của Tòa Tổng Giám mục Tp HCM về việc thực hành phụng vụ và Lòng đạo đức bình dân tại Giáo phận Tp HCM. Thư được phổ biến rộng rải trong Giáo hội nói chung, Giáo xứ Chính Tòa nói riêng.
Đối chiếu với nội dung thư của HĐGMVN ngày 10/6, có thể thấy những chỉ thị và hướng dẫn của HĐGMVN là rõ ràng, chính xác, cụ thể đối với từng giáo xứ thời đại hôm nay. Và vấn đề là phân định để nhận ra trách nhiệm và hành động của linh mục, của giáo dân trong việc thực thi.
Cụ thể:
Điều 4- Những kinh nguyện được sử dụng công khai và thường xuyên phải được Bản quyền địa phương cho phép.
Thành phần nào có trách nhiệm và khả năng biết rõ những ‘kinh nguyện Phụng vụ’ nào ‘theo đúng Sách Nghi Thức Rôma’? Thưa: Các Linh mục.
Điều 2- Đừng quá coi trọng những hình thức đạo đức bình dân mà coi nhẹ cử hành Phụng vụ.
Thành phần nào được học hỏi kỷ càng về ‘Cử hành Phụng vụ’, ‘Sách Lễ Rôma,’ biết và thực hành ‘các Giờ kinh Phụng vụ,’ biết đến văn kiện ‘Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ’ ? Thưa: Các Linh mục.
Đồng thời:
“Trong thực tế, tại một số địa phương, kỷ luật Phụng vụ chưa được tôn trọng đúng mực. Những thực hành đạo đức bình dân cũng có những lạm dụng tùy tiện…”
Thành phần thực hành và có biểu hiện chưa tôn trọng phụng vụ ? Thưa: Giáo dân.
“Vì lòng đạo bình dân nghiêng về cảm nhận hơn là suy lý, quan tâm đến biểu tượng hơn là lô-gích, nên cũng dễ bị lệch lạc,… đang tồn tại và có chiều hướng gia tăng những hiện tượng và những cách thực hành đạo đức không xứng hợp…
Thành phần dễ bị các cảm thức đức tin làm sai lạc đức tin khi thực hành các việc hành hương, tôn sùng Đức Mẹ, lạm dụng cử hành Lòng Chúa thương xót ? Thưa: Giáo dân.
Như vậy, nếu muốn giáo dân giáo xứ mình khỏi rơi vào những hỗn loạn mục vụ như hiện nay;
Linh Mục:
+ Hướng dẫn, huấn luyện Hội đồng Mục vụ về phương cách quản lý, giám sát và chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong cử hành Phụng vụ, thi hành Mục vụ trong giáo xứ, giáo họ.
+ Thực hiện việc điều chỉnh và loại bỏ các kinh nguyện không hợp thức, hợp thời. Và cũng như thế đối với một số bài hát có ca từ không phù hợp đã được Ủy Ban Thánh Nhạc hiệu chỉnh từ năm 2010.
Giáo Dân, Những Kitô Hữu
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: Tôi là ai mà phán xét? Vì vậy, chúng ta hãy bớt vội vàng phán xét nhân danh Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng đừng vì thế mà tự lừa dối bản thân rằng mình đang sống trong tinh thần Thiên Chúa, bất chấp chúng ta có hành đạo thường xuyên, sốt sắng, và thành khẩn đến đâu chăng nữa.
Theo hướng dẫn của Thư Mục vụ, ‘kỷ luật Phụng vụ và lòng đạo bình dân’ của giáo xứ chúng ta có cần điều chỉnh, thay đổi không?: Có đời sống với tinh thần hòa bình, tử tế, đáng tin, và khiết tịnh? Hiểu và thực hành thế nào về việc xin ơn chữa lành qua việc lấy nước ở Núi Đá Đức Mẹ Lộ Đức? Việc tuân thủ các quy định của giáo quyền về hoạt động mục vụ ở giáo xứ, giáo họ. Lòng đạo bình dân có bị lạm dụng khi cử hành Phụng vụ ? Có bao nhiêu giáo dân tham gia cử hành Lòng Chúa thương xót mỗi chiều tham dự các giờ Chầu, tham dự các thánh lễ hằng ngày (Lòng thương xót chẳng phải ở nơi Thánh Thể sao)? Có nên xem xét lại việc cử hành tôn sùng Thánh Tâm-Lòng Thương xót Chúa trong một căn phòng trong góc hẹp nhà thờ với một tượng Chúa Thương xót có xứng hợp hơn, so với việc cử hành trong nhà thờ, nhà nguyện; nơi Chúa đang ngự trong Nhà Tạm?…
Hợp tác với các linh mục chúng ta thực hành sống đạo sao cho ‘các thực hành đạo đức của chúng ta thật sự “diễn tả niềm khao khát Thiên Chúa”, đem lại an bình trong tâm hồn, duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh, và là khí cụ loan báo Tin Mừng Nước Trời.’