CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH C
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi.” (Ga 10,27)
Suy niệm: Những khi xuất hiện gặp gỡ dân chúng, một số chính khách thường có những cử chỉ ân cần hỏi han các cụ già, xoa đầu thân thiện với các em bé, v.v… Thật ra đó chỉ là những “chiêu” để “tranh thủ” lá phiếu của cử tri dành cho mình. Chúa Giê-su giới thiệu cho chúng ta một hình ảnh khác về Ngài, hình ảnh thật đơn sơ, giản dị, nhưng rất thân thương: “Ta là Đấng chăn chiên lành.” Vị mục tử này biết rõ từng con chiên, có thể gọi tên từng con một; con chiên nào cũng được Ngài chăm sóc ân cần như thể cả đàn chiên chỉ có một mình nó: “Con nào mập béo, Ta chăm sóc, con nào đau yếu, Ta chữa lành, con nào đi lạc Ta tìm về…” (Ed 34,16); Ngài dám bỏ cả đàn chiên để đi tìm có mỗi một con chiên lạc, và khi tìm được rồi thì khoác nó lên vai đem về nhà và mở tiệc ăn mừng. Thảo nào qua bao thời đại biết bao người nghe tiếng gọi, và sẵn sàng đáp lại tiếng gọi ấy và bước theo Chúa chiên lành, bởi sức cuốn hút của vị Mục tử này.
Mời Bạn nhìn ngắm Thầy Giê-su, Chúa Chiên Lành, và học nơi Ngài tâm tình mục tử để biết yêu thương, quan tâm chăm sóc “đàn chiên” mà Chúa giao cho bạn; đó là những người thân trong gia đình, cộng đoàn của bạn, là đồng nghiệp, là bạn bè và cả những anh em lương dân là những “con chiên chưa thuộc về ràn này” nữa (x. Ga 10,16).
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
12.5 CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ga 10,27-30
Đóng góp cho Quỹ Ơn Gọi Giáo phận. Kính xin quý cha và cộng đoàn quan tâm.
13.5 Thứ Hai. Đức Mẹ Fa-ti-ma Ga 10,1-10
14.5 Thứ Ba. THÁNH MÁT-THI-A, TÔNG ĐỒ. Lễ kính. Ga 15,9-17
15.5 Thứ Tư. Ga 12,44-50
16.5 Thứ Năm. Ga 13,16-20
17.5 Thứ Sáu. Ga 14,1-6
18.5 Thứ Bảy. Thánh Gio-an I, Giáo hoàng, tử đạo. Ga 14,7-14
19.5 CHÚA NHẬT V PHỤC SINH. Ga 13,31-33a.34-35
THÔNG BÁO Số 29TB/GXCT/2019
1. Thứ Hai 13/5 lúc 19g30 Đọc Kinh tôn vinh Mẹ tại Núi Đá do hội Legio phụ trách.
2. Ngày 01/5/2019 vừa qua, Đức Giám Mục Giáo Phận đã chủ sự Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục. Trong tinh thần hiệp thông cùng Giáo Hội, Giáo xứ chúng ta sẽ dành trọn tiền oi các thánh lễ ngày Chúa Nhật 19/5/2019 cho việc xây dựng Nhà Hưu Dưỡng tại Trung Tâm mục Vụ. Xin cộng đoàn rộng tay đóng góp tại các thùng quyên góp. Các cá nhân, các hội, đoàn thể muốn đóng góp riêng xin gửi Cha Quản Xứ hoặc Văn Phòng Tòa Giám Mục.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
219. Người Công giáo thường phải tham dự bao nhiêu Thánh lễ?
– Hội Thánh buộc mọi người Công giáo tham dự thánh lễ các Chúa Nhật và các lễ buộc. Bất cứ ai thực sự tìm làm bạn với Chúa Giêsu, sẽ đáp lời mời của Chúa đến dự Tiệc thánh này càng nhiều càng tốt. [1389 – 1417]
– Nói rằng người Công giáo đích thực buộc phải dự các lễ Chúa Nhật và lễ buộc thì cũng rất chính đáng như nói rằng hai tình nhân thì buộc phải ôm hôn nhau. Không ai có thể có mối liên hệ sống động với Chúa Giêsu mà lại không đến với nơi Người đã hẹn gặp. Vì thế, từ xưa đến nay Thánh lễ luôn luôn là “trái tim của Chúa Nhật”, là điểm hẹn quan trọng nhất của tuần lễ.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước 220. Tôi cần dọn mình cách nào để có thể lên Rước lễ?
HỒNG ÂN LÀM CON CHÚA
Chúc mừng Bé Tôma Trần Minh Khang (Gh. Micae Hy) được tái sinh làm con Thiên Chúa và Hội Thánh.
HÔN PHỐI
Chúc Mừng Hạnh Phúc Chị Anna Phan Thị Nguyệt My và Anh Huỳnh Trọng Lộc.
Xin Chúa chúc phúc cho tình yêu Anh Chị hôm nay và mãi mãi.
MỪNG BỔN MẠNG
Chúc Mừng Quý Ông Anh Em nhân ngày Lễ Bổn Mạng – Thánh Mathias, Tông đồ (14.5)
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Ba Dấu Hiệu Của Một Giáo Xứ “Lành Mạnh” Theo Đức Phanxicô
Khi thăm nhà thờ mới San Giulio ở khu phố nhà các nhà tư tại thị trấn Monteverde, phía nam Vatican vào ngày 7 tháng 4 – 2019 vừa qua, Đức Phanxicô đã khẳng định Cầu nguyện, bác ái trong việc làm và bác ái thụ động là ba dấu hiệu cho thấy một giáo xứ lành mạnh. Đức Phanxicô giải thích:
Dấu hiệu thứ nhất là “cầu nguyện”:
Giáo xứ cầu nguyện, giáo dân đến cầu nguyện ở nhà thờ cũng như ở nhà mình, đó là dấu hiệu đầu tiên.” Ngài hỏi: “Ở đây chúng ta có cầu nguyện hay không. Đó là một trong các chuyện chúng ta phải làm để tránh rơi vào ‘siêu thị’ mà chúng ta thường hay nghe nói. Bởi vì cầu nguyện thay đổi tất cả, tất cả”.
Dấu hiệu thứ nhì là “bác ái qua những gì anh chị em làm, qua công việc cụ thể.”
Chăm lo đến nhu cầu của người anh em, của các gia đình… Kể cả các nhu cầu ẩn giấu mà đương sự không nói ra vì sợ xấu hổ, nhưng các nhu cầu này có đó. Có rất nhiều việc bác ái tích cực, bác ái của nói ‘vâng’: ‘vâng’ của tôi biết làm chuyện này, ‘vâng’ của hành động”.
Và dấu hiệu thứ ba là bác ái thụ động.
Bác ái ‘thụ động’ là gì? Là anh chị em yêu thương nhau và không chỉ trích lẫn nhau. Chỉ trích nhau là căn bệnh rất nặng, ngôi lê đôi mách nói xấu nhau, khi có những chuyện nói xấu trong giáo xứ thì giáo xứ đó không lành mạnh. Đây là thói xấu len lỏi vào rất tinh vi: mang một tin đến để nói xấu người khác… Không, xin anh chị em nhớ, điều này không lành mạnh chút nào.”
(fr.zenit.org, Anne Kurian, Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch)
Hoa Hồng Tặng Mẹ
Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.
– Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu – nó nức nở – nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đôla.
Anh mỉm cười và nói với nó:
– Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.
Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả lời:
– Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp.
Nó chỉ ngôi mộ và nói:
– Đây là nhà của mẹ cháu.
Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.
Tức thì, anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.
(st/ Ngày của Mẹ)