CHÚA NHẬT LỄ LÁ – C
Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,42-43)
Suy niệm: “Hai tên gian phi” cùng bị treo trên thập giá có cùng một xuất phát điểm: một vị trí lơ lửng, đầu không đội trời, chân không đạp đất. Thế mà điểm đến của hai người thật khác biệt nhau. Thật thế, người trộm thứ nhất, với tâm trạng một kẻ ngạo mạn trong bước đường cùng, đã thách thức Đức Giê-su xuống khỏi thập giá để anh ta cũng được xuống cùng. Anh ta đã “nhìn xuống” vực sâu tuyệt vọng mà anh đang rơi xuống. Ngược lại, anh trộm thứ hai đã “nhìn lên.” Không còn gì để mất, nhưng anh lại khám phá niềm hy vọng tối hậu của mình nơi Đức Giê-su. Anh đặt tất cả niềm tin của mình vào lòng thương xót và sự khoan dung của Thiên Chúa được hiện thân nơi Đức Giê-su, người đang đồng chịu án tử hình với anh. Chúa Giê-su khẳng định ngay hôm nay anh sẽ được chia sẻ vinh quang với Ngài. Cụm từ “hôm nay” cho thấy tính “lập tức” ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Ơn cứu độ đã được sắm sẵn ngay hôm nay cho những ai biết “hướng lòng” về trời cao, khát khao sống tín thác vào Chúa, và cùng vác thánh giá với Ngài. Còn bạn thì sao? Bạn có “nhìn lên” để nhận ra ân sủng, tình yêu, và quà tặng vô giá đó trong thời khắc Vượt Qua này không? Với cái nhìn đó bạn sẽ gặp được con đường sống ngay trong ngõ cụt bi đát nhất của cuộc đời.
—
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
14.4 CHÚA NHẬT LỄ LÁ.
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA. Lc 22,14 – 23,56
15.4 THỨ HAI TUẦN THÁNH. Ga 12,1-11
16.4 THỨ BA TUẦN THÁNH. Ga13,21-33.36-38
17.4 THỨ TƯ TUẦN THÁNH. Mt 26,14-25
18.4 THỨ NĂM TUẦN THÁNH.
Buổi sáng: THÁNH LỄ LÀM PHÉP DẦU.
(Tại Nhà Thờ Chính Tòa) Lc 4,16-21
Buổi chiều: THÁNH LỄ TIỆC LY. Ga 13,1-15
19.4 . THỨ SÁU TUẦN THÁNH.TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA.
Giữ chay và kiêng thịt. Ga 18,1-19.42
Đóng góp cho quỹ Bác ái Xã hội của HĐGMVN.
20.4 THỨ BẢY TUẦN THÁNH. ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA. Lc 24,1-12
21.4 CHÚA NHẬT PHỤC SINH. MỪNG CHÚA SỐNG LẠI. Lễ trọng với tuần bát nhật. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Ga 20,1-9/ Lc 24,13-35
THÔNG BÁO Số 25TB/GXCT/2019
1. Các Tối Chúa Nhật (14/4), Thứ Hai (15/4) và Thứ Ba (16/4) vào lúc 19g30 có Than Kinh Lễ Đèn. Mời Cộng đoàn tham dự.
2. Chương trình Tuần Thánh và Đại lễ Phục Sinh 2019:
* Thứ Năm Tuần Thánh(18/4):
– 05g30 : Thánh lễ Làm Phép Dầu.
-17g00: Thánh lễ Tiệc Ly.
Sau Thánh lễ sẽ rước Chúa về Nhà Tạm (Hội Trường). Chầu Thánh Thể theo phiên đến 24g.
* Thứ Sáu Tuần Thánh(19/4):
– Buổi sáng không có Thánh Lễ.
– Buổi chiều lúc 16g00 Gẫm Đàng Thánh Giá Trọng Thể.
– Nghi thức Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa.
– Hôn Kính Thánh Giá trong Nhà Thờ.
* Thứ Bảy Tuần Thánh (20/4):
– Buổi sáng không có thánh lễ,
– Lúc 19g00: Canh Thức Vượt Qua (Thánh Lễ Vọng Phục Sinh)
* Chúa Nhật Phục Sinh (21/4):
– Các Thánh Lễ sáng 06g00, 08g00,10g00.
– Buổi Chiều lúc 17g00, Thánh Lễ tại Tiền Đường Nhà Thờ.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO:
YOUCAT
215. Ai làm chủ sự việc Cử hành Thánh lễ?
– Chính Chúa Giêsu làm chủ sự toàn bộ việc cử hành Thánh lễ. Giám mục hoặc linh mục là đại diện Chúa Giêsu, là người Chúa đã uỷ quyền trong Bí tích Truyền Chức Thánh. [1348]
– Đây là đức tin của Hội Thánh: vị chủ sự ở trên bàn thờ “thay mặt Chúa Kitô là Đầu”, có nghĩa là các linh mục không phải chỉ là thay chỗ hoặc được Chúa Kitô truyền để làm mà vì các ngài đã được thánh hiến (truyền chức), nên chính Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh hành động qua các ngài. → 249 – 254
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước 216. Chúa Giêsu hiện diện cách nào khi Thánh lễ được cử hành?
HỒNG ÂN LÀM CON CHÚA
Chúc mừng Các Bé được tái sinh làm con Thiên Chúa và Hội Thánh (07.4 2019).
Félicité Hồ Nguyễn Phương Nghi (Gh. Đaminh Cẩm) Phêrô Phạm Thiên Ân (Gh. Augustinô Huy)
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Cháu Quên Mất
Trong một gian hàng bày bán ảnh tượng, người ta thấy qua cửa kính một bức tranh rất lớn vẽ lại biến cố tử nạn của Chúa Giêsu trên thập giá, bức họa đập vào mắt và gây chú ý cho người qua lại.
Có một ông cụ dừng chân để ngắm xem, rồi một em bé đi ngang qua đó cũng dừng lại để xem. Ông cụ muốn thử kiến thức tôn giáo của em bé nên hỏi:
– Cháu nhìn xem, bức tranh tuyệt đẹp, nhưng cháu có thể nói cho ông biết về những nhân vật ở trong tranh đó không?
Em bé chỉ vào tranh và trả lời:
– Đây là Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá và kia là Đức Maria, Mẹ Ngài, đang đứng bên cạnh. Còn người đàn bà khóc lóc kia là Maria Magdala, người đang quì gối dưới chân thánh giá. Người đàn ông đứng gần đó là Thánh Gioan. Chung quanh là những binh lính. Họ là những kẻ đã giết chết Chúa .
Ông cụ rất cảm phục. Cụ gật đầu tán thưởng rồi bước đi. Nhưng khi cụ vừa tới khúc rẽ, thì nghe những bước chân chạy đuổi theo. Nhìn lại, cụ thấy em bé đang chạy vội vã chạy theo, cậu vừa chạy vừa thở hổn hển. Gặp lại được cụ, em mừng quá nắm tay cụ nói:
– Thưa cụ, cháu quên nói với cụ một điều quan trọng hơn hết. Đó là Chúa Giêsu đã sống lại vào ngày thứ ba.
(st)
Nhìn Lại Cuộc Đời Mình Trong Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu
Chắc chắn Chúa không lầm khi chọn Giuđa làm tông đồ, cũng như không lầm khi chọn chúng ta trở thành những Kitô hữu theo bậc sống của mình. Bởi vì Kinh Thánh cho thấy: đâu phải Thiên Chúa chỉ chọn những con người xứng đáng, mà Giuđa cũng như chúng ta đã được chọn để thanh luyện, để được nâng cao, để nên xứng đáng hơn.
Giuđa không xuất hiện từ đầu như một người quay lưng lại với Chúa, bởi không ai bỗng dưng mà phản bội, hoặc thay trắng đổi đen một sớm một chiều, mà ông đã bước dần đến hố thẳm từng bước một.
Cũng như Giuđa: ban đầu chúng ta được gọi, được chọn, và đã mau mắn đáp lại tiếng Chúa. Ngay từ đầu, chúng ta đều có mục đích và một ý hướng cao đẹp. Nhưng rồi tình yêu ban đầu đã phai nhạt dần, động lực trước kia đã bị biến dạng, khiến chúng ta đang từng bước đang suy giảm sự nhiệt tình, thêm sự cứng cỏi, sự biếng nhác cầu nguyện, sự tự mãn kiêu căng trong đời sống đạo đức, tính ham mê lời khen và sự nể vì, cả những sai phạm ngày càng nặng hơn.
Ban đầu còn có vẻ ray rứt, nhưng rồi cái gì cũng thành thói quen, vẫn cảm thấy thoải mái với Chúa, vẫn an tâm với công việc mà ta gọi là bổn phận, vẫn ung dung vì thấy mình cũng dấn thân phục vụ.
Con người Giuđa có thể ít nhiều cũng đang hiển hiện nơi mỗi người chúng ta:
– Cũng thương yêu người nghèo, nhưng kèm theo là những tính toán đầy vụ lợi.
– Cũng với khuôn mặt nhân ái bên ngoài, nhưng bên trong là lòng ganh ghét và đố kỵ.
– Cũng với đôi môi đầy lời lẽ vị tha, nhưng tâm tư đầy nguyên do vị kỷ và thấp hèn.
– Cũng luôn nói đúng, nhưng lại làm sai hoặc chẳng làm gì cả.
– Cũng vẫn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, nhưng luôn quy về chính mình.
– Cũng vẫn theo Chúa nhưng lại khư khư nắm giữ ý riêng và tìm cách thực hiện ý riêng của mình.
( Lm. Thái Nguyên)