CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – C
Đức Giê-su bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy dá mà ném trước đi.” (Ga 8,7-9)
Suy niệm: Đại văn hào Dostoievski có nói: Khi không tin có Thiên Chúa thì người ta có thể phạm bất cứ tội ác nào. Còn Thánh Kinh thì cho ta biết, khi đối diện với Thiên Chúa, người ta sẽ nhận rõ con người thật đáng tội của mình. Đối diện với tiên tri Na-than, người của Thiên Chúa, Đa-vít cúi đầu thú nhận: “Tôi đắc tội với Thiên Chúa.” Phê-rô và Gia-kêu không tránh khỏi cơn đau xé nội tâm khi được ánh mắt của Đức Giê-su soi thấu. Điều đáng nói, càng để cho Thiên Chúa chất vấn, người ta càng thật lòng sám hối và càng cảm nhận rõ lòng thương xót của Ngài. Đức Giê-su yêu thương những kinh sư và người Pha-ri-sêu bằng chính tình yêu dành cho người phụ nữ ngoại tình, khiến cho tất cả họ nhận ra tội mình đã phạm: người thì cúi mặt xấu hổ, kẻ thì lặng lẽ rút lui. Thật ngạc nhiên! Tin Mừng không nói gì về thái độ của mỗi người sau đó, như muốn để họ tự quyết cách hoán cải sao cho tương xứng với lòng sám hối và chịu trách nhiệm về hoạ phúc của đời mình.
Phụng vụ mùa Chay không ngừng nhắc nhở trở về cùng Chúa. Vậy đã có thay đổi nào trong đời bạn chưa?
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
07.4 CHÚA NHẬT V MÙA CHAY. Ga 8,1-11 08.4 Thứ Hai. Ga 8,12-20
09.4 Thứ Ba. Ga 8,21-30
10.4 Thứ Tư. Ga 8,31-42
11.4 Thứ Năm. Thánh Sta-nit-la-ô, Giám mục, tử đạo. Ga 8,51-59
12.4 Thứ Sáu. Ga 10,31-42
13.4 Thứ Bảy. Thánh Mac-ti-nô I, Giáo hoàng, tử đạo. Ga 11,45-57
14.4 CHÚA NHẬT LỄ LÁ.
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA. Lc 22,14 – 23,56
THÔNG BÁO Số 23TB/GXCT/2019
1 Thứ Ba ngày 09/4 lúc 05g00, Lễ Kính Thánh Phêrô Lựu Bổn Mạng Giáo Họ Phêrô Lựu. Xin Cộng Đoàn sốt sắng tham dự hiệp ý cầu nguyện.
2. Thứ Sáu ngày 12/4 lúc 19g00, phiên Sám Hối của Giáo Xứ Chính Tòa Đà Nẵng (Giới Trẻ phụ trách sắp xếp.)
3. Chúa Nhật ngày 14/4 Lễ Lá, Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa. Lễ Sáng lúc 05g00, Làm Phép và Kiệu Lá; Lễ Chiều lúc 14g45 làm Phép và Kiệu Lá (Đức Giám Mục Giáo Phận chủ sự). Các Thánh Lễ còn lại như thường lệ.
4. Chương trình Tuần Thánh và Đại Lễ Phục Sinh sẽ được niêm yết tại Bảng Thông Báo, xin Cộng Đoàn theo dõi.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO:
YOUCAT
214. Cơ cấu Thánh lễ như thế nào?
– Thánh lễ bắt đầu bằng cuộc tập họp các tín hữu và rước linh mục cùng các người giúp lễ. Sau lời chào của linh mục, là việc thú tội chung của tất cả, rồi kết thúc bằng kinh Xin Chúa thương xót. Các Chúa Nhật (trừ Mùa Chay và Mùa Vọng) và các ngày lễ kính, lễ trọng thì hát hoặc đọc Kinh Vinh danh. Lời cầu nguyện của ngày mở đầu cho một hoặc hai bài đọc Cựu ước và Tân ước. Rồi đến lời tung hô Alleluia trước khi công bố Phúc Âm. Chúa nhật và lễ trọng, sau Phúc Âm có bài giảng lễ. Cũng trong các Chúa Nhật và lễ trọng, sau giảng lễ, cộng đoàn tuyên xưng đức tin bằng Kinh Tôi Tin Kính, rồi đến lời cầu nguyện chung.
Phần hai thánh lễ bắt đầu bằng việc sửa soạn lễ vật và kết thúc bằng lời nguyện trên lễ vật. Đỉnh cao của thánh lễ là kinh nguyện Thánh Thể, được mở đầu bằng kinh Tiền tụng và kinh Thánh Thánh Thánh. Lúc này là lúc bánh rượu được biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Kinh nguyện Thánh Thể kết thúc bằng kinh Tán tụng và dẫn đến Kinh Lạy Cha. Sau đó là lời cầu bình an, kinh Chiên Thiên Chúa, rồi bẻ bánh và cho rước lễ, thông thường chỉ cho rước hình bánh là Mình Chúa Kitô thôi. Thánh lễ kết thúc trong tĩnh lặng, tạ ơn, bằng một kinh cuối cùng rồi đến chúc lành của linh mục. [1348 – 1355]
+ Truyền phép được dùng để chỉ kinh nguyện mà linh mục đọc lại Lời Chúa Kitô đọc trong Bữa Tiệc ly trên bánh và rượu để bánh rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô nhờ phép của Chúa Thánh Thần.
+ Hiệp lễ hay rước lễ là tiếp nhận Mình và Máu Chúa Kitô dưới hình bánh và rượu.
+ Xin Chúa thương xót được dùng để hoan hô Chúa Kitô,
+ Vinh danh là bài ca tụng ngợi khen Thiên Chúa một cách trọng thể.
+ Alleluia (gồm hai chữ Do Thái: halel là ngợi khen tôn vinh, Yahvé là tên Thiên Chúa, có nghĩa là ta hãy ca tụng Thiên Chúa).
+ Bài giảng lễ trong thánh lễ vị giảng thuyết có nhiệm vụ công bố Tin Mừng, giúp đỡ các tín hữu và khuyến khích cổ võ họ loan báo Tin Mừng và đem ra thực hành.
+ Thánh Thánh Thánh để ngợi khen Chúa Kitô đang có mặt trong lễ.
+ Biến thể, bánh rượu vẫn có “hình” bề ngoài không thay đổi, nhưng cái “bản thể” hoặc bản tính của bánh và rượu đã biến thành Mình và Máu Chúa Kitô, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần lúc đọc các lời truyền phép.
+ Lạy Chiên Thiên Chúa nhắc đến chiên Thiên Chúa (Xh 12) nhờ hiến tế chiên mà dân được giải thoát khỏi nô lệ Ai Cập.
+ Kinh Tán tụng (tôn vinh Thiên Chúa) là kinh long trọng kết thúc.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước 215. Ai làm chủ sự việc Cử hành Thánh lễ?
MỪNG BỔN MẠNG
Chúc Mừng Giáo Họ Phêrô Nguyễn Văn Lựu nhân Ngày Lễ Thánh Bổn Mạng 07.4
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Chuyện Cây Thông, Bá Hương và Sồi
Ngày xưa, trên ngọn núi cao, có ba cây nhỏ nói với nhau về ước mơ và dự định của mình khi trưởng thành.
Cây Thông ngắm nhìn những ngôi sao, nó nói :
– Khi tôi lớn, tôi muốn cất giữ kho báu chứa đầy vàng bạc và đá quý, là chiếc rương quý giá nhất trên thế gian này.
Cây Bá Hươngnhìn dòng sông hòa dòng nước nhỏ vào đại dương, nó nói:
– Khi tôi lớn, tôi muốn vượt trùng dương cùng với những vị vua quyền uy.
Cây Sồi nhìn xuống thung lũng nơi người người đang vất vả bận rộn với công việc, nó nói:
– Còn tôi, tôi muốn trở nên một cây cao rất cao, đến nỗi mỗi lần người ta nhìn tôi, họ phải ngước cao đôi mắt, và như thế họ sẽ nghĩ tới Thiên Chúa.
Năm tháng trôi qua, mưa chiều nắng sớm…Ba cây nhỏ nay đã trưởng thành.
Rồi một buổi sáng, có ba người tiều phu lên núi, họ đốn ngã ba cây đại thụ và kéo về nhà …
Cây Thông không trở thành chiếc rương chứa kho tàng quý giá mà chỉ thành chiếc máng ăn cho súc vật chứa đầy bụi bặm và cỏ khô …
Cây Bá Hươngđược đưa tới một xưởng đóng tàu, nhưng ở đó cây chỉ được đóng thành một chiếc thuyền đánh cá nhỏ ven hồ.
Về phần cây Sồi, người ta đẽo nó thành một cây xà ngang, và chất vào kho gỗ.
Năm tháng trôi qua, trôi qua… Ba cây đại thụ như đã quên đi giấc mơ của mình.
Một đêm kia…Sao đêm nhuộm ánh vàng trên máng cỏ khi người phụ nữ trẻ đặt một trẻ mới sinh nằm vào trong máng. Cây Thông hiểu rằng giấc mơ của mình đã thành hiện thực.
Một buổi chiều mùa hè, một lữ khách mệt nhoài và nhóm đồng hành lên thuyền. Thuyền đang bơi trên hồ, cuồng phong nổi lên, một cơn bão lớn xuất hiện và cây Bá Hương đã nghĩ rằng nó không đủ chắc chắn để giữ cho những người đang ở trên thuyền qua cơn sóng gió. Khi người lữ khách thức dậy, giang tay ngăm đe gió, và truyền cho biển : “Yên lặng!” Cơn bão ngừng hẳn. Vào lúc đó, cây Bá Hương biết rằng nó đang chở vị vua của mọi vua.
Một sáng Thứ Sáu, cây Sồi giật mình khi các xà ngang của nó được kéo ra khỏi kho gỗ. Nó hoảng sợ khi được mang đi qua một đám đông đang giận dữ nhạo cười. Nó rùng mình khi quân lính đóng đinh một người lên mình nó. Nó cảm thấy khó chịu, tàn nhẫn và độc ác.
Nhưng đến sáng Chúa Nhật, khi mặt trời mọc và trái đất run rẩy mừng vui dưới chân nó, cây Sồi biết rằng tình yêu Thiên Chúa đã biến đổi tất cả; giấc mơ của nó đã được thực hiện.
Mỗi cái cây đã có điều chúng mong muốn, chỉ là không phải theo cách chúng đã tưởng tượng.
(Luc. lược dịch)