CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – C
“Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy.” (Lc 15,32)
Suy niệm: Bài dụ ngôn phác họa hai hình ảnh thật đẹp: người con thứ đứng lên đi về nhà cha và người cha từ xa ngóng chờ con, rồi chạy lại ôm lấy con. Bên cạnh đó là một hình ảnh trái ngược và phản cảm: người con trưởng đứng ở bên ngoài, không chịu vào nhà. Người cha không sai đầy tớ đi bắt người con thứ về trừng phạt, nhưng chờ đợi con hoán cải. Khi người con quay về, ông làm mọi cách bày tỏ niềm vui của lòng cha nhân hậu: ôm hôn, đeo nhẫn, mang giày, mặc y phục mới, hạ con bê béo. Người con thứ tưởng sống buông thả tự do như mình thích là hạnh phúc, nhưng rốt cuộc nhận ra sự sai lầm của mình, để rồi quay về với tình yêu của cha. Anh con trưởng không chịu vào nhà chia vui với em mình, vì anh không khám phá ra lòng cha nhân hậu, cũng như hẹp hòi trước sự tái sinh của em mình.
Bạn chọn hình ảnh nào để ghi nhớ và sống trong mùa Chay này: đứng lên trở về như người con thứ vì nhận ra mình sai lỗi, hay tiếp tục đứng bên lề lòng Chúa nhân hậu như người con trưởng, vì tưởng rằng mình chẳng có tội gì?
Chân dung Thiên Chúa, qua hình tượng người cha nhân lành, kiên nhẫn chờ đợi, rộng lượng khoan dung, có đánh động tâm hồn bạn trong những ngày này không?
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
31.3 CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY. Lc 15,1-3.11-32
01.4 Thứ Hai. Ga 4,43-54
02.4 Thứ Ba. Thánh Phan-xi-cô Pao-la, ẩn tu; Thánh Đaminh Vũ Đình Tước, tử đạo. Ga 5,1-3a.5-16
03.4 Thứ Tư. Ga 5,17-30
04.4 Thứ Năm. Thánh I-sô-đô-rô, Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh. Ga 5,31-47
05.4 Thứ Sáu. Thánh Vinh Sơn Phê-ri-ô, Linh mục. Ga 7,1-2.10.25-30
06.4 Thứ Bảy. Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, Linh mục, tử đạo; Ga 7,40-53
07.4 CHÚA NHẬT V MÙA CHAY. Ga 8,1-11
THÔNG BÁO Số 21TB/GXCT/2019
1. Thứ Sáu 05/4 vào lúc 19g30 Gẫm Đàng Thánh Giá. Kính mời Cộng Đoàn tham dự.
1. Lịch sám hối Mùa Chay năm 2019 của Hạt Đà Nẵng được niêm yết tại bảng thông báo.
2. Thứ Bảy 06/4, vào lúc 19g30, kính mời toàn thể hội đồng mục vụ giáo xứ tham dự buổi họp bàn về Đại Lễ Phục Sinh và tổng kết năm 2018.
3. Chúa Nhật 07/4 sau thánh lễ Thiếu Nhi có Rửa Tội cho Các Em Nhỏ. Xin liên hệ Văn Phòng Giáo Xứ.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO:
YOUCAT
212. Bữa Tiệc của Chúa Giêsu với chúng ta được gọi tên là gì và có ý nghĩa gì?
– Có nhiều tên gọi khác nhau giúp ta hiểu về mầu nhiệm phong phú của hiến tế thánh này: Thánh Lễ, Hy Lễ, Bữa Tiệc của Chúa, Bẻ Bánh, Cuộc Tập họp Tạ ơn, Cuộc Tưởng nhớ sự Khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa, Phụng vụ Thần Thánh, Mầu nhiệm thánh, Hiệp lễ thánh. [1328 – 1332]
+ Hiến tế thánh, thánh lễ, hy lễ: hiến tế duy nhất của Chúa Kitô đã được hoàn tất và vượt trên mọi hiến tế, hiến tế ấy có mặt trong cử hành Thánh Thể. Hội thánh và các tín hữu hiệp nhất với nhau bằng lễ vật riêng trong hiến tế của Chúa Kitô.
+ Bữa tiệc của Chúa: mỗi cử hành Thánh Thể luôn luôn là bữa tiệc ly duy nhất mà Chúa đã cử hành với các môn đệ, và đồng thời cũng là cử hành trước bữa tiệc mà Chúa sẽ cử hành vào thời sau hết với nhân loại đã được cứu rỗi. Không phải chúng ta là những con người đã làm nên lễ, mà là chính Chúa mời gọi chúng ta đến lễ, còn Chúa thì có mặt ở đó cách mầu nhiệm.
+ Bẻ bánh: đây là nghi lễ cổ xưa trong bữa ăn của Do Thái mà Chúa Giêsu dùng trong bữa tiệc ly cuối cùng để bày tỏ Người tự nộp mình vì chúng ta (Rm 8,52). Sau khi sống lại các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh. Vì thế các Kitô hữu thời đầu tiên dùng “bẻ bánh” để chi việc cử hành phụng vụ của Tiệc ly.
+ Cuộc tập họp tạ ơn: Việc cử hành bữa tiệc của Chúa cũng được thực hiện trong tập họp các tin hữu để tạ ơn Chúa, đây là biểu lộ hữu hình về Hội Thánh.
+ Tưởng nhớ cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Chúa: Khi cử hành Thánh Thể, cộng đoàn không tôn vinh chính mình, cộng đoàn luôn luôn khám phá và tôn vinh cuộc vượt qua cứu độ của Chúa Giêsu sang cõi sống, nhờ việc chết và sống lại của Người ngay trong thời hiện tại này.
+ Phụng vụ thần thánh, mầu nhiệm thánh: Việc cử hành Thánh Thể tập hợp Hội Thánh trên trời và dưới đất trong một lễ. Nên người ta gọi là bí tích cực thánh vì trong các lễ vật được dâng lên có Chúa Giêsu hiện diện, đó là điều thánh thiêng nhất trên thế giới.
+ Hiệp lễ thánh: gọi là hiệp lễ thánh bởi vì chúng ta nên một với Chúa Kitô trong thánh lễ, và nhờ kết hợp với Người chúng ta nên một với nhau.
“Chúng ta không được để đời mình xa lìa Thánh Thể. Làm như thế, ta sẽ suy nhược. Người ta hỏi: “Các Sơ tìm đâu ra sức mạnh và niềm vui để phục vụ?” – Trong Thánh lễ không phải chỉ có việc rước lễ, mà thánh lễ còn làm dịu đi cơn đói của Chúa Giêsu. Người nói: “Hãy đến với Ta”. Người đói linh hồn ta.” – Mẹ Têrêsa Calcutta
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước 213. Những phần chính của Thánh lễ là phần nào?
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Trở Về
Một người lính trở về nhà đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm tham chiến ở nước ngoài. Từ San Francisco anh gọi điện về thăm hỏi gia đình.
– Cha mẹ ơi, con đang trở về nhà đây. Nhưng con có điều muốn xin phép cùng cha mẹ. Con muốn dẫn bạn cùng về nhà mình.
– Ồ, được thôi con trai. Cha mẹ rất sẵn lòng đón tiếp bạn con.
– Nhưng có điều này cha mẹ nên biết: anh ấy bị thương khá nặng trong chiến tranh, mất cả cánh tay và một chân. Anh ấy không còn chỗ nào để nương tựa, vì vậy con muốn anh ấy về sống cùng chúng ta.
– Cha mẹ rất tiếc khi nghe điều này, có thể chúng ta sẽ giúp anh ấy tìm được chỗ trú ngụ.
– Ồ không, con muốn anh ấy ở cùng chúng ta kia.
– Con không biết con đang đòi hỏi điều gì đâu con trai. Một người tàn tật như vậy sẽ là một gánh nặng đè lên vai chúng ta. Chúng ta còn cuộc sống riêng tư của chúng ta nữa chứ, không thể để một điều như vậy chen vào cuộc sống của chúng ta được. Tốt hơn hết là con quay về nhà và quên anh chàng ấy đi. Anh ta chắc sẽ chóng tìm được cách tự kiếm sống thôi.
Nghe đến đó, người con trai gác máy. Vài ngày sau đó họ đột nhiên nhận được cú điện thoại từ cảnh sát San Francisco báo tin người con trai đã chết sau khi ngã từ một tòa nhà cao tầng. Cảnh sát cho rằng đây là một vụ tự sát.
Người cha và mẹ đau buồn này vội vã bay đến San Francisco và được dẫn đến nhà tang thành phố để nhận xác con. Họ nhận ra anh ngay, nhưng họ cũng kinh hoàng nhận ra một điều khác cùng lúc. Con trai họ chỉ còn lại một tay và một chân.
(st)
(?)
Một nông dân nghèo Nhật bản vào thiên đàng và điều đầu tiên ông nhìn thấy là một kệ dài với những vật rất kỳ lạ. Ông hỏi :
– Cái gì thế ? Có phải để nấu xúp ?
– Không, đó là những cái tai. Chúng là của những người khi sống ở đời nghe được những điều tốt, nhưng họ không làm. Nên khi chết, tai họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.
Một lát sau, ông lại thấy một kệ khác với những vật kỳ quái. Ông hỏi :
– Cái gì thế ? Có phải để nấu xúp ?
– Không, đó là những cái lưỡi. Chúng là của những người sống ở đời bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ không làm hoặc không sống điều đó. Nên khi chết, lưỡi họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.
Đi một đoạn nữa, ông lại thấy một kệ khác với những vật kỳ quái. Ông hỏi:
– Cái gì thế? có phải để nấu xúp tẩm bổ không?
– Không, đó là những trái tim. Chúng là của những người sống ở đời chỉ yêu thương trong lòng nhưng không bao giờ hành động yêu thương hoặc không sống điều đó. Nên khi chết, trái tim họ vào thiên đàng, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.
Tương tự ánh mắt, họ nhìn thấy những điều tốt đẹp nhưng lại không học hỏi và làm theo, chỉ nhìn cho vui rồi bỏ qua.
(st)
(Tựa đề câu chuyện do người đọc đặt)