CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – C
Đang lúc Chúa Giê-su cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. (Lc 9,29)
Suy niệm: Kinh nghiệm về cuộc hiển dung của Chúa Giê-su không dành cho mọi người. Ba môn đệ yêu dấu của Ngài cũng đã “choáng” trước kinh nghiệm đó: họ tưởng rằng vinh quang choáng ngợp ấy chỉ xảy ra trên đỉnh núi cách xa cõi đời ô trọc ở dưới kia. Khi “lôi” các ông trở lại với thực tại đời thường Chúa Giê-su mạc khải cho các ông biết hai điều: 1. Vinh quang của một vị Thiên Chúa được ẩn dấu trong con người Giê-su Na-gia-rét sống cuộc đời bình dị như mọi người; 2. Mầu nhiệm ấy chỉ có thể tỏ hiện khi bức màn che khuất vinh quang đó bị xé tung nghĩa là khi con người Giê-su ấy phải chịu tan nát tấm thân trên thập giá để rồi ngày thứ ba sống lại.
Những ai đi xa Việt Nam một thời gian ngắn thôi khi trở về cũng đều kinh ngạc về sự phát triển rầm rộ và nhanh chóng của đất nước. Thế nhưng, cùng với sự biến đổi đó, cũng lộ diện lối sống hưởng thụ ích kỷ, con đẻ của não trạng duy vật thực dụng.
Thách đố cho người Ki-tô hữu ngày nay trong việc thánh hóa trần gian chính là biến đổi mình bằng thập giá của Đức Ki-tô để cho vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện ngay giữa đời thường này.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
17.3 CHÚA NHẬT II MÙA CHAY. Lc 9,28b-36
18.3 Thứ Hai. Thánh Cy-ri-lô Giê-ru-sa-lem, Tiến sĩ Hội thánh. Lc 6,36-38
19.3 Thứ Ba. THÁNH GIU-SE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MA-RI-A. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Mt 1,16.18-21.24a (Lc 2,41-51a). Bổn mạng Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận và Đức Cha Giuse, nguyên Giám mục Giáo phận.
20.3 Thứ Tư. Mt 20,17-28
21.3 Thứ Năm. Lc 16,19-31
22.3 Thứ Sáu. Mt 21,33-43.45-46
23.3 Thứ Bảy. Thánh Tu-ri-bi-ô Mông-rô-vê-khô, Giám mục. Lc 15,1-3.11-32
24.3 CHÚA NHẬT III MÙA CHAY. Lc 13,1-9
THÔNG BÁO Số 18TB/GXCT/2019
1. Thứ Hai 18/3, lúc 17g15, Đức Cha sẽ dâng Thánh lễ trọng thể Kính Thánh Giuse tại Núi Đá Đức Mẹ. Sau thánh lễ sẽ làm phép cho Núi Đá Đức Mẹ Lộ Đức và Nhà Nguyện.
2. Thứ Ba 19/3, lúc 17g15, Đức Cha sẽ chủ trì Thánh lễ trọng thể Kính Thánh Giuse, Ban trăm năm Đức Maria.
3. Thứ Sáu 22/3 vào lúc 19g30 Gẫm Đàng Thánh Giá. Kính mời Cộng Đoàn tham dự.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO:
YOUCAT
10. Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể thế nào?
– Thánh Phaolô kể lại như sau: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em, trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1 Cr 11,23-25).
– Đoạn tường thuật này là cổ xưa nhất ta có được về những gì đã xảy ra trong nhà Tiệc ly, do Thánh Tông đồ Phaolô kể lại. Thánh Phaolô không chứng kiến tận mắt, nhưng Người truyền lại điều đã được bảo quản như một mầu nhiệm thánh và đã được thực hiện trong phụng vụ của cộng đoàn Kitô giáo trẻ trung. → 99
“Làm thế nào Chúa Giêsu có thể ban Mình và Máu Người? Bằng cách biến đổi bánh thành Thân xác Người và rượu thành Máu Người, và Người ban Mình Máu Người trước khi chịu chết, Người đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.” – Đức Bênêđictô XVI, 21-8-2005
“Ta là thức ăn của người mạnh, hãy lớn lên và ăn Ta. Nhưng con không biến đổi Ta trong con như biến đổi một thức ăn mà đúng ra là con sẽ được biến đổi thành Ta.” – Thánh Augustinô, thời ngài trở lại với Chúa
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước 211. Bí tích Thánh Thể đối với Hội Thánh quan trọng thế nào?
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Chúa Biến Mà Ta Không Đổi
Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng (Mt 17,2)
Chúng ta thường cầu nguyện với Chúa rằng: xin Chúa biến đổi chúng con nên giống Chúa, nên người khiêm nhường, công chính, biết yêu thương…
Đã có biết bao Mùa Chay rồi, biết bao cuộc tĩnh tâm rồi mà tự hỏi: ta có biến đổi, có đổi mới được bao nhiêu hay đâu vẫn hoàn đó?
+ Ta có nên khiêm nhường chút nào không hay vẫn cứ nghênh ngang, kiêu ngạo, tự cao, tự đắc?
+ Ta có nên người tốt lành chút nào không hay vẫn cứ nói hành, nói xấu người khác?
+ Ta có nên người công chính chút nào không hay ta vẫn cứ bất công, xảo trá?
+ Ta có nên người chịu khó chút nào không hay vẫn cứ khó chịu?
+ Ta có biết mở lòng ra để yêu thương và thông cảm với người khác không hay là vẫn cứ ghen ghét, ghen tị?
Quả thật, ta chẳng có biến đổi tí gì phải không? Tại sao vậy? Ta đã thiết tha cầu nguyện với Chúa bao lần mà! Phải. Ta chỉ có cầu nguyện chứ đâu có làm gì đâu mà đổi mới. Chúa biến mà ta không đổi thì cũng như không thôi…
Cái quan trọng là ta mới là người quyết định mình có đổi mới hay không. Bởi đó, không chỉ cầu ‘ở đầu môi chót lưỡi’ mà ta còn phải quyết tâm thực hành Lời Chúa dạy nữa. Chỉ khi nào ta sống Lời Chúa, ta thực hành Lời Chúa dạy thì ta mới đổi mới con người mình mà thôi.
Chúa ‘biến’ ta ‘đổi’; chúa ‘hô’ ta ‘biến’; ta sẽ nên người công chính và thánh thiện mỗi ngày một hơn. Nếu không thì, mãi mãi vẫn là ta và muôn đời ta vẫn thế mà thôi.
( Trích Suy Lời Chúa Gẫm Sự Đời)
Người Giáo Dân Có Nên Tham Gia Nhiều Phong Trào/ Hội Đoàn Không?
Xét về thời giờ, khả năng và sức người chỉ có giới hạn mà tham gia nhiều hội đoàn/ phong trào thì công việc hoạt động cho mỗi hội đoàn/ phong trào sẽ bị phân tán. Thử vào làm hội viên của hết hội đoàn/ phong trào này đến hội đoàn/ phong trào kia, mà chỉ đến sinh hoạt theo kiểu ‘đá gà đá vịt’, để được tham dự khóa huấn luyện này, buổi tĩnh tâm kia, thánh lễ này, đoàn rước nọ… hoặc bắt cá hai tay để xem may ra có được vị thế hay ‘đặc sủng’ này nọ, chứ không thực sự cố gắng đổi mới tâm hồn và đời sống nội tâm và dấn thân để xây dựng và hoạt động tông đồ theo đường hướng của hội đoàn/ phong trào, thì e rằng không biết có bắt được con cá nào không?
Trong bất cứ hội đoàn/ phong trào nào hay hội đồng mục vụ giáo xứ nào, người ta cũng có thể nhận ra cái tôi, ý hướng tham vọng về chức tước, địa vị và quyền lực tiềm ẩn trong thâm tâm hoặc được biểu lộ qua lời nói và việc làm của hội viên. Người ta có thể thấy được những lời nói nịnh bợ, tâng bốc người trên và những gièm pha, chỉ trích nhằm hạ giá người khác.
Có những phong trào/ hội đoàn mà thành viên của họ nằm trong những cơ cấu tổ chức khác nhau của giáo xứ rồi và thành viên của họ cũng đang hoạt động trong môi trường giáo xứ cũng như môi trường xã hội. Khi ấy số lượng tham gia phục vụ giáo xứ rất đông nhưng thực ra không có mấy.
Như vậy, mỗi người nên tùy theo khả năng để tham gia hội đoàn và đóng góp hết khả năng hết sức trong cương vị đã lãnh nhận để xây dựng hội đoàn/ giáo xứ; tạo cơ hội cho nhiều người khác, đáp ứng được các yêu cầu hoạt động của hội đoàn/ hội đồng mục vụ nói chung, tham gia.
(Lm Trần Bình Trọng)
Chị Có Biết Giêsu Không ?
Một người đi làm về thấy vợ mình đang xúc động và lúng túng. Anh hỏi :
– Có điều gì không ổn vậy em ?
Người vợ trả lời:
– Hôm nay có một chuyện lạ xảy ra: một người lạ mặt gõ cửa, em đã ra mở cửa và ông ta hỏi em : Thưa chị, chị có biết Giêsu không? Em đã bị câu hỏi làm choáng váng, em không biết trả lời sao và đã đóng cửa lại .
Ông chồng ngạc nhiên và hỏi vợ :
– Sao em không nói với ông ta rằng em có hát trong ca đoàn giáo xứ vào mỗi ngày chủ nhật? Rằng em là trưởng nhóm những người phụ nữ của nhà thờ? Sao em không nói rằng cứ mỗi dịp lễ Noel là em đi quyên góp đồ chơi cho các trẻ em bị bỏ rơi trong thành phố? Sao em không kể hết cho ông ta nghe.
Người vợ trả lời :
– Ông ta không hỏi em điều đó. Ông ấy chỉ hỏi rằng em có biết Giêsu không ?