CHÚA NHẬT TUẦN 5 TN – C

          “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” (Lc 5,11)

Suy niệm: Phê-rô Ngư Phủ đánh bắt cá giỏi hơn Giê-su Thợ Mộc, đó là điều chắc chắn. Thế nhưng, với Phê-rô còn có một điều chắn chắn hơn: sức mạnh kỳ diệu của Lời Đức Giê-su, Lời đã chữa cho mẹ vợ ông khỏi cơn sốt (Lc 4,39). Vì tin vào sức mạnh của Lời ấy, ông gạt bỏ đi kinh nghiệm nghề nghiệp lâu năm của mình, cũng như vượt thắng sự mệt nhọc sau một đêm trắng tay. Mẻ cá dư dật minh chứng cho niềm tin đúng đắn của ông, đồng thời khai mở cho ông một cái nhìn mới. Từ nay Đức Giê-su không chỉ là một vị thầy (5,5), nhưng còn là Chúa của ông (5,8). Ông không còn là người chuyên đánh bắt cá nuôi sống bản thân và gia đình, nhưng là người thu phục người khác về cho Chúa. Niềm tin vào Lời Chúa đã đổi hẳn đời ông.

          Bạn có thể dựa vào kinh nghiệm sống để cho rằng Lời Chúa viển vông, không khả thi trong thực tế. Cũng có thể do ngã lòng quá sớm, mệt mỏi trong cuộc sống, bạn không muốn thực hiện theo Lời Chúa dạy. Cuộc đổi đời của Phê-rô hôm nay có thể giúp bạn có một cái nhìn mới về Lời Chúa.

             PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

10.02 CHÚA NHẬT V MÙA THƯỜNG NIÊN. Lc 5,1-11

11.02 Thứ Hai. Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày quốc tế bệnh nhân. Mc 6,53-56

12.02 Thứ Ba. Mc 7,1-13

13.02 Thứ Tư. Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, Linh mục, tử đạo; Thánh Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng, Linh mục, tử đạo; Mc 7,14-23

14.02 Thứ Năm. Thánh Xy-ri-lô, Đan sĩ và Thánh Mê-tô-đi-ô, Giám mục. Lễ Nhớ. Mc 7,24-30

15.02 Thứ Sáu. Mc 7,31-37

16.02 Thứ Bảy. Mc 8,1-10

17.02 CHÚA NHẬT VI MÙA THƯỜNG NIÊN. Lc 6,17.20-26

THÔNG BÁO Số 12TB/GXCT/2019

Lễ Kính Thánh Phaolô Lê Văn Lộc Linh mục, Tử Đạo; sẽ được cử hành trọng thể lúc 17g15 Thứ Tư 13.02.2019. Xin Cộng Đoàn hiệp ý cầu nguyện.

Kính mời Giáo Dân Giáo Họ  Phaolô Lê Văn Lộc tham dự buổi tĩnh tâm lúc 19g30, Thứ Ba ngày 12.02.

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

205. Người lãnh bí tích Thêm sức được hưởng những gì?

– Khi lãnh Bí tích Thêm Sức, người đã chịu Phép Rửa Tội được in một dấu ấn vĩnh viễn, chỉ lãnh một lần và làm cho họ trở thành Kitô hữu mãi mãi. Ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần ban xuống hoàn thành ơn Bí tích Rửa Tội, làm cho họ trở nên chứng nhân của Chúa Kitô trong cả cuộc sống.  [1302 – 1305, 1317]

 – Lãnh nhận Bí tích Thêm Sức là ký một “giao ước” với Chúa. Người chịu Phép Thêm Sức nói: “Vâng con tin Chúa, Chúa của con. Xin ban cho con Thần trí của Chúa để con hoàn toàn thuộc về Chúa, không bao giờ xa cách Chúa, và con làm chứng cho Chúa suốt đời con, với tất cả tâm hồn và thể xác, bằng hành động cũng như lời nói, trong cả những ngày tốt lẫn ngày xấu”, và Chúa nói: “Ta cũng vậy, Ta tin con, con của Ta, và Ta ban Thánh Thần Ta cho con, đúng vậy, ban chính Ta. Ta sắp hoàn toàn thuộc về con. Ta không bao giờ xa cách con, ở đời này cũng như trong đời sống vĩnh hằng. Ta sẽ ở trong linh hồn và thân xác con, trong hành động và lời nói của con. Dù con có quên ta, ta vẫn luôn có mặt trong những ngày tốt và những ngày xấu”. → 120

+ Xin hãy tạo dựng cho tôi tấm lòng trong sạch, lạy Chúa, một khí phách mới, xin đặt vào lòng tôi. – Tv 51,12

+ Hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em. Hỡi tội nhân, hãy rửa tay cho sạch; hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can. – Gc 4,8

+ Ta đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, chúc lành và chúc dữ. Nhưng ngươi hãy chọn lấy sự sống ngõ hầu ngươi được sống, ngươi và dòng dõi ngươi. – Đnl 30,19

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước:206. Ai được lãnh Bí tích Thêm Sức? Họ phải chuẩn bị thế nào?

 MỪNG BỔN MẠNG

Chúc Mừng Quý Giáo Dân Giáo Họ Phaolô Lê Văn Lộc Nhân Ngày Lễ Thánh Bổn Mạng – Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, Linh mục, Tử Đạo (13/2)

    TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

Per Mariam Ad Jesum

          Chúng ta cử hành lễ Đức Mẹ Lộ Đức, một lễ có nguồn gốc từ những lần Đức Maria hiện ra với Bernadette Soubirous vào năm 1858. Những lần hiện ra của Đức Maria đã được công bố khắp các châu lục và qua các thế kỷ. Một số lần hiện ra đó đã được chính thức chấp nhận. Dường như ngay sau khi được lên trời, Mẹ Maria đã tích cực hiện diện trên thế giới, không ngừng thúc giục chúng ta làm những gì mà Mẹ đã bảo các gia nhân ở tiệc cưới Cana: ‘Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.’ Quả thực, đó là những lời cuối cùng của Đức Maria trong Kinh thánh: Mẹ đã nói, Mẹ đã nói lên tất cả và chẳng còn lời nào để nói hơn thế nữa. Đó là vai trò của một người mẹ mà Mẹ đã (và đang) làm cho chúng ta qua các thế kỷ: chỉ dẫn chúng ta hướng về Chúa Giêsu và yêu cầu chúng ta làm bất cứ những gì Người bảo. Quả thực, qua Đức Maria đến với Chúa Giêsu.

          Kính mừng Maria đầy ơn phúc! Xin dẫn chúng con đến với Con của Mẹ, để chúng con không bao giờ thiếu rượu của lòng tin, lòng cậy, và lòng mến.

(Daily Gospel 2019/ Fr. Paulson V. Veli, CMF/ fan. chuyển ngữ)

Lạy Mẹ Maria,

khi đọc Phúc Âm,

lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Ðức Giêsu.

Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.

Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.

Mẹ đi thăm Ðức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.

Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi

âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,

từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Ðức Giêsu

trong mọi bước đường của cuộc sống.

Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.

Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con

đừng sợ lên đường mỗi ngày,

đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa

dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường Giêsu

để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ

đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

(Rabouni 51)

Chầu Thánh Thể

          “Hội Thánh Công giáo đã và vẫn luôn tôn thờ Thánh Thể, không chỉ trong mà còn ngoài Thánh Lễ nữa” (GLHTCG 1378).

          Lý do sâu xa nhất của việc tôn thờ Thánh Thể là ở chính bí tích Thánh Thể. Bánh là để ăn, đúng rồi, và Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ ăn tấm bánh đã trở thành Thân Thể Người. Thế nhưng nếu chúng ta suy nghĩ sâu hơn về ý nghĩa của tấm bánh thì sẽ hiểu được ý nghĩa của việc tôn thờ Thánh Thể.

          Trong bài giảng về Bánh hằng sống ở Capharnaum, Chúa Giêsu tuyên bố Người là “Bánh hằng sống” (Ga 6,35). Toàn bộ đời sống của Người là “bánh từ trời”, bánh ban sự sống vì Người ban tặng chính mình.

          Sự hiện diện của Chúa Giêsu dưới hình bánh biểu thị ý nghĩa sâu xa nhất trong sứ vụ của Người, đó là Người vẫn hiện diện giữa chúng ta như tấm bánh được bẻ ra và ban tặng cho chúng ta, hiến mình vì chúng ta.

          Khi thờ phượng Thánh Thể dưới hình bánh, trong thinh lặng, sứ vụ của Chúa Giêsu cũng in dấu trên cuộc đời chúng ta, ấy là giống như Chúa, trở thành tấm bánh được bẻ ra cho sự sống của nhân loại.

(ĐHY Christoph Schönborn)