CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – C
“Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.” (Lc 4,20)
Suy niệm: Người dân làng Na-da-rét chăm chú quan sát “nhất cử nhất động” của Chúa Giê-su trong chuyến về thăm quê nhà, để xem những tiếng đồn về người con bác thợ mộc này có đúng hay không. Có thể một số ít trong họ tin rằng Người là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Còn đám đông thì bán tín bán nghi, tại sao anh thanh niên Giê-su này, con ông Giu-se và bà Ma-ri-a, vốn làm nghề thợ mộc trong thôn xóm, hàng xóm láng giềng với họ, lại khiến họ phải ngỡ ngàng thán phục vì những gì miệng Người nói ra. Họ đâu ngờ nhờ Người, ngôi làng Na-da-rét bé nhỏ của họ được cả thế giới biết đến. Họ càng không ngờ Người không chỉ là một ngôn sứ, nhưng còn là Đấng Cứu tinh của cả nhân loại, là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người. Những gì Cựu Ước loan báo trước được ứng nghiệm nơi Người, qua lời nói, việc làm, cũng như qua mọi sự kiện xảy ra trong cuộc đời Người.
Cảm giác “quê hương là chùm khế ngọt” dường như không tồn tại trong tâm thức của Chúa Giê-su, Người bị người làng coi thường vì quá quen thuộc.
Vì vậy, họ không thể nếm được hạnh phúc của “giờ Người viếng thăm.” Còn bạn thì sao? Có phải vì quá quen thuộc với Chúa qua các nghi thức, bạn chưa đánh giá đúng sự hiện diện của Người trong đời mình chăng?–
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
27.01 CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN. Lc 1,1-4 ; 4,14-21
28.01 Thứ Hai. Thánh Tô-ma A-qui-nô, Linh mục, Tiến sĩ Hội thánh. Lễ nhớ. Mc 3,22-30
29.01 Thứ Ba. Mc 3,31-35
30.01 Thứ Tư. Thánh Tôma Khuôn, Linh mục, tử đạo. Mc 4,1-20
31.01 Thứ Năm. Thánh Gio-an Bốt-cô, Linh mục. Lễ nhớ. Mc 4,21-25
01.02 Thứ Sáu. Mc 4,26-34
02.02 Thứ Bảy. DÂNG CHÚA GIÊ-SU TRONG ĐỀN THÁNH (Lễ Nến). Lễ kính. Ngày cầu nguyện cho đời sống thánh hiến. Thánh J. Théop. Vénard Ven, Linh mục, tử đạo. Lc 2,22-40
03.02 CHÚA NHẬT IV MÙA THƯỜNG NIÊN. Lc 4,21-30
THÔNG BÁO Số 09TB/GXCT/2019
1. Thứ Sáu 01.02, lúc 19g30 Giáo xứ Chầu Thánh Thể tạ ơn cuối năm Mậu Tuất. Mời cộng đoàn tham dự.
2. Chúa Nhật 03.02, sau Thánh Lễ 08g00 có Rửa tội cho các em nhỏ. Xin liên hệ Văn phòng Giáo xứ để biết thêm chi tiết.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO:
YOUCAT
203. Bí tích Thêm Sức là gì?
– Thêm Sức là bí tích hoàn tất Bí tích Rửa Tội. Nhờ Bí tích Thêm Sức, Đức Chúa Thánh Thần ban ơn xuống cho ta. Bất cứ ai tự ý quyết định sống như con cái Chúa và xin ơn Thánh Thần xuống qua sự đặt tay và xức dầu thánh sẽ nhận được sức mạnh để làm chứng nhân cho tình yêu Chúa trong lời nói và việc làm. Nhờ đó họ trở nên phần tử đã cam kết và có trách nhiệm đầy đủ của Hội thánh Công giáo. [1285 – 1314]
– Khi một huấn luyện viên cho một cầu thủ nào vào trong sân, ông đặt tay trên vai và chỉ dẫn mấy lời. Điều này giúp ta có thể hiểu được Bí tích Thêm Sức: Có việc đặt tay, có việc đi vào trường đời. Nhờ Chúa Thánh Thần ta biết ta phải làm gì. Người động viên toàn bộ con người chúng ta và điều người đòi hỏi vang lên trong tai ta. Ta cảm thấy sự giúp đỡ của Người. Ta không làm Người mất tin tưởng và sẽ làm cho trận đấu có lợi cho Người. Chỉ cần ta muốn, và ta lắng nghe Người. → 119 – 120
+ Bí tích Thêm Sức: Cùng với Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thánh Thể, Bí tích Thêm Sức hợp thành “bộ ba bí tích khai tâm vào Kitô giáo”. Như Chúa Thánh Thần đã hiện xuống vào Lễ Ngũ Tuần trên các Tông đồ đang tập hợp, Người cũng hiện xuống với mọi người đã được rửa tội đang xin Hội Thánh ơn Chúa Thánh Thần. Bí tích Thêm Sức củng cố họ và tăng sức để họ làm chứng cho Chúa Kitô.
+ Dầu Thánh là dầu ôliu hợp với nhựa thơm. Đức Giám mục thánh hiến trong Lễ Dầu của Tuần Thánh để dùng trong Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Truyền chức Linh mục và Truyền chức Giám mục, trong lễ thánh hiến bàn thờ và chuông. Dầu tượng trưng cho niềm vui, sức mạnh và sức khoẻ. Những ai được xức dầu thánh phải làm cho hương thơm của Chúa Kitô toả lan.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 204. Kinh Thánh nói gì về Bí tích Thêm Sức?
MỪNG BỔN MẠNG
Chúc Mừng Quý Ông, Anh Em, Nhân Ngày Lễ Thánh Bổn Mạng – THÁNH GIO-AN BỐT-CÔ, Linh mục. (31.01)
TẢN
MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Nơi Ngài Dừng Lại
Sáng hôm nay, con được làm bạn đường cùng đi với Chúa về làng. Con cứ thắc mắc mãi: ở nhà quê thì có gì vui đâu mà lại đi tổ chức… du lịch ?
Vậy mà ngang qua một bờ đê, Chúa đã dừng lại để lội xuống ruộng, đón lấy tay cầy đằng sau con trâu gầy còm của một bác nông dân. Rồi Chúa lại còn cùng tát nước với họ vào một mảnh ruộng khác đang khô nước. Chúa làm một cách say mê vui vẻ trong khi nắng đã lên cao, trời nóng dần đến mức như đổ lửa… Con cũng đành phải làm theo Chúa mà miệng thì cứ lẩm bẩm: đúng là đang đâu lại đi chuốc vào thân những vất vả cực nhọc ! Rõ khổ !
Đến quá trưa, Chúa chia tay với những người dân cầy chất phác và vui tính sau khi uống một bát nước vối họ mời. Chúa quay lại bảo con: “Nào, chúng mình về một khu ngoại thành đi !” Con cứ ngỡ Chúa sẽ vào một quán nước có máy lạnh dành cho khách du lịch để nghỉ ngơi…
Vậy mà, vừa gặp một tốp thợ đang thi công một đoạn quốc lộ, Chúa lại đã ghé vào, xắn tay áo xin cùng làm với họ. Chúa cũng xúc đá, cũng đội sọt cát trên vai, hoặc lăn một thùng hắc ín đến lò nấu dã chiến bên vệ đường… Cứ thế, vừa làm Chúa vừa trò chuyện thân tình với họ, mặc cho mồ hôi muối túa ra ướt đẫm lưng áo. Con lại cũng đành phải làm theo Chúa, cố tình chọn một việc nhẹ nhất cho đỡ mệt, hơi sức đâu mà đánh liều với thứ công việc khổ sai như thế.
Xập tối, Chúa chia tay với cánh thợ bộc trực và gân guốc sau khi rít một điếu thuốc rê với họ. Chúa lại bảo con đi tiếp đến một thị trấn nhỏ gần đó. Con cứ ngỡ phen này Chúa sẽ tìm một khách sạn để nghỉ ngơi và dùng cơm tối, đói bụng lắm rồi còn gì…
Thế mà khi ngang qua một vùng ven thị trấn, Chúa lại bảo con ghé vào thăm một làng phong. Ở đây, Chúa đã ngồi xuống bên những bệnh nhân tật nguyền, xúc cơm đổ thuốc, lau mặt thay áo cho họ, mặc cho những vết thương lở loét của họ bốc lên mùi hôi tanh ghê sợ. Chúa còn đến tận giường để an ủi nâng đỡ một cụ già đang hấp hối sau đời gánh chịu căn bệnh đau đớn cùng nỗi tủi nhục bị con cháu và xã hội xua đuổi… Con cũng đành phải làm theo Chúa, nhưng chỉ là phụ giúp giặt khăn rót nước hoặc lấy bông băng đưa cho Chúa…
Mãi đến khuya, Chúa mới chịu chia tay với những người phong cùi sau khi vuốt mắt cho cụ già vừa qua đời. Về lại thành phố, con đang thầm lo: không biết Chúa còn định đi những đâu nữa đây, khổ quá đi mất ! Du lịch mà cứ như là một chuyến công tác xã hội từ thiện, biết vậy, hôm nay con đã chẳng nhận lời theo Chúa đi lang thang vạ vật như thế này…
Thế rồi, ngang qua một nguyện đường nhỏ bé của một dòng tu, Chúa bảo con: “Mình cùng vào cầu nguyện một chút nhé !” Con thở phào yên tâm ! Nhưng tối khuya thế này, ai mà mở cửa cho vào ? Không ngờ Chúa dừng lại trước cánh cửa lớn nhà thờ, quỳ xuống thềm và bắt đầu cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha của Người:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha…”
Đến lúc này thì con mới chợt hiểu tất cả để lặng lẽ quỳ xuống bên Chúa, lòng bật lên lời tâm nguyện: “Con cố gắng cúi mình khiêm nhu, xuống dấu chân nơi Ngài dừng lại, nhưng sâu hút vô ngần Ngài ơi, vẫn không sao chạm được…
(MK LÊ QUANG 1997, Phỏng Theo Thơ RABINDRANATH TAGORE)–