PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM C
DỌN ĐƯỜNG CỨU ĐỘ
“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa… Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc 3,4-6)
Suy niệm: Đức Giê-su Ki-tô hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa cách đây đã hơn 2.000 năm, thế nhưng không vì thế mà chúng ta đương nhiên được giải cứu, nói như thánh Âu-tinh: “Khi tạo dựng nên con Chúa không cần có con, nhưng khi cứu độ con, Chúa cần con cộng tác.” Vì thế mà mùa Vọng là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại sự cộng tác của mình trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Để có thể đón nhận ơn cứu độ, mỗi người chúng ta phải điều chỉnh lại cách ăn nết ở của mình. Con đường cứu độ cứu độ là chính Đức Giê-su Ki-tô. Nhưng nếu chúng ta không mở cửa tâm hồn mình, uốn nắn lại con đường là lối sống của mình để “nối mạng liên thông” với Đức Ki-tô thì ơn cứu độ không thể nào đến với chúng ta được.
Lắm khi chúng ta bị mê hoặc lạc lối trong “mê cung” của tiền bạc, thú vui, quyền lực, danh vọng. Để thoát ra khỏi “khu rừng rậm” cám dỗ ấy, phải biết loại bỏ lòng đam mê, ham muốn chúng và chỉ nhắm tới Chúa là lẽ sống duy nhất và vĩnh cửu của mình mà thôi.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
09.12 CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG. Lc 3,1-6
10.12 Thứ Hai. Lc 5,17-26
11.12 Thứ Ba. Thánh Đa-ma-sô I, Giáo Hoàng. Mt 18,12-14
12.12 Thứ Tư. Đức Mẹ Gua-đa-lu-pê (Tr); Thánh Gio-an-na Phan-xi-ca San-tan, Tu sĩ. Thánh Simon Phan Khắc Hòa, tử đạo (1840). Mt 11,28-30
13.12 Thứ Năm. Thánh Lu-xi-a, Trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. Mt 11,11-15
14.12 Thứ Sáu. Thánh Gio-an Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ Hội thánh. Lễ nhớ. Mt 11,16-19
15.12 Thứ Bảy. Mt 17,10-13
16.12 CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG. NĂM C
Lc 3,10-18
THÔNG BÁO Số 02TB/GXCT/2018
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
– Bất cứ ai chưa được rửa tội, họ có thể được rửa. Điều cần duy nhất nơi người được rửa tội là đức tin, họ phải tuyên xưng công khai khi lãnh Bí tích Rửa Tội. [1246 – 1254]
– Người đã theo Kitô giáo không phải chỉ thay đổi cách nhìn về thế giới, họ cam kết đi vào con đường khai tâm (khóa dự tòng) để trở nên một người mới nhờ ơn bí tích Rửa tội, và nhờ việc bản thân họ trở lại. Nhờ thế họ là chi thể sống động của thân thể Chúa Kitô.
Khoá dự tòng. Trong Hội Thánh sơ khởi những người lớn muốn được rửa tội (dự tòng) được sửa soạn trong 3 giai đoạn, trong khóa dự tòng này họ được khai tâm về đức tin và tham dự dần dần vào việc cử hành Lời Chúa, cho đến khi họ được nhận lãnh Bí tích Thánh Thể.
“Quà tặng mà các em mới sinh ra đã nhận được phải giúp cho các em đảm nhận lấy để sau này khi lớn lên các em sử dụng một cách tự ý và có trách nhiệm. Tiến trình lớn lên này sẽ dẫn các em tới lãnh nhận bí tích Thêm sức để hoàn thành bí tích Rửa tội và để mỗi em được lãnh nhận ấn tín của Chúa Thánh Thần.” – Đức Bênêđictô XVI, 8-1-2006
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 197. Tại sao Hội Thánh lại rửa tội con nít?
MỪNG BỔN MẠNG
Chúc Mừng Quý Bà, Chị Em, Nhân Ngày Lễ Thánh Bổn Mạng – Thánh Lucia, Trinh nữ, tử đạo (13/12)
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Trong niềm tin vào Chúa Phục Sinh, xin hiệp ý cầu nguyện cho thân mẫu của anh Hồ Quang Thái, Phó Ban TV, HĐMV Giáo xứ, được Chúa gọi về ngày 07/12/2018.
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
TÌM HIỂU MÙA VỌNG
Mùa Vọng là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh. Người Kitô hữu được mời gọi chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón mừng ngày Con Thiên Chúa giáng trần. Mùa Vọng được coi là mùa sốt sáng và hân hoan mong đợi.
Mùa Vọng là gì?
Mùa Vọng, một từ bắt nguồn từ tiếng Latinh: adventus, “sự đến” hoặc “đang đến” là giai doạn chuẩn bị cho sự ra đời của Chúa. Vọng là chờ đợi, nhưng nếu hiểu là chờ lễ Chúa ra đời thì không đúng lắm vì nguyên gốc của từ Adventus không phải là “vọng” mà là “đến”. Có hai tư tưởng về việc Chúa đến: (1) Chúa đến trần gian với việc nhập thể, nhập thế, một biến cố cách đây hơn 2000 năm. (2) Chúa sẽ đến vào thời cánh chung, thời tận thế.
So với Mùa Chay và Mùa Phục Sinh thì Mùa Vọng có muộn hơn. Trong ba thế kỷ đầu, lịch phụng vụ chỉ mừng lễ Chúa Phục Sinh. Lễ Chúa Giáng Sinh xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ IV. Và dần dần họa theo lễ Phục Sinh, lễ Chúa Giáng Sinh cũng có một thời gian chuẩn bị được gọi là Mùa Vọng. Trong Mùa Vọng, người tín hữu chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón mừng Con Thiên Chúa Giáng trần.
Mùa Vọng bắt đầu từ Kinh Chiều I Chúa Nhật I Mùa Vọng và kết thúc trước Kinh chiều I lễ Giáng sinh. Mùa Vọng cũng đánh dấu sự bắt đầu của Năm Phụng Vụ, “Ngày Năm Mới” của Giáo Hội, vào lúc mà chúng ta thay đổi chu kỳ của những bài đọc trong Thánh lễ.
Mùa Vọng là thời gian của niềm hoan hỷ trông chờ, nhưng cũng là thời gian sám hối để chuẩn bị đón mừng Đại lễ Giáng Sinh. Màu phụng vụ của Mùa Vọng là màu tím tía, một biểu tượng của sự ăn năn thống hối, màu này cũng được dùng trong Mùa Chay. Giáo Hội khuyên không nên trang hoàng bàn thờ lộng lẫy, sử dụng nhạc vui tươi náo nhiệt, ngay cả cử hành lễ cưới, trong Mùa Vọng, để tạo một cảm giác mong đợi êm đềm.
Ai đã thiết lập Mùa Vọng?
Thomas J. Talley, trong quyển “Những Nguồn gốc của Năm Phụng vụ” (The Origins of the Liturgical Year – Pueblo Publishing Company), cho thấy sự bắt đầu của Mùa Vọng trong Điều luật Thứ tư của Công nghị Saragosa (The Fourth Canon of the council of Saragosa) vào năm 380. Vào năm 567, Công nghị Tours (the Synod of Tours) đã thiết lập một tháng Mười Hai ăn chay. Và năm 581, Hội nghị Macon đã ra lệnh một Mùa Vọng Chay cho dân chúng từ Lễ mừng Thánh Martin (11-11) tới Lễ Giáng Sinh. Điều này dẫn đến cái tên Mùa Chay Thánh Martin.
Vào thế kỷ 7 và 8, những tập kinh giảng đã quy định 6 Chúa Nhật trong Mùa Vọng.
Theo cuốn Harper Collins Encyclopedia of Catholicism, được biên soạn bởi Richard P. McBien, thì Đức Giáo hoàng Gregôriô Cả, qua đời năm 604, là người thiết lập thực sự của Mùa Vọng La Mã. Đức Grêgôriô Cả đã thiết lập mùa này vào 4 tuần và đã soạn kinh cầu mùa và những bài đáp ca. Xứ Gaul (Pháp) đã làm phong phú cho mùa này với những yếu tố thuộc thuyết thế mạt và sự liên hiệp những nghi thức của Giáo hội Pháp quốc và La Mã quay trở lại Giáo hội La Mã vào khoảng thế kỷ 12.
Vòng hoa Mùa Vọng là gì?
Vòng hoa Mùa Vọng là một trong những truyền thống phổ biến nhất của chúng ta. Nguồn gốc của nó ở vào thời kỳ tiền Kitô giáo Đức và Bán đảo Thụy Sĩ – Đan Mạch, nơi mà dân chúng tập trung để tưởng niệm sự trở lại của mặt trời sau điểm chí mùa đông. Vòng hoa hình tròn này được làm bằng những cây có lá xanh quanh năm với 4 cây nến trải đều tiêu biểu chu kỳ của một năm và cuộc sống kéo dài suốt mùa đông. Vì những ngày này dài hơn, người ta đã thắp sáng những ngọn nến để tạ ơn “thần mặt trời” cho sự sáng. Đối với chúng ta, ánh sáng của những ngọn nến Mùa Vọng tượng trưng sự hứa hẹn nhập thế của Chúa Giêsu – Đấng là ánh sáng của thế gian.
Để làm một vòng hoa Mùa Vọng, bắt đầu với một vòng tròn Styrofoam, có thể mua ở những cửa hàng mỹ nghệ. Và cắt 4 lỗ cân đối vào chỗ mà bạn sẽ cắm 4 cây nến. . Màu tím tía nhắc nhở chúng ta hướng tâm hồn về Thiên Chúa, màu hồng là màu của sự hân hoan. Đặt những nhánh cây xanh trên vòng Styrofoam. Có khi người ta còn sấy khô để bảo vệ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Khuyến khích trẻ em tham gia, nếu chúng có thể, bằng cách gom những nhánh cây, đặt những cây nến…
(Pr. Nguyễn Văn Mão)
Còn nữa…