BẢN TIN 449

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

LỄ  CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

          Đức Giê-su nói với mọi người rằng : “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”                (Lc 9,24)

Suy niệm: Hình ảnh chàng trai trẻ trong  “Chinh phụ ngâm” thật hào hùng:

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa.

Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”

          Thân nam nhi dám vì đại nghĩa là bảo vệ quê hương giống nòi, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng xông pha trận mạc nơi biên thuỳ, chết lấy da ngựa bọc thây, thế mới là người có chí khí, đáng mặt anh hùng hào kiệt. Thế thì các vị tử đạo, những người vì cái nghĩa lớn hơn, đó là làm chứng cho Đức Ki-tô, mà dám liều mạng sống mình, những người đó chẳng những đáng được tôn vinh mà còn được tưởng thưởng bội hậu: họ sẽ cứu được mạng sống mình và được sống hạnh phúc đời đời ở bên Thiên Chúa.

          Trước khi dám chết vì Đức Ki-tô, các vị tử đạo đã dám sống vì Ngài. Chết vì Đức Ki-tô thì chỉ có một lần. Nhưng “chết” từng ngày trong cuộc sống vì Đức Ki-tô, bạn có thể thể hiện mỗi ngày, bao lâu bạn còn sống trên đời này, mỗi lần một mới mẻ hơn và sâu sắc hơn. Cụ thể là hôm nay, ngay bây giờ, bạn làm gì để sống cho Đức Ki-tô, để làm chứng nhân cho Ngài?

 

          PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

18.11 CHÚA NHẬT XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN. Mc 13,24-32

KÍNH TRỌNG THỂ  CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Lc 9,23-26 (Ga 17, 11b-19)

19.11 Thứ Hai. Lc 18,35-43

20.11 Thứ Ba. Thánh Phanxicô Nguyễn Cần, Thầy giảng, tử đạo. Lc 19,1-10

21.11 Thứ Tư. Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thờ. Lễ nhớ. Mt 12,46-50

22.11 Thứ Năm. Thánh Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ. Lc 19,41-44

23.11 Thứ Sáu. Thánh Clê-men-tê I, Giáo hoàng, tử đạo. Thánh Cô-lum-ba-nô, viện phụ. Lc 19,45-48

24.11 Thứ Bảy. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM. Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng. Thánh Vinh-sơn Nguyễn Thế Điểm, Linh mục, tử đạo; Thánh Phêrô Borie Cao, Giám mục, tử đạo; Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, Linh mục, tử đạo. Lc 9,23-26 (hoặc Ga 17, 11b-19).

25.11 CHÚA NHẬT XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN. CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ. LỄ TRỌNG. Ga 18,33b-37

 

THÔNG BÁO Số 62TB/GXCT/2018

  1. Giáo dân muốn đi Trà Kiệu để tham dự Lễ Bế Mạc Năm Thánh “Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”, Thứ Bảy 24/11/2018, xin đăng ký và mua vé vào các buổi chiều từ 16g00 đến 18g00 từ ngày Thứ Bảy 17/11/2018. Liên hệ: Anh Ngọc Trật Tự (tại trước Phòng Bác Ái Vinh Sơn). Đúng 13g00 Thứ Bảy ngày 24/11/2018, xe sẽ khởi hành đi Trà Kiệu.
  2. Thứ Bảy 24/11/2018, lúc 11g00 Đức Tổng Giám Mục Marek Jalewski, Đại diện Tòa Thánh sẽ về đến Tòa Giám Mục và Giáo xứ Chính Tòa Đà Nẵng. Mời cộng đoàn Dân Chúa tham gia chào đón Đức Tổng tại sân trước Nhà Thờ.
  3. Chúa Nhật, ngày 25/11/2018. Lúc 08g00, Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Đại diện Tòa Thánh sẽ viếng thăm và dâng Thánh lễ tại Nhà thờ Giáo xứ Chính Tòa.

 

HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Bí tích Rửa Tội là gì?

–  Bí tích Rửa Tội là nền móng cho tất cả đời sống Kitô hữu, vì bí tích đó là cửa dẫn vào Hội thánh. Nhờ Bí tích Rửa Tội, ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được trở thành chi thể của Chúa Kitô, và được hiệp thông với Thiên Chúa. [1213 – 1216, 1276 – 1278]

 

 – Bí tích Rửa Tội là bí tích làm nền móng, ta phải lãnh nhận trước các bí tích khác. Bí tích này kết hợp ta với Chúa Kitô, dìm ta vào cái chết cứu độ trên thập giá và nhờ đó giải thoát ta khỏi quyền lực tội lỗi, làm cho ta được tái sinh trong Đức Kitô để sống vĩnh hằng. Vì Bí tích Rửa tội là một giao ước với Thiên Chúa, nên người được rửa tội cần phải tỏ ý chấp nhận và nói “đồng ý”. → 197

+ Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. – 2 Cr 5,17

+ Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người. – Ep 4,5-6

+ Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. – Mt 28,19-20

+ Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy sống cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày, không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ, ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng. – Rm 13,12-14

“Nhờ Bí tích Rửa Tội, mỗi trẻ em như được đón nhận vào một câu lạc bộ tình bạn không thể nào tan rã dù khi em còn sống hay khi đã chết… Câu lạc bộ ái hữu này là gia đình của Thiên Chúa mà trẻ em được làm thành viên, nó luôn luôn theo bên em dù trong lúc đau khổ, trong những đêm đen của cuộc đời. Thiên Chúa sẽ mang đến ủi an, nâng đỡ và ánh sáng.” – Đức Bênêđictô XVI, 8-1-2006

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 195. Bí tích Rửa Tội được cử hành thế nào?

 

   MỪNG BỔN MẠNG

Chúc Mừng Ca Đoàn Cecilia, Quý Bà, Chị Em, Nhân Ngày Lễ Thánh Bổn Mạng – THÁNH CECILIA, Trinh Nữ, Tử Đạo. (22.11)

 

    TẢN MẠN – CHIA SẺ ­- GÓP NHẶT

Trổ sinh bông hạt

Trong ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãy dành ra ít phút để chiêm ngắm hình ảnh hạt lúa được gieo vào lòng đất, để thấy và hiểu được tại sao hạt lúa phải chịu thối nát, chịu “chết” đi thì mới trổ sinh hoa trái.

Khi hạt lúa được gieo xuống đất, nó không còn được hưởng sự yên ổn và an toàn như trong kho lúa được bảo quản nữa. Vì thế để tồn tại, nó phải chấp nhận sự thay đổi với thời tiết, khí hậu bên ngoài, với mưa, nắng gió, với cả sự “thinh lặng và đêm tối” trong lòng đất. Khi nó dám để cho lớp vỏ bảo vệ bị hư nát, thì hạt nhân bên trong mới có thể nảy mầm và lớn lên. Nhìn lớp vỏ xấu xí, người ta nghĩ hạt lúa đã “chết”, nhưng không, đúng hơn là nó đang bắt đầu hành trình sự sống của mình.

Các nhà tu đức thường nói, sống là chết đi mỗi ngày. Nhưng đó không phải là cái chết của sự hủy diệt, mà là chết để cái mới được sinh ra. Chúa Giêsu đã tái sinh chúng ta trong chính cái chết của Người, và chúng ta có thể nói, nhờ cái chết của các thánh tử đạo Việt Nam mà hạt giống đức tin đã trổ sinh trên quê hương Việt Nam. Gương tử đạo của các ngài như một lời mời gọi mỗi tín hữu hãy dám chết đi để hạt giống đức tin tiếp tục được nảy mầm và trổ sinh hoa trái (Ga 12,24). Ngày nay, không còn sự bách hại và tra tấn về thể xác, nhưng đời sống đức tin của chúng ta vẫn chịu sự bách hại của những tư tưởng, trào lưu văn hóa không lành mạnh; vẫn phải chịu thử thách bởi những tham sân si, những danh lợi thú bên trong mỗi người. Là con cháu của các thánh, nhưng liệu chúng ta có đủ tin và đủ yêu để dám “tử đạo” không? Chúng ta đang làm gì để bảo vệ và tuyên xưng niềm tin của mình, niềm tin vào một Thiên Chúa, Đấng là tình yêu, Đấng đã thí mạng sống mình để ta được sống? Mỗi ngày từng Kitô hữu có dám “chết” đi một chút gì đó trong những thói quen, những tính xấu của mình như giận hờn, ghen tị, nói xấu, gian dối, rượu chè… để sự tha thứ, bình an, sự thật, tiết độ… được sinh ra không, hay chúng ta cứ tiếp tục để đức tin chết đi, còn những thói hư tật xấu tiếp tục phát triển lan tràn?

Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam không chỉ là là cơ hội để tưởng nhớ hay nhắc đến các ngài với một sự khâm phục, mà còn để tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam những người con anh dũng, những “hạt lúa” dám chết đi để hạt giống đức tin được trổ sinh. Đây cũng là dịp nói lên lòng tri ân, biết ơn đối với các bậc tiền nhân, những người đã nêu gương trong đời sống đức tin. Các ngài đã dùng chính mạng sống của mình để cho chúng ta biết đâu mới là sự sống đích thực. Trong một thời đại mà đức tin luôn luôn bị đe dọa bởi biết bao nhu cầu giả tạo và ngày càng tinh vi, hơn lúc nào hết, người Kitô hữu cần có ơn Chúa để có thể sống, bảo vệ và tuyên xưng niềm tin của mình. Xin các Thánh Tử đạo Việt Nam phù hộ, che chở và bầu cử cho Giáo hội Việt Nam, cho mỗi tín hữu, để chúng ta cũng dám “chết” đi mỗi ngày, nhờ đó hạt giống đức tin tiếp tục được nảy mầm và trổ sinh bông hạt.

(Nt M. Paul Kiều Thu, dòng Con Ðức Mẹ Mân Côi – Chí Hòa, FMSR)