PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH. 06/5/2018
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12)
Suy niệm: Người ta nói rất nhiều về tình yêu, nhưng trong thực tế, người ta quan niệm rất khác nhau về tình yêu. Có người cho rằng tình yêu là cảm xúc đầy thi vị của một buổi chiều “nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…” (Xuân Diệu). Có người lạm dụng tình yêu, làm nó thoái hoá đến độ chỉ còn là một hành vi tính dục giữa hai người nam nữ. Thế còn, Chúa Giê-su nói về tình yêu thế nào? Chúa Giê-su mời gọi các tông đồ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Mà “yêu nhau như Thầy đã yêu” là hy sinh chính bản thân mình, kể cả hy sinh mạng sống để muôn người “được sống và sống dồi dào”; là yêu giống như Thiên Chúa, Đấng “đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà thế gian được sống”. Tình yêu ấy được thể hiện cách cụ thể qua cuộc sống và lời nói của Ngài: Một tình yêu cảm thông dành cho những người nghèo khổ, tàn tật, đui mù; một tình yêu tha thứ “đến bảy mươi lần bảy”, yêu đến cả kẻ thù nữa; một tình yêu không đòi đền đáp; yêu đến cùng, hy sinh cả tính mạng vì nhân loại.
Để có thể “kính mến Chúa trên hết mọi sự” thì trước tiên phải “yêu thương nhau như Thầy đã yêu,” bởi vì thánh Gio-an tông đồ cho biết: “ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
06.05 : Chúa Nhật VI PHỤC SINH. Ga 15,9-17
07.05 : Thứ Hai. Ga 15,26 – 16,4a
08.05 : Thứ Ba. Ga 16,5-11
09.05: Thứ Tư. Thánh Giuse Hiển, Linh mục, tử đạo (1840). Ga 16,12-15
10.05 : Thứ Năm. Ga 16,16-20
11.05: Thứ Sáu. Thánh Mathêu Lê Văn Gẫm, tử đạo. Ga 16,20-23a
12.05: Thứ Bảy. Thánh Nê-rê-ô và Thánh A-chi-lê-ô, tử đạo. Thánh Pan-ra-xi-ô, tử đạo. Ga 16,23b-28
Chiều: LỄ VỌNG CHÚA THĂNG THIÊN
13.05: Chúa Nhật VII PHỤC SINH. CHÚA THĂNG THIÊN. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ). Mc 16,15-20
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
Công Bố Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Tòa Thánh đã chấp nhận cho Giáo hội Việt Nam mở Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn vinh 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam lên bậc hiển thánh.
Năm Thánh sẽ bắt đầu từ ngày 19-6-2018 đến ngày 24-11-2018. Nơi hành hương của Giáo tỉnh Huế: Trung tâm hành hương Thánh Mẫu La Vang.
(Văn phòng Thư ký HĐGMVN)
Chính Tòa: TB Số 29TB/GXCT/2018
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
– Người dân Israel ngừng công việc “mỗi ngày 7 lần” (Tv 119,164) để ngợi khen Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã tham dự việc thờ phượng và cầu nguyện của dân Người. Người dạy các môn đệ cầu nguyện và tập hợp họ nơi nhà tiệc ly để cùng cử hành với họ việc thờ phượng lớn lao nhất trong các việc thờ phượng, đó là hiến mình làm lương thực. Hội Thánh khi mời ta tham dự phụng vụ là Hội Thánh trung tín với Lời Chúa khuyên dạy: Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy (1 Cr 11,24). [1066-1070]
– Con người chúng ta phải thở để sống thế nào thì Hội thánh cũng thở và sống khi cử hành phụng vụ như vậy. Chính Thiên Chúa ngày này qua ngày khác, thổi vào Hội thánh sư sống mới và hiến tặng Hội thánh Lời Chúa và các bí tích. Một hình ảnh khác đề minh họa: mỗi dịp thờ phượng Chúa là một cuộc hẹn của tình yêu mà Chúa ghi trong nhật ký của ta. Ai đã cảm nghiệm được tình yêu Chúa thì sẽ tự nguyện đến đúng hẹn. Ai đôi khi không cảm nghiệm gì cả nhưng cũng đến đúng hẹn, thì họ chứng tỏ họ vẫn trung thành với Chúa.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 167. Phụng vụ là gì?
HÔN PHỐI
Anh Giuse Lê Đỗ Thành Công và Chị Lucia Nguyễn Lê Anh Thy.
Xin Chúa chúc phúc cho tình yêu Anh Chị hôm nay và mãi mãi.
TẢN MẠN – CHIA SẺ - GÓP NHẶT
Kể chuyện Về Sự Kiện Chúa Giêsu Chết Và Sống Lại
Một người chết, rồi sống lại như trường hợp chết lâm sàng thường xảy ra. Có thể, chúng ta đã thấy sự kiện đó và chúng ta tin.
Còn một người chết thật, chôn trong mồ đá, bây giờ không còn thấy trong mồ nữa. Làm sao tin rằng: người đó sống lại?
Làm sao tin được điều đó? Ngày nay, tương lai và mọi thời, vẫn có nhiều người không tin điều đó. Khi không tin, họ có lý của họ, và đôi khi đi đến thái độ mĩa mai: Tin người chết sống lại là chuyện vớ vẩn.
Chúng ta tin Chúa Giêsu sống lại. Niềm tin đó cũng đối diện với bao hoài nghi và thách đố, không phải một ngày mà mọi ngày đời của chúng ta. Và lúc này đây, niềm tin của chúng ta vẫn đong đưa như thế.
Sự kiện Chúa Giêsu sống lại, phải diễn tả thế nào đây? Lúc này, Chúa Giêsu không hiện ra với chúng ta, làm sao chúng ta tin Chúa sống lại.
Chúa sống lại, hiện ra cho các môn đệ thấy, rồi Chúa biến mất. Nếu đem chuyện đó kể lại, chắc gì người ta tin. Bởi họ nói, nếu Chúa sống lại, sao bây giờ không hiện ra nữa. Như thế, để người ta tin Chúa, chẳng lẽ Chúa phải hiện ra mỗi ngày?!
Một trong những cách thức để các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu sống lại là nhờ các dấu chỉ. Tin mừng thuật lại câu chuyện các bà ra viếng mộ. Ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống nhưng có một dấu chỉ để các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu phục sinh, tuy trước đó, các ông chưa hiểu lời Kinh Thánh tiên báo mầu nhiệm này: “Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su…Gioan đã thấy và đã tin.” (Ga 20,8c). Môn đệ Gioan, người được Chúa Giêsu thương mến, người sống thân mật với Thầy Giêsu đã nhận ra dấu hiệu – ‘khăn che đầu cuộn lại, xếp riêng ra một nơi’ – (sao giống cách xếp của Thầy mình). Ông đã thấy các dấu hiệu và đã tin.
Chúng ta còn có thể kể một dấu chỉ khác: Chúa Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emau, và giải thích Kinh Thánh cho hai ông. Khi người khách lạ làm dấu hiệu “bẻ bánh”, hai môn đệ nhận ra ngay: cử chỉ này là cử chỉ của Chúa Giêsu. Lập tức, Chúa biến mất, nhưng hai ông thì tin rằng: Chúa sống lại thật.
Các môn đệ nhận ra và tin Chúa Giêsu sống lại nhờ các dấu chỉ và nhờ Kinh Thánh. Đó cũng là cách thế để chúng ta được lớn lên trong niềm tin vào: Chúa Giêsu sống lại.
Hôm nay, để nhận ra Chúa Giêsu, chúng ta hãy mở và đọc Kinh Thánh. Chúa hiện ra với các môn đệ và Chúa nói gì? Chúa giải thích Kinh Thánh cho các ông, để các ông hiểu và đón nhận rằng: Lời Kinh Thánh là nói về Chúa Giêsu – Đấng đã được tiên báo từ ngàn xưa, hôm nay được ứng nghiệm. Ngoài ra, bạn hãy tin nhận Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể. Đó là cách thế Chúa tỏ mình cho bạn. Chúa Giêsu sống lại và hằng ở với chúng ta.
(Antony)
LỊCH SỬ LINH ĐỊA TRÀ KIỆU – NƠI ĐỨC MARIA HIỆN RA (10-11/9/1885)
Ngày 10 và 11 tháng 9 hằng năm, Giáo phận Đà nẵng và cách riêng con cái của giáo xứ TTTM Trà Kiệu, đều nhớ về biến cố Đức Maria đã hiện ra trên nóc nhà thờ Trà Kiệu che chở đoàn con thoát khỏi làn đạn pháo.
Chúng ta nhìn lại cả một chiều dài lịch sử của chính vùng đất linh thiêng này, đã từng là kinh đô thần thánh của người Champa, để hiểu những chuyển biến lịch sử nơi đây, cũng chính là chuyển biến lịch sử của đất nước Việt Nam. Đức Mẹ đã chọn nơi đây để hiện ra: chở che đoàn con và trao ban sứ điệp.
Ngược dòng thời gian, tận cuối thế kỷ thứ II, Trà Kiệu lúc bấy giờ được biết đến như một vùng đất thuộc nước Lin Yi (Lâm Ấp). Nước Lâm Ấp được thiết lập trải dài từ Đèo Hải Vân (Huế) đến Đèo Cù Mông (Bình Định).
Ngày nay người ta biết đến khu vực này qua cái tên Champa. Từ thế kỷ 6-8, nước Champa có kinh đô là Sim-ha-pu-ra (Sư tử thành), đây chính là Trà Kiệu ngày nay.
Trong lịch sử, vương quốc Champa đã nhiều lần dời kinh đô: kinh đô tại Đồng Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), kinh đồ Đồ Bàn (thuộc tỉnh Bình Định). Đến năm 1653, Champa chỉ còn một phần đất nhỏ thuộc các tỉnh Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết. Năm 1832, thời Vua Minh Mạng, triều Nguyễn nắm trọn quyền điều hành vùng đất này. Vương quốc Champa chấm dứt.
Trà kiệu, với những nét riêng về lịch sử như vậy, nó mang trong mình sự linh thiêng, thần thánh: những ngọn tháp, đền đài kính thần Shiva tối cao của Ấn độ giáo. Trà Kiệu đã là linh địa của người Champa. Nó là linh địa hơn nữa, khi Đức Maria đã chọn nơi đây và hiện ra.
(còn tiếp)