BẢN TIN 385

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN – A. 30/07/2017

“Tìm được viên ngọc quý, vị doanh nhân ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt 13,46)

Suy niệm: Với rất nhiều người, tiền bạc là kho báu của đời họ; với một số người khác, quyền lực, danh tiếng lại là thứ ngọc quý giá số một. Với người này, thú vui cuộc đời là kho báu đáng tìm kiếm; đang khi ấy, với người khác, kiến thức lại là loại châu ngọc quý giá không gì sánh bằng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói với ta rằng Nước Trời mà Ngài đem đến trần gian phải được xem là kho báu, là viên ngọc quý báu nhất, và ta phải tìm mọi cách có được kho báu, viên ngọc ấy. Dù một thoáng tình cờ như người nông dân hay dành cả cuộc đời săn lùng như vị doanh nhân, cả hai đều có cách ứng xử giống nhau: vui mừng bán tất cả để tậu thửa ruộng hay sắm viên ngọc quý. Vui mừng, hạnh phúc hy sinh tất cả để được vào Nước Trời cũng phải là cách hành xử của ta.

Bạn không cảm thấy vui mừng và hạnh phúc khi sống tình thân với Đức Giê-su? Bạn tiếc nuối, ngại ngùng khi phải hy sinh để sống những đòi hỏi của Nước Trời? – Vì bạn chưa thấy được giá trị cao đẹp của viên ngọc quý Giê-su, của kho báu Nước Trời. Hãy đào sâu Tin Mừng của Ngài hơn để bạn thêm lòng tin vào Ngài.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUẦN

30.07 : Chúa Nhật 17 THƯỜNG NIÊN. Mt 13,44-52

31.07 :     Thứ Hai. Thánh I-nha-xi-ô Lô-yô-la, Linh mục. Lễ nhớ. Mt 13,31-35

Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, linh mục; Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, Trùm họ, tử đạo 1859.

01.08 :     Thứ Ba. Thánh An-phong Ma-ri-a Li-gô-ri, Giám mục , tiến sĩ  Hội Thánh. Lễ nhớ. Mt 13,36-43.

Thánh Bênađô Vũ Văn Duệ, Linh mục, tử đạo 1838. Thánh Đa-minh Nguyễn Văn Hạnh, Linh mục, tử đạo 1838.

02.08:     Thứ Tư. Thánh Ê-sê-bi-ô, Giám mục Vê-xen-lê-si. Thánh Phê-rô Ju-li-a-nô Ê-ma, Linh mục, lập Dòng Thánh Thể. Mt 13,44-46.

03.08 :     Thứ Năm. Đầu tháng. Mt 13,47-53.

04.08:     Thứ Sáu. Đầu tháng. Thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê, Linh mục. Lễ nhớ. Mt 13,54-58.

05.08:     Thứ Bảy. Đầu tháng. Lễ Cung hiến thánh đường Đức Ma-ri-a. Mt 14,1-12.

06.09 : Chúa Nhật 18 THƯỜNG NIÊN. CHÚA HIỂN DUNG. Lễ kính. Mt 17,1-9

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

Pháp. Tưởng niệm cha Jacques Hamel, một năm sau ngày cha bị sát hại. Hôm 26 tháng Bảy 2017, nước Pháp đã tổ chức lễ tưởng niệm cha Jacques Hamel –bị sát hại đúng một năm trước–; trong dịp này, nhiều nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Pháp đã một lần nữa lên án tội ác và bày tỏ tình liên đới với tất cả các Kitô hữu.

Cũng trong ngày 26/7, trang Instagram của ĐTC Phanxicô đã đăng tải bức hình ngài đang cầu nguyện trước di ảnh cha Jacques Hamel, cùng với dòng chữ: “Hôm nay chúng ta tưởng nhớ cha Jacques Hamel, người cùng với biết bao vị tử đạo khác trong thời đại của chúng ta, đã cống hiến đời mình để phục vụ tha nhân”.

Riêng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong bài phát biểu sau Thánh lễ cầu nguyện cho cha Hamel, đọc tại khuôn viên nhà thờ, ông cám ơn người công giáo đã “có được sức mạnh của lòng tha thứ” và kêu gọi “về phần mình, mỗi tôn giáo có các vị lãnh đạo đang hiện diện ở đây, hãy tham gia cuộc đấu tranh để hận thù, sự khép kín, giảm thiểu căn tính không bao giờ có thể thắng thế”.

 

* Chính Tòa: TB Số 40TB/GXCT/2017

  1. Từ thứ hai 31/7 đến thứ bảy 05/8, Giáo họ Giuse Khang trực phụng vụ.
  2. Thứ hai 31/7 Lễ Nhớ Thánh Ignasio loyola linh mục quan thầy của 13 giáo dân, xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện.
  3. Thứ ba 01/8 Lễ Nhớ Thánh Anphôngsô quan thầy của 07 giáo dân.
  4. Giáo dân muốn đi La Vang dự lễ ngày 14/8 và 15/8, xin đăng ký và mua vé vào mỗi buổi chiều lúc 16g00 đến 18g00 từ ngày thứ tư 02/8/2017 tại trước Phòng Bác Ái Vinh Sơn (gặp Anh Ngọc Trật Tự)
  5. Thứ năm đầu tháng giáo xứ Chầu Thánh Thể vào lúc 19g30 do ban Phụng Vụ phụ trách, xin cộng đoàn sốt sắng tham dự.
  6. Thứ sáu 04/8 Lễ Nhớ Thánh Gioan Maria Vianê quan thầy của 01 giáo dân, xin cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện. Chiều thứ sáu này, các ca đoàn của Giáo xứ Chính Tòa cùng hát Lễ Tạ ơn. Sau lễ sẽ có cuộc giao lưu giữa các Ca đoàn.
  7. Chúa nhật 06/8 sau lễ Thiếu Nhi có rửa tội cho các em nhỏ. Xin nộp giấy giới thiệu tại văn phòng giáo xứ, cha mẹ và người đỡ đầu đến nhà thờ tập nghi thức lúc 19g30 thứ bảy 05/8.

 

GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)

Tha thứ tất cả

“Trước hết, người ta khẳng định rằng [tình yêu thì] “tha thứ tất cả” (panta stegei). Điều này thì khác với việc “không chấp nhất sự dữ”, bởi vì từ này có liên quan tới việc sử dụng cái lưỡi; nó có thể có nghĩa là “giữ thinh lặng” về một điều tiêu cực có thể có nơi người khác. Nó hàm nghĩa hạn chế sự xét đoán, kiềm giữ khuynh hướng muốn làm bật ra một lời lên án nghiệt ngã và bất nhẫn: “Đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị xét đoán” (Lc 6,37). Lời Thiên Chúa bảo chúng ta cho dẫu đi ngược lại với thói quen sử dụng cái lưỡi của mình: “Đừng nói xấu nhau, thưa anh chị em” (Gc 4,11). Không ngừng bôi nhọ hình ảnh người khác là một cách tôn tạo hình ảnh của mình, nhằm trút sự oán hận và ghen tị mà không lưu tâm đến tai hại mình có thể gây ra. Rất nhiều khi người ta quên rằng phỉ báng người khác có thể là một tội lớn; một xúc phạm nghiêm trọng đến Thiên Chúa, khi nó xâm phạm nặng nề đến thanh danh của người khác và gây ra những tổn thất rất khó sửa chữa. Vì thế Lời Chúa tuyên bố cứng rắn về cái lưỡi khi nói rằng nó “là thế giới của sự ác”, nó “làm cho toàn thân bị ô nhiễm đốt cháy toàn thể cuộc đời” (Gc 3,6); nó là một “sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (Gc 3,8). Nếu như cái lưỡi có thể được dùng để “nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa” (Gc 3,9), thì tình yêu lại trân trọng hình ảnh của người khác một cách tinh tế đến nỗi cả bảo vệ thanh danh của kẻ thù. Trong khi bảo vệ luật Chúa, chúng ta không bao giờ được quên đòi hỏi  này của tình yêu.” Niềm Vui Của Tình Yêu, số 112

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Các Kitô hữu “không Công giáo” có là anh chị em với chúng ta không?

–  Tất cả những ai đã được Rửa tội đều thuộc về Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, những người đã được rửa tội, dù không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công giáo, họ cũng được gọi cách chính đáng là Kitô hữu, và do đó họ là anh chị em với chúng ta. [817-819]

– Những đổ vỡ trong Hội Thánh duy nhất của Chúa Kitô đều xuất phát từ những bóp méo giáo huấn của Chúa Kitô, từ những lầm lỗi của con người và từ những thiếu sót trong ý muốn hòa giải, nhất là nơi các vị hữu trách trong Hội Thánh. Ki tô hữu ngày nay không chịu trách nhiệm về những chia rẽ trong lịch sử Hội Thánh. Tuy nhiên, vì muốn cả nhân loại được cứu rỗi, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong các Hội thánh và các cộng đồng đã ly khai khỏi Hội Thánh công giáo. Tất cả những ân sủng sẵn có, như Kinh Thánh, các bí tích, đức tin, cậy, mến, và các đặc sủng khác đều do Chúa Kitô mà đến. Ở đâu có Thánh Thần Chúa Kitô, ở đó có một năng lực nội tại thúc đẩy phải “khôi phục lại sự hiệp nhất”, bởi vì ai thuộc về Thánh Thần đều khao khát tập họp lại với nhau.

Các Hội Thánh và các cộng đồng Hội Thánh. Nhiều cộng đồng Kitô hữu khắp thế giới lấy tên là Hội Thánh. Đối với người Công giáo, chỉ là Hội Thánh khi trong cộng đồng đó các bí tích của Chúa Giêsu Kitô được duy trì nguyên vẹn. Điều này đúng với các cộng đồng Chính thống và các Hội thánh Đông phương trước hết. Trong những cộng đồng Hội Thánh phát xuất từ cuộc cải cách của Tin lành, các bí tích không được duy trì nguyên vẹn.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 131. Chúng ta phải làm gì cho việc hợp nhất Kitô hữu?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ

 

HÃY VUI LÊN

Khác hẳn mọi ngày, trưa nay mình không ngủ mà lại loay hoay gõ máy…

Sáng nay, sau cú phone của một Kitô hữu xa lạ từ Mỹ gọi lòng mình lại “trào phun” bao cảm xúc tưởng đã tê liệt bởi lòng đã thật lắng đọng từ lâu…  “Dẫu sao khi bạn là người- cùng- cảnh lên tiếng, người bệnh sẽ tin hơn và…Hãy giúp mọi người nhé bạn.”

Bạn thân mến,

Mình bị ung thư đại tràng.

Nói sao để mọi người thấu hiểu cảm giác của mình lúc ấy nhỉ! Rất bình tĩnh chứ không phải thản nhiên. Ắt hẳn mọi người sẽ càng sửng sốt khi biết chính mình là người thông báo “tin” này cho chồng con. Cả nhà đều không tin. Lý do đơn giản: mình vẫn đi dạy, vẫn ăn ngon, ngủ yên,… thì sao lại ung thư được.(!) Chuyện gì đến đã đến. Rồi theo thời gian, mọi chuyện dần qua và qua… thật chậm.

Bây giờ mình đã sống chung với lũ gần 19 tháng.

Ngồi gõ những dòng này không phải để động viên; mà là nhắn nhủ các anh chị em nào đang bị ung thư đừng chán nản, tuyệt vọng. Mình không thuyết giảng nhưng đang tự sự bằng chính những gì mình đã và đang trải qua, rất thật sau cuộc đại phẫu thuật, rồi hóa trị 1 lần và  bỏ luôn. Chính lúc này, những săn sóc đầy tình người từ bao người thân, bè bạn và ngay cả học trò là liều -thuốc- tỉ- tốt. Mình siêng năng rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày, rồi lần hạt bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Mình chưa bao giờ xin Chúa Mẹ cho mình khỏi bệnh, ngay cả khi quỳ dưới chân Đức Mẹ Tà Pao mình chỉ xin cho con đi nhẹ nhàng và cho con đủ sức chịu đựng những thánh giá Chúa trao. Mình luôn tâm niệm: Đời người như một toa tàu, ai rồi cũng đến ga, có người đến ga A, ga B, còn mình… đến ga Nha Trang thay vì đến ga Sài Gòn vậy. Mình nhớ hoài lời các Cha khi đến thăm: Chị may mắn hơn người khác vì có thời gian ăn năn, sám hối, dặn dò…Chuẩn không cần chỉnh, thế là mình và những ai mang bệnh nan y hãy vui vẻ lên.

Mình gõ những dòng chữ này để san sẻ “bí quyết” sống của mình, mà gần chục người đã đến “học hỏi” và muốn mình chia sẻ nếu thấy không ngại.

Lời cuối, đau đớn thân xác cứ âm thầm cắn răng chịu đựng, hãy luôn nghĩ: “Mình không vui nhưng cứ cười để… ung thư sợ và nhất là làm yên lòng những người thân quanh mình.”

Tê-rê-sa Trần Thanh Xuân