PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH – A. 14/05/2017
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga 14,1)
Suy niệm: Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su trấn an các môn đệ “đừng xao xuyến!” Thế nhưng chính Ngài lại xao xuyến, xao xuyến đến cực độ. Tin Mừng cho biết Ngài xao xuyến khi thông báo “một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21); lúc cầu nguyện trong Vườn Dầu, đối diện với con đường khổ nạn và cái chết trên thập giá, Ngài xao xuyến đến độ hãi hùng (Mc 14,33), thậm chí máu cùng với mồ hôi đổ ra (Lc 22,44). Chúa khuyên các môn đệ đừng xao xuyến vì Ngài đã gánh lấy những xao xuyến đó và cho các môn đệ bí quyết để “đừng xao xuyến!”; đó là: “Hãy tin vào Thiên Chúa, và tin vào Thầy!” Những vấn nạn của cuộc sống, nếu chỉ đi tìm lời giải đáp ở những sự đời này, người ta sẽ lâm vào chỗ bế tắc! Thế nhưng, “tin vào Chúa và tin vào Thầy,” không phải các chướng ngại được cất đi, nhưng chúng được biến đổi trở thành phương thế đạt tới ơn cứu độ đời đời.
Sống giữa cuộc đời đầy bất trắc, khó khăn này, ai mà không “xao xuyến”! Xao xuyến vì cơm áo gạo tiền, vì công danh sự nghiệp, vì bổn phận trách nhiệm, vì hiện tại và tương lai, vì… và vì… Chúa kêu mời chúng ta “hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Chúa Ki-tô đã sống lại và chúng ta cũng được sống lại với Đức Ki-tô, vì thế “hãy tìm kiếm những sự trên trời, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
14.05 : Chúa Nhật 5 PHỤC SINH. Ga 14,1-12.
15.05 : Thứ hai. Ga 14,21-26
16.05 : Thứ ba. Ga 14,27-31a
17.05: Thứ tư. Ga 15,1-8
18.05 : Thứ năm. Thánh Gio-an I, Giáo Hoàng, tử đạo. Ga 15,9-11.
19.05: Thứ sáu. Ga 15,12-17
20.05: Thứ bảy. Thánh Bec-na-đi-nô Si-ê-na, Linh mục. Ga 15,18-21.
21.05 : Chúa Nhật 6 PHỤC SINH. Ga 14,15-21
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Mối tương quan với Đức Mẹ Maria và mối tương quan với Giáo hội phải đi đôi với nhau. Thứ Hai 08-05, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến phái đoàn ban giám đốc và sinh viên thuộc Giáo hoàng Học viện Bồ Đào Nha ở Roma. Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: mối tương quan với Đức Mẹ Maria và mối tương quan với Giáo hội phải đi đôi với nhau, vì “cả hai đều là Mẹ chúng ta”. “Một linh mục mà quên Đức Mẹ, nhất là trong những lúc gặp khó khăn, thì thiếu đi điều gì đó; như thể mình là người mồ côi trong khi thực tế không phải như vậy. Vì hễ khi nào gặp khó khăn, bao giờ đứa con cũng chạy đến với mẹ”. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 29TB/GXCT/2016-2017
GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)
Không vênh vang, không tự đắc (tt)
“Thật quan trọng việc người Kitô hữu sống thái độ này trong cách họ cư xử với những người thân trong gia đình ít hiểu biết hơn mình về đức tin, họ là những người yếu đuối hoặc thiếu một xác tín chắc chắn. Có khi xảy ra điều ngược lại: những tín hữu được cho là trưởng thành trong gia đình thì lại trở thành kẻ cao ngạo không ai chịu nổi. Thái độ khiêm hạ ở đây có vẻ như một điều gì đó thuộc về tình yêu, bởi vì, để có thể thông cảm, tha thứ và thành tâm phục vụ người khác, thì cần thiết phải chữa trị thói kiêu ngạo và vun đắp lòng khiêm nhu. Đức Giêsu lưu ý các môn đệ rằng trong thế giới của quyền lực mỗi người đều tìm cách để thống trị kẻ khác, và bởi thế Người nói “giữa anh em thì không như thế” (Mt 20,26). Lối nghĩ về tình yêu Kitô giáo không phải là lối nghĩ của người đứng bên trên người khác và cần để họ biết đến quyền lực của mình, nhưng là lối nghĩ “ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,27). Trong đời sống gia đình không thể để bao trùm lối nghĩ thống trị lẫn nhau và sự cạnh tranh để xem ai là người thông minh hơn hay quyền lực hơn, vì như thế sẽ làm hủy diệt tình yêu. Lời khuyên cho gia đình sau đây cũng thật đáng giá: “Tất cả anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5).” Niềm Vui Của Tình Yêu, số 98
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
– Chúa Thánh Thần mở lòng tôi đón nhận Thiên Chúa. Người dạy tôi cầu nguyện, và giúp tôi thực hành bác ái với tha nhân.
– Theo thánh Augustinô, Chúa Thánh Thần là vị khách thầm lặng của hồn tôi. Muốn cảm nghiệm được Người có mặt, cần phải thinh lặng. Vị khách này thường tỏ mình ra một cách rất êm đềm trong ta và với ta, qua tiếng lương tâm hoặc qua tiếng thúc giục bên trong hay bên ngoài. Là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” có nghĩa là luôn có mặt sẵn sàng cả hồn xác để tiếp đón vị khách là Thiên Chúa trong ta. Xác ta là như nhà ở của Chúa. Ta càng mở rộng lòng cho Chúa Thánh Thần, Người càng trở nên Thầy dạy ta sống và càng mau mắn ban các đặc sủng để xây dựng Hội Thánh. Nhờ đó thay cho các công việc của xác thịt, các hoa quả của Thần Khí sẽ tăng trưởng. → 290-291, 293-297, 310-311
Các hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. – Ga 5,22
Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, rượu chè, và những điều khác giống như vậy. – Ga 5,19-21
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 121. Hội Thánh nghĩa là gì?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
Lòng tin giữa con người hôm nay
Cuộc sống vốn phức tạp, có muôn màu, muôn vẻ và trong cái thế giới này có biết bao nhiêu hạng người, tốt cũng có, xấu cũng có, ông bụt cũng có mà ác quỷ cũng có. Giữa muôn hình vạn trạng như thế thì chúng ta nên trao niềm tin cho ai bây giờ đây ? Bây giờ con người ta thường vô tình với những gì xảy ra xung quanh, có nhiều cạm bẫy, lừa lọc hơn. Chính lối sống như thế nên càng ngày chúng ta cũng trở nên thờ ơ với mọi người. Con người chúng ta có thành công và hạnh phúc hơn khi phải sống trong bầu không khí nghi ngờ, dè chừng nhau? Hay chúng ta sẽ thành công và hạnh phúc hơn khi có một niềm tin làm điểm tựa trong cuộc sống? Liệu có nên đặt lòng giữa con người với con người hay không?
Lòng tin nó không giống như hạnh phúc, nó có thể tự sinh ra và tự mất đi.Nhưng niềm tin không dễ để có được nó. Đôi khi chúng ta mất cả đời mà vẫn chưa có được cái được gọi là “Lòng tin”.
Sự chân thành sẽ được đáp lại bằng sự chân thành, tình thương cho đi sẽ được đáp lại tình thương”. Câu này với cuộc sống bây giờ nghe có vẻ như là cách cư xử dại dột trong cuộc sống, vì giờ đây chúng ta phải chứng kiến quá nhiều trường hợp mà sự chân thành được đáp lại bằng sự lợi dụng, tình thương cho đi thì bị đáp lại bằng sự lọc lừa. Hình như bây giờ chúng ta phải sống trong tâm trạng: Phải nghi ngờ, dè chừng người khác, nếu không mình có thể bị lừa.
Thử hỏi trong thế giới bây giờ hai chữ “lòng tin” còn mấy khi được nhắc tới giữa con người với nhau nữa không? Hay thay vào đó là ba chữ “mất lòng tin”. Người ta vẫn chế giễu nhau: “Sống bằng nước lã à, sống bằng lòng tin à?” Hình như bây giờ lòng tham và sự lọc lừa đang lên ngôi và thống trị trên mỗi người chúng ta.
Cuộc sống của mỗi chúng ta luôn cần đến lòng tin và lòng tốt. Một trong những điều nguy hiểm nhất ở con người là đánh mất niềm tin, lòng tin nơi con người và cuộc sống, mất lòng tin nơi những giá trị đạo đức tốt đẹp của cuộc sống. Khi mất lòng tin vào cuộc sống, chúng ta sẽ bị giảm sút ít nhiều nghị lực vươn lên trong cuộc sống, đánh mất ý nghĩa cuộc sống của chính bản thân mình.
Việc mất lòng tin nơi con người và cuộc sống có thể bắt nguồn từ rất nhiều lý do. Trước hết, như đã nói, có thể là do bản thân mình đã phải chứng kiến hoặc gánh chịu quá nhiều đau khổ do những việc làm xấu ác của người khác mang lại. Nhưng quan trọng hơn, thiếu lòng tin vào cuộc sống cũng có thể do bản thân mình thiếu sự tu dưỡng và rèn luyện đạo đức.
Có bao nhiêu bạn đo xem lòng tin của mình về một cái gì đó, về một ai đó cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu và dài bao nhiêu chưa. “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Và lòng tin cũng vậy chúng ta khổng thể nào đưa ra để cân đo đong đếm được. Vậy thì làm sao để biết lòng tin của con người nặng bao nhiêu.
Có thể có người sẽ nói rằng chúng ta có thể làm được chuyện này, lòng tin của chúng ta là tuyệt đối. Có nghĩa là nó có một giá trị cực đại vậy cũng không thể biết là nó bao nhiêu cả.
Có người sẽ nói rằng chúng ta chẳng có lòng tin hay chúng ta vẫn còn ngờ vực về điều này, điều kia, về con người này hay con người nọ. Khi đó lòng tin chẳng là gì cả.
Vậy làm sao để có được lòng tin và làm sao để biết được lòng tin đó như thế nào. Có lẽ mỗi người trong chúng sẽ có những lý lẽ riêng cho mình. Không ai có thể định nghĩa được tình yêu hay hạnh phúc là gì bởi vì nó là một khái niệm không thể định nghĩa người ta chỉ có thể nêu ra những biểu hiện, những tính chất được trưng của nó mà thôi, vậy liệu lòng tin có phải giống như vậy hay không ?.
Ngay cả tôi khi viết những dòng này tôi cũng không biết được tôi có bao nhiêu lòng tin rằng sẽ có bao nhiêu người đọc và đồng cảm với những điều này.
Nhưng chắc chắn là tôi có lòng tin với nó. Bởi vì không có gì khủng khiếp hơn là khi chúng ta mất đi lòng tin và niềm tin. Một sự sụp đổ hoàn toàn và vô vàn câu hỏi tại sao ? tại sao ? và tại sao ? nó cứ lẩn quẩn đâu đó quanh trong chúng ta và nó ám ảnh chúng ta suốt quãng đời còn lại, nhưng đôi khi cũng không phải mất lòng tin là một điều gì đó khủng khiếp đến mức không thể chấp nhận. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó tôi tin là như vậy. Vậy thì sao, vậy thì chúng ta phải chấp nhận nó hay là xa thải ra khỏi cuộc đời còn lại của mình. Khi bạn mất lòng tin vào một ai đó chắc hẳn bạn sẽ phải thất vọng rất rất nhiều.
Nói tóm lại. Lòng tin nó xuất hiện bất cứ nơi đâu, bất kỳ khi nào và bất kì ai.
Và dù muốn gì đi nữa cũng phải có lòng tin
Nhưng đừng nghĩ rằng nó là thứ vĩnh cửu, bất biến. Chúng ta phải làm rất nhiều nếu muốn được như vậy. (Mỹ Nhung)