BẢN TIN 374

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH – A. 07/05/2017

“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp.” (Ga 10,1)

Suy niệm: Các Ki-tô hữu thời đế quốc Rô-ma bị bách hại đã dùng dấu hiệu con cá để nhận diện nhau. Những ai không biết mật hiệu ấy ắt hẳn không thuộc cộng đoàn mà có thể là “kẻ trộm, kẻ cướp.” Ngày nay, các nhân viên khi đến cơ quan làm việc phải xuất trình thẻ căn cước để xác nhận mình thuộc về công ty, chứ không phải là kẻ gian phi đến để phá hoại. Căn cước một người thuộc về Đức Ki-tô không nằm ở tấm thẻ bên ngoài mà ở chính cuộc sống của họ được đóng dấu ấn thập giá, khi họ đi qua cánh cửa là Đức Ki-tô, đó là dấu ấn của người mục tử đích thực “liều mạng sống mình vì đoàn chiên” (Ga 10,11).

Giữa lòng thế giới hôm nay, trước những quan niệm thế tục về cuộc sống con người; thay vì Thiên Chúa, người ta tôn thờ tiền bạc, quyền lực, lạc thú; nhiều lúc chúng ta cũng đã hoang mang, có khi chao đảo: Đâu là dấu hiệu thuộc về Đức Ki-tô một cách đích thực? Phải chăng lắm khi bạn đang để “kẻ trộm, kẻ cướp” -là những gì không mang dấu ấn thập giá của Đức Ki-tô- đột nhập vào cuộc sống của bạn, của gia đình, cộng đoàn bạn? Bạn nhớ, dấu ấn ki-tô hữu chính là thập giá Chúa Ki-tô.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

07.05 : Chúa Nhật 4 PHỤC SINH. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ga 10,1-10 Tiền giỏ ngày hôm nay xin đóng góp cho Quỹ Ơn Gọi Giáo phận, kính xin quý cha và cộng đoàn quan tâm đóng góp.

08.05 :     Thứ hai. Ga 10,11-18.

09.05 :     Thứ ba. Ga 10, 22-30. Thánh Giuse Hiển, Linh mục, tử đạo 1840.

10.05:     Thứ tư. Ga 12,44-50

11.05 :     Thứ năm. Ga 13,16-20. Thánh Mathêu Lê Văn Gẫm, tử đạo.

12.05:     Thứ sáu. Thánh Nê-rê-ô và Thánh A-chi-lê-ô, tử đạo. Thánh Pan-ra-xi-ô, tử đạo. Ga 14,1-6.

13.05:     Thứ bảy. Đức Mẹ Fa-ti-ma. Ga 14,7-14.

14.05 : Chúa Nhật 5 PHỤC SINH. Ga 14,1-12.

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Việt Nam. Giáo phận Bà Rịa: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn kế nhiệm Giám mục chính toà Bà Rịa. Hôm thứ Bảy 06-05-2017, Phòng Báo chí Toà Thánh đưa tin: Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận cho Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm được từ nhiệm nhiệm vụ quản trị mục vụ giáo phận Bà Rịa. Kế nhiệm Đức cha Tôma là Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục phó của giáo phận này. (hdgmvietnam.org)

* Việt Nam. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Tân giám mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc. Ngày 02-05-2017 tại Roma, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố: Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm cha Gioan Đỗ Văn Ngân, hiện là Phó Giám đốc Đại chủng viện đặc trách phân ban Triết học Đại chủng viện và là Tổng đại diện giáo phận Xuân Lộc, làm Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, hiệu tòa Buleliana. (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận được tôn phong là Đấng đáng kính. Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn các sắc lệnh của Bộ Tuyên thánh, tiến thêm một bước trong các án tuyên thánh cho 12 vị, trong đó có Người Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ngày 4 tháng 5 2017, trong buổi tiếp kiến Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Tuyên thánh.

Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận sinh năm 1928 và qua đời ở Roma ngày 16 tháng Chín 2002, hưởng thọ 74 tuổi. (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: TB Số 28TB/GXCT/2016-2017

  1. Chúa Nhật 07/5 sau lễ Thiếu Nhi có rửa tội cho các em nhỏ.
  2. Từ thứ hai 08/5 đến thứ bảy 13/5 giáo họ Giuse Khang phụ trách trực phụng vụ.
  3. Thứ năm 11/5 vào lúc 17g có giờ Chầu Mình Thánh do giới Người Cha phụ trách.
  4. Thứ bảy 13/5 kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.Thánh lễ được cử hành lúc 17g00 tại Núi Đá do Đức Giám Mục Giáo Phận chủ sự. Lúc 19g30 đọc kinh tại Núi Đá do hội Legio phụ trách.

 

GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)

Không vênh vang, không tự đắc

“Người yêu thương thì không những biết tránh không nói quá nhiều về chính mình, mà hơn nữa, vì tập chú vào người khác, người ấy biết đặt mình vào vị trí của người khác, không đòi làm trung tâm của mọi sự chú ý. Từ ngữ physioutai tiếp theo sau cũng có nghĩa tương tự, cho thấy rằng yêu thương thì không cao ngạo. Theo sát nghĩa từ ấy muốn diễn tả chúng ta không “lên mặt” trước người khác, cũng cho thấy một cái gì đó tinh tế hơn. Đó không chỉ là một nỗi ám ảnh muốn khoe khoang những phẩm chất của mình mà còn là mất ý thức về thực tại. Ta tự xem mình cao trọng hơn sự thực mình là, vì tưởng rằng mình “đạo đức” hơn hay “khôn ngoan” hơn. Thánh Phaolô còn dùng động từ này trong những trường hợp khác nữa, như khi ngài nói “sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn tình yêu thì xây dựng” (1 Cr 8,1). Cũng đáng nói là, một số người nghĩ rằng họ cao trọng vì họ hiểu biết hơn những người khác, và ra sức đòi hỏi và khống chế những người khác, trong khi điều thực sự làm ta cao trọng chính là một tình yêu biết cảm thông, quan tâm, và nâng đỡ những người yếu đuối. Trong một đoạn khác, thánh Phaolô dùng từ này để phê bình những người “tự cao tự đại” (cf. 1 Cr 4,18), nhưng thực sự họ chỉ nói những lời trống rỗng hơn là những lời thực sự có “quyền năng” của Thần Khí (cf. 1 Cr 4,19).” Niềm Vui Của Tình Yêu, số 96

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh như thế nào?

– Chúa Thánh Thần xây dựng Hội Thánh. Người thúc đẩy Hội Thánh và nhắc nhớ Hội Thánh về sứ mạng của Hội Thánh. Người kêu gọi nhiều người phục vụ Hội Thánh, và ban cho họ nhiều ơn cần thiết. Người hướng dẫn chúng ta đi sâu vào sự thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi. [733-741, 747]

– Cả những lúc trong suốt dọc lịch sử, Hội thánh nhiều khi tỏ ra “không biết rõ mình phải làm gì”, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động dù biết bao lỗi lầm và thiếu sót của con người. Hơn hai ngàn năm Hội thánh vẫn đứng vững và vô số các thánh ở mọi thời, thuộc mọi nền văn hóa, chỉ ngần ấy thôi cũng là những bằng chứng cho biết Chúa Thánh Thần vẫn luôn hiện diện. Chính Người duy trì toàn thể Hội thánh trong sự thật, và dẫn dắt Hội thánh hiểu biết Thiên Chúa sâu sắc hơn. Chính Chúa Thánh Thần hoạt . động trong các Bí tích và làm cho Kinh thánh trở nên sống động với ta. Ngày nay Người vẫn ban cho những ai mở rộng lòng với Người những ân huệ của Người (→ Đặc sủng). → 203-206

Thánh Thần Chân lý sẽ dẫn chúng con đến sự thật hoàn toàn. – Ga 16,12-13

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. – Ga 16,12-13

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 120. Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong đời tôi?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ

Hoán cải nhờ Đức Mẹ Fatima

Tôi sinh ra trong một gia đình Công Giáo đạo đức. Rủi thay, vào năm 15 tuổi, tôi bắt đầu học nghề với một ông chủ theo bè tam điểm. Lời nói cùng lối sống của ông ảnh hưởng mạnh mẽ trên tâm trí non trẻ của tôi. Không bao lâu sau, tôi dần dần bỏ đạo thánh Công Giáo và hoàn toàn trở nên vô thần. Trong tâm hồn tôi lúc bấy giờ, chỉ còn lại loáng thoáng một chút tâm tình hướng về Trời Cao. Đối lại, một khoắc khoải luôn ray rứt tâm hồn. Tôi bắt đầu chuyển sang các hệ phái Tin Lành. Tôi theo Cơ-Đốc-phục-lâm rồi sau đó lại theo Pentecôtiste.

Không biết cuộc đời tôi sẽ kết thúc ra sao nếu không có bàn tay của Đức Mẹ MARIA can thiệp. Năm 39 tuổi, tôi đổi sang làm công trong một xưởng gần thủ đô Lisboa của Bồ Đào Nha. Trước đó tôi cũng đã lập gia đình và có ba đứa con. Nhưng chúng tôi chỉ làm đám cưới theo phép đời chứ không theo phép đạo. Ba đứa nhỏ sinh ra không được rửa tội.

Vào thời gian cuối năm 1917, Bồ Đào Nha xôn xao chấn động về biến cố Đức Mẹ MARIA hiện ra với ba trẻ chăn chiên tại làng Fatima. Tôi cũng nghe những tin tức ấy nhưng hoàn toàn bỏ ngoài tai, bởi vì tôi không tin tưởng gì hết. Đối với tôi đó chỉ là những tin đồn nhảm nhí. Tuy vậy, tôi không dám thành thật bày tỏ tâm tình cùng tư tưởng của mình vì thấy ông chủ mới là một tín hữu Công Giáo rất sùng đạo .. Một ngày, người chủ đề nghị với chúng tôi tổ chức từng nhóm, đi hành hương về làng Fatima. Tôi bị bắt buộc phải chấp thuận đi hành hương như các bạn đồng nghiệp. Bên ngoài tôi tỏ ra hăng hái, nhưng bên trong, tôi cảm thấy tự hổ thẹn về thái độ giả hình dối trá của mình.

Chúng tôi lên đường. Để khỏi gây chú ý, tôi tham dự tất cả mọi buổi cầu nguyện, các lễ nghi. Ban tối chúng tôi tham dự cuộc rước đuốc kính Đức Mẹ. Mỗi tín hữu hành hương mua một cây nến để cầm. Tôi cũng mua một cây. Và đây chính là lúc Đức Mẹ MARIA chờ đợi tôi. Thật vậy, cầm cây nến vừa thắp sáng trong tay, tôi bước đi chưa được hai bước thì cây nến vụt tắt. Trời im như tờ, không một chút gió và các cây nến của mọi người chung quanh thì long lanh sáng. Tôi lặng lẽ châm lại cây nến với cây nến của người bên cạnh. Nhưng rồi hiện tượng đầu tiên tái diễn. Vừa đi được mấy bước thì cây nến vụt tắt. Tôi cảm thấy bực tức, cáu kỉnh. Nhưng rồi tôi cũng buộc lòng thắp lại lần thứ ba với cây nến của người bên cạnh. Anh hơi nhíu mày tỏ chút ngạc nhiên lẫn chế nhạo. Và cây nến của tôi lại tắt thêm lần thứ ba. Chính lúc này đây tôi thật sự tức giận với ý nghĩ là Đức Mẹ MARIA không chấp nhận thái độ tôn kính giả hình của tôi. Toàn thân tôi toát mồ hôi lạnh và từ từ quỵ xuống. Tôi quỳ đó nhưng miệng thì cứng đơ, không thốt lên lời nào!

Buổi tối hôm đó, khi trở về nhà, tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện cho vợ nghe. Cả hai chúng tôi cùng đồng ý không thể nào tiếp tục một cuộc sống vô đạo được nữa. Chúng tôi quyết định trở về với Giáo Hội Công Giáo. Chúng tôi xin nhận lãnh Bí Tích Hôn Phối nơi nhà thờ và xin Cha Sở rửa tội cho ba đứa con. Chúng tôi bắt đầu sống đời sống tín hữu Công Giáo đạo đức và gia đình chúng tôi thật hạnh phúc.

Tôi tin rằng sở dĩ chúng tôi được ơn lành trọng đại nói trên chính là nhờ công đức của hiền mẫu yêu dấu của tôi. Mẹ tôi vẫn hàng ngày lần hạt Mân Côi cầu cho tôi được trở lại đường ngay nẻo chính, trở về với những tâm tình đạo đức mà mẹ tôi đã khó nhọc gieo vào lòng tôi, những ngày tôi còn thơ bé. (Radio Vatican)