PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY A. 19/03/2017
“Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người, phải thờ phượng theo thần khí và sự thật.” (Ga 4,24)
Suy niệm: Ở một vài nơi có câu ngạn ngữ: “Được phần xác, nhếch nhác phần hồn.” Hiện tượng đời sống vật chất đi lên đẩy lòng đạo đức đi xuống chứng thực cho câu nói đó. Ở những nơi mà cuộc sống đã đạt tới mức phồn vinh cực độ thì lạ thay người ta lại cảm thấy tâm hồn trống rỗng hơn cả. Ngược lại với khuynh hướng tôn thờ vật chất ấy, có nhiều người chủ trương “đạo tại tâm”: tôn thờ Thiên Chúa chỉ trong tinh thần. Và do đó mọi hình thức thờ phượng như kinh nguyện, dự lễ, lãnh nhận các bí tích đều không cần thiết. Đức Giê-su dạy ta phải tôn thờ Thiên Chúa “trong thần khí và sự thật”. Nói một cách nôm na là chẳng những ta phải có lòng tin Chúa (trong thần khí) mà còn phải biểu hiện bằng những hành động thờ phượng thấy được ở bên ngoài (trong sự thật).
Việc tôn thờ Chúa trong thần khí và sự thật giống như thế cân bằng của người đứng vững vàng trên hai chân của mình. Thiếu tấm lòng tin yêu hay thiếu việc thực hành sống đạo đều khiến cho việc thờ phượng Thiên Chúa trở thành khập khiễng. Đời sống bạn đang cân bằng hay khập khiễng?
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
19.03 : Chúa Nhật III MÙA CHAY A. Ga 4,5-42
20.03 : Thứ hai. THÁNH GIU-SE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MA-RI-A.Lễ Trọng. Lễ Cầu Cho Giáo Dân. Mt 1,16.18-21.24a. Bổn Mạng Đức Cha Giuse, Giám Mục Giáo Phận và Đức Cha Giuse, Nguyên Giám mục Giáo phận.
21.03 : Thứ ba. Mt 18,21-35
22.03: Thứ tư. Mt 5,17-19
23.03 : Thứ năm. Thánh Tu-ri-bi-ô Mông-rô-vê-khô, Giám mục. Lc 11,14-23.
24.03: Thứ sáu. Mc 12,28b-34
25.03: Thứ bảy. LỄ TRUYỀN TIN. Lễ trọng. Lc 1,26-38.
26.03 : Chúa Nhật IV MÙA CHAY A. Ga 9,1-41
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Đâu là chỗ đứng của dân chủ trong Giáo hội? Đức Thánh Cha Phanxicô đang tham khảo ý kiến các linh mục và tín hữu Roma để chọn vị Giám quản giáo phận Roma kế nhiệm Đức hồng y Agostino Vallini, là người sẽ rời chức vụ này vào ngày 17 tháng Tư tới.
Trước đây chưa từng có việc tham khảo ý kiến như thế, vì theo truyền thống quyền lựa chọn Giám quản Roma là của Đức giáo hoàng, Giám mục Roma.
Đây là cung cách độc đáo của một giáo hoàng, giám mục giáo phận Roma. Theo trang web Vatican Insider, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tham khảo rộng rãi trong giáo phận của ngài để chọn ra vị Giám quản kế tiếp cho giáo phận Roma, một sự lựa chọn thông thường chỉ thuộc quyền Giáo hoàng.
Các linh mục và tín hữu được mời gọi gửi thư để “nêu ra tính cách cần có của vị Giám quản kế tiếp, và có thể cả danh tính của vị này”, cho đến ngày 12 tháng Tư. Đức Thánh Cha đã đưa ra lời mời gọi trên trong một cuộc gặp gỡ riêng với 36 vị hữu trách trong giáo phận – gồm 334 giáo xứ và 2,8 triệu tín hữu. (hdgmvietnam.org)
* Việt Nam. Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục Chính toà giáo phận Bà Rịa, được bổ nhiệm làm Giám quản Tông toà giáo phận Phan Thiết. Ngày 14-03-2017, Bộ Phúc âm hoá các Dân tộc (Bộ Truyền giáo) đã bổ nhiệm Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục Chính toà giáo phận Bà Rịa làm Giám quản Tông toà giáo phận Phan Thiết “do khuyết vị và theo sự xếp đặt của Toà Thánh” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis).
Giáo phận Phan Thiết khuyết vị từ ngày 01-03 vừa qua khi Đức giám mục giáo phận là Đức cha Giuse Vũ Duy Thống qua đời.
Đức cha Giám quản Tôma Nguyễn Văn Trâm hiện là Giám mục Chính toà giáo phận Bà Rịa. Ngài sinh tại Bà Rịa ngày 09-01-1942; thụ phong linh mục tại Bà Rịa ngày 01-05-1969; được bổ nhiệm Giám mục Phụ tá giáo phận Xuân Lộc ngày 06-03-1992 (lễ truyền chức giám mục: 07-05-1992); và được bổ nhiệm Giám mục Chính toà giáo phận Bà Rịa ngày 22-11-2005 (lễ nhậm chức: 05-12-2005).
* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự cử hành sám hối “24 giờ cho Chúa”. Ngày thứ Sáu 17-03, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự một cử hành sám hối tại Vatican trong khuôn khổ sáng kiến “24 giờ cho Chúa”.
Cử hành này diễn ra một tuần trước ngày tất cả các nhà thờ trên khắp thế giới có các linh mục ngồi toà Giải tội, theo đề nghị của Hội đồng Toà thánh về Tân Phúc âm hoá.
Chủ đề của sáng kiến “24 giờ cho Chúa” năm nay được lấy từ Phúc Âm theo Thánh Matthêu: “Ta muốn lòng thương xót” (Mt 9,13).
Vào ngày thứ Sáu 24-03, nhà thờ Đức Mẹ ở Trastevere và nhà thờ Các dấu thánh của Thánh Phanxicô sẽ mở cửa từ 20g00 cho các tín hữu xưng tội và chầu Thánh Thể. Vào ngày thứ Bảy 25-03, một lễ tạ ơn sẽ diễn ra lúc 5 giờ chiều tại nhà thờ Chúa Thánh Thần ở Sassia. Mọi người trên thế giới có thể ủng hộ sáng kiến này bằng cách sử dụng hashtag #24hoursfortheLord (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 19TB/GXCT/2016-2017
GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)
Việc chuẩn bị cử hành hôn lễ (tt)
“Đôi bạn cũng có thể suy niệm các bài đọc Thánh Kinh, và làm phong phú thêm hiểu biết về ý nghĩa của những chiếc nhẫn cưới mà hai người trao cho nhau, cũng như những dấu chỉ khác trong nghi thức. Nhưng thật không tốt nếu đôi bạn đến với lễ cưới mà chưa cùng cầu nguyện với nhau, và cho nhau, cầu xin Chúa giúp để mình được sống trung thành và quảng đại, cùng nhau xin Chúa cho biết Ngài chờ đợi gì nơi mình, và dâng hiến tình yêu của mình cho Đức Trinh Nữ Maria. Những ai đồng hành với đôi bạn trong khi chuẩn bị hôn nhân nên hướng dẫn để họ biết sống những giờ phút cầu nguyện này vì là điều rất tốt cho họ.” Niềm Vui của Tình Yêu, số 216a
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
– Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Chúa Giêsu với hình chim câu. Các Kitô hữu ban đầu biết đến Chúa Thánh Thần như là dầu chữa bệnh, nước ban sự sống, cơn gió mạnh, những lưỡi lửa. Chính Chúa Giêsu nói về Chúa Thánh Thần như Đấng Cố vấn, Đấng An ủi, Thầy dạy, Thần Chân lý. Trong các Bí tích của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần được ban xuống qua việc đặt tay và xức dầu. [691-693]
– Hoà bình mà Thiên Chúa ký kết với loài người được diễn nghĩa bằng việc chim bồ câu hiện đến với ông Nôê. Thời cổ ngoại giáo cũng coi chim bồ câu là tượng trưng tình yêu. Nên các Kitô hữu đầu tiên đều hiểu ngay rằng Chúa Thánh Thần là tình yêu Thiên Chúa hóa thành ngôi vị, đã xuống trên Chúa Giêsu như chim bồ câu khi Chúa chịu phép rửa ở sông Jorđanô. Ngày nay chim bồ câu là dấu chỉ hòa bình, được thế giới công nhận, và là một trong những tượng trưng lớn về sự hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại (St 8,10-11).
“Ai cầu nguyện “Xin Chúa Thánh Thần đến” cũng phải sẵn sàng cầu nguyện “Xin đến và thúc bách con bởi con cần được thúc bách.” – Wilheim Stahlin (1883–1975, thần học gia Tin Lành Đức)
“Thánh Thần thúc đẩy ta đến với người khác, đốt lên trong ta lửa bác ái, làm cho ta nên người được sai đi loan truyền tình yêu Chúa.” – Đức Bênêđictô XVI, về Chúa Thánh Thần
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 116. Chúa Thánh Thần đã “nói qua các tiên tri” nghĩa là gì?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
Từ Bỏ Để Sống Mùa Chay (11-20)
Thứ Tư Lễ Tro là khởi đầu Mùa Chay. Mùa Chay tới, nhiều người nghĩ phải cố gắng từ bỏ điều gì đó để bước theo Đức Kitô. Tuy nhiên, những điều này lại thường ít ảnh hưởng đến cuộc sống, chúng ta “khôn lỏi” lắm!
Dưới đây là 40 thứ có thể từ bỏ để sống Mùa Chay. Không phải là những thứ liên quan việc ăn uống, nhưng chúng thực sự cần từ bỏ. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, mỗi ngày cố gắng từ bỏ 1 điều. Trong 40 điều này, có những điều không chỉ từ bỏ trong Mùa Chay mà phải từ bỏ suốt cả đời. (mỗi tuần đăng 10 điều)