PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN A. 22/01/2017
“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng tối của tử thần, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” (Mt 4,16)
Suy niệm: Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn điện, ánh sáng văn minh… Tất cả những ánh sáng đó chỉ giúp ta nhìn rõ sự vật, chứ không thể soi sáng giúp ta nhìn ra “người khác” là “anh em.” Và nhất là, nhân loại vẫn còn thiếu một thứ ánh sáng đủ mạnh để đẩy lùi “bóng tối tử thần,” bóng tối kích động hận thù, gieo rắc sự chết. Ánh sáng ấy được tìm thấy nơi các sách Tin Mừng, chiếu rọi suốt dọc dài lịch sử Giáo hội: ánh sáng giúp người Sa-ma-ri nhân hậu cúi xuống băng bó vết thương cho kẻ bị bọn cướp đánh dở sống dở chết nằm bên đường (Lc 10,25-37); ánh sáng bừng lên giúp Mác-ti-nô thành Tu-ri-nô, giữa tiết trời mùa đông giá lạnh, chia đôi áo choàng cho người ăn xin co ro bên đường… Ánh sáng từ ngọn lửa ấy đã được Đức Ki-tô mang xuống từ trời, Ngài ước mong phải chi ngọn lửa ấy bừng lên (Lc 12,49).
“Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là nguyền rủa bóng đêm” (E. Roosevelt) Phải chăng vì bạn chưa làm gì tích cực để đẩy lùi bóng tối nên nó vẫn còn giúp cho tham nhũng, bóc lột hoành hành, vẫn còn bao che cho lường gạt, trộm cắp, vẫn còn đồng lõa với nạn giết người, phá thai… Phải chăng vì ngọn đèn Ki-tô hữu chúng ta đã “hết dầu” nên bóng tối lan tràn như thế?
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
22.01 : Chúa Nhật 3 THƯỜNG NIÊN A. Mt 4,12-23.
23.01 : Thứ hai. Mc 3,22-30
24.01 : Thứ ba. Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Mc 3,31-35
25.01: Thứ tư. THÁNH PHAO-LÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI. Lễ kính. Mc 16,15-18.
Ngày kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất. Bổn mạng Dòng Phaolô, Đức Cha Phaolô Tịnh và Cha Tổng Đại diện Giáo phận.
26.01 : Thứ năm. Thánh Ti-mô-thê-ô và thánh Ti-tô, Giám mục. Lễ nhớ. Lc 10,1-9.
27.01: Thứ sáu. Thánh An-gê-la Mê-ri-xi, trinh nữ. Mc 4,26-34.
NĂM ÂM LỊCH ĐINH DẬU 2017
Hân hoan kính chúc
toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa Chính Tòa,
những Ngày Tết sum vầy,
một Mùa Xuân hạnh phúc
và Năm Mới Bình An
trong Hồng Ân Thiên Chúa Ba Ngôi.
28.01: Thứ bảy. Đầu tháng. MỒNG MỘT TẾT ĐINH DẬU. CẦU BÌNH AN NĂM MỚI. Thánh Tô-ma A-qui-nô, Linh mục, tiến sĩ Hội thánh, Lễ nhớ. Mt 6,25-34.
29.01 : Chúa Nhật 4 THƯỜNG NIÊN A. Mt 5,1-12a. MỒNG HAI TẾT. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN, ÔNG BÀ CHA MẸ
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Đức hồng y Koch: “Năm 2016 thực sự là một năm đại kết”. Khi chúng ta cử hành Tuần cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo năm nay, người Công giáo có nhiều lý do để vui mừng vì năm 2016 là “thực sự là một năm đại kết”. Đó là phát biểu của Đức hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Cổ võ sự Hiệp nhất các Kitô hữu, người cùng đi với ĐGH Phanxicô trong tất cả các chuyến tông du đại kết của ngài trong suốt năm qua.
Về chủ đề của Tuần cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo năm 2017 – trích trong thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô: “Hoà giải – Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14) –, Đức hồng y Koch cho biết các thành viên của Hội đồng các Giáo hội Kitô ở Đức đã được yêu cầu soạn Tài liệu về chủ đề này – đặt trong bối cảnh năm nay 2017 là năm kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách.
Đức hồng y Koch nói nét chủ đạo trong Tuần lễ cầu nguyện này là hoà giải, do các Kitô hữu ở Đức đề nghị, là nơi mà cuộc Cải cách được khởi xướng. Đang khi chúng ta hết lòng biết ơn đối với cuộc Cải cách và tái khám phá tất cả những gì là điểm chung giữa Tin Lành Luther và Công giáo, Đức hồng y nói, chúng ta cũng phải nhìn nhận lịch sử đau đớn của 500 năm qua. Mặc dù Luther đã không muốn chia rẽ Giáo hội, nhưng “những cuộc chiến khốc liệt về niềm tin” diễn ra sau cuộc Cải Cách “đã biến châu Âu thành biển máu”. Chúng ta phải thừa nhận cả hai trang sử này, bằng cách sám hối và hoà giải, nhưng cũng tạ ơn về những ơn huệ của cuộc Cải cách. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô: “Ý định của Luther là canh tân, chứ không phải chia rẽ Giáo hội”. Thứ Năm, 19-01, Đức thánh Cha Phanxicô tuyên bố như trên.
Ngỏ lời với Phái đoàn Đại kết Phần Lan đến Vatican tham dự Tuần cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại chuyến tông du Thụy Điển vào tháng Mười 2016 và nói: “Việc gặp nhau nơi đây mang lại cho chúng ta lòng can đảm và sức mạnh, trong Chúa Giêsu Kitô, để hướng đến cuộc hành trình đại kết mà chúng ta được mời gọi cùng nhau tiến bước”.
Tuần cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo hằng năm diễn ra từ 18 đến 25 tháng Giêng. Chủ đề năm nay được đặt ra nhân kỷ niệm 500 năm cuộc Cải cách: “Hoà giải – Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta”. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 11 TB/GXCT/2016-2017
GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)
Hướng dẫn những người đính hôn trong hành trình chuẩn bị hôn nhân (tt)
“Việc chuẩn bị cho những người đã chính thức đính hôn, khi cộng đoàn giáo xứ có thể đồng hành với họ từ trước, cũng cần giúp họ nhận biết những vấn đề và những rủi ro có thể có. Bằng cách đó, người ta có thể nhận ra là sẽ không khôn ngoan nếu cứ tiếp tục đầu tư vào mối quan hệ đó, tránh không để mình rơi vào một thất bại có thể thấy trước với những hậu quả rất đau lòng. Vấn đề là trong cái rực rỡ của tình yêu thuở ban đầu người ta hay tìm cách che giấu hoặc tương đối hóa rất nhiều chuyện, tránh né không để xảy ra những bất đồng, và như thế chỉ là cố xua đẩy ra phía trước những khó khăn thôi.” Niềm Vui của Tình Yêu, số 209a
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
– Vì cái chết từ nay không còn là “chấm dứt” mọi sự nữa, nên niềm vui và hi vọng đã đến với thế giới. Cái chết không còn cai trị trên Chúa Giêsu (Rm 6,9). Chết cũng không còn quyền trên chúng ta, là những người thuộc về Chúa Giêsu nữa. [655-658]
“Người nào đã nhận được sứ điệp Phục Sinh không thể nào còn bước đi với bộ mặt bi thảm và sống cuộc sống không có niềm vui của một người không có hy vọng.” – Friedrich Schiller (1759–1805, văn sĩ và kịch gia Đức)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 109. Khi nói Chúa Giêsu lên trời nghĩa là gì?
TẢN MẠN – CHIA SẺ
Nhân Chuyện Ông Trump
Ở bên Mỹ, mới hôm qua, ông Donald Trump tuyên thệ khai mạc ‘sứ vụ’ tổng thống của mình, với một bài diễn văn rất hùng hồn, quyết liệt, mạnh mẽ, trong đó ông đưa ra những cam kết hành động rõ ràng và thực tế, làm nức lòng nhiều người.
Ông không chỉ nêu những cam kết hành động của mình, ông còn kêu gọi mọi người dân Mỹ cùng đoàn kết và hành động với ông. Một điểm rất đặc biệt là cái cách ông nhìn và đánh giá nước Mỹ. Nước Mỹ vốn đang vĩ đại nhất, giàu mạnh nhất, và dân chủ bậc nhất trên hành tinh này, điều ít ai dám phủ nhận – thế nhưng, ông vẫn gào lên rằng phải làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, giàu mạnh trở lại, và thực sự dân chủ theo nghĩa là thực sự chuyển giao quyền lực cho dân chúng. Nói cách khác, ông hoàn toàn không hài lòng với cái hiện trạng, và ông phát động một sự thay đổi có tính quyết định.
Mô típ khai mạc ‘sứ vụ’ tổng thống của ông Trump nghe có vẻ như rút cảm hứng từ mô típ sứ vụ của chính Chúa Giêsu (x. 3 Bài đọc CN 3 TN). Sứ vụ ấy cũng bao gồm hành động của Chúa và lời kêu gọi của Chúa.
-Hành động của Chúa: chiếu ánh sáng huy hoàng cho dân đang lần bước giữa tối tăm; ban niềm vui chứa chan như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt; bẻ gãy cái ách đè lên cổ dân, bẻ gãy cây gậy đập trên vai dân và ngọn roi của kẻ hà hiếp dân! Một viễn ảnh giải phóng thật là tuyệt vời hơn cả bức tranh phóng họa trong bài diễn văn hùng hồn của ông Trump.
-Lời kêu gọi của Chúa: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần!” (Mt 4,17) – và “Anh em đừng chia rẽ, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau”. Sám hối là không hài lòng với cái hiện trạng, là không nghĩ cái hiện trạng đã tốt đủ, là dấn thân cho một cuộc thay đổi hướng đến tốt đẹp hơn. Một phần của cuộc sám hối ấy là mối quan tâm tránh chia rẽ, xây dựng sự hiệp nhất một ý một lòng.
Có thể thấy, những thay đổi đầy tham vọng mà ông Trump dự phóng kia không thể nào sánh với sự thay đổi sâu xa hàm chứa trong hai tiếng “sám hối” mà Chúa mời gọi ở đây. Sự đoàn kết mà ông Trump hô hào người dân Mỹ cũng không thể nào sánh với sự hòa thuận hiệp nhất đến mức ‘một lòng một ý’ mà Chúa mong đợi.
Nhiều người nghi ngại không biết ông Trump sẽ thực hiện được bao nhiêu phần trăm những gì ông đã cam kết hành động. Còn Chúa Giêsu thì đã (và vẫn đang) thực thi sứ vụ của Người 100%. Lời kêu gọi của Chúa cũng thách đố vạn lần hơn…
Ta ghi nhận: Cuộc khai mạc ‘sứ vụ’ và bài diễn văn của ông Trump hôm qua thu hút rất nhiều sự chú ý, không chỉ của người dân Mỹ mà dường như trên khắp thế giới. Nó làm dậy sóng trên các phương tiện truyền thông.
Còn CGS, hành động và lời kêu gọi của Người hôm nay đang thu hút được bao nhiêu chú ý, và đang làm nức lòng được bao nhiêu người? Chỉ e rằng về chuyện này thì Chúa Giêsu thua ông Trump! (Lm Giuse Lê Công Đức)