BẢN TIN 356

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT II Mùa Vọng. 04/12/2016

“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến  gần.” (Mt  3,2)

Suy niệm: Trong  hoang địa, Gio-an rao giảng kêu gọi sám hối cho ai nghe? Nếu rao giảng cho đám  đông dân chúng có lẽ Gio-an đã chọn những nơi dân cư đông đúc. Trong hoang địa  cô vắng Gio-an cất tiếng lên: “Anh em hãy  sám hối vì Nước Trời đã đến gần”, thì hơn ai hết chính Gio-an là người nghe  rõ nội dung của tiếng ấy vọng lại  trong tâm hồn mình. Gio-an cũng là người hưởng ứng lời kêu gọi ấy đầu tiên.  Cách sống đậm màu sắc khắc khổ và sẵn sàng của Gio-an như mặc áo lông lạc đà,  thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng là những dấu chỉ biểu lộ  một tâm hồn sám hối.

Với vai trò ngôn sứ được lãnh nhận từ bí tích Thánh tẩy, mọi Ki-tô hữu có trách nhiệm kêu gọi người khác sám hối. Nhưng thực hiện công việc này bằng cách nào? Chân phước giáo hoàng Phao-lô VI đã từng nói rằng: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu có nghe những thầy dạy bởi vì các thầy dạy đó cũng là những chứng nhân”  (Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, số 41). Lời rao giảng sám hối của chúng ta sẽ có  kết quả khi chính mình là chứng nhân về việc sám hối.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

04.12 : Chúa Nhật II MÙA VỌNG. Mt 3,1-12

05.12 :     Thứ hai. Lc 5,17-26

06.12 :     Thứ ba. Thánh Nicôla, Giám mục. Mt 18,12-14

07.12:     Thứ tư. Thánh Ambrôxiô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Mt11,28-30

08.12 :     Thứ năm. ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ Trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Lc 1,26-38.

09.12:     Thứ sáu. Thánh Gioan Điđacô. Mt 11, 16-19

10.12:     Thứ bảy. Mt 17, 10-13

11.12 : Chúa Nhật III MÙA VỌNG. Mt 11, 2-11

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Đà Nẵng. Lịch Sám Hối Hạt Đà Nẵng Mùa Vọng 2016 (từ 06-21/12/2016)

THỨ NGÀY

GIỜ

GIÁO XỨ

Thứ Ba (06.12)

19g00

TAM TÒA

Thứ Tư (07.12)

19g00

PHƯỚC TƯỜNG

Thứ Sáu (09.12)

19g00

CHÍNH TÒA

Thứ Bảy (10.12)

14g00

THANH ĐỨC

 

19g00

CHÍNH TRẠCH

Thứ Hai (12.12)

19g00

AN HÒA

Thứ Ba (13.12)

19g00

HÒA THUẬN

Thứ Tư (14.12)

19g00

NGỌC QUANG

Thứ Năm (15.12)

19g00

NỘI HÀ

Thứ Sáu (16.12)

19g00

THANH BÌNH

Thứ Hai (19.12)

19g00

HÒA CƯỜNG

Thứ Ba (20.12)

14g00

TAM TÒA

 

19g00

THANH ĐỨC

Thứ Tư (21.12)

19g00

CHÍNH TÒA

 

* Chính Tòa: TB Số 02 TB/GXCT/2016-2017

  1. Chúa Nhật 04/12 sau lễ Thiếu Nhi có rửa tội cho các em nhỏ.
  2. Trong tuần này, cha phụ tá Antôn Lâm Trọng Thi sẽ nhận nhiệm vụ mới: phụ tá giáo xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu. Và cha Giuse Nguyễn Thanh Tùng về phụ tá Gx. Chính Tòa.
  3. Từ thứ hai 5/12 đến chiều thứ bảy 10/12 giáo họ Phaolô Lộc phụ trách trực phụng vụ.
  4. Kính mời giáo dân giáo họ Giuse Khang tham dự buổi tĩnh tâm lúc 19g30 thứ hai 05/12 để mừng lễ bổn mạng giáo họ mình. Lễ Kính Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang được cử hành trọng thể lúc 17g00 thứ ba 06/12.
  5. Thứ năm 08/12, Cha phụ tá Antôn Lâm Trọng Thi dâng lễ Tạ ơn và từ giã giáo xứ chúng ta vào Thánh lễ lúc 05g00 sáng. Sau thánh lễ 17g00 có giờ Chầu Mình Thánh do Giới Trẻ phụ trách.
  6. Phiên sám hối của giáo xứ Chính Tòa sẽ bắt đầu lúc 19g00 tối thứ sáu 09/12 tại nhà thờ Chính Tòa, giới Người Cha phụ trách sắp xếp.

 

 GIÁO HUẤN (Trích Niềm Vui Của Tình Yêu)

Loan báo Tin mừng gia đình ngày nay

Các Nghị phụ Thượng Hội đồng nhấn mạnh rằng các gia đình Kitô hữu, nhờ ân sủng của Bí tích Hôn nhân, là chủ thể chính của mục vụ gia đình, nhất là khi họ cống hiến “chứng tá đầy hoan lạc của đôi vợ chồng và của gia đình, Hội thánh tại gia” . Bởi thế, các ngài nhấn mạnh rằng “điều quan trọng là làm cho người ta cảm nghiệm được Tin mừng gia đình là một niềm vui “đầy ắp tâm hồn và cả cuộc sống của họ”, vì trong Đức Kitô, chúng ta được “giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô độc” (Evangelii Gaudium, 1). Dưới ánh sáng của dụ ngôn người gieo giống (cf. Mt 13,3-9), nhiệm vụ của chúng ta là hợp tác trong việc gieo trồng: phần còn lại là công trình của Thiên Chúa. Chúng ta cũng không được quên việc Hội thánh rao giảng về gia đình là một dấu hiệu cho sự mâu thuẫn” , nhưng các đôi vợ chồng cảm kích các Mục tử vì đã cho họ những lí do để can đảm đặt cược vào một tình yêu mãnh liệt, chắc chắn, vững bền, có khả năng đối phó với tất cả những gì gặp trên đường đời. Hội thánh muốn đến với các gia đình trong sự cảm thông khiêm tốn, và ước muốn của HH là “đồng hành với mỗi gia đình và mọi gia đình để họ có thể khám phá ra cách tốt nhất để vượt qua những khó khăn mà họ gặp phải trên hành trình của họ”. Không phải chỉ đưa vào các kế hoạch mục vụ lớn lao với mối bận tâm chung chung đối với gia đình là đủ. Để các gia đình có thể mỗi lúc một trở nên là chủ thể tích cực của mục vụ gia đình hơn nữa, đòi hỏi ta phải có “một nỗ lực loan báo Tin mừng và huấn giáo hướng vào trong chính gia đình”, theo định hướng này.

“Vì thế, toàn thể Hội thánh cần có một sự hoán cải truyền giáo: không được chỉ dừng lại ở việc loan báo hoàn toàn có tính lí thuyết và xa rời thực tế với những vấn đề của con người” . Mục vụ gia đình “phải làm cho người ta cảm thấy được rằng Tin mừng về gia đình đáp ứng những mong đợi sâu xa nhất của con người: phẩm giá của con người và sự thực hiện viên mãn trong tinh thần tương trợ, hiệp thông và phong nhiêu. Vấn đề không chỉ là giới thiệu các luật lệ, nhưng là đề xuất các giá trị đáp ứng nhu cầu thiết thực của con người ngày nay, ngay cả trong các nước bị tục hóa nhiều nhất . Ngoài ra, các Nghị phụ “cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc loan báo Tin mừng thẳng thắn vạch trần những nhân tố văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế nào (chẳng hạn như vai trò quá lớn người ta gán cho logic thị trường, chẳng hạn) ngăn cản cuộc sống gia đình thật sự, dẫn đến sự phân biệt đối xử, nghèo đói, loại trừ và bạo lực. Vì thế, cần phát triển  đối thoại và hợp tác với các tổ chức xã hội, và khuyến khích và hỗ trợ các giáo dân đang nỗ lực dấn thân, với tư cách là Kitô hữu, trong lãnh vực văn hóa và xã hội-chính trị” . (Niềm Vui Của Tình Yêu, số 200 và 201)

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

  1. Tại sao chúng ta cũng phải chấp nhận đau khổ trong cuộc sống, phải “vác thập giá mình mà theo Chúa Giêsu”?

– Kitô hữu không được tìm đau khổ, nhưng khi phải đối diện với đau khổ mà không tránh được, họ nên vui lòng kết hợp đau khổ của họ với đau khổ của Chúa Giêsu, như “Người đã chịu đau khổ vì ta và để nêu gương cho ta bước theo Người” (1 Pr 2,21).

– Chúa Giêsu đã nói: nếu ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Tôi (Mc 8,34). Kitô hữu phải tranh đấu để chống lại đau khổ trong thế giới. Dầu vậy, đau khổ sẽ tiếp tục tồn tại. Trong đức tin, ta có thể đón nhận đau khổ riêng của ta và chia sẻ với đau khổ của những người khác nữa. Bằng cách đó đau khổ loài người được hội nhập vào tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô và nhờ đó trở nên thành phần hấp dẫn của sức mạnh thần linh lôi kéo thế giới tới hạnh phúc.

Nếu bạn vác thập giá mình cách vui vẻ, thập giá sẽ vác bạn.” – Thomas a Kempis

Ta phải vác thập giá chứ không kéo lê, và phải đón nhận thập giá như kho tàng chứ không phải như một gánh nặng. Chỉ nhờ thập giá mà ta có thể nên giống như Chúa Kitô.” – Francis Fénelon (1651–1715, giám mục Pháp)

Thực hiện cứu chuộc bằng đau khổ, Chúa Kitô đã đồng thời nâng đau khổ của loài người lên để cho nó có giá trị cứu chuộc. Tất cả mọi người đều có thể đem đau khổ của mình tham dự vào đau khổ cứu rỗi của Chúa Kitô.” –  Đức Gioan Phaolô II, Salvifici Doloris

Khi ta nhìn ngắm thánh giá, ta hiểu được sự cao cả của tình yêu Chúa. Khi ta nhìn ngắm máng cỏ, ta hiểu được sự âu yếm của tình yêu Chúa, đối với bạn, đối với tôi, đối với gia đình bạn và đối với tất cả mọi gia đình.” – Mẹ Têrêsa

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 103.  Chúa Giêsu có chết thật không ? hay Người chỉ “làm bộ chết” để còn sống lại?

 

TẢN MẠN – CHIA SẺ

Chút Tản Mạn Mùa Vọng  

Trời cao, hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội!”. Mỗi khi nghe bài hát quen thuộc ấy vang lên, tôi chợt nhận ra mình đang bước vào mùa Vọng, mùa chờ đợi Đấng Cứu Thế được sinh ra làm người, mùa của sự ăn năn thống hối, mong chờ, của niềm khao khát cháy bỏng.

Tôi tự vấn lòng mình phải sống thế nào để xứng đáng với mùa đặc biệt này. Lúc nhỏ, tôi vẫn hay đợị mẹ đi chợ mua cho tôi chiếc bánh và vài ba viên kẹo, trong lòng cứ thấp thỏm không yên “không biết mẹ có nhớ mua quà cho mình không nữa?”, trông thấy dáng mẹ về tới đầu ngõ, tôi chạy ùa ra mừng mẹ, khi biết mình có quà, tôi ôm choàng lấy cổ mẹ mà hôn lấy hôn để. Khi chờ mong những điều ấy, tôi có cảm giác như thời gian đang kéo dài đằng đẳng, để lại một khoảng lặng sâu nơi đáy lòng con người. Giờ đây, tôi cũng đang mong chờ, không phải chỉ vài món quà, không  là một cánh thư viết vội…, mà là Đấng Cứu Thế sắp sinh ra cho con người.

Nhưng khi làm bất cứ một điều gì cũng cần phải có điều kiện cần thiết, tôi vẫn nhớ mỗi lần mẹ đi chợ vẫn hay dặn: “Con ở nhà phải ngoan ngoãn, trông nhà cẩn thận, về mẹ sẽ mua quà cho con”. Vâng, đó là điều kiện của mẹ tôi. Nên khi trông chờ Chúa đến, tôi nhận ra những  điều cần làm bây giờ là chính lời của ngôn Sứ Isaia: “Có tiếng người hô trong hoang địa, hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…” (Lc 3, 4-5). Nhìn lại nơi đời sống mình, tôi nhận thấy mình còn rất nhiều điều cần sửa chửa: tính cách cọc cằn thô lỗ, lắm lúc là đời sống biếng nhác của mình, cũng nhiều lầm tôi không còn nhớ đến Chúa trong cuộc đời tôi, khi thấy mình hạnh phúc, tôi bỗng gạt Chúa sang bên cạnh mà ôm trọn cả niềm vui riêng vào mình, nhưng khi đau khổ, lại chạy đến Chúa mà than trách: “Lạy Chúa, sao Chúa nỡ bỏ mặc con”.

Lạy Chúa, xin giúp con quyết tâm thống hối tội lỗi đã bao nhiêu năm làm con xa Chúa, và xin dạy con dọn lòng xứng đáng để đón Chúa đến trong lòng con. Amen (Little Stream) (Vì khuôn khổ trang bản in, nên chúng tôi có biên tập đôi chỗ, mong tác giả thông cảm)