PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH. 24/04/2016
“Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13,34)
Suy niệm: Chúa Giê-su sắp bước vào cuộc khổ nạn, Ngài để lại cho các môn đệ lời dạy cuối cùng: di chúc tình yêu! Thật quá rõ ràng, mối quan tâm ưu tiên số một của Thầy Giê-su là: các học trò biết yêu thương nhau cách vô điều kiện, yêu thương nhau hết mình và phục vụ nhau hết tình, theo khuôn mẫu: “như Thầy đã yêu thương”. Yêu thương là dấu hiệu duy nhất để mọi người nhận ra ai là môn đệ của Đức Giê-su. Cũng như người cha người mẹ luôn ước mong điều tốt đẹp cho con cái, nhưng điều cốt lõi vẫn là con cái biết thương yêu đùm bọc nhau. Thầy chúng ta cũng muốn các môn đệ của Ngài biết tìm thấy hạnh phúc khi sống hiến thân vì tha nhân, chứ không tìm cách để thỏa mãn lòng tham lam hưởng thụ ích kỷ của mình.
Bạn và tôi vẫn biết ‘yêu thương’ luôn là đề tài hấp dẫn, luôn mang tính thời sự, nhưng đồng thời cũng là từ ngữ dễ bị lạm dụng nhất. Chúng ta, những học trò của thầy Giê-su có sống được đề tài này không, hay cũng chỉ mang ra để bàn luận, thậm chí còn lợi dụng lòng yêu thương của người khác?
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
24.04 : Chúa Nhật 5 PHỤC SINH. Ga 13,31-33a.34-35
Hoằng Phước hành hương Chính Tòa
25.04 : Thứ hai. THÁNH MÁCCÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG. Lễ Kính. Mc 16,15-20.
26.04 : Thứ ba. Ga 14,27-31a
27.04: Thứ tư. Ga 15,1-8
28.04 : Thứ năm. Thánh Phêrô Chanen, Linh mục, tử đạo; Thánh Luy Griniôn Montfort, Linh mục. Ga 15,9-11. Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, Linh mục, Thánh Phêrô Nguyễn Văn Hiếu, thầy giảng và Thánh G.B Đinh Văn Thành, thầy giảng, tử đạo.
29.04: Thứ sáu. Thánh Catarina Siêna, trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Ga 15,12-17. Thánh Giuse Tuân, Linh mục OP, tử đạo.
30.04 : Thứ bảy. Thánh Piô V, Giáo Hoàng. Ga 15,18-21.
01.05 : Chúa Nhật 6 PHỤC SINH. Ga 14,23-29
Ký niệm Cung hiến Nhà thờ Chính Tòa (2013). Tại nhà thờ Chính tòa: lễ trọng; các nhà thờ trong giáo phận: lễ kính
Trà Kiệu hành hương Nhà thờ Chính Tòa.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Phiên họp đầu tiên của Ban Thường vụ Khoá XIV Thượng Hội đồng Giám mục. Vào đầu tuần này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Ban Thường vụ Khoá XIV của Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục.
Một thông cáo báo chí của Phòng Báo chí Toà Thánh hôm thứ Tư 20-04 cho biết phiên họp đã diễn ra từ ngày 18 đến ngày 19 tháng Tư, bắt đầu với bài phát biểu của Đức hồng y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội đồng. Trong bài phát biểu, Đức hồng y Baldisseri cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về sự hiện diện của ngài, cũng như về Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia vừa mới ban hành.
Tiếp theo Ban Thường vụ đã xem xét các kết quả việc tham khảo ý kiến để xác định chủ đề của Khoá họp thường lệ tiếp theo của Thượng Hội đồng Giám mục. Các nơi được tham khảo bao gồm các cơ quan của Giáo triều Rôma, các Hội đồng Giám mục, các Giáo hội Đông phương và Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền. Sau khi thảo luận kỹ càng, một danh sách các chủ đề đề nghị đã được trình lên Đức Thánh Cha để ngài quyết định.
Cuối cùng, các thành viên của Ban Thường vụ đã bàn về công việc duyệt lại Quy chế của Thượng Hội đồng Giám mục. Đức Giám mục Fabio Fabene, Phụ tá Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, đã tường trình về cuộc hội thảo nghiên cứu do Văn phòng Thư ký tổ chức dựa theo bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 17-10-2015.
Theo các tường trình của các Nhóm nhỏ trong Thượng Hội đồng, rõ ràng việc nhấn mạnh tính công nghị và tính hiệp đoàn phải luôn được gắn với việc thực thi thừa tác vụ Giám mục Roma, để liên kết tính tối thượng, tính hiệp đoàn và tính công nghị một cách hiệu quả.
* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Armenia, Gruzia và Azerbaijan. Hôm thứ Bảy 09-04-2016, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Armenia vào tháng Sáu năm nay. Chuyến viếng thăm dự kiến diễn ra từ ngày 24 đến 26 tháng Sáu, nhằm đáp lại lời mời của Đức Tổng Thượng phụ Karekin II, giáo chủ Toàn Armenia; của chính quyền Armenia; và của Giáo hội Công giáo tại Armenia.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chấp thuận lời mời của Đức Thượng phụ Ilia II, giáo chủ Toàn Gruzia; của các nhà lãnh đạo chính quyền và tôn giáo Gruzia và Azerbaijan, để thực hiện chuyến tông du đến vùng Kavkaz, viếng thăm Gruzia và Azerbaijan từ ngày 30 tháng Chín đến ngày 02 tháng Mười 2016. (hdgmvietnam.org)
* Việt Nam. Chuẩn bị hướng tới Đại hội Hội đồng Giám mục Việt Nam tháng Mười 2016. Các Giám mục Việt nam trong Hội nghị HĐGM kỳ I năm 2016 vừa qua đã cùng nhau suy nghĩ để định hướng mục vụ cho ba năm sắp tới (2017-2019) nhận thấy rằng hướng mục vụ của Giáo hội tại Việt Nam phải cùng mang lấy ưu tư chung hiện nay của Hội Thánh toàn cầu, chắc hẳn sẽ mang đậm những nét chính, tóm tắt như sau đây:
– Tỏ lộ Dung mạo của Lòng Thương Xót. Dung mạo đó không ai khác hơn là chính Đức Giêsu Kitô Đấng Chịu-Đóng-Đinh, cần được biểu lộ ra nơi Thân Mình huyền nhiệm của Người, Hội Thánh. HT từ sau Công đồng Vatican II đã chọn hướng đi mục vụ đối thoại với thế giới. Trong khi cử hành Năm Thánh ngoại lệ để kỷ niệm 50 năm bế mạc Công đồng Vatican II, ĐTC Phanxicô nhắc chúng ta nhớ lời của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII phát biểu vào ngày khai mạc Công đồng, để xác định hướng đi của Công đồng: “Ngày nay, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc…”.
– Loan báo Tin mừng Lòng Thương Xót phải bắt đầu từ Gia đình. Các nghị phụ hai Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua (2014 và 2015) nhấn mạnh rằng “các gia đình Kitô hữu, nhờ ơn sủng bí tích hôn phối, là những tác nhân chính của mục vụ gia đình, nhất là khi họ mang những chứng từ hân hoan của đôi vợ chồng và của gia đình, các Hội thánh tại gia”. Làm thế nào để Niềm Vui của Tình Yêu và của Tin Mừng “tràn ngập con tim và toàn thể đời sống” các gia đình. Một niềm vui luôn luôn mới mẻ, niềm vui được chia sẻ.
– Quan tâm đến việc “Chăm sóc Ngôi Nhà Chung” là Trái Đất của chúng ta. Chứng từ của thánh Phanxicô thành Assisi cho ta thấy rằng “nếu chúng ta tiếp cận thiên nhiên vạn vật và môi trường sống, mà không mở lòng ra trong thái độ kinh ngạc và chiêm ngưỡng, nếu chúng ta không nói với thế giới chung quanh bằng ngôn ngữ thân tình và đẹp đẽ, thì thái độ của chúng ta sẽ trở thành thái độ của một sở hữu chủ, chỉ biết tiêu thụ và bóc lột tài nguyên.” ĐGH Phanxicô kêu gọi mọi người theo đuổi một nền sinh thái toàn diện, biết xem xét các vấn đề trong thế liên kết hỗ tương về mọi phương diện: môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, và đạo đức. Một nền sinh thái như thế đòi hỏi tầm nhìn nghĩ đến các giải pháp toàn diện cho cả khủng hoảng về môi sinh lẫn nhân văn.
– Và Hội Thánh tại Việt Nam luôn hướng theo bản hướng dẫn chỉ đường mà Chúa Thánh Thần qua Đại hội Dân Chúa năm 2010 đã vạch ra, và tóm lược trong tài liệu hậu Đại hội “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh Tình Thương và Sự Sống” tuyên bố rằng “trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Giáo hội nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng và nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ cũng như giáo phận”.
* Chính Tòa: TB Số 28/TB/GXCT/2015-2016
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 125
455. Công chính hóa là gì?
Công chính hóa là việc Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và làm cho chúng ta nên công chính, nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần mà chúng ta được lãnh nhận trong Bí tích Rửa Tội. [422]
456. Ơn công chính hóa là gì?
Ơn công chính hóa là hồng ân Chúa ban, giúp chúng ta thông phần vào đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa và có khả năng hành động vì yêu mến Ngài. [423]
457. Ngoài ơn công chính hóa còn có ơn nào khác nữa không?
Ngoài ơn công chính hóa còn có ơn hiện sủng, ơn bí tích và các ơn đặc biệt gọi là đặc sủng.
458. Ơn Chúa có làm cho con người mất tự do không?
Ơn Chúa không làm cho con người mất tự do, nhưng đi trước, chuẩn bị, khơi dậy sự đáp trả tự do của con người và hướng dẫn tự do của họ đến sự toàn thiện. [425]
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
74. Tại sao gọi Đức Giêsu là Kitô?
– Thuật ngữ “Đức Giêsu là Kitô”, nhằm nói lên tâm điểm của đức tin Kitô giáo. Đức Giêsu, con bác thợ mộc thành Nazaret, là Đấng Mêsia, Đấng Cứu thế được mong đợi từ lâu. [436-440, 453]
– Chữ Kitô là tiếng Hy Lạp, chữ Mêssia là tiếng Do Thái đều có nghĩa là “được xức dầu”. Ở Do Thái, vua, các tư tế, và các tiên tri đều được xức dầu. Theo các Tông đồ, Chúa Giêsu đã được Chúa Thánh Thần xức dầu (Cv 10,38). Khi theo Chúa Kitô, ta được gọi là Kitô hữu để diễn tả ơn gọi cao quý của ta.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 74. Khi nói Đức Giêsu là “Con một TC” có nghĩa là gì?