PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY. 14/02/2016
Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. (Lc 4,1-2)
Suy niệm: Ngay từ Chúa Nhật đầu Mùa Chay thánh, Phụng vụ Lời Chúa thuật lại cho chúng ta việc Đức Giê-su đã trải qua những cơn cám dỗ khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai. Biến cố đó không chỉ nhắc nhở chúng ta rằng, trong thân phận con người, ai cũng phải đối mặt với cám dỗ. Mà hơn thế nữa Chúa Giê-su cho thấy sứ mạng của Ngài là dẫn đầu gia đình nhân loại khẳng định lại căn tính và ơn gọi của mình là thụ tạo và là con cái Thiên Chúa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” – “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” – “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Cơn cám dỗ là cần thiết để nhắc nhở chúng ta ý thức về thân phận con người vốn yếu đuối vì tội nguyên tổ và dễ bị tổn thương trước sức tấn công của ác thần. Cơn cám dỗ đặt chúng ta trước sự chọn lựa: chối bỏ hay khẳng định lại ơn gọi và sứ mạng của mình là con cái của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần được Thánh Thần dẫn đưa vào trong hoang địa của mùa Chay, để ở đó cùng Đức Giê-su, đối đầu với cơn cám dỗ, chúng ta chiến đấu và chiến thắng
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
14.02 : Chúa Nhật I MÙA CHAY. Lc 4,1-13.
Thạch Nham và Khánh Thọ
hành hương Nhà thờ Chính Tòa.
15.02 : Thứ hai. Mt 25,31-46
16.02 : Thứ ba. Mt 6,7-15
17.02: Thứ tư. Bảy thánh lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ. Lc 11,29-32.
18.02 : Thứ năm. Mt 7,7-12
19.02: Thứ sáu. Mt 5,20-26. Ăn chay và kiêng thịt thay Lễ Tro.
20.02 : Thứ bảy. Mt 5,43-48
21.02 : Chúa Nhật II MÙA CHAY. Lc 9,28b-36.
Tiên Phước hành hương Nhà thờ Chính Tòa.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Họp Hội đồng Hồng y tư vấn về việc phân quyền và thành lập các cơ quan mới trong Giáo triều. Cuộc họp Hội đồng Hồng y tư vấn (báo chí gọi là Nhóm G-9) với Đức Thánh Cha Phanxicô vừa kết thúc hôm thứ Ba 09 tháng Hai sau một ngày rưỡi làm việc. Trong lần họp này, các hồng y đã thảo luận về ‘tính hiệp đoàn’ và việc ĐTC tại Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua đã đưa ra lời kêu gọi thúc đẩy “tiến trình phân quyền lành mạnh” trong Giáo hội. Đồng thời, hội nghị cũng thảo luận và phê chuẩn kiến nghị của các hồng y về việc thành lập hai cơ quan cấp bộ thuộc Giáo triều Roma: “Giáo dân, Gia đình và Sự Sống” và “Công lý, Hoà bình và Di cư”.
Đức Thánh Cha đã tham dự cả ba phiên họp của hội nghị, diễn ra trong ngày thứ Hai 08-02 (sáng, chiều) và thứ Ba 09-02 (sáng). Nhóm G-9 gồm 9 hồng y do Đức Thánh Cha chọn để tư vấn cho ngài trong việc điều hành Giáo hội và cải tổ Giáo triều Roma. Hội nghị nhóm họp thường kỳ. (hdgmvietnam.org)
* Cuba. Cuộc hội kiến lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với Giáo chủ Chính thống Nga. Sáng thứ Sáu 12-02, theo lịch trình đã được điều chỉnh ngày 08-02, Đức Thánh Cha Phanxicô rời Roma lúc 7g45, bắt đầu chuyến tông du Mexico, từ ngày 12 đến 18-02-2016.
Giáo hội tại Mexico đã chuẩn bị chào đón Đức Thánh Cha Phanxicô bằng tâm tình và suy tư của mình qua biểu ngữ: Đức Thánh Cha Phanxicô – Vị Thừa sai của Lòng Thương Xót và Hoà Bình.
Trong chuyến tông du ngoài lãnh thổ Italia lần thứ 12 này của Đức Thánh Cha, một sự kiện được đưa vào lịch trình vào giờ chót, trở thành một biến cố lịch sử của Giáo hội Công giáo thế giới: Đức Thánh Cha ghé La Havana, thủ đô Cuba, trước khi đến Mexico, để hội kiến với Giáo chủ Kyrill của Giáo hội Chính thống Nga.
Đúng 2g00 trưa (giờ địa phương), phi cơ của Đức Thánh Cha hạ cánh xuống phi trường Jose Marti. Chủ tịch Cuba Raul Castro chào đón Đức Thánh Cha tại đường băng và hướng dẫn ngài đến phòng dành riêng cho cuộc hội kiến. Tại đây, lúc 2g15, mười lăm phút sau khi rời phi cơ, ngài bước vào cuộc hội kiến với Giáo chủ Kyrill. Hai vị ôm hôn chào nhau. Cái hôn được chờ đợi suốt ngàn năm.
Cuộc hội kiến kéo dài 2 giờ đồng hồ và kết thúc bằng bản Tuyên bố chung của hai vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo Roma và Giáo hội Chính thống Nga.
Trong bản Tuyên bố chung, hai vị lãnh đạo khẳng định Cuba, nơi đưa ra bản Tuyên bố chung mang ý nghĩa lịch sử, là một địa điểm thích hợp vì đây là “giao lộ Bắc-Nam, Đông-Tây”, xa khỏi ‘Cựu Thế giới’ với những tranh cãi triền miên”, thích hợp với việc đưa ra “niềm hy vọng lớn lao’, bởi đảo quốc này là “biểu tượng của những niềm hy vọng của ‘Thế giới mới’ và những sự kiện lịch sử bi thảm trong thế kỷ XX” (số 4, 5).
Hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Công giáo và Chính thống giáo đã nêu lên những điểm chung giữa hai Giáo hội:
– “Cả hai là anh em trong đức tin, gặp nhau ‘mặt giáp mặt’ (2Ga 12), để từ trái tim đến trái tim mà nói với nhau, cùng nhau thảo luận những mối liên hệ qua lại giữa hai Giáo hội, những vấn đề chính yếu của các tín hữu và viễn cảnh tiến bộ của nền văn minh nhân loại” (số 2);
– Cả hai Giáo hội đều cùng lãnh nhận “hồng ân Con Một Chúa đến trần gian, chia sẻ cùng một Truyền thống linh thiêng trong suốt ngàn năm thứ nhất của Kitô giáo; cùng tôn kính các chứng nhân của Truyền thống này: Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Rất Thánh của Thiên Chúa, và các thánh, trong đó có vô số các vị tử đạo đã minh chứng lòng trung thành với Chúa Kitô và trở thành ‘hạt giống nảy sinh các Kitô hữu” (số 4).
– Cả hai đều được mời gọi “đưa ra lời giải thích cho thế giới về niềm hy vọng nơi chúng ta” (số 3) và “được liên kết bởi sứ mạng rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô trong thế giới ngày nay” (số 24). Sứ mạng này được hai Giáo hội cùng đảm nhận, không phải như “những người cạnh tranh mà là anh em” (số 24).
Bản Tuyên bố chung nhắc đến vết thương “gần một ngàn năm qua” khiến hai Giáo hội lìa xa nhau (số 5) nhưng cả hai “hy vọng cuộc hội đàm của chúng ta có thể đóng góp vào việc tái lập sự hiệp nhất Thiên Chúa mong muốn và được Đức Kitô cầu nguyện” (số 6).
Nói thêm về chuyến công du ba nước châu Mỹ Latinh (Cuba, Paraguay và Brasil) của Giáo chủ Chính thống Nga Kyrill: Giáo chủ Kirill đã bắt đầu lên đường sang Cuba từ ngày thứ Năm 11-02. Trong phái đoàn cùng đi, có Tổng giám mục Hilarion, Trưởng ban Đối ngoại Toà Thượng phụ Moskva. Được biết, đây là chuyến công du đầu tiên của Giáo chủ Kyrill đến châu Mỹ Latinh. Theo lịch trình, ngài sẽ hội kiến với Chủ tịch Raul Castro và chủ sự Thánh lễ tại nhà thờ Đức Bà Kazan tại La Havana. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên của Giáo hội Chính thống Nga được xây dựng tại thủ đô Cuba, đồng thời chính Giáo chủ Kyrill, lúc đó còn là Tổng giám mục giáo phận Smolensk và Kaliningrad, đã làm phép và khánh thành vào tháng Mười 2008. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Hai bổ nhiệm mới cho Quốc vụ viện Truyền thông. Quốc vụ viện Truyền thông, cơ quan được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập qua Tự sắc ban hành ngày 27-06-2015, với Chủ tịch là Đức ông Dario Edoardo Viganò, đang dần được hình thành.
Hôm thứ Ba 09-02-2016, ĐTC đã bổ nhiệm Giám đốc mục vụ-thần học cho Quốc vụ viện Truyền thông; đó là một giáo sư đại học người Slovenia, bà Natasa Govekar, hiện phụ trách các khóa hội thảo thần học mang tên Hồng y Tomas Spidlik, thuộc trung tâm Aletti ở Roma. Bà đã giành được học vị tiến sĩ truyền giáo học tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô với một luận án về thông truyền đức tin bằng hình ảnh.
Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm ông Francesco Masci, cho đến nay đặc trách về kỹ thuật của dịch vụ Internet của Tòa Thánh, làm Giám đốc kỹ thuật Quốc vụ viện Truyền thông. Quốc vụ viện Truyền thông giữ nhiệm vụ phối hợp các cơ quan khác nhau đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông của Tòa Thánh, đặc biệt là Đài phát thanh Vatican. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 16/TB/GXCT/2015-2016
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 115
412. Ơn Chúa Thánh Thần là gì?
Ơn Chúa Thánh Thần là những xu hướng thường xuyên, giúp chúng ta dễ dàng tuân theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa. [389]
413. Có mấy ơn Chúa Thánh Thần?
Có bảy ơn Chúa Thánh Thần:
– Một là ơn khôn ngoan; – Hai là ơn hiểu biết;
– Ba là ơn thông minh; – Bốn là ơn biết lo liệu;
– Năm là ơn sức mạnh; – Sáu là ơn đạo đức;
– Bảy là ơn kính sợ Thiên Chúa. [389]
414. Hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì?
Hoa trái của Chúa Thánh Thần là những điều tốt lành mà chúng ta có được nhờ ơn CTT.
415. Có bao nhiêu hoa trái của CTT?
Theo Truyền thống của Hội Thánh, có mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần, là bác ái, hoan lạc và bình an; kiên nhẫn, quảng đại và nhân từ; từ tâm, khoan dung và trung tín; khiêm nhu, tiết độ và khiết tịnh. (x. Gl 5,22-23). [390]
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
63. Do đâu con người có linh hồn?
– Linh hồn người ta do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên, chứ không phải là “sản phẩm” bởi cha mẹ. [366-368, 382]
– Hồn của con người không thể là sản phẩm do tiến trình biến hóa của vật chất, cũng không phải là kết quả của cha mẹ sinh ra. Mỗi con người sinh ra là một ngôi vị độc nhất và linh thiêng, Hội Thánh giải nghĩa mầu nhiệm này như sau: Thiên Chúa ban cho ta một linh hồn không thể chết được, dù khi ta chết ta phải lìa khỏi xác để chờ khi sống lại xác được nhập lại với ta. Nói “tôi có linh hồn” có nghĩa là “Thiên Chúa không tạo dựng tôi như một sự vật, nhưng như một ngôi vị và mời gọi tôi có quan hệ không ngừng với Người”.
“Nhờ có nguồn gốc từ trái đất, con người được liên kết với mọi sinh vật, nhưng chỉ nhờ có linh hồn do Thiên Chúa “thổi vào” họ mới là người. Điều đó ban cho họ một phẩm giá độc nhất, nhưng đồng thời cũng trao một trách nhiệm độc nhất.” – Hồng y Christoph Schönborn (1945, Tổng Giám mục Áo)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 64. Tại sao TC dựng nên con người có nam có nữ?