PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN – C. 07/02/2016
Người bảo ông Si-mon: “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-mon trả lời: “Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,4-5)
Suy niệm: Ngư dân giàu kinh nghiệm thường nắm rất rõ về khí hậu, con nước, địa điểm, thời gian… Thế mà nhiều khi chẳng bắt được gì! Si-mon hôm nay tưởng phải nếm một đêm trắng tay như thế, nhưng cuối cùng ông được một mẻ cá thật to. Điều thú vị là thành công này không do kinh nghiệm nghề biển của ông, mà do ông sẵn sàng vâng lời Đức Giê-su – một bác thợ mộc (có lẽ không biết gì nhiều về chuyện đánh cá!) Câu chuyện cho thấy rõ: đành rằng kinh nghiệm là một chìa khóa quan trọng của thành công, nhưng đức tin còn quan trọng hơn kinh nghiệm nhiều. Đức tin có thể làm nên phép lạ!
Đời Ki-tô hữu là một chuyến ra khơi chài lưới người. Những kiến thức, kỹ năng, ‘ngón nghề’ có thể rất ích lợi cho chuyến ra khơi này, và ta được khuyến khích trang bị. Song đừng quên rằng cái ta cần nhất là đức tin. Thiếu một đức tin đủ mạnh, tất cả kiến thức và kinh nghiệm của ta đều trở thành thừa. Chính Đức Giê-su xác nhận: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
07.02 : Chúa Nhật 5 THƯỜNG NIÊN. Lc 5,1-11.
Hòa Khánh hành hương Nhà thờ Chính Tòa.
NĂM ÂM LỊCH BÍNH THÂN 2016
Hân hoan kính chúc
toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa
những Ngày Tết sum vầy,
một Mùa Xuân hạnh phúc
và Năm Mới Bình An
trong Hồng Ân Thiên Chúa Ba Ngôi.
08.02 : Thứ hai. MỒNG MỘT TẾT BÍNH THÂN – CẦU CHO QUỐC THÁI DÂN AN.
Lễ Giao Thừa: Mt 5,1-10. Lễ Tân Niên: Mt 6,25-34. Quyên góp cho Ngân sách Giáo phận tài khóa 2016.
09.02 : Thứ ba. MỒNG HAI TẾT. KÍNH NHỚ TỔ TIÊN, ÔNG BÀ CHA MẸ. Mt 15,1-6.
10.02: Thứ tư. LỄ TRO. (Riêng Giữ chay và kiêng thịt dời về thứ 6 ngày 12/2). MỒNG BA TẾT. THÁNH HOÁ CÔNG ĂN VIỆC LÀM. Mt 25,14-30. Hành hương Năm Thánh về Núi Sọ, An Ngãi.
MÙA CHAY
11.02 : Thứ năm. Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc tế Bệnh nhân. Lc 9,22-25.
12.02: Thứ sáu. Mt 9,14-15
13.02 : Thứ bảy. Lc 5,27-32.
Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, Linh mục tử đạo; Thánh Lôrenxô Hưởng, Linh mục, tử đạo.
14.02 : Chúa Nhật I MÙA CHAY. Lc 4,1-13.
Thạch Nham và Khánh Thọ hành hương Nhà thờ Chính Tòa.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô đặc cử 1071 vị Thừa sai Lòng Thương xót. Ngày 29-01 vừa qua, Đức Tổng giám mục Salvatore Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Tân Phúc âm hoá, cho biết: ngày 9 tháng Hai (tức mùng Hai Tết Việt Nam), ĐTC Phanxicô sẽ tiếp 700 Thừa sai Lòng Thương xót tề tựu về Roma đồng tế với Đức Thánh Cha trong Lễ Tro (10 tháng Hai) và được Đức Thánh Cha trao sứ vụ loan báo vẻ đẹp của Lòng Chúa Thương xót và trở nên “những vị giải tội khiêm nhường và khôn ngoan, rộng ban ơn tha thứ cho những người tìm đến Toà giải tội”.
Thoạt đầu, có 800 linh mục hoặc các vị nguyên giám mục, cuối cùng có tất cả 1071 linh mục, thuộc giáo phận và dòng tu, đặc biệt là các linh mục Dòng Anh em hèn mọn. Toà Thánh đã nhận được rất nhiều đơn thỉnh nguyện của các linh mục từ khắp nơi ngỏ ý sẵn sàng để được sai đi, nhưng buộc phải giới hạn số Thừa sai Lòng Thương xót, vì theo Đức TGM Rino Fisichella: “muốn giữ nét đặc trưng cho dấu chỉ, nhằm diễn tả chiều kích ngoại thường của biến cố này”. Trong số các Thừa sai Lòng Thương xót, có những vị thuộc các quốc gia đang thu hút sự chú ý như: Myanmar, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Israel, Burundi, Việt Nam, Zimbabwe, Thái Lan, Ai Cập… Ngoài ra còn có các linh mục thuộc nghi lễ Đông phương nhằm “đại diện cho mọi thành phần trong GH” và đến gần hơn với từng tín hữu.
Được biết, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, S.J., Thư ký Uỷ ban Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, sẽ lên đường sang Roma vào tối Giao thừa, để nhận quyết định của ĐTC bổ nhiệm làm Thừa sai Lòng Thương xót.
* UNESCO. Nơi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa được UNESCO công nhận là “Di sản của nhân loại”. Ngày 02/02/2016, UNESCO đã chính thức công nhận Nơi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa trên bờ sông Jordan là “Di sản của nhân loại” trong một buổi lễ tại Paris.
Tham gia buổi lễ này có một phái đoàn đến từ Vương quốc Jordan, trong đó có Bộ trưởng Bộ Du lịch Nayef H Al-Fayez và Đức Tổng giám mục Maroun Lahham, Đại diện Toà Thượng phụ Latinh Giêrusalem đặc trách Jordan. Trong bài phát biểu, Đức Tổng giám mục Maroun Lahham gọi nơi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là “nơi vẫn còn âm vang giọng nói của Chúa Kitô” trong một đất nước Jordan “yên bình và an toàn, giữa lòng một Trung Đông rực lửa”. Ngài ghi nhận: “Tin Mừng đã nói về nơi ấy hai ngàn năm trước, lòng sùng mộ bình dân đã luôn xác quyết, những nghiên cứu khảo cổ học cũng đã minh chứng, bốn vị giáo hoàng đã đến viếng thăm và ngày hôm nay cộng đồng quốc tế đã chính thức công nhận”. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Thượng phụ Chính thống Nga Kirill. Ngày 12-02-2016, tại Cuba, sẽ diễn ra một sự kiện lịch sử của Giáo hội Công giáo: Đức Thánh Cha Phanxicô, trong chặng dừng chân tại La Habana, thủ đô Cuba, trên đường tông du Mexico, sẽ có cuộc gặp gỡ Giáo chủ Kirill, Thượng phụ Moskva, Giáo chủ Chính thống giáo Nga. Sự kiện này đánh dấu một chặng đường quan trọng, nhằm thực hiện mong ước của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, hai vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 15/TB/GXCT/2015-2016
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 114
407. Nhân đức đối thần là gì?
Nhân đức đối thần là nhân đức siêu nhiên mà Thiên Chúa ban cho người kitô hữu, để giúp họ trực tiếp đến với Thiên Chúa, hành động như con cái TC và đáng hưởng sự sống đời đời.
408. Có mấy nhân đức đối thần?
Có ba nhân đức đối thần là đức tin, đức cậy và đức mến. [385]
409. Đức tin là gì?
Đức tin là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã mạc khải và Hội Thánh truyền dạy, vì Thiên Chúa chính là Chân lý. [386]
410. Đức cậy là gì?
Đức cậy là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, mà vững lòng mong đợi hạnh phúc Nước Trời.
411. Đức mến là gì?
Đức mến là ơn Thiên Chúa ban, giúp chúng ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì Chúa, mà yêu thương mọi người. [388]
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
62. Linh hồn là gì vậy?
– Linh hồn là cái làm cho ta thành một con người. Nó là nguyên lý linh thiêng của sự sống, và là cái sâu thẳm nhất trong con người. Linh hồn làm cho thể xác vật chất trở nên thân xác sống động của con người. Nhờ linh hồn, con người có thể xác nhận cái “Tôi” của mình, và đứng trước TC như một cá thể không ai thay thế được.
– Con người là một hữu thể có xác và hồn. Hồn con người có phận vụ khác hơn phận vụ xác và không thể cắt nghĩa được dựa theo cấu tạo sinh lý của họ. Trí khôn nói cho ta rằng: “phải có một nguyên lý linh thiêng nối kết với xác, mà không vì thế cũng giống y như xác. Ta gọi là “hồn”. Mặc dù không thể dùng khoa học để chứng minh là có linh hồn, tuy nhiên nếu không đếm xỉa tới cái yếu tố linh thiêng làm chủ vật chất này, ta không thể hiểu được rằng con người là một hữu thể linh thiêng. → 153-154,163
“Hãy làm điều gì tốt cho xác bạn, để hồn bạn được vui vẻ ở trong xác.” – Thánh Têrêsa Avila (1515-1582), nhà thần bí Tây Ban Nha, tiến sĩ Hội Thánh
“Con người trở nên thực sự là con người khi hồn và xác hiệp nhất sâu xa với nhau… Nếu con người chỉ muốn là tinh thần và muốn từ bỏ thể xác vì là di sản của sinh vật, thì cả tinh thần lẫn thể xác đều mất hết phẩm giá. Đàng khác, nếu họ muốn từ bỏ tinh thần và coi vật chất, coi thân xác như thực tại duy nhất của mình thôi, thì họ cũng mất giá trị cao cả của mình.” – Đức Bênêđictô XVI, Deus Caritas est
“Con người không phải con vật cũng không phải thiên thần, và con người muốn làm thiên thần thì rủi thay con người sẽ là con vật (trèo cao té đau).” – Blaise Pascal
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 63. Do đâu con người có linh hồn?