BẢN TIN 305

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG. 06/12/2015

“Hãy dọn sẵn con  đường cho Đức Chúa… Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” (Lc  3,4-6)

Suy niệm: Đức Giê-su Ki-tô hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa cách đây đã hơn  2.000 năm, thế nhưng không vì thế mà chúng ta đương  nhiên được giải cứu, nói như thánh Âu-tinh: “Khi  tạo dựng nên con Chúa không cần có con, nhưng khi cứu độ con, Chúa cần con cộng  tác.” Vì thế mà mùa Vọng là thời  gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại sự cộng tác của mình trong chương trình  cứu độ của Thiên Chúa. Để có thể đón nhận ơn cứu độ, mỗi người chúng ta phải  điều chỉnh lại cách ăn nết ở của mình. Con đường cứu độ cứu độ là chính Đức  Giê-su Ki-tô. Nhưng nếu chúng ta không mở cửa tâm hồn mình, uốn nắn lại con  đường là lối sống của mình để “nối mạng liên thông” với Đức Ki-tô thì ơn cứu độ  không thể nào đến với chúng ta được.

Lắm khi chúng ta bị mê hoặc lạc lối trong “mê cung” của tiền bạc, thú vui,  quyền lực, danh vọng. Để thoát ra khỏi “khu rừng rậm” cám dỗ ấy, phải biết loại  bỏ lòng đam mê, ham muốn chúng và chỉ nhắm tới Chúa là lẽ sống duy nhất và vĩnh  cửu của mình mà thôi.

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

06.12 : Chúa Nhật II MÙA VỌNG. Mc 1:1-8

07.12 :     Thứ hai. Thánh Ambrose, Gmtsht. Lc 5:17-26

08.12 :     Thứ ba. Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mt 18:12-14

09.12:     Thứ tư. Mt 11:28-30

10.12 :     Thứ năm. Mt 11:11-15

11.12:     Thứ sáu. Mt 11:16-19

12.12 :     Thứ bảy. Lễ Đức Mẹ Guadalupe. Mt 17:10-13

13.11 : Chúa Nhật III MÙA VỌNG. Ga 1:6-8,19-28

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Chương trình khai mạc và mở Cửa Năm Thánh 8-12-2015. Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ được khai mạc trong buổi lễ lúc 9 giờ 30 sáng ngày 8-12-2015 do ĐTC chủ sự tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 4-12 ở Roma, Đức TGM Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cho biết:  Buổi lễ sẽ bắt đầu với việc đọc vài đoạn trích từ 4 Hiến chế Công Đồng (Lời Chúa, Ánh sáng muôn dân, Phụng vụ và Vui mừng và Hy vọng), và 2 đoạn trích từ hai sắc lệnh Hiệp nhất và Tự Do tôn giáo. Ngày 8-12-2015 là kỷ niệm đúng 50 năm bế mạc Công đồng chung Vatican 2.

Tiếp đến là nghi thức long trọng rước Sách Tin Mừng được cha Rupnik chuẩn bị cho Năm Thánh và do Nhà xuất bản San Paolo ấn hành. Đây là một tác phẩm nghệ thuật có trang bìa là huy hiệu Năm Thánh. Sách Tin Mừng sẽ được trên cùng một ngai nhỏ, như trong các khóa họp của Công đồng ở gần bàn thờ trong Đền thờ Thánh Phêrô, nêu rõ quyền tối thượng của Lời Chúa.

Về nghi thức mở Cửa Năm Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô, nghi thức này thật đơn sơ và được truyền đi trên hệ thống truyền hình thế giới (Mondovisione). ĐTC yêu cầu mở cửa và ngài sẽ bước qua. Tiếp theo đó là các HY, GM và đại diện các LM, tu sĩ nam nữ và giáo dân, đi rước tiến qua Cửa Năm Thánh, cho đến Mộ Thánh Phêrô Tông Đồ. Từ đây sẽ diễn ra nghi thức kết thúc Thánh Lễ.

Sau lễ ĐTC sẽ lên cửa sổ phòng làm việc của ĐGH ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô. (radiovaticana.va)

* Trung Phi. Đức Thánh Cha khai mạc Năm Thánh Lòng Thương xót tại Cộng hoà Trung Phi. Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương xót sẽ chính thức khai mạc tại Roma với nghi thức Mở Cửa Thánh (Cửa Thương Xót) tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 08-12-2015, Đại lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Nhưng tại Cộng hoà Trung Phi, nơi đang đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô, Năm Thánh Lòng Thương xót đã được khai mạc với nghi thức mở Cửa Thánh của Nhà thờ chính toà Bangui do chính Đức Thánh Cha chủ sự vào Chúa nhật I Mùa Vọng, 29-12-2015.

Trước khi mở Cửa Thánh, ngài giải thích ý nghĩa của cử chỉ này: “Hôm nay Bangui là thủ đô thiêng liêng của thế giới. Năm Thánh bắt đầu sớm hơn ở quốc gia này, là nơi phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh nhiều năm qua: những hận thù, hiểu lầm và thiếu vằng bình an. Quốc gia chịu đau khổ này là phản ánh của tất cả các quốc gia trên khắp thế giới đã nếm trải thập giá của chiến tranh. Bangui là thủ đô thiêng liêng của lời cầu nguyện trước lòng Chúa thương xót. Tất cả chúng ta hãy cầu xin ơn hòa bình, thương xót, hòa giải, tha thứ và tình yêu. Chúng ta hãy xin ơn hòa bình và hòa giải cho Bangui, cho Cộng hòa Trung Phi và cho tất cả các quốc gia đang có chiến tranh!”

Cũng như ở Kenya và Uganda, một lần nữa, Đức Thánh Cha mời các tín hữu cùng với ngài lặp lại lời cầu nguyện sau đây: “Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau cầu xin ơn yêu thương và bình an! – Ndoye Siriri, yêu thương và bình an!” (hdgmvietnam.org)

* Hàn Quốc. Giáo hội Hàn Quốc với sứ vụ ở Bình Nhưỡng. Bảy mươi năm sau khi Triều Tiên bị chia cắt, một phái đoàn Công giáo cấp cao do bốn vị giám mục dẫn đầu đã đến thăm Bắc Triều Tiên. Đây là chuyến viếng thăm chính thức có rất nhiều ý nghĩa, không chỉ đối với những người của Giáo hội.

Phái đoàn 17 thành viên gồm 4 giám mục, trong số này có Đức Tổng giám mục Hyginus Kim Hee-joong – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, các linh mục và các đại diện của Uỷ ban hoà giải dân tộc Triều Tiên của Giáo hội Hàn Quốc trong tất cả các giáo phận. Đan viện phụ của dòng Bênêđictô là Blasio Park Hyun-dong, một dòng vốn có trụ sở ban đầu tại Bắc Triều Tiên, cũng có mặt trong phái đoàn.

Chuyến viếng thăm chính thức của phái đoàn diễn ra từ ngày 01 đến ngày 04 tháng 12. Có nhiệm vụ đối thoại chính thức với phái đoàn khách là các viên chức của Hiệp hội Công giáo Bắc Triều Tiên, một trong những cơ quan được chế độ Bắc Triều Tiên thành lập để nguỵ tạo thái độ “cởi mở” của mình trong lĩnh vực tự do tôn giáo. Nhưng theo dự đoán, các vị khách Hàn Quốc sẽ có thể có một số buổi gặp gỡ với các đại diện chính trị của Bắc Triều Tiên. Các giám mục và linh mục đến từ miền Nam cũng sẽ cố gắng cập nhật tình hình thực tế của các cộng đoàn Công giáo dường như vẫn còn hiện diện ở Bắc Triều Tiên. Các cộng đoàn này không còn linh mục để dâng lễ và giải tội trong nhiều chục năm qua. (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: TB Số 2/TB/GXCT/2015-2016

  1. Chúa Nhật, 06/12 sau lễ Thiếu Nhi có rửa tội cho các em nhỏ.
  2. Từ thứ hai 07/12 cho đến chiều thứ bảy 12/12 giáo họ Phaolô Bường phụ trách trực phụng vụ.
  3. Thứ năm 10/12 sau Thánh lễ 17g00 có giờ Chầu Mình Thánh do Giới Người Cha phụ trách.
  4. Phiên sám hối của giáo xứ Chính Tòa sẽ bắt đầu lúc 19g tối thứ sáu 11/12 tại nhà thờ Chính Tòa, giới Người Cha phụ trách sắp xếp. Xin mời cộng đoàn tham dự.
  5. Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng 13/12 các Thánh Lễ sáng như thường lệ, buổi chiều lúc 15g00 Thánh Lễ Đồng Tế do Đức Giám Mục Giáo Phận chủ sự Khai Mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót (không có lễ 17g00) Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự. Lễ chiều 18g30 vẫn có như thường lệ.

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 105

371. Con người phải làm gì để đạt tới hạnh phúc đời đời?

Con người phải sống các Mối Phúc trong Tin Mừng và sống theo lương tâm ngay thẳng, nhờ ân sủng của Đức Kitô. [359]

372. Các Mối Phúc trong Tin Mừng là những Mối Phúc nào?

Các Mối Phúc trong Tin Mừng là những Mối Phúc này:

  – Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ;

  – Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp;

  – Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được ủi an;

  – Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được thỏa lòng;

  – Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được xót thương;

  – Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa;

  – Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa;

  – Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3-12).

373. Vì sao các Mối Phúc quan trọng đối với người Kitô hữu?

Vì các Mối Phúc phác họa dung mạo của Chúa Giêsu, diễn tả ơn gọi của người Kitô hữu, minh họa những hành động và thái độ của đời sống Kitô hữu và chỉ cho người Kitô hữu con đường đạt tới hạnh phúc đời đời. [360]

374. Các Mối Phúc liên hệ với khát vọng hạnh phúc của con người thế nào?

Các Mối Phúc đáp lại khát vọng hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng con người, để lôi kéo họ về với Chúa, vì chỉ một mình Ngài mới lấp đầy khát vọng ấy mà thôi. [361]

375. Hạnh phúc đời đời là gì?

Hạnh phúc đời đời là được chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu, được thông phần trọn vẹn bản tính của Ngài (x. 2 Pr 1,4), được tham dự vinh quang của Đức Kitô và được chung hưởng niềm vui của Ba Ngôi Thiên Chúa. [362]

 

    HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

53. Hoả ngục là gì?

–  “Hoả ngục”, theo đức tin của chúng ta, là tình trạng con người phải dứt khoát chia cách với Thiên Chúa. Khi ai thấy rõ tình yêu nhờ đối mặt với Thiên Chúa, nhưng họ lại từ chối, không muốn được ở trong Tình yêu ấy, đó là họ đã chọn hỏa ngục. [1033-1036]

– Chúa Giêsu biết hoả ngục và nói về nó như những nơi tối tăm bên ngoài (Mt 8,12). Theo quan niệm thời nay người ta nói đến một hoả ngục lạnh hơn là nóng. Dựa vào sự rùng mình vì rét lạnh người ta gợi đến một tình trạng hoàn toàn tê cóng đờ đẫn và hoàn toàn tuyệt vọng không còn mong được ai giúp đỡ, làm giảm nhẹ, đem niềm vui và an ủi trong suốt đời. →161-162

Cuối cùng sẽ chỉ còn hai nhóm người đứng trước mặt Thiên Chúa, những người thưa với Chúa rằng: “Vâng ý Cha”; và những người mà Chúa bảo rằng: “Ý con được vâng theo”. Tất cả những ai ở hỏa ngục là do họ tự ý chọn lựa chỉ theo ý mình.” – C.S. Lewis

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 54. Thiên thần là ai vậy?