PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN. 15/11/2015
Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Đức Giê-su nói với mọi người rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)
Suy niệm: Hình ảnh chàng trai trẻ trong “Chinh phụ ngâm” thật hào hùng:
“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”.
Thân nam nhi dám vì đại nghĩa là bảo vệ quê hương giống nòi, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng xông pha trận mạc nơi biên thuỳ, chết lấy da ngựa bọc thây, thế mới là người có chí khí, đáng mặt anh hùng hào kiệt. Thế thì các vị tử đạo, những người vì cái nghĩa lớn hơn, đó là làm chứng cho Đức Ki-tô, mà dám liều mạng sống mình, những người đó chẳng những đáng được tôn vinh mà còn được tưởng thưởng bội hậu: họ sẽ cứu được mạng sống mình và được sống hạnh phúc đời đời ở bên Thiên Chúa.
Trước khi dám chết vì Đức Ki-tô, các vị tử đạo đã phải dám sống vì Ngài. Chết vì Đức Ki-tô thì chỉ có một lần. Nhưng sống vì Đức Ki-tô, bạn có thể thể hiện mỗi ngày, bao lâu bạn còn sống trên đời này, mỗi lần một mới mẻ hơn và sâu sắc hơn. Cụ thể là hôm nay, ngay bây giờ, bạn làm gì để sống cho Đức Ki-tô, để làm chứng nhân cho Ngài?
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
15.11 : Chúa Nhật 33 THƯỜNG NIÊN. KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM. Lc 9, 23-26
16.11 : Thứ hai. Thánh Ma-ga-ri-ta Tô Cách Lan và thánh Giê-tơ-rut, trinh nữ. Lc 18,35-43.
17.11 : Thứ ba. Thánh nữ Ê-li-sa-bet Hung-ga-ri. Lễ nhớ. Lc 19,1-10.
18.11: Thứ tư. Cung hiến thánh đường Thánh Phê-rô và Phao-lô. Lc 19,11-28
19.11 : Thứ năm. Lc 19,41-44
20.11: Thứ sáu. Lc 19,45-48. Thánh Phanxico Nguyễn Cần, Thầy giảng, tử đạo1837.
21.11 : Thứ bảy. Đức Mẹ dâng mình trong Đền Thờ. Lễ nhớ. Mt 12,46-50.
22.11 : Chúa Nhật 34 THƯỜNG NIÊN. ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ. Lễ trọng. Ga 18,33b-37
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Không có hồng y hay viên chức Toà Thánh nào bị thẩm vấn về vụ rò rỉ tài liệu mật. “Không có hồng y hay viên chức cao cấp nào bị liên luỵ trong cuộc điều tra của Toà Thánh về hành vi đánh cắp và công bố các tài liệu mật của Vatican. Những tin tức này ‘hoàn toàn sai sự thật’”, đó là lời khẳng định của cha Lombardi, S.J., Giám đốc Phòng báo chí Toà Thánh.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên trong buổi họp báo trưa thứ Ba 10-11-2015, cha Lombardi đã công bố một bản thông cáo ngắn bằng tiếng Ý, trong đó cha bác bỏ thông tin trên các đài truyền hình của Italia nói rằng một số hồng y (và cả những người khác) hay các “viên chức cao cấp” sẽ bị điều tra.
Cha Lombardi khẳng định: “Các bài tường thuật của một số tờ báo, liên quan đến việc điều tra đang diễn ra tại Vatican, cho rằng một số hồng y hay viên chức cao cấp (thậm chí có bài báo còn đưa ra con số 4 vị hồng y) có thể đã bị thẩm vấn trong những ngày vừa qua, là không hề có cơ sở: những điều đó hoàn toàn sai sự thật”
Đồng thời, bản thông cáo cũng tỏ ra rất thận trọng -như thường lệ- với giọng quả quyết hiếm thấy, khi nói thêm rằng: “Nhiều bài báo còn tường thuật các cuộc tiếp xúc giữa Đức hồng y Giuseppe Bertello (Chủ tịch Phủ Thống đốc Vatican) với các nhà chức trách Italia trong vụ tài liệu mật bị rò rỉ: thông tin này là hoàn toàn sai sự thật”. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Những người đoạt giải Nobel Hoà bình 2015 đến Vatican. “Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia”, Nhóm đoạt giải Nobel Hoà bình 2015, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến hôm thứ Bảy, 07-11-2015 tại Vatican.
Bộ tứ gồm Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia, Liên đoàn Nhân quyền Tunisia, Hiệp hội Luật sư Tunisia, và Liên đoàn Công Thương Mỹ nghệ Tunisia, được thành lập năm 2013, vào lúc tiến trình dân chủ hoá có nguy cơ tan vỡ vì những cuộc ám sát chính trị kéo theo những bất ổn xã hội tại quốc gia này.
Trong buổi tiếp kiến riêng 15 phút, ĐTC bày tỏ niềm vui khi gặp họ, ngài biểu dương những nhà kiến tạo hoà bình này cũng như khen ngợi phương pháp đối thoại mà họ sử dụng để mang lại ổn định cho Tunisia. ĐTC nói rằng họ đã làm việc với trái tim và đôi tay như những người thợ. Về phần mình, những người đoạt giải Nobel cảm ơn Đức Thánh Cha đã tiếp đón họ và họ gọi ngài là “con người của hoà bình đích thực”. Họ cũng tặng cho Đức Thánh Cha bức chân dung của Mahatma Gandhi.
Nhận lời mời của Hiệp hội Luật sư Italia đến Roma tham dự một cuộc gặp gỡ dưới sự bảo trợ của Tổng thống Italia Sergio Mattarella, Bộ tứ Đối thoại Quốc gia Tunisia nhấn mạnh rằng họ ý thức rõ trách nhiệm lịch sử mà họ đang gánh vác, nhưng họ cũng cần được trợ giúp về mặt chính trị và kinh tế.
Họ giải thích rằng tiếng nói của họ đã được lắng nghe bởi vì các tổ chức của họ rất có uy tín ở Tunisia. Mục tiêu của họ là cứu đất nước Tunisia và thiết lập một xã hội dân chủ, và họ đã đạt được những bước tiến lớn. Theo họ, xã hội dân sự có thể đóng một vai trò quan trọng.\
Nhân chuyến viếng thăm Roma lần này, ông Mohamed Ben Cheich, Tham tán thứ nhất của Liên đoàn Công Thương Mỹ nghệ Tunisia, cũng đưa ra lời kêu gọi các nhà đầu tư Italia và Âu châu, cũng như các khách du lịch. Ông bảo đảm rằng tình hình an ninh đã được cải thiện đáng kể và đang dần trở lại bình thường. Các vấn đề hiện nay chỉ là vấn đề kinh tế. (hdgmvietnam.org)
* Bắc Triều Tiên. Một phái đoàn liên tôn đến thăm Bắc Triều Tiên. Trong hai ngày 10 và 11 tháng Mười Một vừa qua, một phái đoàn gồm 150 nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc nhiều cộng đồng khác nhau đã đến thăm Bắc Triều Tiên. Trong chuyến đi ngắn này, các nhà lãnh đạo của bảy tôn giáo lớn ở Hàn Quốc –dưới sự bảo trợ của Hội đồng các Tôn giáo vì Hòa bình của Hàn Quốc (KCRP)–, đã đến núi Kim Cang (Kumgang) thuộc tỉnh Giang Nguyên (Kangwon) của Bắc Triều Tiên. Tại đây có ngôi chùa nổi tiếng Thần Khê Tự (Singyesa) của Phật giáo, được xây dựng năm 519, đã bị phá hủy trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) do các cuộc không kích của Hoa Kỳ và đã được tái thiết vào năm 2004 nhờ một dự án giữa hai miền Triều Tiên. Địa điểm mang tính biểu tượng này là nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ hiếm hoi giữa các phái đoàn tôn giáo của miền Bắc và miền Nam.
KCRP cho biết chuyến viếng thăm nhằm mục đích “cùng nhau cầu nguyện cho hoà bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”. KCRP nói thêm, sự kiện này là “đặc biệt có ý nghĩa”, vì đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo tôn giáo của hai miền Triều Tiên gặp nhau từ khi bà Park Geun-hye lên nắm quyền TT ở Seoul.
Trong những ngày vừa qua Bình Nhưỡng đã đón tiếp hai phái đoàn Kitô hữu, một của Hiệp hội các linh mục Công giáo vì Công lý (CPAJ), và một của Diễn đàn Đại kết vì Triều Tiên, do Hội đồng Đại kết các Giáo hội khởi xướng. Phái đoàn các linh mục đã được phép cử hành một thánh lễ tại thủ đô của Bắc Triều Tiên, còn phái đoàn thứ hai đã đến thăm hai nơi thờ phượng duy nhất ở Bình Nhưỡng, đó là nhà thờ Công giáo và nhà thờ Tin Lành ở Trường Xuân (Changchun). Một thành viên của phái đoàn này nói rằng, theo các viên chức của chính quyền Bắc Triều Tiên, vào mỗi Chúa nhật có khoảng 200 người đến nhà thờ Công giáo để cử hành phụng vụ dù không có Thánh lễ. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 60/TB/GXCT/2015
Sau Thánh lễ là giờ Chầu Thánh Thể thứ năm hằng tuần do Ca đoàn phụ trách.
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 102
362. Á bí tích là gì?
Á bí tích là những dấu hiệu thánh thiêng do Hội Thánh thiết lập, để giúp các tín hữu thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống.
363. Nghi thức của Á bí tích gồm những gì?
Nghi thức của Á bí tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo một dấu chỉ cụ thể như đặt tay, dấu thánh giá, rẩy nước thánh…
364. Có mấy loại Á bí tích?
Có bốn loại này:
– Một là việc chúc lành;
– Hai là việc thánh hiến con người;
– Ba là việc dâng hiến những đồ vật được dùng vào việc thờ phượng;
– Bốn là việc trừ tà.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
50. Con người đóng vai trò nào trong chương trình quan phòng của Thiên Chúa?
– Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác vào sự hoàn thành việc sáng tạo. Con người có thể từ chối ý định tốt lành này của Thiên Chúa. Nhưng thật tốt đẹp biết bao khi ta trở thành khí cụ của tình yêu Thiên Chúa.
– Con người có thể từ chối ý muốn của Chúa. Nhưng nếu họ trở thành dụng cụ của tình yêu Chúa thì tốt hơn cho họ. Mẹ Têrêsa nói rằng: “Tôi chỉ là cái bút chì nhỏ trong tay Chúa. Mong ước Chúa luôn luôn có thể viết hoặc vẽ những gì Người muốn, và ở những chỗ Người muốn. Khi những gì Người viết hoặc vẽ là tốt đẹp, ta không coi đó là do công của cái bút chì hay do vật liệu được dùng, nhưng là do chính Đấng đã sử dụng nó”. Dù Chúa có hoạt động với ta hoặc nhờ ta, không bao giờ ta được lẫn lộn tư tưởng riêng của ta, chương trình và hành động riêng của ta, với hoạt động của Chúa. Chúa không cần việc làm của ta, đến nỗi nếu ta không làm thì Chúa phải chịu thất bại.
“Có cái không đi vào chương trình của tôi cũng vẫn có chỗ trong chương trình của Thiên Chúa. Và tôi càng ý thức về điều đó, tôi thấy xác tín mạnh mẽ về đức tin càng lớn hơn: theo quan điểm của Thiên Chúa, không có gì là tình cờ cả.” – Thánh nữ Edith Stein (1891-1942, Kitô hữu Do Thái, triết gia và nữ tu dòng kín, nạn nhân trại tập trung)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 51. Nếu Thiên Chúa biết mọi sự và có thể làm được mọi sự, tại sao Người không ngăn cản được sự dữ?