PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN 07/6/2015
Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy!” (Mc 14,22)
Suy niệm: Các trình thuật Tin Mừng từ phép lạ bánh hóa nhiều, bữa Tiệc ly, đến bữa tối với các môn đệ Em-mau, đều cho thấy Đức Giê-su làm bốn động tác quen thuộc: “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban.” Bốn động tác ấy trở thành biểu trưng cho việc cử hành Thánh Thể. Đức Giê-su, tấm bánh được bẻ ra và trao ban cho mọi người, là nền tảng cho sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại. Trong mầu nhiệm Nhập thể, Con Thiên Chúa đến “cư ngụ giữa chúng ta;” còn trong Bí tích Thánh Thể, Ngài ở lại với con người “mọi ngày cho đến tận thế.” Với ta, “cầm lấy bánh” là cầm lấy cuộc đời, cầm lấy những gì thuộc về mình để rồi biết “dâng lời chúc tụng” về món quà Thiên Chúa tặng ban. “Bẻ ra và trao ban” của cải, thời gian, tài năng… cho những người lân cận. Bạn ơi, Bí tích Thánh Thể là Mình và Máu Chúa Ki-tô, là lương thực thần linh, nơi bạn sống mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Cây cầu hiệp thông đã được nối kết, bạn có thể tìm đến gặp gỡ, kết hiệp nên một với vị Thiên Chúa sống động, gần gũi và luôn ở giữa dân Người. Dù bạn là ai, như thế nào, hãy nhớ rằng: Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể là Điểm Hẹn cho bạn tìm đến và tìm về. (5phutloichua.net)
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
07.06 : Chúa Nhật 10 THƯỜNG NIÊN. LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Mc 14,12-16.22-26.
08.06 : Thứ hai. Mt 5,1-12
09.06 : Thứ ba. Thánh Ép-rem, phó tế, tiến sĩ Hội thánh. Mt 5,13-16.
10.06: Thứ tư. Mt 5,17-19
11.06 : Thứ năm. Thánh Ba-na-ba, Tông Đồ. Lễ nhớ. Mt 10,6-13.
12.06: Thứ sáu. THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU. Lễ trọng. Ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục. Bổn mạng Giáo phận và Nhà thờ Chính Tòa. Bổn mạng Giáo xứ Chính Tòa. Ga 19,31-37
13.06 : Thứ bảy. Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ. Lễ nhớ. Lc 2,41-51. Thánh An-tôn Pa-đô-va, Linh mục, tiến sĩ Hội thánh. Thánh Nicola Bùi Đức Thể và thánh Augustinô Phan Viết Huy, tử đạo.
14.06 : Chúa Nhật 11 THƯỜNG NIÊN. Mc 4,26-34. Chính Tòa chầu Thánh Thể.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Việt Nam. Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Xuân Lộc. Hôm nay, 04-06-2015, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố thông tin về việc bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Xuân Lộc như sau: “Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức giám mục Giuse Đinh Đức Đạo, giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc, hiệu toà Gadiaufala, làm giám mục phó giáo phận Xuân Lộc”. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp kiến Tổng thống Nga Vladímir Pútin lần thứ hai. Ngày 10 tháng Sáu tới đây, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp Tổng thống Nga Vladímir Pútin. Thông tin về cuộc tiếp kiến này đã được linh mục giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, Federico Lombardi, khẳng định hôm thứ Năm 04-06 vừa qua. Được biết, Đức Thánh Cha đã tiếp Tổng thống Vladímir Pútin lần đầu tiên tại Vatican vào ngày 25-11-2013.
Cuộc trao đổi lần trước chủ yếu đề cập đến tình hình trầm trọng tại Syria và về đời sống của cộng đồng Công giáo tại Nga. Tổng thống Nga và Đức giáo hoàng đã nhấn mạnh đến sự khẩn thiết phải “chấm dứt bạo lực, đem lại trợ giúp nhân đạo cần thiết cho người dân”, và tạo thuận lợi cho “các sáng kiến cụ thể nhằm tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho cuộc tranh chấp”. Cuộc gặp gỡ lần này diễn ra hai tháng sau khi Đức giáo hoàng gửi một bức thư nhân dịp tổ chức G20 họp tại Sankt-Peterbourg nhằm ngăn cản một sự can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Syria. Đức giáo hoàng Phanxicô khi ấy đã yêu cầu các nước lớn trên thế giới không được “dửng dưng trước thảm họa mà người dân Syria đang gánh chịu”. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Vladímir Pútin đã nhiều lần viếng thăm Vatican, và được các ĐGH đón tiếp: Đức Gioan Phaolô II vào năm 2000 và 2003, Đức Bênêđictô XVI, vào năm 2007. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô sắp công bố thông điệp về sinh thái. Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô về sinh thái sẽ được công bố trong hai tuần nữa, vào ngày thứ Năm 18 tháng Sáu, không phải ngày 16 tháng Sáu như một số phương tiện truyền thông đã đưa tin. Văn kiện rất được chờ đợi này mang tên “Laudato Sii” (Chúc tụng Chúa), cảm tác từ “Bài ca vạn vật” của Thánh Phanxicô Assisi. Đây là thông điệp thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau “Lumen Fidei” (Ánh sáng đức Tin), ban hành vào tháng Bảy 2013, được viết chung với Đức Bênêđictô XVI như chính Đức Phanxicô cho biết. Bức thông điệp sắp công bố sẽ là thông điệp đầu tiên thực sự là của riêng ngài; tất nhiên cũng có những người khác đóng góp vào suy tư của ngài.
Để soạn thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô mời nhiều chuyên gia và các nhà khoa học giúp ngài. Đáng kể nhất là có sự cộng tác của Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hòa bình do Đức hồng y Peter Turkson làm chủ tịch. Việc chuẩn bị ban hành văn kiện này đã được nêu lên trong cuộc thảo luận tại điện Élysée (Pháp) giữa Tổng thống Pháp François Hollande và Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh. Đức hồng y Quốc vụ khanh nhấn mạnh đây là thời điểm thuận lợi để Giáo hội công bố thông điệp, lúc cộng đồng quốc tế đã nhận thức sâu sắc vấn đề môi trường sinh thái nhưng vẫn còn tìm giải pháp cụ thể để khắc phục. Nhằm chuẩn bị cho sự kiện lớn lao này, được dự kiến diễn ra vào tháng Mười Hai tới, chính phủ Pháp đã tăng thêm cơ hội trao đổi với các vị đại diện Giáo hội và Toà Thánh. Từ lúc bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình, cũng như vị tiền nhiệm là Đức Bênêđictô XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô đã coi việc bảo vệ những công trình được Chúa tạo dựng là một trong những ưu tiên của ngài và đã nhiều lần lưu ý về tính chất cấp thiết của việc gìn giữ trái đất và bảo vệ môi trường. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập UNESCO: Toà Thánh và UNESCO tiếp tục phát triển sự hợp tác. Năm nay UNESCO mừng 70 năm thành lập. UNESCO được thành lập ngày 16 tháng Mười Một 1945. Toà Thánh mong muốn được cùng UNESCO mừng ngày kỷ niệm này. Vào thứ Tư 3 tháng Sáu sắp tới, tại trụ sở của UNESCO ở Paris, Phái bộ Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh tại Liên hiệp quốc và Bộ Giáo dục Công giáo tổ chức cuộc hội thảo mang tên “Giáo dục hôm nay và ngày mai”. Cuộc hội thảo được đặt dưới sự chủ tọa của bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO. Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, sẽ phát biểu tại cuộc hội thảo, một dấu chỉ cho thấy Toà Thánh rất coi trọng việc giáo dục. Trong bài diễn văn đáng nhớ tại trụ sở UNESCO cách nay đúng 35 năm (02-06-1980), Đức Gioan Phaolô II đã nêu rõ, sở dĩ đất nước Ba Lan của ngài vẫn giữ được bản sắc dân tộc trước những cuộc xâm lăng của các nước láng giềng, không phải nhờ nguồn sức mạnh vật chất, mà dựa vào nền văn hoá của mình, một chỗ dựa vững chắc hơn mọi nguồn lực khác. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 32/TB/GXCT/2015
Xin mỗi người trong cộng đoàn giáo xứ sắp xếp để tham dự ít là một giờ Chầu.
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 79
285. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện thế nào?
Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hiện diện thực sự và toàn vẹn dưới hình bánh rượu.
286. Việc bẻ bánh có phân chia Đức Kitô không?
Việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô, vì Ngài hiện diện trọn vẹn, dù trong mỗi phần nhỏ của hình bánh rượu.
287. Đức Kitô hiện diện bao lâu trong Bí tích Thánh Thể?
Đức Kitô hiện diện bao lâu bánh và rượu đã truyền phép còn tồn tại.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
27. Kinh Tin Kính có từ khi nào?
– Từ thời Chúa Giêsu, khi Người truyền dạy các môn đệ Rửa tội cho những ai tin. Họ phải công khai tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. (→ Ba Ngôi)
– Nền móng của tất cả việc tuyên xưng đức tin sau này là tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Chúa và Người đã trao cho những ai tin một sứ vụ: hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chua Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Mt 28,19). Tất cả mọi người tuyên xưng đức tin của Hội Thánh đều là khai triển đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, bắt đầu luôn luôn là tuyên xưng Chúa Cha, Đấng tạo thành trời đất và duy trì cho nó sống. Rồi tiếp theo là Chúa Con, Đấng đã đem sự giải thoát cho thế giới và cho mỗi người chúng ta. Cuối cùng là Chúa Thánh Thần, Đấng là sự hiện diện của Thiên Chúa trong Hội Thánh và trong thế giới.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 28. Kinh Tin Kính Các Thánh Tông đồ dạy gì?