PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH. CHÚA THĂNG THIÊN 17/5/2015
Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông. (Mc 16,19-20)
Suy niệm: Xem ra việc phục sinh là thời cơ để Chúa tung ra một chiến dịch phục hồi uy tín của Ngài đã bị tiêu tan khi Ngài chịu tử nạn. Nếu việc làm cho La-da-rô sống lại đã khiến nhiều người Do thái tin vào Chúa, thì nay đích thân Ngài quảng bá việc Ngài đã chết rồi nay phục sinh như lời Ngài đã báo trước, ắt là kết quả còn ngoạn mục biết chừng nào. Thế sao Chúa Giê-su lại ‘vội vã’ về trời, ‘đùn đẩy trách nhiệm’ cho các tông đồ đang lúc công việc loan báo Tin Mừng cứu độ hầu như phải bắt đầu lại từ số không? Nhưng thánh ý Chúa vượt quá suy tính của con người. Khi sai các tông đồ ra đi, Chúa không ‘đem con bỏ chợ’, nhưng Ngài “cùng hoạt động với các ông” “với những dấu lạ kèm theo”. Giờ đây, mỗi tông đồ, mỗi Ki-tô hữu là một Giê-su tràn đầy Thần Khí, lo gì mà không thể “đi khắp tứ phương thiên hạ” mà “loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” nữa!
Ấy thế mà cũng đáng lo đấy, nếu như ngày hôm nay, bạn và tôi chểnh mảng không chu toàn sứ mạng Ngài đã phân công cho chúng ta khi Ngài về trời! Bạn thử kiểm điểm xem mình đã thực hiện thế nào công tác loan báo Tin Mừng này. (5phutloichua.net)
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
17.05 : Chúa Nhật 7 PHỤC SINH. CHÚA THĂNG THIÊN. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Mc 16,15-20
18.05 : Thứ hai. Thánh Gio-an I, Giáo Hoàng, tử đạo. Ga 16,29-33.
19.05 : Thứ ba. Ga 17,1-11a
20.05: Thứ tư. Thánh Bec-na-đi-nô Si-ê-na, Linh mục. Ga 17,11b-19.
21.05 : Thứ năm. Thánh Chris-tô-phô-rô Ma-ga-la-nét, Linh mục và các bạn tử đạo. Các Thánh tử đạo tại Mê-hi-cô. Ga 17,20-26.
22.05: Thứ sáu. Thánh Ri-ta Ca-xi-a, nữ tu. Ga 21,15-19.
23.05 : Thứ bảy. Ga 21, 20-25. Chiều: LỄ VỌNG CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. Ga 7, 37-39.
24.05 : Chúa Nhật CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân. Ga 20, 19-23
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Việt Nam. Thư của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN gửi Đức giám mục Paul Simick, Đại diện Tông Toà tại Nepal, có đoạn: “Tôi hết sức đau buồn khi nghe tin về trận động đất dữ dội tại đất nước của Đức cha vào ngày 25 tháng Tư vừa qua, đã làm thiệt mạng hàng ngàn người và vô số người bị thương cùng những tổn thất rất lớn. Và lại có thêm người bị chết và bị thương trong trận động đất ở gần Kathmandu vài ngày trước đây.
Nhân danh Hội đồng Giám mục Việt Nam và cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam, tôi xin gửi đến Đức cha và nhân dân Nepal, đặc biệt các nạn nhân và các thành viên của những gia đình đã mất đi người thân yêu, tình cảm sâu sắc và lời chia buồn tận đáy lòng của chúng tôi về những mất mát to lớn và đau khổ sâu xa vì thảm hoạ thiên nhiên này. Chúng ta hãy tha thiết cầu xin cho những người đã khuất được yên nghỉ muôn đời.
Hội đồng Giám mục VN cũng xin gửi một phần đóng góp rất khiêm tốn để cứu trợ các nạn nhân, qua Caritas Việt Nam và Caritas Nepal trong Caritas Quốc tế. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Đức hồng y Tagle: tân Chủ tịch Caritas Quốc tế. Hôm thứ Năm 14-05-2015, Đức hồng y Luis Antonio Tagle, Tổng giám mục Manila, đã chấp thuận trở thành Chủ tịch Caritas Quốc tế (Caritas Internationalis), qua cuộc bầu chọn tại Đại hội toàn thể lần thứ 20 của tổ chức này, hiện đang diễn ra tại Roma từ ngày 12 đến 17 tháng Năm với sự tham dự của 165 phái đoàn Caritas quốc gia. Đại hội toàn thể lần này đề ra và lập kế hoạch cho các mục tiêu của nhiệm kỳ bốn năm kế tiếp, theo chủ đề “Một gia đình nhân loại duy nhất, chăm sóc thiên nhiên”.
Kết quả cuộc bầu chọn được Caritas thông báo trên mạng xã hội Twitter. Đức hồng y Tagle kế nhiệm Đức hồng y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, người Honduras, đã giữ chức vụ Chủ tịch của tổ chức này hai nhiệm kỳ.
Trong một cuộc điện thoại Roma–Manila, Đức hồng y Tagle mở đầu với lời chào vui vẻ bằng tiếng Ý “Buona sera a tutti” (Chúc mọi người buổi chiều tốt lành), trước khi nói bằng tiếng Anh: “Xin cảm ơn mọi người đã tin tưởng tôi. Khả năng của tôi có giới hạn, nhưng cùng với tất cả quý vị, với tình yêu mà Chúa Giêsu đã tuôn đổ trong lòng chúng ta và nhân danh tất cả những người nghèo trên thế giới, tôi xin chấp thuận việc bầu chọn này. Chúng ta hãy cùng nhau củng cố Giáo hội của người nghèo, để chứng tá của chúng ta sẽ dẫn chúng ta đến một thế giới hiểu biết, công lý, tự do và hòa bình thực sự”.
Vị Tổng giám mục trẻ của Manila với tính cách rất lôi cuốn, sẽ tròn 58 tuổi vào ngày 21 tháng Sáu tới, là một trong những nhân vật nổi bật của hàng giám mục châu Á và cả thế giới. Là chuyên viên tại Công đồng Vatican II và chính xác hơn, chuyên viên về tính hiệp đoàn giám mục, Đức hồng y Tagle đã tham dự 5 Thượng Hội đồng Giám mục.
Caritas Quốc tế là một tổ chức bác ái trên phạm vị toàn cầu của Hội thánh Công giáo, gồm 165 thành viên. Tổ chức này được thành lập từ năm 1951, hiện đang hoạt động trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trụ sở của Caritas Quốc tế đặt tại Vatican; có văn phòng tại New York (Hoa Kỳ), Geneva (Thuỵ Sĩ) và làm việc với các tổ chức quốc tế khác.
Caritas Quốc tế hoạt động trong ba lĩnh vực chính: cứu trợ khẩn cấp, phát triển bền vững và xây dựng hoà bình không phân biệt tôn giáo, quốc gia, chủng tộc.
* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ lưu lại Cuba trong 60 giờ. Hôm thứ Hai 11-05, Hội đồng Giám mục Cuba đã công bố thêm chi tiết mới về chuyến tông du của ĐTC Phanxicô tại Cuba từ ngày 19 đến 22 tháng Chín.
Theo bản thông cáo của Hội đồng Giám mục Cuba, ĐTC sẽ đến La Havana ngày 19 tháng Chín. Sau đó ngài đi Holguin, một thành phố có 350.000 dân ở phía đông của đảo quốc, mà trong các các chuyến tông du trước đây hai vị giáo hoàng tiền nhiệm của ngài là Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI chưa đặt chân đến.
Chuyến tông du của ĐTC Phanxicô sẽ kết thúc tại Santiago de Cuba, thành phố thứ hai của Cuba, chủ yếu là viếng Đền thánh El Cobre, tại đây Giáo hội Cuba tôn kính bức tượng Đức Mẹ Bác Ái, bổn mạng của nước Cuba.
ĐTC sẽ rời Santiago ngày 22 để đi Hoa Kỳ, và ở lại Hoa Kỳ đến ngày 27 tháng Chín.
Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Cuba sẽ kéo dài khoảng 60 đến 65 giờ, là chuyến viếng thăm thứ ba của một vị giáo hoàng đến đảo quốc này ở vùng Caribê trong 17 năm qua, sau các Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II (1/1998, 5 ngày) và Bênêđictô XVI (3/2012, 51 giờ). (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 29/TB/GXCT/2015
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 77
279. Hội Thánh cử hành Bí tích Thánh Thể thế nào?
Hội Thánh cử hành Bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ, gồm hai phần chính:
– Một là Phụng vụ Lời Chúa, khởi đi từ lời nguyện nhập lễ cho đến hết lời nguyện chung;
– Hai là Phụng vụ Thánh thể, khởi đi từ việc chuẩn bị lễ vật cho đến hết lời nguyện hiệp lễ.
280. Trong Phụng vụ Lời Chúa, Hội Thánh cử hành những gì?
Trong Phụng vụ Lời Chúa, Hội Thánh công bố, lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, cùng tuyên xưng đức tin và dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện chung.
281. Trong Phụng vụ Thánh Thể, Hội Thánh cử hành những gì?
Trong Phụng vụ Thánh Thể, Hội Thánh cử hành việc tiến dâng bánh rượu, kinh nguyện Thánh Thể và hiệp lễ.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
24. Đức tin của tôi có liên quan gì đến Hội Thánh?
– Không ai có thể tin một mình, cũng như không ai tự sống một mình. Chúng ta nhận đức tin từ Hội Thánh và sống đức tin trong tình hiệp thông với những ai cùng chung niềm tin vào Thiên Chúa. [166-169, 181]
– Đức tin là một điều rất riêng của con người, nhưng không phải vì thế mà nó là chuyện riêng tư của họ. Người muốn tin phải có thể nói “tôi” cũng như nói “chúng tôi”, bởi vì một đức tin mà ta không thể chia sẻ hoặc thông truyền thì quả là vô lý. Cá nhân người tin tự ý dính kết với “chúng tôi tin” của Hội Thánh. Chính là từ Hội Thánh mà họ nhận được đức tin. Qua các thế kỷ, Hội Thánh đã truyền bá đức tin, đã bảo vệ khỏi mọi xuyên tạc và đã để cho ánh sáng đức tin luôn không ngừng soi chiếu. Do đó, đức tin là tham gia vào một xác tín tập thể. Đức tin của những người khác nâng đỡ tôi, cũng như lửa đức tin của tôi đốt lên hoặc làm cho mạnh lên lửa của những người khác. Chữ “tôi” và “chúng tôi” của đức tin được nhấn mạnh bởi việc Hội Thánh dùng hai bản tuyên xưng đức tin trong khi cử hành thánh lễ: Kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ bắt đầu bằng “Tôi tin” và Kinh Tin Kính Công đồng Nixê-Constantinople bắt đầu bằng “Chúng tôi tin” (hình thức xưa nhất).
Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó giữa họ. – Mt 18,20
? Credo: Tiếng này dùng để chỉ các kinh tuyên xưng đức tin của Hội Thánh, trong đó các yếu tố chính của đức tin được sắp xếp có trật tự.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 25. Tại sao đức tin đòi có định nghĩa và cần công thức hoá thành những tín biểu?