PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH 26/4/2015
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê không phải là mục tử.” (Ga 10,11-12)
Suy niệm: Hôm nay GH cử hành lễ Chúa Chiên Lành và kêu gọi cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ. Theo thống kê của HĐGM VN, số người theo đuổi ơn gọi nay giảm đi một nửa so với 50 năm trước, cứ 1000 tín hữu thì chỉ có 1 người sống ơn gọi linh mục tu sĩ. Con số ấy không làm Giáo Hội an tâm trước nhu cầu con người thời đại đang cần sự chăm sóc của các mục tử. Cầu nguyện là giải pháp đầu tiên như Chúa dạy, “các con hãy xin chủ ruộng.” Đức Bê-nê-đi-tô đã nói: nơi nào người ta nhiệt tâm cầu nguyện, nơi đó có nhiều ơn gọi. Thứ đến, chúng ta cầu nguyện cho có nhiều người quảng đại đáp lại tiếng Chúa gọi. Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhận định, dù có nhiều người trẻ không dám sống “chuẩn mực cao của đời sống Ki-tô hữu thường nhật”, GH vẫn không ngừng cầu nguyện cho người trẻ “dám đánh liều đời mình cho lý tưởng thanh cao”, bởi “Ki-tô hữu được chọn không phải cho những chọn lựa mọn hèn, mà hướng đến những nguyên lý cao cả nhất.” Ơn gọi nơi người trẻ là hạt giống tốt Chúa gieo vào lòng họ, để họ nên giống Ngài, nhưng hạt giống đó thường bị quỷ dữ lấy đi, lôi kéo người trẻ chọn theo con đường có vẻ thoải mái hơn. Tuy nhiên, niềm vui chỉ đến với những ai đáp lại lời mời gọi từ trên cao. Nhìn vào cơn đói Thiên Chúa của con người thời nay và suy nghĩ về sự cần thiết của ơn gọi linh mục tu sĩ. (5phutloichua.net)
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
26.04 : Chúa Nhật 4 PHỤC SINH. CHÚA CHIÊN LÀNH. Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ga 10,11-18. Tiền giỏ hôm nay xin dành cho Quỹ Ơn Thiên Triệu của Giáo phận. Xin Quý Cha và Cộng đoàn quan tâm.
27.04 : Thứ hai. Ga 10,1-10
28.04 : Thứ ba. Thánh Phê-rô Cha-nen, Linh mục, tử đạo; Thánh Lu-y Gri-ni-ông Mông-pho, Linh mục. Ga 10, 22-30. Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, linh mục, Thánh Phêrô Nguyễn Văn Hiếu, thầy giảng và Thánh GB Đinh Văn Thành, thầy giảng, tử đạo.
29.04 : Thứ tư. Thánh Ca-ta-ri-na Si-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Ga 12, 44-50. Thánh Giuse Tuân, Linh mục, tử đạo.
30.04 : Thứ năm. Thánh Pi-ô V, giáo hoàng.
Ga 13,16-20.
01.05: Thứ sáu. Đầu tháng. Thánh Giu-se thợ. Ga 14.1-6. Kỷ niệm Cung hiến Nhà thờ Chính Tòa [2013]. Tại Nhà thờ Chính Tòa: lễ trọng; các nhà thờ trong Giáo phận: lễ kính. Thánh Lẽ có bài đọc riêng. Thánh Aug Schoeffler Đông, Linh mục MEP và Thánh Gioan Louis Bonnar Hương, Linh mục, tử đạo
02.05 : Thứ bảy. Đầu tháng. Thánh A-tha-na-si-ô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. Ga 14,7-14. Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, tử đạo.
03.05 : Chúa Nhật 5 PHỤC SINH. Ga 15,1-8
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Tuyên ngôn của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn. Sáng thứ Tư 22 tháng Tư 2015, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn đã công bố Tuyên ngôn sau đây:
“Các biến cố mới xảy ra khiến nhiều người trong chúng ta đặt câu hỏi: ‘Liệu có còn chỗ cho đối thoại với người Hồi giáo hay không?’ Câu trả lời là: có, và còn hơn bao giờ hết.
Trước hết, vì đại đa số người Hồi giáo không ủng hộ các hành vi man rợ hiện nay.
Thật không may là ngày nay từ ‘tôn giáo’ thường gắn liền với từ ‘bạo lực’, đang khi các tín hữu phải chứng tỏ rằng các tôn giáo được đòi hỏi phải trở nên những sứ giả của hoà bình chứ không phải bạo lực.
Nhân danh tôn giáo để giết người không chỉ là một hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa, mà còn là một thất bại của nhân loại. Ngày 09 tháng Giêng 2006, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, khi ngỏ lời với các phái đoàn ngoại giao và nói về mối nguy hiểm của các cuộc đụng độ giữa các nền văn minh và đặc biệt là nạn khủng bố có tổ chức, đã khẳng định rằng ‘Không thể biện minh cho hành vi tội ác như vậy, hành vi làm ô nhục chính những kẻ thực hiện nó, và lại còn còn ghê tởm hơn khi tội ác ấy núp bóng tôn giáo, và vì thế nó kéo chân lý tinh khiết của Thiên Chúa xuống tình trạng mù quáng và đồi bại đạo đức của những kẻ khủng bố’…”
Cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi tuyên bố: ‘Bạo lực nào lấy tôn giáo để biện minh cũng đáng bị lên án mạnh mẽ, vì Đấng Toàn Năng là Chúa của sự sống và bình an. Thế giới mong đợi những ai nhận mình là người thờ phượng Thiên Chúa phải là những con người của hoà bình, những con người có khả năng sống như anh chị em, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, văn hoá hay tư tưởng’. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau chống lại nạn nô lệ hiện đại. Cũng như mọi năm, vào dịp đại lễ Vesak của Phật giáo, Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn đều gửi một Sứ điệp chúc mừng đến các tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới. Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn cho ngày lễ Vesak năm nay (nhằm ngày 01 tháng Sáu 2015 – Phật lịch 2559) có chủ đề “Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau chống lại nạn nô lệ hiện đại”. (hdgmvietnam.org)
* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Cuba vào tháng Chín 2015. Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cha Federico Lombardi, S.J., đã xác nhận: Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Cuba trước khi ngài viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng Chín 2015.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư, cha Lombardi nói: “Tôi xin xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được lời mời của chính quyền dân sự và của các giám mục Cuba; ngài đã nhận lời và quyết định sẽ đến thăm đảo quốc này trước khi đến Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm đã được công bố trước đây”. Chuyến viếng thăm Cuba của Đức Thánh Cha Phanxicô là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh vai trò của ngài trong các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cuba. Các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia đã công khai cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về những giúp đỡ của ngài trong các cuộc đàm phán.
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba đến thăm Cuba, sau Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II (năm 1998) và Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI (năm 2012).
Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Cuba diễn ra trước Đại hội Thế giới các Gia đình lần thứ VIII tổ chức tại Philadelphia, Hoa Kỳ, mà ngài cũng sẽ tham dự. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha cũng sẽ đến Washington, D.C. và thành phố New York. (hdgmvietnam.org)
* Chính Tòa: TB Số 25/TB/GXCT/2015
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 74
270. Bí tích Thánh Thể có ý nghĩa gì trong đời sống Kitô giáo?
Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo, chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh là chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta.
271. Trong Cựu ước, Bí tích Thánh Thể được báo trước bằng hình ảnh nào?
Trong Cựu ước, Bí tích Thánh Thể được báo trước bằng bữa tiệc Vượt qua mà người Do Thái cử hành hằng năm với bánh không men, để ghi nhớ cuộc giải thoát khỏi Ai Cập.
272. Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã làm cho bữa tiệc Vượt qua của người Do Thái nên trọn thế nào?
Trong bữa tiệc Vượt qua của người Do Thái, Chúa Giêsu cử hành cuộc Vượt qua của Ngài bằng cách hiện diện trong bí tích, để trở nên Mình và Máu Ngài làm của ăn thức uống nuôi sống chúng ta và cho chúng ta tham dự vào cuộc Vượt qua của Ngài.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT
21. Đức tin là gì?
– Đức tin là nhận biết và trông cậy. Đức tin có 7 đặc điểm:
1/ Đức tin là ơn ban tuyệt vời của Thiên Chúa, ta nhận được khi ta sốt sắng cầu xin.
2/ Đức tin là sức mạnh siêu nhiên, tuyệt đối cần thiết để ta được cứu độ.
3/ Đức tin đòi phải có ý muốn tự do và sự hiểu biết rõ ràng, khi ta đáp lại lời mời của Thiên Chúa.
4/ Đức tin là sự chắc chắn tuyệt đối, vì chính Chúa Giêsu bảo đảm như thế.
5/ Đức tin chỉ trọn vẹn, khi đức tin được thể hiện qua những việc bác ái.
6/ Đức tin lớn dần khi ta luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đối thoại sống động với Người trong cầu nguyện.
7/ Đức tin cho ta nếm cảm trước niềm vui Thiên đàng ngay ở đời này. [153-165, 179-180, 183-184]
– Đức tin còn hơn là hiểu biết rất nhiều, đức tin là một cậy trông. Chính đức tin đã làm cho Abraham di cư sang Đất Hứa, đã khiến cho các vị tử đạo trung thành cho đến chết; và ngày nay, đức tin còn nâng đỡ các Kitô hữu bị bách hại. Đức tin chiếm đoạt toàn bộ con người. → 307
Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thì dù anh em có bảo cây dâu này: hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em. – Lc 17,16
“Đức tin tự bản tính là chấp nhận một chân lý mà trí khôn không thể đạt tới; đức tin dựa vào bằng chứng một cách đơn giản và cần thiết.” – Chân phước John Henry Newman (1801-1890, trở lại Công giáo, sau làm Hồng y của Hội thánh Công giáo, triết gia Anh và thần học gia)
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 22. Tin nghĩa là gì?