BẢN TIN 264

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT TUẦN I MC. 22/02/2015

       “Anh  em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc  1,15)

Suy niệm: Trước cái chết oan ức bất công của Gio-an Tẩy giả, Chúa Giê-su không hô hào một  cuộc nổi dậy, nhưng Ngài lại lánh đi (x. Mt 4,12). Điều Ngài lập tức bắt tay  thực hiện là tiếp nối lời rao giảng của Gio-an Tẩy giả: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (x. Mt 3,2). Và rồi chính Ngài  cũng bị bắt bớ, đánh đập, bị kết án, bị giết chết cách bất công nhưng rồi “sau ba ngày, Ngài sẽ sống lại” (x. Mc  9,31) để ấn định chiến thắng chung cuộc và tiễu trừ vĩnh viễn chính gốc rễ của  mọi bất công là tội lỗi và sự chết. Như thế, đối với Chúa Giê-su, việc hoán cải  cuộc sống, thực thi những giá trị của Tin Mừng mới là đòi hỏi cấp bách và là  cách thế hữu hiệu để giải thoát con người khỏi mọi bất công.

Bức tranh xã hội ngày nay có quá nhiều những mảng màu ảm đạm: những cái chết  tức tưởi vì chiến tranh, khủng bố; những người thấp cổ bé miệng bị đày đoạ  trong những cảnh sống lầm than, bị tước đoạt những quyền chính đáng xứng với  phẩm giá một con người. Chúng ta dễ bị rơi vào tâm trạng bi quan: Liệu những nỗ  lực nhỏ bé của mình có đem lại điều gì tốt đẹp cho cuộc sống đang quá bi đát  này không? Sứ điệp Lời Chúa “sám hối và tin vào Tin Mừng” sẽ giải thoát bạn khỏi những bất công đang đè nặng trên bạn. Tất nhiên để điều đó trở nên hiện  thực, không loại trừ việc bạn vác thập giá mình mà đi theo Chúa (x. Mc 8,34).

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

22.02 : Chúa Nhật I MÙA CHAY. Mc 1,12-15

23.02 :     Thứ hai. Thánh Pô-ly-ca-pô, Giám mục, tử đạo. Mt 25,31-46.

24.02 :     Thứ ba. Mt 6,7-15

25.02 :     Thứ tư. Lc 11,29-32

26.02 :     Thứ năm. Mt 7,7-12

27.02:     Thứ sáu. Mt 5,20-26. Ăn chay và kiêng thịt thay Thứ Tư Lễ Tro.

28.02 :     Thứ bảy. Mt 5,43-48

01.3   : Chúa Nhật II MÙA CHAY. Mc 9,2-10

 

  HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc Mùa Chay. Như mọi năm, vào chiều thứ Tư lễ Tro 18-02, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự cuộc rước sám hối từ tu viện Thánh Anselmô của Dòng Bênêđictô đến nhà thờ Thánh Sabina của Dòng Đa Minh, với sự tham dự của các nhân viên Phủ giáo hoàng và các cộng đoàn tu sĩ tại đồi Aventinô. Sau đó, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ tro và xức tro.

Bài giảng của Đức Thánh Cha dựa trên các bài đọc của Thánh lễ. Tiên tri Joel, được Chúa giao cho sứ vụ kêu gọi dân chúng sám hối: Chỉ một mình Chúa mới có quyền tha thứ không giáng họa, nên phải cầu nguyện và ăn chay, phải thú nhận tội lỗi để cầu xin Người điều ấy. Tiên tri “nhấn mạnh sự hoán cải nội tâm và lời kêu gọi trở về với Chúa với tất cả trái tim… có nghĩa là thực hiện cuộc hoán cải trong tận đáy lòng chúng ta, chứ không phải chỉ dốc lòng cách hời hợt thoáng qua. Trái tim được coi là trọng tâm của sự chọn lựa của chúng ta”.

Rồi Đức Thánh Cha nhắc đến hình ảnh của vị tư tế – theo tiên tri Joel – vừa cầu nguyện vừa than khóc: “Vào đầu Mùa Chay này, thật là tốt đẹp khi chúng ta cầu nguyện trong than khóc, đặc biệt là các linh mục. Chúng ta hãy xin ơn biết than khóc, để làm cho sự hoán cải của chúng ta nên thực lòng hơn và bớt phần giả hình”.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Mỗi người trong chúng ta, phải tự hỏi mình có khóc khi cầu nguyện không. Nhưng phải phân biệt tiếng khóc bên ngoài với tiếng khóc của con tim”. Thời tiên tri Joel, việc thực hành bố thí, cầu nguyện và ăn chay đã trở thành hình thức và thậm chí còn được đề cao trong xã hội… Nhưng những kẻ giả hình không biết khóc. Họ đã quên mất cách khóc, thậm chí họ còn không biết phải khóc như thế nào và chẳng bao giờ xin ơn biết than khóc. Mỗi khi chúng ta làm điều tốt, trong lòng chúng ta liền nảy sinh mong muốn được yêu thích hay khen ngợi, và chúng ta tự hào về điều đó. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy làm điều tốt mà không phô trương và chỉ mong chờ phần thưởng nơi Chúa Cha là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn. Chúa không ngừng xót thương và tha thứ cho chúng ta, chúng ta cần được Chúa tha thứ biết bao. Người kêu gọi chúng ta trở về với Người với một quả tim tinh khiết, thanh tẩy bằng nước mắt, để được thông phần niềm vui với Người. (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Đức Thánh Cha tiếp kiến Bà thủ tướng Đức. Sáng 21-2-2015 ĐTC đã tiếp kiến thủ tướng Đức, bà Angela Merkel.

Đây là lần thứ hai ĐTC Phanxicô tiếp kiến bà thủ tướng Đức, lần đầu ngày 19 tháng 3 năm 2013, khi bà đến Roma để tham dự lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Ngài. Lần này bà xin gặp ĐTC trong ý hướng chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của khối 7 cường quốc (G7) sẽ nhóm tại Elmau, miền Bavaria nam Đức trong hai ngày mùng 7 và 8-6 tới đây.

Sau khi bà thủ tướng Đức hội kiến riêng với ĐTC trong 40 phút, đoàn tùy tùng của Bà gồm 16 người đã vào chào thăm ngài. Trước khi phái đoàn của bà đi gặp ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin, có Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher người Anh, hiện diện.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa thánh, cho biết trong các cuộc hội kiến thân mật, trong viễn tượng hội nghị thượng định G-7, các vị đã đặc biệt bàn về một số vấn đề quốc tế, như cuộc chiếnchống nghèo đói, nạn bóc lột người và các quyền của phụ nữ; những thách đố về sức khỏe trên thế giới và việc bảo tồn môi sinh. Các vị cũng bàn về các quyền con người và tự do tôn giáo tại một số nơi trên thế giới. Sau cùng, bàn về tình hình ở Âu Châu, các vị đặc biệt nhấn mạnh nỗ lực đạt tới một giải pháp bằng phương thế ôn hòa cho cuộc chiến tại Ucraina. (radiovaticana.va)

* Vatican. Công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 30. Hôm 17-2-2015, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ lần thứ 30 sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào Chúa Nhật Lễ Lá 29-3-2015 với chủ đề ”Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

Trong sứ điệp, ĐTC nhắc đến hành trình 3 năm chuẩn bị cho Ngày Quốc Tế giới trẻ cấp hoàn vũ sẽ được cử hành tại Cracovia, Ba Lan, vào tháng 7 năm 2016. Trong tiến trình đó, các bạn trẻ được mời gọi suy tư về các Mối Phúc thật được Chúa Giêsu trình bày trong Bài giảng trên núi. (vietcatholic.org)

* Việt Nam. Thư chúc mừng Năm mới Ất Mùi của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN, có đoạn: Như lời Đức Thánh Cha cầu chúc cho đồng bào Á Đông nhân dịp đầu năm âm lịch mới, tôi kính chúc quý ông bà, anh chị em giáo dân trong các gia đình được bình an hạnh phúc, và sống những ngày nghỉ Tết như “cơ hội để tái khám phá và sống tình huynh đệ sâu đậm hơn, là mối liên kết quý báu cho đời sống gia đình, nền tảng của đời sống xã hội” (hdgmvietnam.org)

 

* Chính Tòa: TB Số 15/TB/GXCT/2015

  1. Từ thứ hai 23/02 cho đến hết chiều thứ bảy 28/02/2015 giáo họ Micae Hy phụ trách trực phụng vụ.
  2. Vào lúc 07g30 thứ hai 23/02/2015 (Mồng 5 Tết). Giáo phận sẽ khai mạc Mùa Chay qua việc hành hương về Núi Sọ-Giáo xứ An Ngãi. Xin Cộng đoàn sốt sắng tham dự đông đủ.
  3. Thứ năm 26/02/2015 Giáo xứ Chầu Thánh Thể. Hội Bác Ái Vinh Sơn phụ trách.
  4. Thứ sáu 27/02/2015 (Mồng Chín tết) Xin Cộng đoàn ăn chay và kiêng thịt thế cho ngày thứ tư Lễ Tro, và vào lúc 19g30 có gẫm Đàng Thánh Giá do Giáo xứ và Ca đoàn phụ trách. Xin Cộng đoàn sốt sắng tham dự.
  5. Chúa Nhật 01/3 sau lễ Thiếu Nhi có rửa tội cho các em nhỏ, xin nộp giấy giới thiệu tại văn phòng giáo xứ, cha mẹ và người đỡ đầu đến nhà thờ tập nghi thức lúc 19g30 thứ bảy 28/02.

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 65

243. Bí tích Rửa Tội là gì?

Là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để làm cho chúng ta được sinh lại trong đời sống mới bởi nước và Thánh Thần.

244. Bí tích Rửa Tội còn được gọi là gì?

Bí tích Rửa Tội còn được gọi là “dìm xuống nước”, để chỉ việc cùng chết với Đức Kitô và sống lại với Ngài; là phép rửa trong Chúa Thánh Thần, để chỉ việc tái sinh và đổi mới; cùng là ơn soi sáng cho chúng ta được trở thành con cái ánh sáng.

245. Trong Cựu ước, Bí tích Rửa Tội được báo trước bằng những hình ảnh nào?

Trong Cựu ước, Bí tích Rửa Tội được báo trước bằng hình ảnh nước, con tàu Nô-e, cuộc vượt qua Biển Đỏ và việc băng qua sông Gio-đan.

246. Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã hoàn thành những hình ảnh báo trước về Bí tích Rửa Tội thế nào?

Chúa Giêsu hoàn thành những hình ảnh báo trước về Bí tích Rửa Tội qua việc chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, qua cái chết trên Thập giá và qua việc sai các Tông đồ làm phép Rửa cho muôn dân.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO: YOUCAT

12. Làm sao ta biết được đâu là đức tin chân chính?

– Chúng ta tìm thấy đức tin chân chính trong Kinh Thánh và trong Truyền Thống sống động của Hội Thánh (Thánh Truyền). [76, 80-82, 85-87, 97,100]

– Kinh Thánh Tân Ước phát sinh từ đức tin của Hội Thánh. Kinh Thánh và Thánh Truyền liên kết với nhau chặt chẽ. Việc loan truyền đức tin không dựa trước hết vào các văn bản đâu. Ở thời Hội Thánh khởi đầu, người ta nói rằng: “Trước khi Kinh Thánh được viết trên các cuộn da thì đã được viết trong trái tim của Hội Thánh”. Các môn đệ và tông đồ đã có kinh nghiệm về một đời sống mới, dựa theo cách các ông sống cộng đồng với Đức Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu sống lại, cộng đồng các ngài đã tồn tại một cách khác, đó là cởi mở đón nhận mọi người. Các Kitô hữu đầu tiên “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Họ đã hiệp nhất với nhau bằng cách để dành chỗ cho những người khác. Cho đến hôm nay, đức tin vẫn hoạt động như vậy. Các Kitô hữu mời các người khác sống hiệp thông với Thiên Chúa. Trong Hội thánh Công giáo, đời sống hiệp thông này luôn được duy trì nguyên vẹn không đổi khác từ thời các Tông đồ.

“Thánh Truyền và Thánh Kinh liên kết với nhau và thông truyền chặt chẽ với nhau. Vì cả hai đều vọt ra từ một nguồn như nhau là Thiên Chúa, làm thành một toàn thể và cùng hướng về một mục đích.” – CĐ Vatican II, Dei Verbum

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 13. Hội Thánh có thể sai lầm trong lĩnh vực đức tin không?