– V – THÁNG CÁC ĐẲNG LINH HỒN – V –
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN. 23/11/2014
Chúa Ki-tô Vua vũ trụ
“Đức Vua phán: ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom’.” (Mt 25,34-36)
Suy niệm: Xin được trích dẫn tâm sự của thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II với các đôi vợ chồng nhân bài Tin Mừng hôm nay: “Vào ngày phán xét, có thể Đức Giê-su sẽ nói với người vợ có chồng thất nghiệp: ‘Con là kẻ được chúc phúc, vì xưa Ta thất nghiệp, không kiếm ra tiền để lo cho gia đình, nhưng con vẫn một niềm thương yêu kính trọng và nâng đỡ Ta qua cơn thử thách.’ Ngày ấy vị Thẩm phán sẽ nói với người chồng có vợ đau yếu: ‘Hãy đến thừa hưởng gia nghiệp dành cho con. Vì xưa Ta đau yếu, nhan sắc tàn tạ, đang khi con lại có nhiều cô gái vây quanh; vậy mà con vẫn một lòng chung thủy son sắt, chăm sóc Ta ân cần, khiến Ta được an ủi rất nhiều.’ Ngài sẽ nói với người con hiếu thảo với cha mẹ: ‘Ngày xưa Ta già yếu, khó tính, hay than phiền con cái trong nhà. Ấy thế mà con đã không xem thường Ta, vẫn một niềm kính trọng và chu đáo chăm nom’.” Ghi nhớ Lời Chúa: “Mỗi lần các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là làm cho chính Ta”.
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
23.11 : Chúa Nhật 34 THƯỜNG NIÊN. LỄ CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ. LỄ TRỌNG. Mt 25,31-46.
24.11 : Thứ hai. THÁNH AN-RÊ DŨNG LẠC, LINH MỤC VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO. CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TẠI VIỆT NAM. Bổn mạng Hội Thánh Việt Nam. Lễ trọng
Thánh Vinh-sơn Nguyễn Thế Điểm, Linh mục, tử đạo 1838. Thánh Phêrô Borie Cao, Giám mục, tử đạo 1838. Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, Linh mục, tử đạo 1838.
25.11 : Thứ ba. Thánh Ca-ta-ri-na A-lê-xan-ri-a, trinh nữ tử đạo. Lc 21,5-11
26.11 : Thứ tư. Lc 21,12-19. Thánh Tôma Đinh Viết Dụ, Linh mục, tử đạo 1839. Thánh Đa-minh Nguyễn Văn Xuyên, Linh mục, tử đạo 1839.
27.11 : Thứ năm. Lc 21,20-28.
28.11 : Thứ sáu. Lc 21,29-33. Thánh Anrê Trần Văn Thông, Quân nhân, tử đạo 1835.
29.11 : Thứ bảy. Lc 21,34-36.
HẾT NĂM PHỤNG VỤ 2014
30.11 : Chúa Nhật I MÙA VỌNG. PHỤNG VỤ NĂM B. Mc 13,33-37.
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Giáo hội chuẩn bị khai mạc Năm Đời Sống Thánh hiến. Giáo hội Công giáo sẽ khai mạc Năm Đời sống Thánh hiến vào ngày Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, 30 tháng 11, bắt đầu một năm phụng vụ mới của Giáo hội, lúc 10 giờ sáng, với Thánh Lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.
Đức hồng y João Braz de Aviz, Bộ trưởng Bộ Đời sống thánh hiến và các Hiệp hội đời sống tông đồ (Bộ Tu sĩ), sẽ thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tế Thánh lễ; vì ngày hôm đó Đức Thánh Cha vẫn còn đang tông du Thổ Nhĩ Kỳ. (hdgmvietnam.org)
* Roma. Đức Thánh Cha viếng thăm Tổ chức Lương Nông quốc tế. Trong cuộc viếng thăm tổ chức Lương Nông quốc tế (FAO) sáng 20-11-2014, ĐTC kêu gọi các tổ chức quốc tế và các chính quyền đặt con người ở trung tâm mọi nỗ lực và đừng lấy lợi lộc và tiền bạc làm tiêu chuẩn quyết định mọi chính sách của mình.
ĐTC phát biểu tại Hội nghị quốc tế kỳ 2 về dinh dưỡng, diễn ra tại trụ sở của Tổ chức Lương nông quốc tế ở Roma, từ ngày 19 đến 21-11-2014 về đề tài ”Một sự dinh dưỡng tốt hơn, đó là một chất lượng tốt hơn cho cuộc sống”.
FAO là một cơ quan của LHQ và cũng là một tổ chức liên chính phủ được thành lập cách đây 69 năm, ngày 16-10-1945 tại thành phố Québec, Canada, và 6 năm sau, 1951, được di chuyển từ Washington Hoa Kỳ, về Roma. FAO hiện có 194 quốc gia thành viên, mỗi quốc gia đóng góp tùy theo khả năng của mình. Với các ngân khoản này, FAO hoạt động cho các nước thành viên. Một số quốc gia đóng góp thêm để nâng đỡ các dự án tại chỗ.
Sứ mạng của tổ chức FAO là làm việc để bảo đảm cho mọi người trên thế giới có đầy đủ lương thực, được an ninh về lương thực và tiến tới ngày mà không ai còn phải lo lắng vì nạn đói và suy dinh dưỡng. Ngoài ra, FAO cũng làm việc để ngăn cản sự phá hủy môi sinh nơi chúng ta sinh sống. (vietcatholic.org)
* Vatican. Đức Phanxicô lên án hành động ‘bạo lực vô lý’ chống Kitô hữu. Đức Thánh cha Phanxicô lên án hành động “bạo lực vô lý” chống Kitô hữu ở nhiều nước và kêu gọi những người thiện chí ở khắp nơi tiếp tục chính nghĩa tự do tôn giáo. “Trong tâm trạng hết sức lo lắng, tôi đang theo dõi các sự kiện đáng chú ý về các Kitô hữu ở nhiều nơi trên thế giới đang bị ngược đãi và giết hại do niềm tin tôn giáo của mình”, Đức Thánh cha nói. “Tôi xin bày tỏ sự gần gũi sâu sắc về mặt tinh thần với các cộng đoàn Kitô hữu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hành động bạo lực vô lý vốn không có dấu hiệu chấm dứt”.
Đức Phanxicô kêu gọi các lãnh đạo chính trị cấp quốc gia và quốc tế, cũng như “tất cả những người có thiện chí” “vận động lương tâm” trên khắp thế giới bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại. “Họ có quyền hưởng an ninh và hòa bình trong chính đất nước của mình trong khi tự do tuyên xưng đức tin của mình”.
Trong phần phát biểu chính, Đức Phanxicô tiếp tục loạt bài phát biểu về Giáo hội và cơ cấu của Giáo hội, tập trung vào các phẩm chất cần thiết nơi các thừa tác viên. “Một người trở thành giám mục, linh mục hay phó tế không phải vì người đó thông minh hơn hay giỏi hơn người khác, nhưng chỉ vì một ơn: ơn tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ cho dân Chúa nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần”, Đức Thánh cha nói. (ucanews.com)
* Việt Nam. Giỗ Tổ Xuân Bích 2014. Ngày 21/11, lễ Đức Mẹ Dâng Mình, bổn mạng Hội Linh Mục Xuân Bích. Vào dịp này, tại Đại Chủng Viện Huế, nơi các linh mục Xuân Bích Việt Nam đang phục vụ, diễn ra các hoạt động đánh dấu ngày bổn mạng này với những buổi văn nghệ, gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và đặc biệt là tưởng nhớ các linh mục Xuân Bích đã từng phục vụ trong việc đào tạo linh mục tại Việt Nam. Ngày này do đó còn được gọi là “Giỗ Tổ Xuân Bích”.
Cao điểm là ngày 21/11 với buổi sáng có văn nghệ, chia sẻ, gặp gỡ giữa các cựu sinh viên Xuân Bích và các Đại Chủng sinh. Tiếp đến là Thánh lễ mừng bổn mạng Hội Xuân Bích.
Chủng Viện Xuân Bích Huế là nơi đào tạo linh mục cho 03 Giáo Phận, trong đó có Đà Nẵng. Dịp này còn đánh dấu 20 năm mở cửa trở lại của Đại Chủng Viện. (xuanbichvietnam.net)
* Chính Tòa: TB Số 53/TB/GXCT/2014
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 52
200. Hỏa ngục là gì?
Hỏa ngục là án phạt đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa, dành cho những ai chết trong tình trạng mắc tội trọng.
201. Vì sao Thiên Chúa nhân hậu mà lại có hỏa ngục?
Vì Thiên Chúa tôn trọng các quyết định tự do của con người, nhưng họ lại từ chối tình yêu và tự loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Ngài.
202. Phán xét chung là gì?
Phán xét chung là sự phán quyết cuối cùng về hạnh phúc hay án phạt đời đời mà Chúa Giêsu công bố cho mọi người khi Ngài trở lại trong vinh quang.
203. Khi nào cuộc phán xét chung sẽ xảy ra?
Cuộc phán xét chung sẽ xảy ra vào ngày tận thế và chỉ mình Thiên Chúa mới biết được.
204. Hy vọng trời mới đất mới nghĩa là gì?
Nghĩa là hy vọng vào ngày sau hết, vũ trụ sẽ được biến đổi và được thông phần vào vinh quang của Đức Kitô, làm nên trời mới đất mới.
205. Tiếng A-MEN kết thúc Kinh Tin Kính có nghĩa là gì?
Nghĩa là tôi tin những lời Thiên Chúa dạy, những điều Thiên Chúa hứa và tôi hoàn toàn phó thác nơi Ngài.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO
GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN
93- Thưa Cha, tại sao Giáo Hội chấp thuận cho các linh mục thi hành nghĩa vụ quân sự? Điều đó không trái nghịch với sứ điệp tình yêu của Chúa Kitô sao? Cũng vậy, người công giáo dấn thân trong quân đội, không sống trái ngược với giới luật “chớ giết người” đó sao?
Để trả lời vấn nạn thứ nhất của bạn, tôi chỉ có thể nại đến luật nước Pháp. Luật buộc mọi công dân Pháp phải sử dụng vũ khí mà bảo vệ Tổ quốc, trong tinh thần bảo vệ hợp pháp, luật không công nhận dành cho các linh mục quyền miễn trừ nghĩa vụ quân sự.
Còn về vấn nạn thứ hai, tôi nghĩ nó tùy thuộc vào một câu hỏi phổ biến hơn: ngày nay, làm cách nào để xây dựng một thế giới hòa bình và yêu thương? Để là chủ nhân của nền hòa bình, con người có thể thực hiện những sự lựa chon khác nhau nào? Người công giáo yêu cầu được như là những người có quyền kháng nghị về lương tâm. Giáo Hội thừa nhận ở sự bất bạo động một giá trị tiên báo, và bảo vệ quyền kháng nghị của lương tâm giữa những quyền khác nhau của con người. Giáo Hội nhận thấy nơi các chiến sĩ vai trò cổ vũ hòa bình. Dù cách chọn lựa nào đi nữa, con người đều được mời gọi nên cảnh giác, để kiến tạo một nền hòa bình chân thực.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 94- Người ta gọi các nhân đức căn bản là gì? Đâu là sự khác biệt giữa các nhân đức căn bản và các nhân đức “đối thần”?