BẢN TIN 223

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

   CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH 04/5/2014

Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,31-32)

* Suy niệm: Đoạn đường từ Giê-ru-sa-lem về Em-mau đâu chỉ là một cung đường địa lý, nó còn là hành trình tiệm tiến từ thất vọng đến hy vọng, từ tối tăm đến ánh sáng. Tâm trạng của hai môn đệ Em-mau khi rời thánh đô là chán chường, tuyệt vọng. Đối với họ, Đức Giê-su đã chết có nghĩa đức tin của họ nơi Ngài cũng bị đứt đoạn. Càng đi xa Giê-ru-sa-lem, họ càng bủn rủn, rã rời. Trong hoàn cảnh ấy, Chúa Ki-tô phục sinh đến bên họ, giải thích Thánh Kinh cho họ và lòng họ cháy bừng lên. Cảm nghiệm lòng cháy bừng khi nghe Lời Chúa như một khám phá lớn lao trong đời của họ. Trước đây từng được nghe Lời Chúa, nhưng họ không cảm nghiệm được quyền lực của Lời Chúa trong cuộc đời. Nay họ nhận ra quyền lực của Lời đang thổi bừng lòng họ, từ những con người ủ dột, buông xuôi; nay thành những Ki-tô hữu hăng hái ra đi.

Thế giới hôm nay đang cần những Ki-tô hữu “bừng cháy” như thế. Thế nhưng, yếu kém lớn nhất của chúng ta là không tin vào quyền lực của Lời Chúa trong Thánh Kinh. Người ta tin vào khả năng thay đổi của một phương pháp hay một chương trình hơn là tin vào quyền năng biến đổi của Lời Chúa. Đó là lý do làm cho thế giới ngày càng ủ dột, tối tăm. (5phutloichua.net)

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

04.5   : Chúa Nhật 3 PHỤC SINH – Lc 24,13-35.

05.5   :     Thứ hai. Ga 6,22-29.

06.5   :     Thứ ba. Ga 6,30-35.

07.5   :     Thứ tư. Ga 6,35-40.

08.5   :     Thứ năm. Ga 6,44-51.

09.5   :     Thứ sáu. Ga 6,52-59.Thánh Giuse Hiển, linh mục, tử đạo 1840.

10.5   :     Thứ bảy. Thánh Đa-mi-en, Linh mục Ga 6,60-69.

11.5   : Chúa Nhật 4 PHỤC SINH. CHÚA CHIÊN LÀNH.  Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Ga 10,1-10. Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm, tử đạo 1847.

 

   HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Lễ tôn phong hiển thánh hai Đức giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II: một ngày lịch sử. Chúa nhật 27-04-2014, lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, là một ngày không thể nào quên của Roma. Lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội Công giáo, hai vị giáo hoàng được tôn phong hiển thánh trước sự hiện diện của hai vị giáo hoàng và 800.000 tín hữu đầy sốt sắng và vui mừng.

Trước sự hiện diện của vị tiền nhiệm là Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI và đông đảo tín hữu đứng chật kín quảng trường Thánh Phêrô, ra tận phía bên ngoài lâu đài Thiên Thần và các con đường xung quanh, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tuyên thánh cho hai vị giáo hoàng vĩ đại: Đức giáo hoàng Gioan XXIII và Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II. Hai vị thánh giáo hoàng đã trải qua những bi kịch của thế kỷ XX, nhưng đã không bị nghiền nát, như Đức giáo hoàng Phanxicô nói trong bài giảng.

Cộng đoàn đã vỗ tay hoan hô khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “khi triệu tập Công đồng, Đức Gioan XXIII đã tỏ ra hết lòng vâng phục Chúa Thánh Thần. Đó là sự phục vụ lớn lao của ngài đối với Giáo hội; ngài là vị Giáo hoàng của sự vâng phục Chúa Thánh Thần”.

Cộng đoàn càng vỗ tay hơn nữa khi Đức giáo hoàng Phanxicô ca ngợi Đức Gioan Phaolô II là “Giáo hoàng của gia đình”. Đức giáo hoàng Phanxicô nhắc lại rằng Đức Gioan Phaolô II đã từng nói rằng ngài muốn mọi người nhớ đến ngài như một giáo hoàng của gia đình. Và Đức giáo hoàng Phanxicô nói thêm: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đang khi chúng ta chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình và với các gia đình, thì từ Trời cao, chắc chắn ngài sẽ đồng hành và nâng đỡ chúng ta”. (hdgmvietnam.org)

* Mỹ. Tổng thống Obama ngợi khen hai thánh giáo hoàng. Cảm xúc vẫn còn dâng tràn trên khắp thế giới sau sự kiện phong thánh hai vị giáo hoàng Roncalli và Wojtyla. 24 giờ sau lễ phong thánh kết thúc tại Vatican, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đưa ra một tuyên bố nhân dịp này, tuyên bố có đoạn: “Hôm nay, Michelle và tôi cùng với các tín hữu Công giáo trên khắp thế giới mừng lễ phong thánh Đức Giáo hoàng Gioan XXIII và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Công việc và đời sống của các ngài không những thay đổi Giáo hội Công giáo mà còn thay đổi cả thế giới.”

Lễ phong thánh hai vị giáo hoàng cũng tạo điều kiện cho Tổng thống Obama trong dịp gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican gần đây: “Chúng ta mừng lễ hai vị thánh giáo hoàng này và sự lãnh đạo của Đức Thánh cha Phanxicô, và chúng ta sẽ cùng tiếp tục với Đức Giáo hoàng Phanxicô và các tín hữu Công giáo trên khắp thế giới thúc đẩy hòa bình và công lý đến mọi dân tộc.” (ucanews.com)

* Vatican. Khóa họp thứ 4 của Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha. Khóa họp thứ tư của Hội đồng 8 Hồng Y trợ giúp ngài trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ và cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh tiến hành tại Vatican từ ngày 28 đến 30-4-2014. Cũng như trong 3 khóa họp trước đây, ĐTC tham dự phần lớn các phiên họp. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết hai cơ quan ĐTC mới thành lập, sắp nhóm phiên đầu tiên. Ngày 2-5, Hội đồng về kinh tế đặc trách đề ra những hướng đi cho Văn phòng kinh tế, sẽ nhóm họp với sự hiện diện của ĐHY Georg Pell, tân chủ tịch Văn phòng kinh tế. Ngoài ra, Ủy ban Tòa Thánh đặc trách bảo vệ trẻ em cũng sẽ nhóm họp tại Vatican ngày 3-5-2014. (radiovaticana.va)

* Brazil. Giáo xứ đầu tiên trên Thế Giới được đặt tên là Gioan Phaolô II. Theo thông báo cuả Tổng Giáo Phận Salvador, Brazil, thì giáo xứ từng có tên là “giáo xứ Đức Bà Đầm Lầy” (Igreja Nossa Senhora dos Alagados) ờ thành phố Salvador de Bahia nay được đối thành “giáo xứ Đức Bà Đầm Lầy và Thánh Gioan Phaolô II”

Sự đổi tên chính thức được diễn ra vào buổi sáng ngày 27 tháng 4 trong một Thánh Lễ trang trọng tại giáo xứ. Cùng một lúc khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được phong thánh tại Vatican.

Ba mươi bốn năm về trước, ngày 7 tháng 7 năm 1980 trong cuộc Tông Du Brazil, Đức Gioan Phaolo II đã tới đây làm lễ khánh thành ngôi giáo đường cuả giáo xứ. Ngày nay ngôi giáo đường nhỏ bé này vẫn không có một thay đổi nào trừ việc có thêm một lớp rêu phong phủ lên. Đây là nơi duy nhất mà cư dân trong khu phố ổ chuột lui tới để được thở làn không khí khoáng đãng và tìm một chút thư giãn trong cái cảnh nghèo vô vọng. (vietcatholic.org)

* Thái Lan. Các lãnh đạo tôn giáo cùng nhau cầu nguyện xin chấm dứt tình trạng bất ổn ở Thái Lan. “Cầu nguyện có sức mạnh và đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người; mọi tôn giáo đều thừa nhận sự thật này và tin tưởng với niềm tin sâu sắc tận đáy lòng mình”, Đức Tổng Giám mục Francis Xavier Kriengsak Kovithavanij của Bangkok phát biểu với CNA hôm 18-4.

Hội đồng giám mục Thái Lan hội kiến các lãnh đạo đến từ các cộng đồng Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Sikh giáo, thống nhất kêu gọi đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình bền vững, giữa lúc tình hình căng thẳng và bất ổn chính trị đe dọa sự phát triển đất nước.

Linh mục Anucha Chaiyadej, thư ký ủy ban truyền thông xã hội của các giám mục Thái Lan, phát biểu với CNA rằng “5 tôn giáo đã chung tay … tìm ra giải pháp hòa bình thông qua cầu nguyện, vì trong tận đáy lòng họ tin có Thiên Chúa”.

“Giáo hội rõ ràng ủng hộ cầu nguyện, sám hối và bố thí; và chỉ qua lời cầu nguyện chúng ta mới có thể đạt được những điều vốn không thể theo khả năng của con người”, ngài nói thêm.

Quốc gia đông nam Á này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị làm tê liệt nền kinh tế từ tháng 11 năm ngoái. (ucanews.com)

 

* Chính Tòa: Thông báo Số 21/TB/GXCT/2014

1.Ngày mai, Chúa nhật 04/5 sau lễ Thiếu Nhi có rửa tội cho các em nhỏ.

2.Từ thứ hai, 05/5 đến thứ bảy, 10/5 giáo họ Anrê Trông phụ trách trực phụng vụ.

3. Lớp Giáo Lý Hôn Nhân của Hạt Đà Nẵng sẽ khai giảng lúc 19g30 thứ hai, 05/5 tại hội trường nhà thờ Chính Tòa Đà Nãng.

4.Thứ năm, 08/5 giáo xứ Chầu Thánh Thể, Giới Trẻ phụ trách.

5. Chiều thứ bảy, 10/5 vào lúc 17g00 lễ tôn vinh Mẹ tại Núi Đá. Giới Trẻ phụ trách. 

 

 GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 23

88. Vì sao trọn cuộc đời Chúa Giêsu là một mầu nhiệm?

Vì tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói, đã làm, đã chịu đều có những mục đích này:

– Một là mạc khải về Chúa Cha cũng như về mầu nhiệm Con Thiên Chúa của Ngài;

– Hai là cứu độ loài người;

– Ba là tái lập loài người trong ơn gọi làm con Thiên Chúa (x. Ep 1,10).

89. Các mầu nhiệm của Chúa Giêsu đã được chuẩn bị thế nào?

Các mầu nhiệm của Chúa Giêsu đã được chuẩn bị từ nhiều thế kỷ, qua sự chờ mong của dân ngoại, qua Giao ước cũ, cho đến thời ông Gioan Tẩy Giả.

90. Cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu đã diễn ra thế nào?

Chúa Giêsu đã sinh ra tại Bê-lem, sống ẩn dật tại Na-da-rét nước Do Thái. Khoảng ba mươi tuổi, Ngài đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Sau cùng Ngài chịu chết trên thập giá thời Phong-xi-ô Phi-la-tô, rồi sống lại và lên trời.

91. Tin Mừng về mầu nhiệm Giáng Sinh của Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì?

Tin Mừng về mầu nhiệm Giáng Sinh của Chúa Giêsu dạy chúng ta biết Thiên Chúa đã tỏ lộ vinh quang của Ngài trong thân phận yếu đuối của một hài nhi.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO

GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN

57. Thưa Cha, có thể rước lễ mà không cần phải xưng tội ngay trước đó không?

Ai rước lễ mỗi ngày thì không cần đi xưng tội mỗi ngày. Vả lại điều này không đáng khuyến khích. Vấn đề đúng thực là trước khi rước lễ, tự biết mình hòa hiệp với Thiên Chúa, với anh em và với chính bản thân mình. Để có được sự hòa hiệp này, chúng ta phải nhận biết những yếu hèn và những sai lỗi của mình và xin ơn tha thứ. Ngay từ đầu Thánh lễ, toàn thể cộng đoàn thực hiện việc làm này khi đọc kinh thống hối.

Trước khi chịu lễ, chúng ta tiến thêm một bước nữa vào sự giao hòa khi đọc kinh “Lạy Cha” (“xin Cha tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”). Đoạn chúng ta chúc bình an cho nhau. Dù vậy, phụng vụ Thánh Thể không miễn trừ cho chúng ta một hành động cá nhân tiến đến sự giao hòa với Thiên Chúa.

Để sống tràn đầy bí tích Thánh Thể, Giáo Hội yêu cầu các Kitô hữu nên xưng tội thường xuyên, sự chân thành của tâm hồn còn làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn.

* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 58. Thưa Cha, có phải xưng tội trước khi chết không?