PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY9/3/2014
Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người. (Mt 4,2-3)
* Suy niệm: Quyền lực, danh vọng, lạc thú là những cám dỗ có sức mạnh kỳ diệu từ ngàn đời. Ma quỷ cũng không dùng kế sách nào mới để cám dỗ, chúng áp dụng chiêu thức “bổn cũ soạn lại” để hòng đánh bai Chúa Giêsu vì biết rằng đó là trận đồ trải qua bao đời khó ai thắng nổi, dù là những anh hùng hào kiệt hay bậc vĩ nhân xuất chúng. Thế nhưng chúng không ngờ, Chúa Giêsu đã chiến thắng. Bí quyết chiến thắng của Ngài là sống tâm tình con thảo với Chúa Cha và đem Lời Thiên Chúa ra để chiến đấu. Tâm tình con thảo với Chúa Cha giúp Ngài luôn tìm mọi phương cách đẹp lòng Cha; Lời Thiên Chúa củng cố cho tâm tình con thảo ấy. Không có Lời Chúa, con người sẽ rất lúng túng và hoang mang khi phải đương đầu với những thử thách như thế.
Kinh nghiệm chiến đấu và chiến thắng trên đây của Chúa Giêsu giúp ta nhận thức rõ giá trị của việc Phúc Âm hóa trong đời sống Kitô hữu. Một khi cuộc sống đã thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, ta sẽ biết ứng xử và tránh được những cám dỗ chết người như Chúa của mình. (5phutloichua.net)
PHỤNG VỤ TRONG TUẦN
09.3 : Chúa Nhật I MÙA CHAY – Mt 4,1-11
10.3 : Thứ hai. Mt 25,31-46
11.3 : Thứ ba. Mt 6,7-15. Thánh Đa-minh Cẩm, Linh mục, tử đạo 1859.
12.3 : Thứ tư. Lc 11,29-32.
13.3 : Thứ năm. Mt 7,7-12. Kỷ niệm một năm ngày Đức Phan-xi-cô đắc cử Giáo Hoàng 2013.
14.3 : Thứ sáu. Mt 5,20-26
15.3 : Thứ bảy. Mt 5,43-48
16.3 : Chúa Nhật II MÙA CHAY – Mt 17,1-9
HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY
* Vatican. Đức Thánh Cha chủ sự lễ tro. Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, có từ thế kỷ thứ V, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế với các Hồng Y và Giám Mục, trước sự tham dự của linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân. Trong bài giảng, ĐTC mời gọi mọi người hãy cởi mở với Thiên Chúa và anh chị em: ”Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng giả tạo, trong một nền văn hóa quan tâm tới ”hành động”, tới những gì là ”hữu dụng” trong đó vô tình chúng ta loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi chân trời của chúng ta. Mùa chay kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức, hãy nhớ rằng chúng ta là thụ tạo, chứ không phải là Thiên Chúa”.
Trong nghi thức bỏ tro sau bài giảng, ĐHY Jozef Tomko, người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh nữ Sabina, đã bỏ tro trên đầu ĐTC, trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng Y và một số tín hữu, trong khi 12 LM Đa Minh và Biển Đức bỏ tro trên đầu các tín hữu hiện diện. (vietcatholic.org)
* Vatican. ĐTC kêu gọi đối thọai giải quyết khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Các hãng thông tấn quốc tế hôm 2/3 đều đưa tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới hãy cùng đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.
Ngỏ lời với hàng ngàn người tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 2 tháng 3 năm 2014, Đức Thánh Cha nói “ Với Ukraine, tôi khẩn thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy ủng hộ mọi sáng kiến đối thoại và hòa hiệp.” Ngài cũng kêu gọi mọi thành phần trong xã hội Ukraine hãy cùng nhau vượt qua mọi hiểu lầm và cùng nhau xây dựng tương lai cho Ukraine. (vietcatholic.org)
* Vatican. Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Hội Đồng đại kết các Giáo hội Kitô. Trong buổi tiếp kiến phái đoàn Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô sáng 7-3-2014, ĐTC đề cao tầm quan trọng của các hoạt động đại kết và kêu gọi đẩy mạnh các hoạt động cộng tác giữa các tín hữu Kitô.
Hội đồng đại kết được thành lập năm 1948 tại Hòa Lan và hiện có trụ sở ở Genève, Thụy Sĩ, qui tụ 349 Giáo Hội Kitô không Công Giáo với khoảng 500 triệu tín hữu trên thế giới. Giáo Hội Công Giáo không phải là thành viên, nhưng từ lâu vẫn cộng tác với Hội đồng đại kết. Phái đoàn Hội đồng Đại kết do Mục Sư Tổng thư ký Olav Fykse Tveit, thuộc Giáo Hội Tin Lành Luther Na Uy, hướng dẫn.
Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC cám ơn Hội đồng đại kết vì sự phục vụ chính nghĩa hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô, đồng thời ngài kêu gọi không nên chấp nhận sự chia rẽ giữa các Kitô hữu như một yếu tố không thể tránh được trong kinh nghiệm lịch sử của Giáo Hội. ĐTC nói: ”Nếu các tín hữu Kitô cố tình không biết đến lời kêu gọi hiệp nhất mà Chúa gửi đến cho họ, thì họ có nguy cơ cố tình không biết chính Chúa và ơn cứu độ do Chúa cống hiến qua thân mình của Ngài là Giáo Hội: ‘Không có ơn cứu độ nơi danh nào khác; thực vậy không có danh nào khác được ban cho nhân loạii để nhờ đó chúng ta được cứu độ” (Cv 4,12). (vietvatican.net)
* Việt Nam. Hội ngộ Truyền thông CGVN 2014. Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội thuộc HĐGMVN tổ chức Hội Ngộ Truyền Thông 2014, vào ngày 25-27/2, tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn. Tham dự Hội Ngộ thường niên, có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm- nguyên Chủ Tịch Ủy Ban Mục Vụ Truyền Thông, Đức Cha Giuse Nguyễn Tấn Tước – tân Chủ Tịch Ủy Ban Mục Vụ Truyền Thông, Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài – Radio Veritas, Lm Giuse Vũ Hữu Hiền -Tổng Thư Ký UBTTXH, đại biểu ban truyền thông của 26 giáo phận, các chuyên viên phụ trách web hdgmvietnam.org và tạp chí Hiệp thông, đại biểu của một số Dòng Tu và khách mời.
Hội Ngộ Truyền Thông năm nay thật vinh dự được đón tiếp Đức TGM Leopoldo Girelli, ĐHY GB Phạm Minh Mẫn, Đức TGM Phó Phaolô Bùi Văn Đọc và lắng nghe giáo huấn của các vị chủ chăn. (vietcatholic.org)
* Việt Nam. Giáo phận Đà Nẵng khai mạc Mùa Chay Thánh bằng cuộc hành hương về Núi Sọ, thuộc Giáo xứ An Ngãi. Ngày 05/3/2014, đông đảo giáo dân từ khắp các giáo xứ thuộc Giáo phận đã đổ về An Ngãi để tham dự nghi thức ngắm Đàng Thánh Giá và Thánh Lễ khai mạc Mùa Chay Thánh với nghi thức xức tro bày tỏ lòng sám hối.
Được biết, Đàng Thánh Giá Núi Sọ thành hình từ năm 1964. Năm 1980, phần khán đài được xây dựng thêm. Từ Năm Thánh 2000, Núi Sọ An Ngãi chính thức trở thành điểm hành hương của Giáo phận, với cuộc hành hương hằng năm vào ngày Thứ Tư Lễ Tro.
Đúng 7 giờ 30, khai mạc nghi thức Đàng Thánh Giá, chủ đề Năm Tân Phúc Âm Hóa Gia Đình được suy niệm và cầu nguyện suốt 14 chặng Đàng Thánh Giá, và được kéo dài trong 2 tiếng. Tiếp sau đó, Đức Giám mục Giáo phận chủ sự Thánh Lễ đồng tế với các linh mục. Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, Đức Giám mục làm phép Thánh Giá và tượng Chúa Giêsu cầu nguyện vừa được hoàn thành.
Trong Thành Lễ có nghi thức làm phép và xức tro bày tỏ lòng sám hối. Kết Lễ, Đức Giám mục Giáo phận cám ơn Cha xứ và Cộng đoàn giáo dân An Ngãi đã nỗ lực tôn tạo khu hành hương Núi Sọ mỗi ngày thêm khang trang, cũng như tổ chức tốt đẹp buổi lễ sáng nay. Ngài cũng cám ơn mọi người hiện diện, và cầu chúc tất cả một Mùa Chay thánh thiện. (giaophandanang.org)
* Chính Tòa: Thông báo Số 10 /TB/GXCT/2014
1.Vào lúc 19g30, tối Chúa Nhật 09/3, mời cộng đoàn Giáo họ Đaminh Cẩm tham dự buổi tĩnh tâm để chuẩn bị mừng Lễ Bổn Mạng của Giáo họ mình. Lễ kinh Thánh Đaminh Cẩm được cử hành trọng thể vào lúc 5g00 sáng thứ hai 10/3, xin cộng đoàn hiệp thông cầu nguyện.
2. Từ chiều thứ hai, 10/3 đến chiều thứ sáu, 14/3 tuần này, linh mục đoàn giáo phận tĩnh tâm năm tại Trung Tâm Mục Vụ. Xin anh chị em hiệp ý cầu nguyện, cho nên từ thứ hai đến thứ năm chỉ có lễ sáng không có lễ chiều những ngày đó, xin cộng đoàn đi dự lễ sáng.
3. Tối thứ năm, 13/3 (thay vì thứ sáu) vào lúc 19g30 xin mời cộng đoàn tham dự đàng thánh giá để cầu nguyện cho các linh mục.
GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 15
56. Thiên Chúa tạo dựng những gì?
Thiên Chúa tạo dựng trời và đất, muôn vật hữu hình và vô hình.
57. Muôn vật hữu hình là gì?
Muôn vật hữu hình là tất cả các thụ tạo mà chúng ta thấy được, trong đó cao trọng nhất là con người.
58. Muôn vật vô hình là gì?
Muôn vật vô hình là loài thiêng liêng, được dựng nên để phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ loài người. Đó là các Thiên Thần.
59. Thiên Chúa muốn các thụ tạo liên hệ với nhau thế nào?
Thiên Chúa muốn các thụ tạo lệ thuộc lẫn nhau và tuân theo trật tự của mình.
60. Công trình tạo dựng liên hệ với công trình cứu chuộc thế nào?
Công trình tạo dựng đạt tới tột đỉnh trong công trình cứu chuộc và là khởi điểm cho cuộc tạo dựng mới.
HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO
GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN
45. Thưa Cha, sứ mệnh của thầy phó tế là gì và trong Giáo Hội, thầy có thể ban những phép bí tích nào?
Chức Phó tế là một chức vụ được trao ban. Không đi sâu vào chi tiết, tôi có thể lập lại với bạn rằng phép truyền chức thánh trao ban ba chức vụ là Giám mục, chức Linh mục và chức Phó tế.
Thầy phó tế gắn bó với Giám Mục của mình. Thầy nhận từ tay Giám Mục bài sai cho một sứ mệnh giữa giáo dân. Chức phó tế được hiểu như một sứ mệnh phục vụ (phụng vụ, giảng trong thánh lễ, giáo lý, hoạt động từ thiện). Thầy phó tế vẫn thường ở lại trong môi trường nghề nghiệp của mình. Thầy không được cử hành bí tích Thánh Thể, nhưng thầy có thể giảng giải phúc âm, cử hành bí tích rửa tội, chủ sự lễ nghi hôn phối và nghi lễ an táng, mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân.
Chức vụ phó tế hiện hữu ngay từ buổi đầu lịch sử Giáo Hội, nhưng đã dần mất tầm quan trọng của mình để chỉ còn là bước cuối cùng trước chức linh mục. Hiện nay, dù vẫn còn tồn tại thói quen truyền chức phó tế cho người sẽ trở thành linh mục, chức phó tế đã tìm lại được từ công đồng Vatican II vai trò của mình là một chức vụ đặc biệt.
Ngày nay, chức phó tế vĩnh viễn đang trên đà tiến triển rất mạnh. Thầy phó tế vĩnh viễn thường là những người có gia đình và có nghề nghiệp hẳn hoi. Ở Pháp năm 1975, có 33 thầy; năm 1980, có 100 thầy; đầu năm 1989, có 488, và năm 1993, có hơn 800 thầy.
* Tuần đến, xin mời suy nghĩ trước: 46. Người ta thường nói đến chức phó tế vĩnh viễn. Có phải chức vụ này chỉ dành riêng cho nam giới? Nếu đúng thế, thì tại sao phụ nữ không được dự vào chức vụ này, thưa Cha?