BẢN TIN 212

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

   CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN16/02/2014

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (Mt 5,17)

* Suy niệm: Người Pharisêu và các kinh sư thường kết án Chúa Giêsu phá bỏ Luật Môsê, đặc biệt luật giữ ngày sa-bát. Tin Mừng theo thánh Mátthêu được viết cho các cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái để chứng minh cho họ biết Chúa Giêsu không đến để “bãi bỏ lề luật,” nhưng để làm trọn lời các ngôn sứ đã tiên báo. Ngài đã nặng lời gọi các kinh sư và người Pharisêu là những người giả hình, giữ luật vụ hình thức, coi việc tuân thủ những lề luật chi li như là tiêu chuẩn đánh giá sự thánh thiện của mình. Và họ tự hào về “thành tích” đó trong khi lòng họ thì xa Chúa! Chúa Giêsu cho biết việc tuân giữ Lề Luật hệ tại tấm lòng, rằng cốt lõi của Mười Điều Răn là tình yêu, là mến Chúa và yêu tha nhân. Những ai giữ Luật Chúa như vậy, không còn giữ luật như những người nô lệ; trái lại, họ sống như những người con cái tự do của Thiên Chúa.

Nhiều người lầm tưởng Chúa đến bãi bỏ Lề Luật và những người theo Chúa không cần giữ luật lệ. Không phải thế. Chúa dạy chúng ta muốn vào Nước Trời phải “công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu” (Mt 5,20) nghĩa là chẳng những giữ trọn từ “một chấm, một phết” của Lề Luật (Mt 5,18), và còn giữ với cả tấm lòng yêu mến Chúa. Bạn đang giữ luật với tinh thần nào? (5phutloichua.net)

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

16.02   : Chúa Nhật 6 THƯỜNG NIÊN

17.02   :  Thứ hai. Bảy thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Trinh nữ Maria.

18.02   :  Thứ ba.

19.02   :  Thứ tư.

20.02   :  Thứ năm.

21.02   :  Thứ sáu. Thánh Phê-rô Đa-mi-a-nô, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

22.02   : Thứ bảy. LẬP TÔNG TỒ THÁNH PHÊ-RÔ. Lễ kính.

23.02   : Chúa Nhật 7 THƯỜNG NIÊN

 

   HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Ngày Tình yêu Valentine 2014: Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các bạn trẻ sắp kết hôn. Chiều ngày lễ Tình yêu Valentine 14-02, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ ba mươi ngàn bạn trẻ Công giáo sắp kết hôn, tề tựu tại quảng trường Thánh Phêrô, theo lời mời của Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình. Sắp bước vào cuộc sống hôn nhân, các bạn trẻ mong muốn tìm hiểu thêm về ơn gọi hôn nhân của mình qua đề tài được gợi ý: Người ta không kết hôn sau khi mọi chuyện đã được giải quyết, nhưng là để cùng nhau giải quyết mọi vấn đề. Lời cam kết trọn đời chung thủy phải mở ra một cuộc sống tràn đầy niềm vui và hướng đến tương lai hy vọng. Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Hôn nhân không phải là chuyện thế gian mà là một lễ mừng đích thực của người Kitô hữu. Tiệc cưới Cana là kiểu mẫu của hôn lễ chính thức hóa cuộc hôn nhân của các con nhờ có Chúa hiện diện và ban ơn. Việc kết hôn của các con nên đơn giản, toát lên được ý nghĩa cốt yếu. Trong lễ cưới việc trang hoàng là điều cần thiết nhưng phải cho thấy điều mang lại niềm vui sâu xa của các con là được Chúa chúc lành cho tình yêu của mình”. (hdgmvietnam.org)

* Vatican. Nhìn lại một năm Đức Bênêđictô từ nhiệm. Cách đây một năm, Đức Bênêđictô tặng Giáo hội một món quà quan trọng. Ngài ban tặng qua lời tuyên bố ngắn gọn, bằng tiếng Latinh trong căn phòng có nhiều vị hồng y hoài nghi. Việc ngài từ nhiệm là một hành động khiêm tốn, đưa ngôi giáo hoàng vào thời hiện đại, và để lại cho các giáo hoàng sau này quyền tự do rất lớn.

Trên thực tế, Đức Bênêđictô nói làm giáo hoàng ngày nay, để cai quản và truyền giáo, đòi hỏi rất nhiều sức lực. Cách đây một thế kỷ, có thể giáo hoàng ngồi sau bức tường để điều khiển, hạn chế gặp gỡ và hiếm xuất hiện trước công chúng. Nhưng ngày nay thì khác. Mọi thứ đã thay đổi.

Đây là điều thật sự đáng chú ý nơi thông báo của Đức Bênêđictô. Vị giáo hoàng có tư tưởng truyền thống này nói với chúng ta rằng giáo hoàng phải thích ứng với nhu cầu của thời hiện đại.

Qua vài dòng như thế, Đức Bênêđictô còn nhắc nhớ người Công giáo rằng chức giáo hoàng không phải là một loại chức vụ thiêng liêng. Chức giáo hoàng là một chức vụ có thể và đôi khi nên được từ bỏ. Và uy quyền của giáo hoàng nằm nơi chức vụ đó, không phải nơi con người từng giữ chức vụ đó.

Và với ý nghĩa này, hàng ngày Đức Bênêđictô tiếp tục sống trong thinh lặng và ẩn dật vì một vị giáo hoàng nghỉ hưu rất quan trọng. Ngài vẫn đang tiếp tục viết lịch sử. Và ngài đang để lại cho các vị kế nhiệm mình quyền tự do rất lớn. Không chỉ quyền tự do từ nhiệm, mà còn quyền tự do về những gì một cựu giáo hoàng có thể và không thể làm.

Xin lưu ý Đức Bênêđictô không viết bài miêu tả công việc dành cho giáo hoàng nghỉ hưu. Ngài chọn sống trong môi trường đan viện tại Vatican, tại đây ngài tránh các cuộc xuất hiện trước công chúng và đưa ra công bố. Nhưng ngài không đề ra bất kỳ quy định hay hướng dẫn nào cho tương lai. Điều đó chứng tỏ một sự tin tưởng sâu sắc nơi Giáo hội và những người sẽ ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô trong những năm sắp tới. (ucanews.com)

* Vatican. Đức Thánh Cha cổ võ sự cộng tác giữa Do thái và Công Giáo. Sáng 13-2-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến phái đoàn Ủy ban Do thái Hoa kỳ gồm 55 người, và ngài cổ võ sự cộng tác giữa Công Giáo và Do thái trong xã hoạt động từ thiện và xã hội.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC cám ơn Ủy ban Do thái Hoa Kỳ (American Jewish Committee) trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào việc đối thoại và tình huynh đệ giữa các tín hữu Do thái và Kitô. Ngài nhắc đến sự kiện năm 2015 tới đây là kỷ niệm 50 năm tuyên ngôn Nostra Aetate của Công đồng chung Vatican 2 về tương quan giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác trong đó có Do thái giáo.

ĐTC nói: ”Từ văn kiện này đã có sự phát triển mạnh mẽ suy tư về gia sản chung liên kết các tín hữu Kitô và Do thái, đồng thời tạo nên một nền tảng cho sự đối thoại giữa hai bên. Nền tảng này có tính chất thần học, chứ không phải chỉ biểu lộ ước muốn của chúng ta tôn trọng và quí chuộc nhau mà thôi. Vì thế điều quan trọng là sự đối thoại của chúng ta luôn được ghi dấu sâu đậm nhờ ý thức về quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa”.

ĐTC nói thêm rằng: “bên cạnh sự đối thoại, điều quan trọng là nêu bật sự kiện các tín hữu Do thái và Kitô có thể cùng nhau hoạt động để kiến tạo một thế giới tốt đẹp và huynh đệ hơn. Về vấn đề này, tôi muốn đặc biệt nhắc nhớ sự phục vụ chung dành cho ngừơi nghèo, những người ở ngoài lề xã hội, những người đau khổ. Sự dấn thân chung này ăn rễ sâu nơi giáo huấn của Kinh Thánh về việc bảo vệ người nghèo, góa phụ, cô nhi và ngoại kiều (Xc Xh 20,20-22). Đó là một công tác được Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta, phán ánh thánh ý và sự công chính của Chúa”.

Sau cùng, ĐTC cổ võ sự thông truyền cho các thế hệ trẻ gia sản sự hiểu biết, lòng quí chuộng và tình thân hữu giữa các tín hữu Kitô và Do thái đối với nhau, được xây dựng trong nhiều năm qua. Ngài nói: ”Tôi cầu mong đề tài quan hệ với Do thái giáo tiếp tục được giữ cho sinh động trong các chủng viện và các chung tấm huấn luyện giáo dân Công Giáo, cũng như tôi tin rằng trong các cộng đồng Do thái và nơi các Rabbi trẻ của Do thái cũng gia tăng sự quan tâm đối với Kitô giáo”. (vietcatholic.org)

* Hàn Quốc. Chuẩn y án phong thánh tử đạo. Đức Giáo Hoàng đã chuẩn y án phong thánh cho hơn một trăm giáo dân Công giáo bị bách hại vì đức tin, cùng với một giám mục, một nữ tu và hai linh mục.

Sắc lệnh ngày 7-2, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho phép Thánh Bộ Phong Thánh ban hành án phong thánh cho các tín hữu Công giáo này theo tiến trình phong thánh.

Sắc lệnh hôm thứ Sáu cũng tôn phong “nhân đức anh hùng” của ba người khác đã chết trong thế kỷ qua: Jesus Maria Echavarría y Aguirre, Giám Mục Saltillo, Mexico, đấng sáng lập Dòng Nữ Tử Giáo Lý Viên Guadalupe, qua đời năm 1954; Cha Faustino Ghilardi, dòng Anh Em Hèn Mọn, qua đời năm 1937; và Sơ Maria Rico, hội dòng Nữ Tu Tình Yêu Thiên Chúa, qua đời năm 1956. (ucanews.com)

* Hàn Quốc. Đại hội giới trẻ châu Á lần thứ sáu. Từ ngày 10 đến ngày 17 tháng Tám 2014 sẽ diễn ra Đại hội Giới trẻ châu Á (Asian Youth Day – AYD) lần thứ sáu tại Hàn Quốc, do Văn phòng Giáo dân và Gia đình của Liên Hội đồng Giám mục Á châu tổ chức với chủ đề: “Hỡi Bạn trẻ châu Á, hãy thức tỉnh! Vinh quang của các thánh tử đạo toả sáng trên bạn”, dựa trên câu Kinh Thánh “Nếu chúng ta cùng chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ được sống với Người” (Rm 6,8).

Các mục tiêu chính của Đại hội lần thứ sáu là:

– Nhớ lại nguồn cội đức tin của chúng ta.

– Tái khám phá đức tin.

– Cùng nhau tiến bước trong thế giới hôm nay như những chứng nhân, với Chúa Giêsu và các thánh tử đạo. (hdgmvietnam.org)

* Chính Tòa: thông tin – thông báo

1. Thứ hai, 17/02 đến thứ bảy, 22/02 giáo họ Giuse Khang phụ trách trực phụng vụ.

2. Thứ năm, 20/02 giáo xứ Chầu Thánh Thể, Hội Thăng Tiến Hôn Nhân phụ trách.

 

   GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 12

44. Ba Ngôi hiệp nhất với nhau thế nào?

Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể và một uy quyền như nhau, nên chỉ là một Thiên Chúa duy nhất mà thôi.

45. Ba Ngôi hoạt động thế nào?

Ba Ngôi có cùng một hoạt động duy nhất, nhưng mỗi Ngôi biểu lộ nét riêng biệt: Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa.

46. Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi để làm gì?

Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, để mời gọi chúng ta thông phần vào sự sống của chính Ba Ngôi Thiên Chúa, đồng thời góp phần làm cho gia đình, dân tộc và Hội Thánh thành cộng đoàn hiệp thông theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO

GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN

42. Thưa cha, tại Pháp, các linh mục có được Nhà Nước đài thọ không?

Từ khi có sự phân biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước, các linh mục không còn được Nhà Nước trả lương nữa. Vào tháng 12 năm 1905, chính quyền Combes cho biểu quyết một đạo luật theo đó, Chính Thể Cộng Hòa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, nhưng “không trả lương, không trợ cấp bất cứ tôn giáo nào”. Ngân sách dành cho các tôn giáo bị bãi bỏ, và các tín hữu phải đảm trách việc đài thọ các linh mục. Từ đó, các linh mục Pháp sống nhờ vào lòng hảo tâm của các tín hữu.

Nhưng hai trường hợp ngoại lệ: hai giáo phận Strasbourg và Metz vẫn còn dưới chế độ Hòa Ước và các linh mục được Nhà Nước đài thọ. Biệt lệ này có những lý do lịch sử: vùng Alsace-Lorraine được giao cho Đức Quốc Xã năm 1905, vùng Alsace-Lorraine vẫn giữ chế độ Hòa Ước.  (Còn tiếp)