BẢN TIN 211

 

   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

   CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN09/02/2014

“Chính anh em là muối cho đời… Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.” (Mt 5,13.14)

* Suy niệm: Hình ảnh và tác dụng của muối và ánh sáng trong Tin Mừng hôm nay thật thích hợp để chúng ta suy nghĩ về việc Tân Phúc Âm hóa trong gia đình. Nếu muối có mục đích ướp cho đồ ăn khỏi bị hư hoại và làm cho khẩu vị thêm đậm đà thì “Muối-Tin Mừng” cũng thế. Ai không có Lời Chúa hướng dẫn cuộc sống sẽ dần xa Thiên Chúa, đức tin sẽ yếu kém, cũng như không thể lan tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho cuộc đời. Ánh sáng nhằm để soi đường và nếu cuộc sống Kitô hữu không có “Ánh sáng-Lời Chúa” soi dẫn, cuộc sống sẽ đi vào chỗ tối tăm. Một khi chưa quan tâm đến “Ánh sáng-Lời Chúa,” người Kitô hữu không thể nào Phúc âm hóa chính bản thân, gia đình và thế giới này được.

Ánh sáng và muối của các Kitô hữu không tự mình mà có, nhưng được đón nhận và tỏa ra do sự hiện diện của Chúa Kitô trong tâm hồn mình. Gần “mực” thói đời thế gian,  tâm hồn bạn ra đen tối, xấu xí. Trái lại, gần “đèn” Giêsu, chắc chắn bạn sẽ sáng rạng ngời tinh thần yêu thương, dấn thân, liên đới,… của Tin Mừng. (5phutloichua.net)

 

  PHỤNG VỤ TRONG TUN

09.02   : Chúa Nhật 5 THƯỜNG NIÊN

10.02   :  Thứ hai. Thánh Cô-lát-ti-ca, trinh nữ. Lễ nhớ.

11.02   :  Thứ ba. Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc tế Bệnh nhân.

12.02   :  Thứ tư.

13.02   :  Thứ năm. Thánh Phaolô Lê Văn Lộc, Linh mục, tử đạo 1859.Thánh Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng, Linh mục, tử đạo 1856.

14.02   :  Thứ sáu. Thánh Xy-ri-lô, đan sĩ và Thánh Mê-tô-đi-ô, Giám mục. Lễ nhớ.

15.02   : Thứ bảy.

16.02   : Chúa Nhật 6 THƯỜNG NIÊN

 

   HỘI THÁNH ĐÓ ĐÂY

* Vatican. Tòa Thánh phê bình Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em. Tòa Thánh ngạc nhiên về những nhận xét kết luận của Ủy ban LHQ về các quyền trẻ em, được công bố hôm 5-2-2014 tại Genève, trong đó Ủy ban mạnh mẽ cáo buộc Tòa Thánh về vấn đề giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Cơ quan này của LHQ quả quyết rằng Tòa Thánh tiếp tục vi phạm Hiệp ước về các quyền trẻ em, đồng thời cũng phê bình Vatican về lập trường liên quan đến đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai.

Trong bản những nhận xét kết thúc Ủy ban về các quyền trẻ em đòi Tòa Thánh phải cách chức ngay các giáo sĩ bị tố cáo lạm dụng tính dục trẻ em và giao nạp họ cho nhà chức trách dân sự.

Ủy ban gồm 18 chuyên gia cũng yêu cầu Tòa Thánh phải mở văn khố, công bố các văn kiện tài liệu về những giáo sĩ bị cáo đã phạm tội lạm dụng tính dục, và cho rằng cho đến nay Tòa Thánh đã che đậy những tội ác này, khiến cho các thủ phạm tiếp tục phạm tội mà không bị trừng phạt.

Trong buổi điều trần ngày 16-1-2014 tại Genève, Đại diện Tòa Thánh cho biết vấn đề xử lý các giáo sĩ phạm tội về phương diện hình luật thuộc thẩm quyền của nhà chức trách tư pháp của mỗi quốc gia nơi đương sự cư ngụ hoặc là công dân, với sự cộng tác của giáo quyền địa phương.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên Sergio Centofanti của Đài Vatican, cùng ngày 5-2-2014, Đức TGM Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ ở Genève, đã bác bỏ những lời cáo buộc đó và nói rằng: Ủy ban Hiệp ước về các quyền của con người đã chính thức công bố hôm nay (5-2-2013) các kết luận và đề nghị với các nước được cứu xét trong khóa họp thứ 65 và gồm có Congo, Đức, Tòa Thánh, Bồ đào nha, Liên bang Nga và Yemen. Ấn tượng đầu tiên của tôi là: cần phải đợi, đọc kỹ lưỡng và phân tích chi tiết những gì các thành viên (18) Ủy ban này đã viết. Nhưng phản ứng đầu tiên của tôi là ngạc nhiên, vì khía cạnh tiêu cực của văn kiện mà nó gây ra. Dường như những kết luận trong văn kiện này đã được chuẩn bị trước khi có cuộc gặp gỡ giữa Ủy ban và phái đoàn Tòa Thánh (ngày 16-1-2014 tại Genève). Phái đoàn đã trình bày các câu trả lời chi tiết rõ ràng về nhiều điểm, và tiếc là những câu trả lời đó đã không được ghi lại trong Văn kiện kết thúc này, hoặc ít là dường như các câu trả lời của phái đoàn Tòa Thánh đã không được cứu xét nghiêm túc. Thực tế là văn kiện kết thúc có vẻ như hầu như không được cập nhật gì, không đề ý gì đến những điều đã được thực hiện trong những năm gần đây trên bình diện Tòa Thánh, với những biện pháp được thẩm quyền của Quốc gia thành Vatican trực tiếp đề ra, và tại các nước khác nhau do các HĐGM đưa ra. Vì thế, tài liệu kết luận của Ủy ban LHQ thiếu một viễn tượng đúng đắn và không được cập nhật. Thực tế là đã có một loạt những thay đổi về phía Công Giáo để bảo vệ các trẻ em, mà tôi thấy khó tìm được ở cùng một mức độ dấn thân trong các tổ chức hoặc trong các nước khác. Đây là một sự kiện hiển nhiên không thể xuyên tạc được!

Trong thông cáo công bố sáng ngày 5-2-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh cũng lấy làm tiếc vì Ủy ban LHQ về các quyền của trẻ em toan tính can thiệp vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phẩm giá con người và trong việc thi hành tự do tôn giáo: “Vào cuối khóa họp thứ 65, Ủy ban về các quyền trẻ em đã công bố những nhận xét kết thúc về việc cứu xét các phúc trình của Tòa Thánh và 5 quốc gia đã ký kết Hiệp ước về các quyền trẻ em là Congo, Đức, Bồ đào nha, Liên bang Nga và Yemen.

Theo những thủ tục dự kiến dành cho các nước ký Hiệp Ước, Tòa Thánh ghi nhận những nhận xét kết luận về các bản phúc trình của mình, các nhận xét đó sẽ được cứu xét và nghiên cứu kỹ lưỡng trong sự tôn trọng hoàn toàn Hiệp Ước trong các lãnh vực khác nhau được Ủy ban trình bày, chiếu theo công pháp và thực hành quốc tế cũng như để ý đến cuộc thảo luận trao đổi với Ủy ban ngày 16-1 vừa qua. Tuy nhiên, Tòa Thánh lấy làm tiếc vì thấy trong một số điểm của những quan sát kết thúc có một toan tính can thiệp vào giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phẩm giá con người và trong việc thực thi tự do tôn giáo. Bản nhận xét của Ủy ban đã phê bình giáo huấn Công Giáo về đồng tính luyến ái, ngừa thai và phá thai.

Tòa Thánh tái khẳng định quyết tâm bênh vực và bảo vệ các quyền của trẻ em, phù hợp với các nguyên tắc được Hiệp ước về các quyền trẻ em thăng tiến, và theo các giá trị luân lý và tôn giáo được đạo lý Công Giáo.” (vietcatholic.org)

* Vatican. “Ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn” lần thứ 100. Chúa Nhật 19-1-2014 là ”Ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn” lần thứ 100. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ anh chị em di cư tị nạn đừng mất niềm hy vọng nơi một thế giới tốt lành hơn, và ngài cũng cám ơn những ai bảo vệ họ khỏi các ”kẻ buôn thịt người”. (vietcatholic.org)

* London. Nữ hoàng Elizabeth II của Anh Quốc sẽ gặp ĐGH Phanxicô. AFP trích dẫn nguồn tin của hoàng gia Anh quốc cho biết Nữ Hoàng Elizabeth II sẽ đi Rome gặp ĐGH Phanxicô vào đầu tháng 4 năm 2014.

Cùng đi với Nữ Hoàng có Huân Tước Philip là phu quân của Nữ Hoàng. Hai vị sẽ hội kiến với ĐGH sau khi dùng cơm trưa với Tổng Thống Ý Giorgio Napolitano.

Đây là lần đầu tiên Nữ Hoàng Elizabeth II- vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Anh Quốc – gặp ĐGH Phanxicô là vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Công Giáo La Mã. (vietcatholic.org)

 

* Chính Tòa: thông tin – thông báo

1. Chúa nhật, 09/02 sau lễ thiếu nhi có rửa tội cho các em nhỏ.

2. Thứ năm, 13/02/14, giáo họ Phao Lô lộc phụ trách Chầu Thánh Thể và tĩnh tâm.

3. Lễ kính thánh Phaolô Lê Văn Lộc được cử hành trọng thể vào lúc 5g00 sáng thứ sáu, 14/02, bổn mạng Giáo Họ Phaolô Lê Văn Lộc. Xin cộng đoàn sốt sắng tham dự và hiệp thông cầu nguyện.

4. Thứ hai 10/02 đến thứ bảy 15/02 giáo họ Anrê Trông trực phụng vụ.

 

   GIÁO LÝ CỘNG ĐỒNG TUẦN 11

41. Nhờ đâu chúng ta biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

Nhờ Chúa Giêsu mạc khải mà chúng ta biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Mt 28,19).

42. Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết Chúa Cha là Đấng nào?

Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết Chúa Cha là Đấng dựng nên vũ trụ và con người, nhưng trên hết, Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con từ thuở đời đời.

43. Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết Chúa Thánh Thần là Đấng nào?

Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba, là tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, và là Đấng hướng dẫn Hội Thánh đến chân lý vẹn toàn.

 

   HỌC HỎI – SỐNG ĐẠO

GIẢI ĐÁP 100 VẤN NẠN VỀ ĐỨC TIN

41. Từ trong giáo xứ, các linh mục có nhiều nguồn thu nhập như: quà biếu cá nhân, bổng lễ v…v… Vậy có bắt buộc phải có một quỹ chung giữa các linh mục trong cùng một giáo phận không, thưa cha?

 

Không nên nhầm lẫn thu nhập của giáo xứ và thu nhập của linh mục.

Về phần thu nhập của linh mục, có thể có hai trường hợp. Hoặc ngài giữ lai cho mình một phần thu nhập của địa phương, nếu xét thấy thu nhập mà ngài nhận từ giáo phận không đủ đáp ứng mức sinh hoạt hằng tháng do giáo phận ấn định. Đây là trường hợp bổ túc. Trong trường hợp ngược lại, linh mục được khuyến khích đóng góp vào công quỹ (thuộc giáo xứ hay giáo phận) những quà biếu cho riêng cá nhân mình.

Còn về các bổng lễ, thường thì nhiều giáo xứ có nhiều bổng lễ (ví dụ như các địa điểm hành hương) chia sẻ lại cho những giáo xứ có ít hơn.

Như vậy, có sự chia đều giữa các linh mục trong cùng một địa phận, cũng như giũa các giáo xứ và các giáo phận. Nhưng sự chia đều nầy chỉ bắt buộc các linh mục trong những giáo phận có quy định chung. (Còn tiếp)