Các nhà khảo cổ học và các học giả Thánh Kinh đều chống lại ý tưởng cho rằng khoa khảo cổ minh chứng cho Thánh Kinh. Nhưng những khám phá khảo cổ dưới đây đều cho thấy sự tương hợp của chúng với những điểm liên quan trong Thánh Kinh. Nhà khảo cổ Nelson Glueck tuyên bố một câu bất hủ: “Chưa có một khám phá khảo cổ nào nói ngược với những tham chiếu trong Thánh Kinh.”

10 khám phá khảo cổ hàng đầu được liệt kê ở đây có phần chủ quan. Có thể có những khám phá khác trong năm 2019 có ý nghĩa quan trọng nhưng phải đợi có khi vài năm cho đến khi được công bố trên những ấn phẩm chuyên ngành đã được những chuyên gia trong ngành xem xét.

8. SỪNG BÀN THỜ

“Sừng của bàn thờ”, tên gọi có vẻ lạ lẫm với nhiều người, thực ra là tên gọi góc của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu trong Cựu Ước. Các khám phá khảo cổ học Thánh Kinh trong năm 2019 xác nhận rằng đây không phải là một cách nói mang tính tượng trưng của sách Xuất Hành, mà là mô tả cụ thể bàn thờ được sử dụng trong phụng tự Do Thái thời Cựu Ước.

Theo Thánh kinh, thời ông Giosuê chinh phục Đất Hứa vào khoảng giữa thế kỷ XIII trCN, Hòm Bia Giao Ước đã được đặt cố định ở Shiloh. Do đó, đi theo Hòm Bia là bàn thờ dùng để dâng hy lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa. Shiloh trở thành Đền Thờ của người Do Thái trong hơn 3 thế kỷ cho tới khi Hòm Bia lọt vào tay người Philitinh. Sau khi người Philitinh giao trả Hòm Bia, người Do Thái đặt Hòm Bia tại thành Kiagiát Giơarim (1Sm 6,21; 7,1) cho tới khi được vua Đavít rước về Giêrusalem (1Sb 15,1-3).

Bàn thờ dâng lễ toàn thiêu.

Sách Xuất Hành qui định rất chi tiết về bàn thờ dân lễ toàn thiêu này: bàn thờ phải bằng gỗ keo, cao một thước rưỡi, mặt bàn thờ hình vuông, mỗi bề hai thước rưỡi; đặc biệt có “bốn cái sừng ở bốn góc”, bàn thờ và các sừng ở bốn góc, tất cả phải nguyên khối và được bọc bằng đồng (x. Xh 27,1-2; 38,1-2).  Bốn cái sừng này là bốn góc bàn được làm cong lên tựa hình cái sừng, tượng trưng quyền năng, sức mạnh của Thiên Chúa. Khi sát tế con vật để dâng lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa, các tư tế lấy máu con vật sát tế để bôi lên bốn góc này của bàn thờ (Xh 29,12). Theo luật Do Thái, không được đổ máu người nào tại bàn thờ, cho dù người đó có phạm trọng tội đi nữa (Xh 21,13-14). Trong Sách Các Vua quyển thứ nhất có thuật lại khi vua Đavít về già, hoàng tử Ađônigiahu làm phản tự xưng vương. Vua Đavít liền trao vương quyền cho Salomon. Ađônigiahu thất thế chạy vào đền thờ, “bám chặt lấy góc bàn thờ” nài xin vua Salomon tha tội chết và đã được nhà vua nhậm lời (1V 1,50-53).

Một cái sừng bàn thờ tìm thấy ở Shiloh (Credit: courtesy Associates for Biblical Research)

Vào mùa hè năm 2019, một đoàn khoảng 200 người gồm các nhà khảo cổ và các tình nguyện viên, dưới sự chỉ huy của tiến sĩ Scott Stripling đã tiến hành khai quật tại vị trí thành Shiloh cổ thời, thuộc Khu vực Bờ Tây hiện nay. Đội “Shiloh” của tiến sĩ Stripling, một nhà Thánh kinh khảo cổ học, đến từ 11 đại học trên thế giới, là sinh viên và học giả thuộc nhiều ngành nghiên cứu như sử gia, khoa học gia, học giả Thánh Kinh học… Vào khoảng đầu tháng 08/2019 họ tìm được nhiều hiện vật, trong đó có ba cái sừng, mặc dù là bằng đá – nhờ đó không bị huỷ hoại bởi thời gian – nhưng rất phù hợp với những gì được mô tả trong Sách Xuất Hành và Sách Các Vua. Ngoài ra họ còn tìm thấy nhiều cái vò, có lẽ được dùng để đựng trái cây và các loại hạt mà người Do Thái dâng cúng vào đền thờ.

Việc khám phá ra chiếc sừng bàn thờ này đồng thời cũng khẳng định Shiloh là nơi đầu tiên dân Ítraen cổ thời dùng làm nơi tế tự và thờ phụng, điều mà trước đây còn bị nhiều người đặt trong vòng nghi vấn.

Hoàng Mai

(còn tiếp)

Tham khảo: